Laser cường độ thấp kích thích mọc tóc
Liệu pháp laser cường độ thấp
Từ lâu người ta đã biết laser cường độ thấp có khả năng kích thích hoạt động tế bào. Sau phát hiện về laser vào thập niên 1960, có rất nhiều người trở nên hứng thú với việc sử dụng các thiết bị laser để điều trị nhiều chứng bệnh khác nhau. Thiết bị được sử dụng phổ biến nhất là loại máy phát ra tia laser với bước sóng nằm trong khoảng từ 500-1100 nm. Laser cường độ thấp đã cho thấy tác dụng có lợi trong việc điều trị nhiều vấn đề, ví dụ như thúc đẩy hồi phục vết thương, tái tạo dây thần kinh, giảm đau khớp, hồi phục sau đột quỵ, ngăn ngừa và điều trị viêm niêm mạc. Các thiết bị laser dành cho mục đích sử dụng và điều trị tại gia sẽ tỏa ra ánh sáng đỏ đơn sắc cường độ thấp, được phát triển để điều trị nhiều loại bệnh ngoài da, trong đó bao gồm bệnh rụng tóc.
Phương pháp này đã trở nên khá phổ biến, chí ít là ở nước ngoài, và có nhiều thiết bị đã được tung ra thị trường nhằm phục vụ cho nhu cầu điều trị tại nhà (lược laser, mũ laser...). Nó được xem là một phương pháp hiệu quả với ít tác dụng phụ và có thể thay thế cho việc điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Phương pháp này được nhắc đến nhiều trong điều trị rụng tóc hói (androgenetic alopecia) – kiểu rụng tóc rất phổ biến ở cả nam và nữ.
Cơ chế của laser cường độ thấp trong điều trị rụng tóc
Laser cường độ thấp của thiết bị lược laser đã được FDA chấp nhận là phương pháp điều trị an toàn đối với rụng tóc kiểu hói ở nam (2007) và ở nữ (2011). Liệu pháp điều trị bằng laser được cho là có tác dụng:
- Kích thích nang tóc nhanh chóng chuyển từ pha telogen (pha thoái hóa, rụng tóc) sang pha anagen (pha mọc tóc) của chu kỳ mới.
- Kéo dài giai đoạn anagen.
- Tăng tốc độ tăng sinh của nang tóc đang trong giai đoạn anagen để ngăn ngừa tình trạng chuyển qua pha catagen quá sớm.
Cơ chế kích thích mọc tóc chính xác của laser vẫn chưa được hiểu rõ, tuy nhiên đã có nhiều giả thuyết được đưa ra. Một số người cho rằng laser có tác động lên ty thể và làm thay đổi sự trao đổi chất của tế bào. Từ đó dẫn đến gia tăng sản sinh ATP (thành phần vận chuyển năng lượng đến cho tế bào), kéo theo tổng hợp loại protein làm gia tăng tăng sinh tế bào, cộng thêm thay đổi về lượng cytokines, các yếu tố tăng trưởng và các chất trung gian sưng viêm. Từ đó có tác dụng kích thích mọc tóc.
Ngoài ra, một số nhà nghiên cứu nhận định rằng có thể laser cường độ thấp đã tạo ra một lượng nhiệt tác động lên nang tóc. Tuy không đủ để gây bỏng hay tổn thương, nhưng vừa đủ để kích thích phản ứng tự chữa lành của cơ thể, khiến cho tóc mọc trở lại.
Tóm lại, laser cường độ thấp là biện pháp điều trị đã cho kết quả mọc tóc quan sát được trong các nghiên cứu, mặc dù vậy người ta vẫn chưa hiểu rõ về cơ chế cụ thể của phương pháp này.
Tần suất điều trị
Để phương pháp này có hiệu quả thì bạn cần sử dụng nó đủ thường xuyên, nếu không sẽ chỉ lãng phí thời gian. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ có chuyên môn về phương pháp và thời gian sử dụng trước khi quyết định tiến hành điều trị.
Mỗi bác sĩ sẽ có quy định riêng về tần suất sử dụng laser cường đột thấp cho da đầu rụng tóc. Nhìn chung, bệnh nhân sẽ được yêu cầu sử dụng thiết bị 3 lần một tuần, trong những ngày không liên tiếp với nhau. Thời gian của mỗi lần sử dụng thay đổi tùy theo cường độ, loại sản phẩm và ý kiến của bác sĩ. Có người yêu cầu bệnh nhân chiếu laser trong 15 phút một lần, có những người yêu cầu từ 30-45 phút. Tổng thời gian cho việc điều trị thường là 6 tháng. Bạn có thể nhìn thấy kết quả sau ít nhất là 6 tuần.
Hiệu quả của laser cường độ thấp trong điều trị rụng tóc
Như đã nói ở trên, có nhiều nghiên cứu đã cho thấy laser cường độ thấp có tác dụng kích thích mọc tóc ở người mắc bệnh rụng tóc.
