1

Cyclosporine dạng viên nang: Chỉ định, liều dùng và tác dụng phụ

Cyclosporine là một loại thuốc ức chế miễn dịch được sử dụng để điều trị bệnh vảy nến và viêm khớp dạng thấp. Loại thuốc này còn được sử dụng sau phẫu thuật ghép tạng.
Cyclosporine dạng viên nang: Chỉ định, liều dùng và tác dụng phụ Cyclosporine dạng viên nang: Chỉ định, liều dùng và tác dụng phụ

Thông tin cơ bản về cyclosporine

  1. Cyclosporine được sử dụng để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp và bệnh vảy nến. Loại thuốc này còn được sử dụng để chống thải ghép sau phẫu thuật ghép tạng.
  2. Cyclosporine có cả phiên bản thuốc gốc và biệt dược. Tên biệt dược là Gengraf, Neoral và Sandimmune. Lưu ý, Neoral và Gengraf (cyclosporine biến đổi) được cơ thể hấp thụ theo cách khác với Sandimmune (cyclosporine không biến đổi), vì vậy không thể sử dụng các loại thuốc này thay thế cho nhau.
  3. Cyclosporine có dạng viên nang, dạng lỏng dùng qua đường uống, thuốc nhỏ mắt và dạng tiêm.

Cyclosporine là gì?

Cyclosporine là một loại thuốc kê đơn có dạng viên nang, dạng lỏng dùng qua đường uống, thuốc nhỏ mắt và dạng tiêm. Người bệnh có thể dùng dạng viên nang, dạng lỏng và thuốc nhỏ mắt tại nhà nhưng dạng tiêm chỉ được sử dụng tại cơ sở y tế.

Cyclosporine có phiên bản biệt dược là Gengraf, Neoral và Sandimmune. Loại thuốc này cũng có cả phiên bản thuốc gốc.

Thuốc gốc thường có giá thấp hơn biệt dược nhưng đôi khi không đa dạng về hàm lượng và dạng bào chế như biệt dược.

Mặc dù cùng chứa hoạt chất cyclosporine nhưng không được sử dụng Neoral hoặc Gengraf thay cho Sandimmune và ngược lại.

Chỉ định

Cyclosporine được sử dụng sau phẫu thuật ghép tạng để ngăn cơ thể đào thải tạng ghép. Loại thuốc này còn được sử dụng cho người bị viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh vảy nến nặng để giảm viêm.

Tuy nhiên, Sandimmune chỉ được sử dụng để ngăn chặn đào thải tạng ghép.

Cơ chế tác dụng

Cyclosporine thuộc nhóm thuốc ức chế miễn dịch (tập hợp các loại thuốc có công dụng và cơ chế tác dụng giống nhau).

Bạch cầu, một phần của hệ thống miễn dịch, có chức năng chống lại các vật thể lạ trong cơ thể, gồm có virus, vi khuẩn và cả các cơ quan được cấy ghép như tim hay thận. Cyclosporine làm suy yếu hệ miễn dịch và ngăn cản bạch cầu tấn công tạng ghép.

Ở người bị viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh vảy nến, cyclosporine ngăn hệ miễn dịch tấn công nhầm các mô khỏe mạnh của cơ thể, nhờ đó làm giảm viêm và các triệu chứng.

Tác dụng phụ của cyclosporin

Cyclosporine có cả tác dụng phụ nhẹ lẫn tác dụng phụ nghiêm trọng. Dưới đây là một số tác dụng phụ phổ biến của cyclosporine.

Ngoài ra, cyclosporin còn có thể gây ra một số tác dụng phụ khác. Người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ để biết thêm thông tin về tác dụng phụ của thuốc.

Cyclosporine không gây buồn ngủ.

Tác dụng phụ phổ biến

Các tác dụng phụ phổ biến của cyclosporine gồm có:

  • Tăng huyết áp
  • Thiếu magiê
  • Cục máu đông trong thận
  • Đau bụng
  • Mọc lông ở những vị trí không mong muốn
  • Nổi mụn
  • Run tay
  • Đau đầu
  • Tăng sản lợi

Nếu những tác dụng phụ này chỉ ở mức độ nhẹ thì thường sẽ tự hết trong vòng vài ngày đến vài tuần. Nhưng nếu các tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc kéo dài thì người bệnh cần báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ.

