Bong võng mạc: Nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp điều trị
Bong võng mạc là gì?
Võng mạc là lớp màng nhạy cảm với ánh sáng nằm ở phía sau của mắt. Khi ánh sáng đi qua mắt, thủy tinh thể tập trung hình ảnh trên võng mạc. Võng mạc chuyển đổi hình ảnh thành tín hiệu rồi gửi đến não thông qua dây thần kinh thị giác. Võng mạc phối hợp với giác mạc, thủy tinh thể cùng các bộ phận khác của mắt và não bộ để giúp chúng ta quan sát xung quanh một cách bình thường.
Bong võng mạc xảy ra khi võng mạc tách khỏi phía sau của mắt. Điều này dẫn đến mất thị lực một phần hoặc hoàn toàn, tùy thuộc vào mức độ bong ra của võng mạc. Khi võng mạc bị bong, các tế bào võng mạc sẽ bị thiếu oxy trầm trọng. Bong võng mạc là một vấn đề về can thiệp khẩn cấp. Cần đến ngay cơ sở y tế nếu thị lực đột nhiên thay đổi.
Nếu không được điều trị hoặc điều trị chậm trễ, bong võng mạc có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn.
Dấu hiệu, triệu chứng bong võng mạc
Bong võng mạc không gây đau nhưng thường xuất hiện các dấu hiệu bất thường trước khi võng mạc bị bong ra. Các dấu hiệu thường gặp gồm có:
- Nhìn mờ
- Mất thị lực một phần, giống như có màn đen che trước mắt
- Nếu võng mạc bị bong mảng lớn thì trước mắt sẽ xuất hiện các mảng tối
- Ánh sáng nhấp nháy đột ngột xuất hiện ở góc mắt khi nhìn sang bên
- Đột nhiên nhìn thấy nhiều đốm đen hay vệt xám lơ lửng ở trước mắt, hiện tượng này được gọi là “ruồi bay trước mắt”
Các loại và nguyên nhân gây bong võng mạc
Có ba loại bong võng mạc là:
- Bong võng mạc nguyên phát
- Bong võng mạc thứ phát
- Bong võng mạc thoát vị hoặc bong võng mạc xuất tiết
Bong võng mạc nguyên phát
Bong võng mạc nguyên phát là tình trạng võng mạc bị rách hoặc bị thủng. Điều này khiến cho chất lỏng từ bên trong mắt đi qua lỗ thủng hoặc vết rách và chảy vào phía sau võng mạc. Chất lỏng ngăn cách võng mạc khỏi biểu mô sắc tố võng mạc - lớp màng cung cấp dưỡng chất và oxy cho võng mạc, khiến cho võng mạc bị bong ra. Đây là loại bong võng mạc phổ biến nhất.
Bong võng mạc thứ phát
Bong võng mạc thứ phát xảy ra khi mô sẹo trên bề mặt võng mạc co lại và khiến võng mạc bị kéo ra khỏi mặt sau của mắt. Đây là loại bong võng mạc ít gặp hơn và thường xảy ra ở những người mắc bệnh tiểu đường. Nếu không được kiểm soát tốt, bệnh tiểu đường sẽ gây ra các vấn đề với hệ thống mạch máu cung cấp máu cho võng mạc, sau đó tình trạng này sẽ dẫn đến sự tích tụ mô sẹo trong mắt và có thể gây bong võng mạc.
Bong võng mạc thoát vị
Bong võng mạc thoát vị xảy ra khi chất lỏng tích tụ ở phía sau võng mạc nhưng võng mạc không bị rách hay thủng. Chất lỏng tích tụ đẩy võng mạc tách ra khỏi mặt sau của mắt và khiến võng mạc bị bong ra. Bong võng mạc thoát vị có thể là do các bệnh như:
- Bệnh lý viêm gây tích tụ chất lỏng phía sau võng mạc
- Ung thư phía sau võng mạc
- Bệnh Coats (còn gọi là viêm võng mạc xuất tiết): sự phát triển mạch máu bất thường trong võng mạc, khiến cho các mao mạch bị hở và rò rỉ protein tích tụ phía sau võng mạc
Những ai có nguy cơ bị bong võng mạc?
Các yếu tố làm tăng nguy cơ bong võng mạc:
- Bong dịch kính sau, thường xảy ra ở người lớn tuổi
- Cận thị nặng, làm tăng áp lực cho mắt
- Có tiền sử gia đình bị bong võng mạc
- Chấn thương ở mắt
- Trên 50 tuổi
- Từng bị bong võng mạc trước đây
- Biến chứng sau phẫu thuật đục thủy tinh thể
- Mắc bệnh tiểu đường
Chẩn đoán bong võng mạc
Để chẩn đoán bong võng mạc, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra:
- Thị lực
- Nhãn áp (áp suất bên trong mắt)
- Các đặc điểm của mắt
- Khả năng nhận biết màu sắc
Sau đó sẽ cần đánh giá khả năng truyền xung động đến não của võng mạc và sự lưu thông máu trong mắt, đặc biệt là trong võng mạc.
Ngoài ra có thể sẽ phải siêu âm mắt. Đây là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của mắt.
Điều trị bong võng mạc
Hầu hết các trường hợp đều cần phải phẫu thuật để phục hồi võng mạc đã bị bong ra. Đối với những trường hợp chỉ bị bong nhẹ hoặc rách võng mạc, bác sĩ chỉ cần tiến hành một thủ thuật đơn giản để điều trị.
Quang đông
Nếu võng mạc bị thủng hoặc rách nhưng chưa bị bong ra khỏi phía sau của mắt thì có thể điều trị bằng một thủ thuật gọi là quang đông bằng tia laser (laser photocoagulation). Năng lượng từ tia laser đốt cháy xung quanh vết rách và khi vị trí này hình thành sẹo, võng mạc sẽ liền lại vào phía sau của mắt.
Làm lạnh cường độ cao
Một phương pháp điều trị khác là làm lạnh cường độ cao (cryopexy). Đây là phương pháp làm lạnh sâu để đóng băng võng mạc. Bác sĩ áp một đầu dò làm lạnh ở bên ngoài mắt tại vùng có vết rách và sẹo sau khi hình thành sẽ giúp giữ võng mạc không bị bong ra.
Bơm khí
Lựa chọn thứ ba để điều trị bong võng mạc nhẹ là bơm khí (pneumatic retinopexy). Trong thủ thuật này, bác sĩ đưa một bong bóng khí vào mắt để giúp võng mạc dịch chuyển trở lại vị trí áp sát vào phía sau mắt. Khi võng mạc về đúng vị trí, bác sĩ sử dụng tia laser hoặc đầu dò làm lạnh để bịt kín các lỗ thủng.
Xoay võng mạc
Đối với những trường hợp bong võng mạc nặng, bác sĩ có thể sẽ chỉ định thủ thuật xoay võng mạc, trong đó đặt một thanh nẹp nhỏ ở xung quanh bên ngoài mắt để đẩy thành mắt vào võng mạc, đưa võng mạc trở lại vị trí ban đầu và liền lại. Có thể thực hiện phương pháp điều trị này cùng với phẫu thuật cắt dịch kính. Thủ thuật làm lạnh cường độ cao hoặc bơm khí sẽ được thực hiện trong quy trình xoay võng mạc.
Cắt dịch kính
Một biện pháp điều trị nữa là cắt dịch kính. Phương pháp này thường được thực hiện trong những trường hợp võng mạc có vết rách lớn. Bệnh nhân được gây mê và thường có thể về nhà ngay trong ngày nhưng cũng có thể phải ở lại bệnh viện. Bác sĩ sử dụng các dụng cụ nhỏ để cắt bỏ mạch máu hoặc mô sẹo bất thường và dịch kính khỏi võng mạc (dịch kính là chất lỏng dạng gel lấp đầy khoảng trống giữa thủy tinh thể và võng mạc mắt). Sau đó, võng mạc được đưa trở lại đúng vị trí, thường là bằng một bóng khí. Thủ thuật làm lạnh cường độ cao hoặc bơm khí sẽ được thực hiện trong quy trình cắt dịch kính.
Bong võng mạc có để lại di chứng không?
Khả năng điều trị khỏi còn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng bong võng mạc và thời gian được điều trị khi xảy ra vấn đề. Một số người hồi phục hoàn toàn, đặc biệt là những trường hợp mà điểm vàng không bị tổn thương. Điểm vàng là bộ phận nhạy cảm nhất của võng mạc, nằm gần trung tâm của võng mạc và có chức năng tiếp nhận hình ảnh, giúp chúng ta nhận biết màu sắc và nhìn sự vật một cách rõ nét. Tuy nhiên, một số người không thể hồi phục thị lực hoàn toàn sau khi bị bong võng mạc. Điều này thường xảy ra khi điểm vàng bị tổn thương và không được điều trị kịp thời.
Phòng ngừa bong võng mạc
Nói chung, không có cách nào có thể ngăn ngừa bong võng mạc nhưng có thể tránh bong võng mạc do chấn thương bằng cách đeo kính bảo vệ mắt khi chơi thể thao hoặc sử dụng các vật dụng có nguy cơ bắn vào mắt. Những người bị tiểu đường cần kiểm soát lượng đường trong máu và đi khám thường xuyên. Nên đi khám mắt định kỳ hàng năm, đặc biệt là những người có nguy cơ bong võng mạc.
Điều quan trọng là phải nhận biết các dấu hiệu, triệu chứng bong võng mạc để có thể can thiệp kịp thời khi phát sinh vấn đề bất thường.