Trong một nghiên cứu được thực hiện ở 15 bệnh nhân (6 nam, 9 nữ), laser cường độ thấp được sử dụng kèm theo các phương pháp điều trị khác như thuốc bôi carpronium chloride 5% trực tiếp lên da đầu 2 lần/ngày, thuốc kháng sinh histamin, caepharanthin... Kêt quả là có 47% bệnh nhân mọc lại tóc ở vùng được chiếu laser sớm hơn vùng không được chiếu 1,6 tháng. Tuy nhiên sau một năm thì kết quả hồi phục tóc, về mật độ, chiều dài, đường kính thân tóc, thì ại không có gì khác biệt, khiến các nhà nghiên cứu cho rằng laser chỉ có tác động thúc đẩy tốc độ mọc tóc.
Với nghiên cứu của Sation và đồng nghiệp thì độ hiệu quả của laser nồng độ thấp được thử nghiệm trên 28 nam và 7 nữ bệnh nhân bị rụng tóc hói (androgenetic alopecia). Mỗi người tham gia được phát lược laser với bước sóng 655 nm để dùng tại nhà trong vòng 6 tháng, cách ngày thì dùng 10 phút. Kết quả là cả hai giới đều có cải thiện đáng kể về số lượng tóc, đặc biệt là tóc ở vùng đỉnh đầu nam giới (vùng thái dương: 55% ở nữ, 74% ở nam; vùng đỉnh: 65% ở nữ, 120% ở nam).
Trong cuộc thí nghiệm về lược laser của Leavitt và đồng nghiệp, sau khi sử dụng 15 phút/lần, 3 lần/tuần trong vòng 26 tuần, bệnh nhân nhận được kết quả: mật độ tóc trưởng thành trung bình tăng cao đáng kể so với nhóm dùng thiết bị giả, cải thiện đáng kể về tình trạng tái mọc tóc, giảm rụng tóc, tạo cảm giác tóc dày hơn, da đầu khỏe hơn, tóc bóng hơn.
Tuy đạt được kết quả khả quan, nhưng các nghiên cứu về tác dụng của laser cường độ thấp vẫn còn hạn chế là kích thước mẫu nghiên cứu (số lượng bệnh nhân tham gia) nhỏ.
Trong một tài liệu tổng hợp quả thử nghiệm về laser cường độ thấp, tác giả rút ra nhận xét:
- Laser cường độ thấp có thể cải thiện bệnh rụng tóc hói
- Phù hợp cho cả nam lẫn nữ
- Điều trị dài hạn (>20 tuần) và ngắn hạn (16-20 tuần) đều là hai hướng tiếp cận có triển vọng
- Cả thiết bị lược laser và mũ laser đều giúp mật độ tóc tăng cao, nhưng không có khác biệt lớn giữa hiệu quả của hai loại thiết bị
- Tần suất thưa (<60 phút/tuần) có vẻ có hiệu quả hơn tần suất cao (>60 phút/tuần).
Tác dụng phụ không mong muốn
Đa số tài liệu ghi nhận liệu pháp laser cường độ thấp có ít tác dụng phụ và thường chỉ ở mức độ nhẹ. Những tác dụng phụ phổ biến nhất là:
- Khô da đầu
- Ngứa
- Mụn
- Đau nhức da đầu
- Bị nóng ở vùng chiếu laser
Chưa có nghiên cứu nào ghi nhận các ca biến chứng nặng đến nỗi làm ngắt quãng hoặc khiến bệnh nhân phải ngừng điều trị. Đa số các biến chứng kể trên biến mất trong vòng 2 tuần.
Một số sản phẩm laser cường độ thấp
Đến nay đã có một số thiết bị laser cường độ thấp như:
- Lược laser: chuỗi sản phẩm lược laser Lexington International’s HairMax LaserComb series (Lexington International, Boca Raton, FL), NutraLuxe (Nutra Stim Hair Laser Comb)...
- Mũ đội di động: mũ laser Theradome (Theradome, Los Angeles, CA), mũ laser Apira iGrow
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Tâm
Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi điều trị rụng tóc bằng laser, bất kể là điều trị tại bệnh viện hay tự mua thiết bị điều trị tại nhà vì loại và cường độ laser cần sử dụng sẽ phụ thuộc vào mức độ rụng tóc
Mũ kích thích mọc tóc thực sự có hiệu quả điều trị rụng tóc. Thiết bị này sử dụng laser năng lượng thấp LLLT có tác dụng kích thích nang tóc mọc tóc tốt hơn, tạo ra sợi tóc dày và chắc khỏe hơn, đồng thời cải thiện lưu thông máu đến da đầu
- 2 trả lời
- 1109 lượt xem
Tôi bị rụng tóc trên đỉnh đầu, không biết máy laser 670 Revenge có tác dụng trong trường hợp này không?
- 3 trả lời
- 1343 lượt xem
Tôi là nam, 53 tuổi. Đầu tôi ngày càng ít tóc, mà sợi tóc cũng nhỏ dần. Tôi đã bắt đầu sử dụng Finasteride và đang thắc mắc không biết lược laser kích mọc tóc của hãng Hairmax có tác dụng không?