Tác dụng phụ nghiêm trọng

Báo ngay cho bác sĩ nếu người bệnh gặp tác dụng phụ nghiêm trọng khi sử dụng cyclosporine. Gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế nếu các triệu chứng có vẻ nguy hiểm. Một số tác dụng phụ nghiêm trọng của cyclosporine và các triệu chứng gồm có:

Tổn thương gan. Các triệu chứng gồm có:

  • Tiểu ra máu
  • Nước tiểu sẫm màu
  • Phân nhạt màu
  • Vàng da hoặc lòng trắng mắt
  • Đau ở vùng bụng trên
  • Ăn không ngon miệng
  • Mệt mỏi
  • Ngứa ngáy

Tổn thương thận. Các triệu chứng gồm có:

  • Tiểu ra máu
  • Ít đi tiểu
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Chuột rút
  • Ăn không ngon
  • Sưng phù chân
  • Da khô, ngứa
  • Khó thở
  • Khó ngủ
  • Mệt mỏi

Vấn đề về tim mạch. Các triệu chứng gồm có:

  • Sưng phù bàn chân hoặc cẳng chân
  • Khó thở, hụt hơi
  • Mệt mỏi

Vấn đề về phổi. Các triệu chứng gồm có:

  • Khó thở

Cách sử dụng cyclosporin

Cyclosporin có dạng viên nang để dùng qua đường uống. Người bệnh phải uống thuốc cả viên, không mở viên nang và chỉ uống phần bột thuốc bên trong. Nên uống thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày.

Dạng bào chế, hàm lượng và liều dùng

Cyclosporine có nhiều dạng bào chế khác nhau, gồm dạng viên nang, dạng lỏng, dạng thuốc nhỏ mắt và dạng tiêm. Bài viết này sẽ chỉ tập trung vào cyclosporine dạng viên nang.

Dạng bào chế và hàm lượng

Thuốc gốc: cyclosporine

  • Dạng bào chế: viên nang
  • Hàm lượng: 25 miligam (mg), 50 mg và 100 mg

Biệt dược: Gengraf

  • Dạng bào chế: viên nang
  • Hàm lượng: 25 mg và 100 mg

Biệt dược: Neoral

  • Dạng bào chế: viên nang
  • Hàm lượng: 25 mg và 100 mg

Liều dùng

Liều dùng sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như:

  • Mục đích sử dụng thuốc
  • Mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh
  • Tuổi tác của người bệnh
  • Dạng bào chế
  • Các bệnh lý khác mà người bệnh đang mắc

Thông thường, ban đầu bác sĩ sẽ kê liều thấp và điều chỉnh liều dùng theo thời gian cho đến khi đạt được liều dùng phù hợp nhất.

Dưới đây là liều dùng thường được sử dụng hoặc khuyến nghị nhưng người bệnh cần dùng thuốc đúng liều mà bác sĩ kê. Bác sĩ sẽ xác định liều dùng phù hợp nhất cho mỗi ca bệnh.

Liều dùng để điều trị viêm khớp dạng thấp

Liều dùng cho người lớn (từ 18 tuổi trở lên)

Liều dùng được xác định dựa trên cân nặng.

  • Liều khởi đầu điển hình: 2,5 mg/kg cân nặng mỗi ngày, chia ra uống làm hai lần (mỗi lần 1,25 mg/kg cân nặng).
  • Liều tối đa: 4 mg/kg cân nặng mỗi ngày.
  • Lưu ý, nếu thuốc không có hiệu quả sau 16 tuần sử dụng thì cần đổi loại thuốc khác.

Liều dùng cho trẻ em (từ 0 – 17 tuổi)

Liều dùng cho người dưới 17 tuổi chưa được xác định

Liều dùng để điều trị bệnh vảy nến

Thuốc gốc: cyclosporine

  • Dạng bào chế: viên nang
  • Hàm lượng: 25 mg, 50 mg và 100 mg

Biệt dược: Gengraf

  • Dạng bào chế: viên nang
  • Hàm lượng: 25 mg và 100 mg

Biệt dược: Neoral

  • Dạng bào chế: viên nang
  • Hàm lượng: 25 mg và 100 mg

Liều dùng cho người lớn (từ 18 tuổi trở lên)

Liều dùng được xác định dựa trên cân nặng.

  • Liều khởi đầu điển hình: 2,5 mg/kg cân nặng mỗi ngày, chia ra uống làm hai lần (mỗi lần 1,25 mg/kg cân nặng).
  • Liều tối đa: 4 mg/kg cân nặng mỗi ngày.
  • Lưu ý, nếu thuốc không có hiệu quả sau 16 tuần sử dụng thì cần đổi loại thuốc khác.

Liều dùng cho trẻ em (từ 0 – 17 tuổi)

Liều dùng cho ngừoi dưới 17 tuổi chưa được xác định

Liều dùng để ngăn ngừa thải ghép thận, gan và tim

Thuốc gốc: cyclosporine

  • Dạng bào chế: viên nang
  • Hàm lượng: 25 mg, 50 mg và 100 mg

Biệt dược: Gengraf

  • Dạng bào chế: viên nang
  • Hàm lượng: 25 mg và 100 mg

Biệt dược: Neoral

  • Dạng bào chế: viên nang
  • Hàm lượng: 25 mg và 100 mg

Biệt dược: Sandimmune

  • Dạng bào chế: viên nang
  • Hàm lượng: 25 mg và 100 mg

Liều dùng cho người lớn (từ 18 tuổi trở lên)

Liều dùng tùy thuộc vào cân nặng, cơ quan được cấy ghép và các loại thuốc khác mà người bệnh đang dùng.

  • Neoral, Gengraf và thuốc gốc cyclosporine: Liều dùng thông thường là 7 – 9 mg/kg cân nặng mỗi ngày, chia ra uống làm hai lần.
  • Sandimmune và thuốc gốc cyclosporine:
    • Dùng liều đầu tiên trước ca phẫu thuật ghép tạng 4 – 12 giờ. Liều dùng thường là 15 mg/kg cân nặng. Bác sĩ có thể chỉ định liều dùng 10 – 14 mg/kg cân nặng mỗi ngày.
    • Tiếp tục dùng liều 10 – 14 mg/kg cân nặng trong 1 – 2 tuần sau phẫu thuật. Sau đó giảm 5% mỗi tuần xuống liều duy trì 5 – 10 mg/kg cân nặng mỗi ngày.

Liều dùng cho trẻ em (từ 1 – 17 tuổi)

Liều dùng tùy thuộc vào cân nặng của trẻ, cơ quan được cấy ghép và các loại thuốc khác mà trẻ đang dùng.

  • Neoral, Gengraf và thuốc gốc cyclosporine: Liều ban đầu thông thường là 7 – 9 mg/kg cân nặng mỗi ngày, chia làm hai lần.
  • Sandimmune và thuốc gốc cyclosporine:
    • Dùng liều đầu tiên trước ca phẫu thuật ghép tạng 4 – 12 giờ. Liều dùng thường là 15 mg/kg cân nặng. Bác sĩ có thể chỉ định liều dùng 10 – 14 mg/kg cân nặng mỗi ngày.
    • Tiếp tục dùng liều 10 – 14 mg/kg cân nặng trong 1 – 2 tuần sau phẫu thuật. Sau đó giảm 5% mỗi tuần xuống liều duy trì 5 – 10 mg/kg cân nặng mỗi ngày.

Liều dùng cho trẻ em (0 - 11 tháng tuổi)

Liều dùng cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi chưa được xác định.

Liều dùng trong những trường hợp đặc biệt

  • Liều dùng cho người bị bệnh thận: Cyclosporine có thể gây tổn thương thận. Nếu người bệnh đã có vấn đề về thận, bác sĩ sẽ kê liều cyclosporine thấp hơn.
  • Liều dùng cho người bị bệnh gan: Cyclosporine có thể gây tổn thương gan. Nếu người bệnh đã có vấn đề về gan, bác sĩ sẽ kê liều cyclosporine thấp hơn.

Dùng thuốc theo đúng chỉ định

Bất kể được dùng để điều trị viêm khớp dạng thấp, bệnh vảy nến hay chống thải ghép, cyclosporine cũng đều được sử dụng lâu dài. Người bệnh phải dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Dùng thuốc không theo đúng chỉ định có thể gây ra những vấn đề không mong muốn.

Nếu ngừng dùng thuốc hoặc hoàn toàn không dùng thuốc: Cơ thể sẽ đào thải tạng ghép hoặc tình trạng viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh vảy nến sẽ không được kiểm soát, các triệu chứng sẽ tái phát và ngày càng trở nên nặng hơn.

Nếu dùng thuốc không đều hoặc không uống thuốc đúng giờ hàng ngày: Cơ thể có thể sẽ đào thải tạng ghép, dẫn đẫn các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Hoặc tình trạng viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh vảy nến sẽ không được kiểm soát tốt.

Nếu dùng thuốc quá liều: Nồng độ thuốc trong máu sẽ ở mức quá cao. Các triệu chứng có thể xảy ra khi dùng cyclosporine quá liều gồm có:

  • vàng da hoặc lòng trắng mắt do vấn đề về gan
  • sưng phù cánh tay, bàn tay, bàn chân, mắt cá chân hoặc cẳng chân do vấn đề về thận

Nếu lỡ uống thuốc quá liều, người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ. Nếu xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng, hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất.

Cần làm gì nếu quên uống thuốc? Nếu quên uống thuốc, hãy ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu chỉ còn vài giờ nữa là đến giờ uống liều tiếp theo thì hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều tiếp theo như bình thường. Không được uống gộp hai liều cùng lúc để bù cho liều đã quên. Làm vậy có thể gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm

Làm thế nào để biết thuốc có hiệu quả hay không? Nếu cyclosporine có hiệu quả:

  • cơ thể không đào thải tạng được cấy ghép
  • các triệu chứng viêm khớp dạng thấp như đau, sưng và cứng khớp sẽ cải thiện
  • các triệu chứng bệnh vảy nến như mảng da dày cứng sẽ giảm bớt

Cảnh báo về cyclosporine

Cyclosporine đi kèm nhiều cảnh báo.

Cảnh báo của FDA

Cyclosporine có cảnh báo đặc biệt (boxed warning). Cảnh báo đặc biệt là cảnh báo nghiêm trọng nhất từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) về tác dụng phụ có thể gây nguy hiểm của một loại thuốc.

Các cảnh báo đặc biệt của cyclosporine:

  • Nguy cơ nhiễm trùng: Cyclosporine có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng.
  • Nguy cơ ung thư: Cyclosporine còn có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư, ví dụ như ung thư da.
  • Nguy cơ bệnh ngoài da: Những người bị bệnh vảy nến và điều trị bằng liệu pháp PUVA (psoralen kết hợp với tia UVA), methotrexate, nhựa than đá, xạ trị hoặc liệu pháp tia cực tím sẽ có nguy cơ mắc bệnh ngoài da cao hơn khi dùng cyclosporine.
  • Nguy cơ cao huyết áp và bệnh thận: Cyclosporine có thể gây cao huyết áp và bệnh thận
  • Cảnh báo về tính sinh khả dụng: Khi sử dụng trong thời gian dài, sự hấp thụ Sandimmune (phiên bản biệt dược của cyclosporine, chứa cyclosporine không biến đổi) dạng viên nang và dạng lỏng sẽ trở nên khó dự đoán. Do đó, những người dùng Sandimmune dạng viên nang hoặc dạng lỏng trong thời gian dài cần phải làm xét nghiệm theo dõi nồng độ cyclosporine trong máu để tránh bị nhiễm độc và đào thải tạng ghép.
  • Gengraf và Neoral: Gengraf và Neoral (cyclosporine biến đổi) được cơ thể hấp thụ nhiều hơn so với Sandimmune (cyclosporine không biến đổi). Vì vậy, không sử dụng Gengraf hoặc Neoral thay cho Sandimmune và ngược lại nếu không có sự giám sát của bác sĩ.

Tổn thương gan

Cyclosporine có thể gây tổn thương gan và suy gan, đặc biệt là khi dùng liều cao. Tác dụng phụ này có thể nghiêm trọng đến mức gây tử vong.

Tăng kali máu

Cyclosporine có thể gây tăng kali máu (nồng độ kali trong máu quá cao).

Tương tác với thực phẩm

Không ăn bưởi hoặc uống nước ép bưởi khi dùng cyclosporine. Một số chất trong bưởi làm tăng nồng độ cyclosporine trong máu và điều này làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.

Cảnh báo đối với người có vấn đề sức khỏe nhất định

Đối với người bị bệnh thận và gan: Cyclosporine có thể gây tổn thương thận và gan. Ở những người đang mắc bệnh thận hoặc gan, dùng cyclosporine liều cao có thể khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Đối với người bị nhiễm trùng nghiêm trọng: Cyclosporine có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh do nhiễm virus nghiêm trọng, chẳng hạn như nhiễm polyomavirus. Tình trạng có thể rất nghiêm trọng và thậm chí gây tử vong.

Cảnh báo đối với các nhóm đối tượng khác

Đối với phụ nữ mang thai: Cục kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đưa ra một hệ thống phân loại thuốc dựa trên mức độ nguy hiểm khi dùng trong thai kỳ. Theo đó, cyclosporine được xếp vào nhóm C, có nghĩa là nghiên cứu trên động vật cho thấy thuốc gây ra tác dụng phụ ở bào thai khi mẹ dùng thuốc nhưng chưa có đủ nghiên cứu trên người để kết luận ảnh hưởng của thuốc đến thai nhi.

Nếu đang mang thai hoặc đang có kế hoạch mang thai, người bệnh cần cho bác sĩ biết để bác sĩ kê loại thuốc phù hợp. Nói chung chỉ nên sử dụng cyclosporine trong thời kỳ mang thai nếu lợi ích lớn hơn rủi ro.

Đối với phụ nữ đang cho con bú: Cyclosporine đi vào sữa mẹ và gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng cho trẻ sơ sinh bú mẹ. Người bệnh cần cho bác sĩ biết nếu đang cho con bú để bác sĩ kê loại thuốc phù hợp.

Sandimmune (phiên bản biệt được của cyclosporine) có chứa ethanol (cồn). Ethanol và các chất khác trong loại thuốc này có thể đi vào sữa mẹ và gây hại nghiêm trọng đến trẻ bú mẹ.

Đối với người cao tuổi: Người từ 65 tuổi trở lên sẽ dễ bị cao huyết áp hơn khi sử dụng cyclosporine. Ngoài ra, ở người cao tuổi, các cơ quan như gan và thận không còn hoạt động tốt nên sẽ dễ xảy ra vấn đề về gan và thận hơn. Để ngăn ngừa tổn thương thận và gan, bác sĩ thường kê liều thấp hơn cho người cao tuổi.

Đối với trẻ em:

  • Dùng cyclosporine để chống thải ghép thận, gan hoặc tim: Trong các nghiên cứu, cyclosporine không gây tác dụng phụ bất thường ở trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên được cấy ghép một số cơ quan nhất định.
  • Dùng cyclosporine để điều trị viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh vảy nến: Cyclosporine chưa được chứng minh là an toàn và hiệu quả khi được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh vảy nến ở người dưới 18 tuổi.

Tương tác thuốc

Cyclosporine có thể tương tác với một số loại thuốc khác. Mỗi tương tác thuốc sẽ dẫn đến vấn đề khác nhau. Ví dụ, một số tương tác thuốc làm giảm hiệu quả của thuốc trong khi một số tương tác thuốc lại làm tăng tác dụng phụ của thuốc.

Để tránh xảy ra tương tác thuốc, trước khi bắt đầu sử dụng cyclosporine, người bệnh cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc, thực phẩm chức năng và thảo dược đang dùng.

Dưới đây là một số loại thuốc có thể tương tác với cyclosporine. Lưu ý, đây chưa phải danh sách đầy đủ. Cyclosporine còn có thể tương tác với nhiều loại thuốc khác.

Thuốc kháng sinh

Dùng cyclosporine cùng với một số loại thuốc kháng sinh có thể làm tăng nguy cơ tổn thương thận. Ví dụ về các loại thuốc kháng sinh này gồm có:

  • ciprofloxacin
  • gentamicin
  • tobramycin
  • trimethoprim/sulfamethoxazole
  • vancomycin

Các loại kháng sinh sau đây có thể làm tăng nồng độ cyclosporine trong cơ thể và điều này sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Ví dụ về các loại thuốc này gồm có:

  • azithromycin
  • clarithromycin
  • erythromycin
  • quinupristin/dalfopristin

Các loại kháng sinh sau đây có thể làm giảm lượng cyclosporine trong máu và điều này sẽ làm giảm hiệu quả của cyclosporine. Nếu cyclosporine được sử dụng để chống thải ghép, điều này sẽ khiến cho tạng ghép bị đào thải. Nếu cyclosporine được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh vảy nến, điều này sẽ khiến cho tình trạng bệnh không được kiểm soát tốt. Ví dụ về các loại thuốc này gồm có:

  • nafcilin
  • rifampin

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)

Dùng cyclosporine cùng với thuốc chống viêm không steroid (NSAID)có thể làm tăng nguy cơ tổn thương thận. Ví dụ về các loại thuốc này gồm có:

  • ibuprofen
  • sulindac
  • naproxen
  • diclofenac

Thuốc kháng nấm

Dùng cyclosporine cùng với một số loại thuốc kháng nấm có thể làm tăng nồng độ cyclosporine trong cơ thể và điều này có thể làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ, ví dụ như tổn thương thận. Ví dụ về các loại thuốc này gồm có:

  • amphotericin B
  • ketoconazol
  • fluconazol
  • itraconazol
  • voriconazol

Terbinafine, một loại thuốc kháng nấm, lại có thể làm giảm nồng độ cyclosporine trong cơ thể và điều này sẽ làm giảm hiệu quả của cyclosporine. Nếu cyclosporine được sử dụng để chống thải ghép, điều này sẽ khiến cho tạng ghép bị đào thải. Còn nếu cyclosporine được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh vảy nến, điều này sẽ khiến cho tình trạng bệnh không được kiểm soát tốt.

Thuốc điều trị trào ngược dạ dày – thực quản

Dùng cyclosporine cùng với một số loại thuốc điều trị trào ngược dạ dày – thực quản có thể làm tăng nguy cơ tổn thương thận. Ví dụ về các loại thuốc này là cimetidin.

Thuốc ngừa thai

Dùng cyclosporine cùng với thuốc ngừa thai có thể làm tăng nồng độ cyclosporine trong cơ thể và điều này có thể dẫn đến tác dụng phụ.

Thuốc ức chế miễn dịch

Dùng tacrolimus (một loại thuốc ức chế miễn dịch) cùng với cyclosporine có thể làm tăng nguy cơ tổn thương thận.

Thuốc hạ mỡ máu

Dùng cyclosporine cùng với các loại thuốc hạ mỡ máu sau đây có thể làm tăng nguy cơ tổn thương thận:

  • fenofibrat
  • gemfibrozil

Dùng cyclosporine cùng với một số loại thuốc hạ mỡ máu khác lại có thể làm tăng nồng độ các loại thuốc này trong cơ thể. Điều này có thể gây ra các tác dụng phụ như đau cơ và yếu cơ. Ví dụ về những loại thuốc này gồm có:

  • atorvastatin
  • simvastatin
  • lovastatin
  • pravastatin
  • fluvastatin

Thuốc trị cao huyết áp

Dùng thuốc điều trị cao huyết áp cùng với cyclosporine có thể làm tăng nồng độ cyclosporine trong cơ thể và điều này sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Ví dụ về các loại thuốc này gồm có:

  • diltiazem
  • nicardipin
  • verapamil

Corticoid

Dùng methylprednisolone (thuộc nhóm corticoid) cùng với cyclosporine có thể làm tăng nồng độ cyclosporine trong cơ thể. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.

Thuốc chống co giật

Dùng thuốc chống co giật cùng với cyclosporine có thể làm giảm nồng độ cyclosporine trong cơ thể. Điều này sẽ làm giảm hiệu quả của cyclosporine. Nếu cyclosporine được sử dụng để chống thải ghép, điều này sẽ khiến cho tạng ghép bị đào thải. Còn nếu cyclosporine được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh vảy nến, điều này sẽ khiến cho tình trạng bệnh không được kiểm soát tốt. Ví dụ về các loại thuốc này gồm có:

  • carbamazepin
  • oxcarbazepin
  • phenobarbital
  • phenytoin

Thảo dược

Dùng St. John's wort cùng với cyclosporine có thể làm giảm nồng độ cyclosporine trong cơ thể. Điều này sẽ làm giảm hiệu quả của cyclosporine. Nếu cyclosporine được sử dụng để chống thải ghép, điều này sẽ khiến cho tạng ghép bị đào thải. Nếu cyclosporine được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh vảy nến, điều này sẽ khiến cho tình trạng bệnh không được kiểm soát tốt.

Thuốc điều trị bệnh gout

Dùng allopurinol (một loại thuốc điều trị bệnh gout) cùng với cyclosporine có thể làm tăng nồng độ cyclosporine trong cơ thể. Điều này làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.

Dùng colchicine (một loại thuốc điều trị bệnh gout khác) cùng với cyclosporine có thể làm tăng nguy cơ tổn thương thận.

Thuốc điều trị HIV

Những người đang dùng thuốc ức chế protease để điều trị HIV cần cho bác sĩ biết trước khi dùng cyclosporine. Có thể sẽ phải giảm liều cyclosporine để ngăn ngừa tương tác thuốc và tác dụng phụ. Ví dụ về các loại thuốc này gồm có:

  • indinavir
  • nelfinavir
  • ritonavir
  • saquinavir

Thuốc lợi tiểu giữ kali

Không dùng cyclosporine cùng với thuốc lợi tiểu giữ kali. Điều này có thể làm tăng nồng độ kali trong máu và dẫn đến các vấn đề như nhịp tim chậm, mệt mỏi, yếu cơ và buồn nôn. Ví dụ về các loại thuốc này gồm có:

  • triamterene
  • amiloride

Thuốc điều trị ung thư

Dùng cyclosporine cùng với một số loại thuốc điều trị ung thư có thể làm tăng nồng độ các loại thuốc này trong cơ thể và điều này sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Ví dụ về các loại thuốc này gồm có:

  • daunorubicin
  • doxorubicin
  • etoposide
  • mitoxantrone

Dùng melphalan (một loại thuốc điều trị ung thư) cùng với cyclosporine có thể làm tăng nguy cơ tổn thương thận.

Tương tác với các loại thuốc khác

Dùng cyclosporine cùng với các loại thuốc dưới đây có thể làm tăng nồng độ các loại thuốc này trong cơ thể. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Ví dụ về các loại thuốc này gồm có:

  • ambrisentan
  • aliskiren
  • bosentan
  • dabigatran
  • digoxin
  • prednisolone
  • repaglinide
  • sirolimus

Một số loại thuốc có thể làm tăng nồng độ cyclosporine trong cơ thể và làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ gồm có:

  • amiodarone
  • bromocriptine
  • danazol
  • imatinib
  • metoclopramide
  • nefazodone

Một số loại thuốc lại có thể làm giảm nồng độ cyclosporine trong cơ thể và điều này sẽ làm giảm hiệu quả của cyclosporine. Nếu cyclosporine được sử dụng để chống thải ghép, điều này sẽ khiến cho tạng ghép bị đào thải. Còn nếu cyclosporine được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh vảy nến, điều này sẽ khiến cho tình trạng bệnh không được kiểm soát tốt. Ví dụ về các loại thuốc này gồm có:

  • bosentan
  • octreotide
  • orlistat
  • sulfinpyrazone
  • ticlopidine

Lưu ý khi dùng cyclosporine

Lưu ý về cách sử dụng thuốc

  • Uống cyclosporine vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
  • Không mở viên nang mà phải uống cả viên.
  • Có thể sẽ có mùi hơi khó chịu khi mở hộp đựng thuốc lần đầu tiên. Mùi này sẽ biến mất dần theo thời gian.

Bảo quản thuốc

  • Bảo quản cyclosporine ở nhiệt độ phòng từ 20°C đến 25°C (68°F đến 77°F).
  • Để thuốc tránh xa ánh sáng và nhiệt độ cao.
  • Không để thuốc ở những nơi ẩm ướt như phòng tắm.

Mang theo thuốc khi đi xa

  • Do phải dùng thuốc hàng ngày nên người bệnh cần mang theo thuốc mỗi khi đi xa.
  • Khi đi máy bay, luôn để thuốc trong hành lý xách tay chứ không được để thuốc trong hành lý ký gửi.
  • Tia X trong máy soi chiếu hành lý sẽ không ảnh hưởng đến thuốc.
  • Để thuốc trong hộp đựng gốc còn nguyên nhãn dán để đề phòng trường hợp nhân viên an ninh tại sân bay yêu cầu kiểm tra.
  • Không để thuốc trong ô tô khi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.

Tránh ánh nắng

Tránh tiếp xúc với ánh nắng và các thiết bị nhuộm da khi dùng cyclosporine (ngoại trừ Sandimmune). Cyclosporine khiến da nhạy cảm hơn với ánh nắng, điều này làm tăng nguy cơ cháy nắng và ung thư da khi tiếp xúc với nắng. Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi điều trị bệnh vảy nến bằng liệu pháp tia UV trong thời gian sử dụng cyclosporine.

Theo dõi lâm sàng

Người bệnh có thể phải làm một số xét nghiệm máu dưới đây trước và trong thời gian điều trị bằng cyclosporine để theo dõi tác dụng phụ:

  • Xét nghiệm đo nồng độ cyclosporine trong máu
  • Xét nghiệm chức năng gan
  • Xét nghiệm chức năng thận
  • Xét nghiệm cholesterol
  • Xét nghiệm magie
  • Xét nghiệm kali

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tác dụng của thủy trị liệu đối với bệnh viêm khớp dạng thấp
Tác dụng của thủy trị liệu đối với bệnh viêm khớp dạng thấp

Tập thể dục thường xuyên rất có lợi cho những người bị viêm khớp dạng thấp. Hoạt động thể chất có thể giúp làm giảm các triệu chứng và giúp người bệnh thực hiện các hoạt động hàng ngày một cách dễ dàng hơn. Người bị viêm khớp dạng thấp nên lựa chọn các bài tập giúp cải thiện sức mạnh của cơ, sự linh hoạt, phạm vi của chuyển động của khớp và điều hòa tim mạch. Tập thể dục dưới nước mang lại tất cả những lợi ích này.

Celecoxib: Chỉ định, liều dùng và tác dụng phụ
Celecoxib: Chỉ định, liều dùng và tác dụng phụ

Celecoxib được sử dụng để điều trị viêm khớp, đau cấp tính và đau bụng kinh.

Azathioprine: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Azathioprine: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Azathioprine có hai dạng bào chế là dạng viên nén và dạng dung dịch tiêm. Viên nén azathioprine được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp và ngăn hệ miễn dịch tấn công thận mới sau khi ghép thận.

Xeljanz và Xeljanz XR: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Xeljanz và Xeljanz XR: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Xeljanz và Xeljanz XR là những loại thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị một số bệnh tự miễn nhất định ở người lớn, gồm có viêm loét đại tràng, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến và viêm cột sống dính khớp.

Cimzia: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Cimzia: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Cimzia (certolizumab) là một loại thuốc kê đơn được sử dụng cho người lớn để điều trị bệnh vảy nến thể mảng, bệnh Crohn và một số loại viêm khớp, bao gồm cả viêm khớp dạng thấp.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây