Phẫu thuật cấp cứu cứu sống 1 bệnh nhân bị U Lymphoma tá tràng hoại tử - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
Vừa qua ê kíp của bệnh viện Hoàn Mỹ đã phẫu thuật cấp cứu cứu sống 1 bệnh nhân bị U Lymphoma tá tràng hoại tử gây viêm phúc mạc, đây là 1 bệnh lý nguy hiểm và rất hiếm gặp.
Ca bệnh
Bệnh nhân Q.V.P (ngụ tại huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh long) nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, đột ngột vùng trên rốn, đề kháng bụng. Qua thăm khám và chụp MSCT các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị u tá tràng hoại tử gây viêm phúc mạc, bệnh được chỉ định phẫu thuật cấp cứu cắt khối tá tụy. Quá trình mổ ghi nhận: ổ bụng bệnh nhân có nhiều mủ và giả mạc, tá tràng có khối u 6*8cm hoại tử thủng xì dịch mũ.
Ê kíp hội chẩn và quyết định cắt tá tràng, bóc tách lấy khối u, nối hỗng tràng tá tràng, nối vị tràng Roux-en-y, triệt môn vị, mở hỗng tràng nuôi ăn. Sau phẫu thuật, hiện tại bệnh nhân đã tỉnh táo, sinh hiệu ổn và đang được các bác sĩ và điều dưỡng chăm sóc tại khoa tiêu hóa của bệnh viện Hoàn Mỹ, dự kiến sẽ xuất viện trong vài ngày tới. Sau đó, bệnh nhân sẽ được tiếp tục điều trị hóa trị với phác đồ của BS ung bướu tại bệnh viện Hoàn Mỹ.
Theo Ths.Bs Nguyễn Hữu Kỳ Phương –Trưởng khoa Tiêu Hóa, đồng thời là BS trực tiếp phẫu thuật cho người bệnh, U lympho ruột non tiên phát ác tính là các tổn thương khu trú chủ yếu ở ruột non và ngay từ đầu không có tổn thương hạch ngoại biên, đây là 1 bệnh lý nguy hiểm và hiếm gặp, các triệu chứng lâm sàng khởi phát liên quan đến tổn thương ở ống tiêu hoá.
Trong số các u lympho ác tính nguyên phát ở ruột non, người ta chia ra 2 loại: u lympho phương Tây và u lympho Địa Trung Hải. U lympho ruột non nguyên phát thường gặp ở mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất là 15 và 40 tuổi, nam gặp nhiều hơn nữ.
Vì bệnh lý ở ruột non nên chẩn đoán khó và muộn, thời gian trung bình để chẩn đoán ra bệnh là 6 tháng. Các biểu hiện lâm sàng chính là: đau bụng, gầy sút, nôn và buồn nôn, mệt mỏi, chán ăn, tiêu chảy, có thể có các biểu hiện của lồng ruột hoặc tắc ruột, trong đó đau bụng là triệu chứng chính rất thường gặp, thường là đau thất thường và diễn tiến mạn tính. Chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ hạt nhân.
Đây là bệnh lý hiếm gặp, ít biểu hiện lâm sàng làm cho bệnh nhân và bác sĩ rất dễ chủ quan, nhầm tưởng sang bệnh lý khác, chẩn đoán thường khó khăn, khi được chẩn đoán thường đã ở giai đoạn muộn, do đó tiên lượng nặng nề, tỷ lệ tử vong cao. Vì vậy, mỗi bệnh nhân cần theo dõi quan tâm đến sức khỏe của mình, định kỳ 6 tháng đến 1 năm khám sức khỏe một lần để có thể phát hiện sớm bệnh lý, điều trị kịp thời, hạn chế hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
Phẫu thuật cắt dạ dày là phương pháp được sử dụng để điều trị các vấn đề về dạ dày. Một số kỹ thuật cắt dạ dày còn được sử dụng để giảm cân.
Ung thư dạ dày giai đoạn 4 sống được bao lâu?. Càng tiến triển sang đến các giai đoạn sau thì ung thư lại càng khó điều trị. Do đó, việc điều trị ung thư dạ dày giai đoạn 4 sẽ nan giải hơn rất nhiều so với giai đoạn đầu.
Nếu không được điều trị, tình trạng loét đường tiêu hóa sẽ ngày càng nặng và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như thủng dạ dày – ruột, chảy máu trong và hình thành sẹo.