Bệnh trĩ điều trị bằng cách nào và bao lâu thì khỏi?

Nếu búi trĩ nhỏ thì các triệu chứng có thể khỏi sau vài ngày mà không cần điều trị nhưng người bệnh cần điều chỉnh chế độ ăn uống và thực hiện một vài thay đổi nhỏ trong thói quen sinh hoạt.
Bệnh trĩ điều trị bằng cách nào và bao lâu thì khỏi? Bệnh trĩ điều trị bằng cách nào và bao lâu thì khỏi?

Bệnh trĩ là gì?

Bệnh trĩ là tình trạng mà các tĩnh mạch xung quanh hậu môn hoặc đoạn dưới trực tràng bị giãn và phình lên. Bệnh trĩ được chia làm hai loại là trĩ nội và trĩ ngoại. Trĩ nội có nghĩa là búi trĩ nằm bên trong trực tràng còn trĩ ngoại là búi trĩ sa ra ngoài hậu môn.

Bệnh trĩ có thể gây đau rát hoặc ngứa và đôi khi người bệnh còn bị chảy máu khi đại tiện.

Bệnh trĩ rất phổ biến, nhất là trong độ tuổi từ 45 đến 65.

Các triệu chứng của bệnh trĩ

Đôi khi, bệnh trĩ nội không gây ra triệu chứng rõ rệt nhưng người bệnh có thể bị chảy máu khi đại tiện.

Khi búi trĩ nội bị sa ra ngoài hậu môn, người bệnh có thể còn gặp phải các triệu chứng khác như:

  • Ngứa
  • Đau rát
  • Nổi cục ở hậu môn
  • Sưng tấy

Bệnh trĩ ngoại cũng gây ra những triệu chứng tương tự.

Triệu chứng bệnh trĩ kéo dài bao lâu?

Nếu búi trĩ nhỏ thì các triệu chứng có thể khỏi sau vài ngày mà không cần điều trị nhưng người bệnh cần điều chỉnh chế độ ăn uống và thực hiện một vài thay đổi nhỏ trong thói quen sinh hoạt.

Đôi khi, búi trĩ nội phát triển to đến mức sa ra bên ngoài hậu môn. Tình trạng này được gọi là sa búi trĩ và thường lâu khỏi hơn.

Nhiều phụ nữ bị bệnh trĩ khi mang thai, đặc biệt là vào ba tháng cuối thai kỳ. Nguyên nhân là do thai nhi phát triển gây áp lực lên các cơ quan trong khoang bụng, khiến cho các tĩnh mạch ở trực tràng và hậu môn bị phình giãn.

Các hormone thai kỳ cũng có thể khiến tĩnh mạch dễ bị phình hơn. Khi bị bệnh trĩ trong thời gian mang thai, các triệu chứng thường kéo dài cho đến khi sinh con.

Các cách làm giảm triệu chứng bệnh trĩ

Khi bị trĩ, một số thay đổi trong thói quen sinh hoạt có thể giúp làm giảm các triệu chứng. Một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh trĩ là thường xuyên rặn khi đại tiện. Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây và ngũ cốc sẽ giúp làm giảm táo bón và đại tiện dễ dàng hơn.

Ngoài ra nên uống nhiều nước để làm mềm phân và tránh phải rặn khi đại tiện.

Dưới đây là một số cách khác để làm giảm các triệu chứng bệnh trĩ:

  • Không ngồi trên bồn cầu quá lâu.
  • Khi cảm thấy buồn đại tiện thì phải đi ngay.
  • Đặt chân lên một chiếc ghế thấp khi ngồi trên bồn cầu để thay đổi vị trí của trực tràng và giúp dễ đại tiện hơn.
  • Phụ nữ mang thai nên nằm nghiêng khi ngủ để giảm bớt áp lực lên vùng quanh hậu môn.
  • Dùng thuốc làm mềm phân hay thuốc nhuận tràng và uống bổ sung chất xơ.
  • Giữ cho vùng hậu môn sạch sẽ. Tắm thường xuyên và sử dụng khăn giấy ẩm để lau khu vực xung quanh hậu môn sau khi đại tiện.
  • Ngâm thân dưới trong nước ấm để giảm sưng và đau.

Bên cạnh đó có thể thử dùng các loại thuốc bôi để giảm bớt các triệu chứng khó chịu do trĩ, chẳng hạn như thuốc bôi trĩ phenylephrine (Preparation H). Các sản phẩm này thường được sử dụng khi búi trĩ nhô ra ngoài hậu môn và viêm.

Hạn chế sử dụng các sản phẩm có chứa steroid vì khi sử dụng trong thời gian dài, steroid có thể gây mỏng da quanh hậu môn. Nếu đã sử dụng thuốc không kê đơn mà các triệu chứng vẫn không đỡ thì nên đi khám để bác sĩ kê các loại thuốc điều trị hiệu quả hơn.

Điều trị bệnh trĩ

Búi trĩ nhỏ thường tự khỏi mà không cần điều trị hoặc chỉ cần các biện pháp điều trị tại nhà kết hợp điều chỉnh chế độ ăn và thói quen sống. Nếu có các triệu chứng nặng, chẳng hạn như chảy máu hoặc các triệu chứng vẫn tiếp diễn dù đã thử các biện pháp điều trị tại nhà thì nên đi khám.

Bác sĩ sẽ tiến hành các biện pháp chẩn đoán để xác định nguyên nhân gây chảy máu khi đại tiện. Đây có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng hơn, ví dụ như ung thư đại trực tràng hoặc ung thư hậu môn. Nếu nguyên nhân là do bệnh trĩ và có các triệu chứng nặng, bác sĩ sẽ chỉ định các thủ thuật nhằm cắt bỏ hoặc thu nhỏ búi trĩ.

Các thủ thuật này đều xâm lấn tối thiểu và người bệnh có thể về nhà ngay trong ngày:

  • Thắt búi trĩ bằng vòng cao su: đây là phương pháp điều trị không phẫu thuật phổ biến nhất, trong đó bác sĩ buộc một vòng cao su thật chặt quanh đáy búi trĩ để chặn sự lưu thông máu, khiến búi trĩ teo lại và tự rụng.
  • Chặn nguồn máu đến búi trĩ bằng ánh sáng hồng ngoại, nhiệt hoặc làm lạnh. Điều này sẽ làm co búi trĩ.
  • Tiêm xơ búi trĩ: tiêm một loại hóa chất khiến cho búi trĩ trở nên xơ cứng, không còn được máu nuôi dưỡng và dần teo nhỏ lại.

Những trường hợp bị trĩ nặng hoặc không đáp ứng với các phương pháp điều trị trên sẽ cần làm phẫu thuật cắt búi trĩ. Cách này đã được chứng minh là giúp làm giảm các triệu chứng và giảm nguy cơ tái phát trong tương lai. (1)

Những ai có nguy cơ bị bệnh trĩ?

Bệnh trĩ xảy ra do tăng áp lực lên các tĩnh mạch ở hậu môn và trực tràng. Những người có tiền sử gia đình bị bệnh trĩ sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Ngoài ra, các yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ bệnh trĩ gồm có:

  • Tuổi cao
  • Mang thai
  • Béo phì
  • Quan hệ tình dục qua đường hậu môn
  • Thường xuyên bị táo bón hoặc tiêu chảy
  • Thường xuyên ngồi quá lâu trên bồn cầu và phải rặn mạnh khi đại tiện
  • Chế độ ăn có quá ít chất xơ
  • Lạm dụng thuốc xổ hoặc thuốc nhuận tràng

Bệnh trĩ có tái phát không?

Cho dù đã điều trị khỏi, bệnh trĩ vẫn có thể tái phát. Một nghiên cứu vào năm 2004 đã so sánh tỷ lệ tái phát bệnh trĩ ở 231 người. (2)

Những người tham gia nghiên cứu được chia thành 2 nhóm, một nhóm chỉ điều trị trĩ tại nhà trong khi nhóm còn lại được phẫu thuật cắt búi trĩ. Tỷ lệ tái phát bệnh ở nhóm phẫu thuật là 6,3% và ở nhóm điều trị tại nhà là 25,4%.

Cách phòng ngừa bệnh trĩ

Một số điều chỉnh đơn giản trong chế độ ăn uống và thói quen hàng ngày có thể giúp phòng ngừa bệnh trĩ, chẳng hạn như:

  • Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ và uống nhiều nước để làm mềm phân và tránh phải rặn khi đại tiện. Có thể dùng thuốc làm mềm phân hay thuốc nhuận tràng khi bị táo bón.
  • Tập thể dục thường xuyên cũng giúp đại tiện đều đặn hơn.
  • Giảm cân nếu thừa cân để giảm áp lực lên các tĩnh mạch ở trực tràng và hậu môn.

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: bệnh trĩ
Tin liên quan

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây