1

Cholesterol 250 mg/dL có cao không?

Chỉ số cholesterol 250 mg/dL được coi là mức cao. Định nghĩa mức cholesterol bình thường thay đổi theo độ tuổi và một số yếu tố khác.
Cholesterol 250 mg/dL có cao không? Cholesterol 250 mg/dL có cao không?

Cholesterol là một loại chất béo dạng sáp trong máu, được cơ thể sử dụng để tạo ra tế bào, một số hormone và vitamin D. Có hai loại cholesterol chính là lipoprotein mật độ thấp (low-density lipoprotein - LDL) hay cholesterol xấu và lipoprotein mật độ cao (high-density lipoprotein - HDL) hay cholesterol tốt.

Cholesterol toàn phần (total cholesterol) là tổng lượng LDL cholesterol và HDL cholesterol cùng với một phần triglyceride. Triglyceride là một loại chất béo khác trong máu, có vai trò là nguồn năng lượng cho cơ thể.

Cholesterol toàn phần 250 mg/dL được coi là cao và điều này có hại cho sức khỏe.

Cholesterol cao thường không có triệu chứng, đó là lý do tại sao cần xét nghiệm cholesterol máu định kỳ.

Cho dù chỉ số cholesterol ở mức cao thì vẫn có cách để giảm mức cholesterol, cải thiện sức khỏe và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.

Thế nào là cholesterol máu cao?

Nồng độ cholesterol trong máu 250 mg/dL được coi là cao. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), cholesterol toàn phần trên 200 mg/dL được coi là cholesterol máu cao hay tăng cholesterol máu.

Cholesterol cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Nếu bạn bị cholesterol cao thì nên xét nghiệm thường xuyên để theo dõi.

Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) khuyến nghị xét nghiệm cholesterol máu 5 năm một lần đối với người trưởng thành trẻ tuổi. Đối với nam giới từ 45 đến 65 tuổi và phụ nữ từ 55 đến 65 tuổi, NIH khuyến nghị xét nghiệm cholesterol máu 1 đến 2 năm một lần.

Mức cholesterol toàn phần bình thường ở người lớn

Ở người từ 20 tuổi trở lên, phạm vi cholesterol toàn phần bình thường là từ 125 mg/dL đến 200 mg/dL.

Điều quan trọng là phải duy trì sự cân bằng giữa LDL cholesterol, HDL cholesterol và triglyceride.

  • Mức LDL bình thường là dưới 100 mg/dL.
  • Mức HDL bình thường là 40 mg/dL trở lên đối với nam giới và 50mg/dL trở lên đối với nữ giới.
  • Mức triglyceride bình thường là dưới 150 mg/dL.

Duy trì nồng độ HDL ở mức cao cũng quan trọng không kém việc giữ nồng độ LDL ở mức thấp. HDL giúp cơ thể loại bỏ cholesterol dư thừa khỏi máu, nhờ đó ngăn ngừa sự tích tụ mảng bám và tắc nghẽn động mạch. Điều này làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.

Mức cholesterol toàn phần bình thường ở trẻ em

Ở trẻ em, trị số cholesterol toàn phần dưới 170 mg/dL và LDL dưới 110 mg/dL được coi là bình thường.

Cholesterol toàn phần trên 200 mg/dL và LDL trên 130 mg/dL được coi là cholesterol cao. Những trẻ có chỉ số cholesterol cao cần xét nghiệm thường xuyên vì những trẻ này có nguy cơ cao bị tăng cholesterol máu khi trưởng thành.

Do tỷ lệ trẻ em bị béo phì đang gia tăng nên Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến nghị xét nghiệm cholesterol máu cho tất cả trẻ em từ 9 đến 11 tuổi.

AAP khuyến nghị xét nghiệm cholesterol máu cho trẻ em từ 3 đến 9 tuổi nếu trẻ:

  • có cha mẹ hoặc ông bà từng bị nhồi máu cơ tim hoặc bị tắc động mạch hoặc các vấn đề liên quan đến mạch máu, chẳng hạn như đột quỵ, ở độ tuổi 55 trở xuống đối với nam giới hoặc 65 tuổi trở xuống đối với phụ nữ
  • có cha mẹ hoặc ông bà có cholesterol toàn phần từ 240 mg/dL trở lên
  • có tiền sử gia đình có các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch, chẳng hạn như tăng huyết áp, tiểu đường, hút thuốc hoặc béo phì
  • không rõ tiền sử gia đình

Một số nguyên nhân chính gây cholesterol máu cao ở trẻ em:

  • Béo phì
  • Bệnh tiểu đường
  • Bệnh gan
  • Bệnh thận
  • Suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém)
  • Tăng cholesterol máu có tính gia đình

Biến chứng của cholesterol cao

Mặc dù cơ thể cần cholesterol để hoạt động bình thường nhưng nồng độ cholesterol trong máu quá cao sẽ dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như:

  • Bệnh tim mạch
  • Nhồi máu cơ tim
  • Đột quỵ
  • Sỏi mật
  • Đau bụng
  • Tê chân
  • Giảm lưu thông máu
  • Suy giảm nhận thức
  • Sa sút trí tuệ

Quá nhiều cholesterol trong máu có thể dẫn đến xơ vữa động mạch – tình trạng hình thành mảng bám trên thành động mạch.

Mảng bám được tạo nên từ cholesterol, chất béo, chất thải tế bào, canxi và fibrin, một loại protein cần thiết cho quá trình đông máu. Mảng bám sẽ thu hẹp động mạch, cản trở dòng máu và làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.

Xơ vữa động mạch có thể dẫn đến biến chứng như:

  • Bệnh động mạch vành
  • Đau thắt ngực
  • Bệnh động mạch cảnh
  • Bệnh động mạch ngoại biên
  • Bệnh thận mạn

Cách giảm cholesterol trong máu

Ở những người bị tăng cholesterol máu, giảm mức cholesterol là điều rất quan trọng để cải thiện sức khỏe tim mạch, sức khỏe tổng thể và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Bạn có thể đưa chỉ số cholesterol về mức khỏe mạnh bằng cách ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn và duy trì cân nặng hợp lý.

Duy trì chế độ ăn có lợi cho tim mạch có thể cải thiện mức cholesterol và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Dưới đây là một số khuyến nghị về chế độ ăn uống.

Hạn chế hoặc tránh:

  • chất béo bão hòa
  • chất béo chuyển hóa
  • thịt đỏ và thịt chế biến sẵn
  • sản phẩm từ sữa nguyên kem
  • đồ chiên
  • thực phẩm và đồ uống chứa nhiều đường hoặc natri
  • carbohydrate tinh chế như gạo trắng, bánh mì trắng, bún, phở, mì
  • các loại dầu có hàm lượng chất béo bão hòa cao như dầu cọ và dầu dừa

Ăn các loại thực phẩm lành mạnh:

  • Trái cây
  • Rau củ
  • Thịt gia cầm
  • Sản phẩm từ sữa ít béo
  • Ngũ cốc nguyên hạt
  • Các loại đậu
  • Các loại quả hạch như hạnh nhân, hồ đào, óc chó, hạt dẻ
  • Sản phẩm từ đậu nành như đậu phụ, sữa đậu nành
  • Dầu thực vật tốt cho sức khỏe như dầu ô liu và dầu hướng dương
  • Thực phẩm giàu niacin (vitamin b3) như gan và thịt gà

Một số chế độ ăn đã được chứng minh là có lợi cho sức khỏe tim mạch:

  • Chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải (Mediterranean diet)
  • Chế độ ăn DASH
  • Chế độ ăn TLC
  • Chế độ ăn Ornish
  • Chế độ ăn bán chay (flexitarian diet)
  • Chế độ ăn thuần chay

Một số loại thảo mộc và thực phẩm chức năng có tác dụng cải thiện mức cholesterol:

  • Axit béo omega-3. Bổ sung axit béo omega-3 có thể giúp giảm mức triglyceride, ngăn ngừa bệnh tim mạch và ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh động mạch vành.
  • Vỏ hạt mã đề. Vỏ hạt mã đề chứa lượng chất xơ lớn giúp làm giảm mức LDL cholesterol và ngăn ngừa các bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch.
  • Gừng. Gừng có thể giúp giảm mức LDL và triglyceride.

Những thay đổi lối sống giúp giảm cholesterol trong máu:

  • Tăng hoạt động thể chất. Tập thể dục cường độ vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần giúp cải thiện cholesterol và kiểm soát tăng huyết áp.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh. Thừa cân hoặc béo phì làm tăng nguy cơ cholesterol cao. Giảm cân giúp tăng mức HDL và giảm mức LDL cũng như triglyceride.
  • Bỏ thuốc lá. Ở những người hút thuốc lá, cai thuốc sẽ giúp cải thiện chức năng động mạch. Hút thuốc làm tăng lượng chất béo tích tụ và đẩy nhanh tốc độ hình thành mảng xơ vữa. Hút thuốc lá còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp và tiểu đường, những bệnh lý này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Nếu đã thay đổi lối sống mà chỉ số cholesterol vẫn không cải thiện, bạn sẽ phải dùng thuốc để làm giảm cholesterol. Một nhóm thuốc hạ cholesterol được sử dụng phổ biến là statin.

Tóm tắt bài viết

Cholesterol toàn phần 250 mg/dL được coi là cao và cần thực hiện các biện pháp đưa nồng độ cholesterol về mức bình thường. Duy trì mức cholesterol khỏe mạnh là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe tim mạch và sức khỏe tổng thể.

Nếu bạn đang bị tăng cholesterol máu hoặc có nguy cơ bị tăng cholesterol máu thì cần xét nghiệm thường xuyên để theo dõi mức cholesterol. Chỉ số cholesterol thường tăng theo tuổi tác và tăng cholesterol máu thường không biểu hiện triệu chứng.

Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, bỏ thuốc lá và giảm cân nếu thừa cân sẽ giúp giảm mức cholesterol. Nếu những cách này không có tác dụng thì sẽ phải dùng đến thuốc, ví dụ như statin.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Cholesterol cao có làm tăng nguy cơ mắc rối loạn cương dương (ED) không?
Cholesterol cao có làm tăng nguy cơ mắc rối loạn cương dương (ED) không?

Rối loạn cương dương (ED) có thể xảy ra do nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có sức khỏe tim mạch kém. Mức cholesterol cao có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch, từ đó làm tăng nguy cơ mắc ED.

Testosterone có ảnh hưởng đến mức cholesterol không?
Testosterone có ảnh hưởng đến mức cholesterol không?

Một số nghiên cứu cho thấy mức testosterone thấp có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên, các nghiên cứu khác lại không chỉ ra rằng liệu liệu pháp testosterone có trực tiếp làm giảm cholesterol hoặc huyết áp hay không.

Cholesterol có bị ảnh hưởng do thói quen ngủ hay không?
Cholesterol có bị ảnh hưởng do thói quen ngủ hay không?

Ngủ quá nhiều và ngủ quá ít đều có tác động tiêu cực đến mức lipid, làm tăng nguy cơ bị triglyceride cao, mức HDL thấp và LDL cao (đặc biệt ở phụ nữ).

6 cách giúp làm giảm cholesterol mà không cần dùng thuốc
6 cách giúp làm giảm cholesterol mà không cần dùng thuốc

Nếu tình trạng cholesterol cao chỉ ở mức nhẹ hoặc trung bình, bạn có thể áp dụng các biện pháp tại nhà, chưa cần dùng đến thuốc để kiểm soát và hạ cholesterol hiệu quả.

Uống rượu có ảnh hưởng đến mức cholesterol không?
Uống rượu có ảnh hưởng đến mức cholesterol không?

Uống rượu ở mức nhẹ đến vừa có thể làm tăng cholesterol tốt (HDL), tuy nhiên uống quá nhiều có thể làm tăng cholesterol toàn phần, LDL và triglyceride – từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây