1

Thuốc Chống Nấm: Phân Loại, Cách Thức Hoạt Động

Các loại nấm gây bệnh có mặt ở khắp các môi trường và có thể xâm nhập cơ thể bằng nhiều cách khác nhau. Theo đó, các thuốc chống nấm tác động bằng cách tiêu diệt trực tiếp tế bào nấm hoặc ngăn chặn tế bào nấm phát triển.
Thuốc chống nấm
 

1. Thuốc chống nấm hoạt động như thế nào?

Nấm có mặt khắp nơi trong đất, nước, không khí, trên các bề mặt. Cơ thể có thể bị nhiễm nấm bằng nhiều cách khác nhau như nhiễm nấm trực tiếp qua da, nhiễm qua thức ăn, qua niêm mạc, qua đường hô hấp,... Có rất nhiều nấm được phát hiện có thể gây bệnh cho cơ thể, trong đó thường gặp nhất là các loại nấm gây các bệnh về da, niêm mạc, nhiễm nấm nội tạng,... Triệu chứng của một số bệnh nhiễm trùng nấm thường gặp là:

  • Bệnh hắc lào trên da: Triệu chứng điển hình của bệnh hắc lào trên da là xuất hiện các phát ban hình nhẫn, rất ngứa nhất là khi ra mồ hôi, đôi khi kèm theo hiện tượng tróc vảy, bong tróc trên bề mặt da.
  • Hắc lào trên da đầu: xuất hiện các mảng vảy cục bộ, mụn mủ trên da đầu gây ngứa, có thể dẫn đến rụng tóc.
  • Nhiễm nấm móng tay: Móng tay bị đổi màu, giòn, biến dạng
  • Nhiễm nấm ở miệng: Phát hiện các tổn thương màu trắng trong miệng, có thể gây đau.
  • Nếu nhiễm nấm nội tạng là dạng nhiễm nấm nghiêm trọng nhất, tùy thuộc vào loại nấm mắc phải và vùng cơ thể bị nhiễm nấm, có thể xuất hiện các triệu chứng khác nhau như sốt, đổ mồ hôi, đau đầu, mệt mỏi, đau nhức; ho, khó thở; hoặc các triệu chứng của viêm màng não như nhạy cảm với ánh sáng, đau đầu dữ dội, cứng cổ,...

Thuốc chống nấm là các loại thuốc được sử dụng để điều trị nấm. Thuốc chống nấm có thể hoạt động theo hai cách là tiêu diệt trực tiếp tế bào nấm hoặc ngăn chặn tế bào nấm phát triển. Bằng cách nhắm vào các cấu trúc cần thiết trong tế bào nấm nhưng không cần thiết trong tế bào con người, các thuốc chống nấm giúp chống lại nhiễm trùng do nấm mà không làm ảnh hưởng đến tế bào của cơ thể. Các cấu trúc thường được thuốc nhắm đến là màng tế bào và thành tế bào nấm. Các cấu trúc này bao quanh và bảo vệ tế bào nấm. Khi các cấu trúc này bị tổn thương, tế bào nấm có thể vỡ ra và chết.

Nhiễm nấm nội tạng là dạng nhiễm nấm nghiêm trọng nhất, triệu chứng có thể gặp phải là mệt mỏi, sốt, ho, khó thở,...
Nhiễm nấm nội tạng là dạng nhiễm nấm nghiêm trọng nhất, triệu chứng có thể gặp phải là mệt mỏi, sốt, ho, khó thở,...

2. Phân loại thuốc kháng nấm

Các loại thuốc chống nấm rất đa dạng về chủng loại và dạng bào chế. Các thuốc có thể dùng bằng đường uống, thuốc bôi ngoài da trị nấm hoặc dùng đường tiêm tĩnh mạch. Bác sĩ chỉ định loại thuốc chống nấm nào phụ thuộc vào loại nấm và mức độ nghiêm trọng mà người bệnh mắc phải. Sau đây là cách phân loại thuốc kháng nấm dựa vào cấu trúc hóa học và cơ chế thuốc hoạt động:

2.1. Thuốc chống nấm nhóm Azol

Nhóm Azol là các thuốc kháng nấm được sử dụng phổ biến nhất. Cơ chế tác dụng của thuốc là ức chế enzym 14 alpha-demethylase ngăn tổng hợp ergosterol và các lipid khác của màng tế bào nấm, làm rối loạn chức năng màng và ức chế nấm tăng trưởng. Các enzym tương ứng ở người ít ái lực với thuốc so với các enzym của nấm nên không ảnh hưởng đến các tế bào bình thường của cơ thể.

Nhóm thuốc kháng nấm Azol gồm Imidazol và Triazol:

  • Các thuốc Imidazol như: Clotrimazol, Miconazol, Ketoconazol, Econazol, Bifonazol, Isoconazol...
  • Các thuốc Triazol như: Itraconazol, Voriconazol, Fluconazol, Terconazol, Posaconazol...

Tuy có cùng phổ và cơ chế tác động, nhưng các triazol chuyển hóa chậm hơn, ít tác động trên sterol của người hơn imidazol. Do ưu điểm đó nên các loại thuốc mới ra đời về sau đều là thuộc nhóm Triazol.

Hoạt tính kháng nấm của nhóm kháng nấm Azol rất rộng bao gồm nấm men (Candida, Cryptococcus, Pityrosporum), nấm cơ hội (Aspergillus, Muscor), đây là loại nấm gây bệnh phủ tạng (Sporotrichum, Histoplasma, Blastomyces), tất cả vi nấm ngoài da.

Các thuốc kháng nấm Azole được chỉ định trong các trường hợp vi nấm bề mặt, vi nấm ngoài da, vi nấm nội tạng. Tác dụng phụ thường gặp của các thuốc này là buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, độc gan, phát ban, đau đầu, chóng mặt, buồn ngủ,....

Thuốc chống nấm: Phân loại, cách thức hoạt động

Các thuốc kháng nấm Azole được chỉ định trong các trường hợp vi nấm bề mặt, vi nấm ngoài da, vi nấm nội tạng

2.2. Thuốc kháng nấm nhóm Polyen

Các thuốc kháng nấm nhóm Polyen gắn chọn lọc vào ergosterol trên màng tế bào nấm, do cấu trúc màng sinh chất thay đổi nên các đại phân tử và ion trong tế bào thoát ra ngoài, tế bào nấm bị phân giải.

Các loại thuốc kháng nấm Polyen được sử dụng phổ biến là:

  • Amphotericin B: Có phổ kháng nấm rộng và là thuốc được lựa chọn cho hầu hết nhiễm nấm nội tạng như vi nấm Mucor, bệnh vi nấm Aspergillus lan tràn, bệnh vi nấm Sporothrix nội tạng, bệnh vi nấm Cryptococcus và Histoplasma,... Ngoài ra, thuốc còn dùng để trị nấm tại chỗ, điều trị nhiễm candida ở da, niêm mạc miệng, ruột, âm đạo, bàng quang,....dưới dạng thuốc bôi ngoài da trị nấm, viên đặt phụ khoa, thuốc nhỏ mắt,...
  • Nystatin: Được chỉ định để điều trị nhiễm Candida ở da và niêm mạc. Thuốc có nhiều dạng bào chế như dạng dịch treo uống để trị viêm lưỡi, lưỡi đẹn, nhiễm Candida ở ruột. Dạng thuốc bôi ngoài da trị nấm quanh móng chân, các chỗ hâm,...

2.3. Thuốc chống nấm nhóm Allylamin

Các thuốc chống nấm nhóm Allylamin diệt nấm do ức chế enzym squalen epoxidase gây tích tụ squalen, can thiệp tổng hợp ergosterol của tế bào nấm. Terbinafine là thuốc thuộc nhóm chống nấm Allylamin rất hiệu quả trong điều trị nấm móng tay (Onychomycosid), nấm móng chân. Các dạng bào chế của thuốc Terbinafine là dạng thuốc bôi ngoài da trị nấm, viên nén 250mg.

2.4. Thuốc kháng nấm nhóm Echinocandin

Echinocandin là nhóm thuốc trị nấm mới, diệt nấm bằng cách ức chế tổng hợp một loại enzym tạo ra thành tế bào nấm, do đó làm vỡ tế bào nấm.

Một số loại thuốc nhóm echinocandins là:

  • Anidulafungin: Dùng trong điều trị nhiễm nấm Candida huyết, nhiễm Candida hệ thống, nhiễm Candida thực quản.
  • Caspofungin: Dùng trong điều trị nhiễm trùng Candida niêm mạc và xâm lấn, aspergillosis
  • Micafungin: Nhiễm trùng Candida niêm mạc, thực quản.

Thuốc chống nấm: Phân loại, cách thức hoạt động

Echinocandin là nhóm thuốc trị nấm mới, diệt nấm bằng cách ức chế tổng hợp một loại enzym tạo ra thành tế bào nấm, do đó làm vỡ tế bào nấm

2.5. Các loại thuốc chống nấm khác

Một số loại thuốc kháng nấm khác có cơ chế tác động khác với các loại thuốc trên gồm:

  • Griseofulvin: ngăn không cho tế bào nấm phân chia. Thuốc được dùng để điều trị nhiễm trùng da, tóc và móng tay.
  • Flucytosine: chống nấm bằng cách ngăn tế bào nấm tạo ra axit nucleic và protein khiến tế bào nấm không phát triển được. Flucytosine có thể được sử dụng để điều trị nhiễm nấm Candida, Cryptococcus toàn thân.

Thuốc chống nấm là các loại thuốc được sử dụng để điều trị nấm. Tùy thuộc vào loại bệnh, vùng cơ thể nhiễm nấm mà các bác sĩ sẽ cân nhắc các phương pháp điều trị và kê đơn thuốc phù hợp. Theo đó, để đảm bảo hiệu quả điều trị, người bệnh nên đến các trung tâm y tế để thăm khám và sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ tư vấn.

Nguồn: msdmanuals.com, healthline.com, nhs.uk
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ
Thuốc Zebutal: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng
Thuốc Zebutal: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

Đau đầu do căng thẳng là tình trạng rất phổ biến hiện nay, nguyên nhân chính là do các cơ trở nên căng cứng do stress, lo lắng, chấn thương, trầm cảm... Ngoài các biện pháp thư giãn thì thuốc là một lựa chọn cấp thiết đối với tình trạng này, trong đó có thuốc Zebutal. Vậy Zebutal là thuốc gì?

Thuốc Xyzbac: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng
Thuốc Xyzbac: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

Thuốc Xyzbac là một sản phẩm vitamin tổng hợp có tác dụng trong điều trị hoặc ngăn chặn sự thiếu hụt vitamin do chế độ ăn uống thiếu chất dinh dưỡng, do bệnh tật nào đó hoặc trong quá trình mang thai.

Thuốc Ursodiol: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng
Thuốc Ursodiol: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

Thuốc Ursodiol dùng để điều trị và ngăn ngừa sự hình thành sỏi mật ở những người béo phì. Ngoài ra, Ursodiol còn được dùng để điều trị các bệnh về gan. Thuốc được sử dụng theo đường uống dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Thuốc Viactiv: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng
Thuốc Viactiv: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

Thuốc Viactiv là sản phẩm có hiệu quả và được lựa chọn sử dụng nhiều trong điều trị tình trạng canxi máu thấp. Để thuốc phát huy hiệu quả, an toàn cũng như hạn chế được tác dụng phụ, người bệnh nên sử dụng Viactiv theo chỉ định của bác sĩ.

Thuốc nhỏ mắt Xelpros: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng
Thuốc nhỏ mắt Xelpros: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

Thuốc Xelpros là một thuốc giảm áp lực trong mắt, giúp điều trị một số bệnh về mắt nhất định như tăng nhãn áp góc mở, tăng huyết áp mắt. Vậy Xelpros nên dùng như thế nào cho hiệu quả?

Tin liên quan
Tiffy Hay Decolgen: Loại Thuốc Trị Cảm Cúm Nào Tốt Hơn?
Tiffy Hay Decolgen: Loại Thuốc Trị Cảm Cúm Nào Tốt Hơn?

Hiện nay, việc sử dụng thuốc để điều trị bệnh cảm cúm đã trở thành thói quen ở nhiều người. Trong đó, Tiffy và Decolgen là hai loại thuốc trị cảm cúm phổ biến được lựa chọn nhiều nhất. Tuy nhiên, sử dụng Tiffy hay Decolgen là tốt hơn khi bị cảm cúm là nỗi băn khoăn của hầu hết mọi người.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây