Làm thế nào để cải thiện đôi môi khô, nứt nẻ?
Nội dung chính của bài viết
- Môi khô, nứt nẻ là một vấn đề phổ biến trong những tháng mùa đông
- Bạn cần phải sử dụng son dưỡng có chỉ số SPF, tránh các thành phần gây kích ứng cho môi và che chắn cho môi khỏi ảnh hưởng xấu của thời tiết như đeo khẩu trang khi ra đường.
- Ngoài ra, uống nhiều nước, tẩy da chết cũng là những cách giúp đôi môi của bạn luôn mềm mại, ẩm ướt suốt cả năm.
Đôi môi khô, nứt nẻ và bong tróc vào mùa đông hay khi thời tiết hanh khô là vấn đề mà rất nhiều người gặp phải. Tuy nhiên, có rất nhiều cách hữu hiệu để khắc phục vấn đề này và khôi phục một đôi môi ẩm mượt, mềm mại.
1. Sử dụng son dưỡng có chỉ số SPF
Giống như nhiều vùng da khác, đôi môi cũng cần được dưỡng ẩm. Da môi mỏng hơn so với da ở phần còn lại của khuôn mặt và cơ thể, hơn nữa còn không có tuyến bã nhờn sản xuất dầu nên không được bảo vệ bởi các chất chống oxy hóa có trong dầu. Vì những lý do này nên đôi môi không chỉ rất hay bị khô mà còn dễ bị tổn thương do ánh nắng mặt trời. Do đó, cần sử dụng các loại son dưỡng có chỉ số chống nắng SPF mỗi ngày để bảo vệ môi. Đây là điều rất quan trọng vì tia UV trong ánh nắng là tác nhân gây khô, nứt nẻ và thâm môi.
Khi chọn son dưỡng môi thì nên tìm những loại có chứa cả các thành phần khóa ẩm (occlusive) và hút ẩm (humectant). Nếu không kết hợp với các chất khóa ẩm thì các thành phần hút ẩm như hyaluronic acid, glycerin hay lô hội có thể khiến cho đôi môi càng khô và nứt nẻ hơn. Lý do là bởi các chất hút ẩm hoạt động với cơ chế hút độ ẩm từ môi trường xung quanh. Khi thời tiết ẩm ướt thì các chất này có thể hút độ ẩm trong không khí vào da.
Tuy nhiên, khi thời tiết hanh khô vào mùa đông thì các chất này lại gây ra tác dụng ngược lại, đó là hút độ ẩm ở trong da vào không khí và làm cho da càng khô hơn. Do đó, chất hút ẩm cần được kết hợp với các chất khóa ẩm như sáp ong, dầu argan hay dầu khoáng (mineral oil) trong son dưỡng để tránh gây khô môi.
Các chất khóa ẩm giải quyết vấn đề này bằng cách tạo ra một lớp màng chắn trên da và ngăn độ ẩm bên trong thoát ra ngoài. Tuy nhiên, việc lạm dụng son dưỡng có thành phần này cũng sẽ gây phản tác dụng. Theo thời gian, đôi môi sẽ quen với việc có một lớp màng chắn bảo vệ được tạo nên bởi son dưỡng và do đó sẽ giảm sản sinh tế bào mới. Điều này sẽ làm cho đôi môi bị khô và bong tróc khi ngừng sử dụng son dưỡng. Để tránh hiện tượng này thì cần sử dụng các loại son dưỡng có chứa cả chất hút ẩm và chất khóa ẩm hoặc thi thoảng ngừng sử dụng son dưỡng.
2. Tránh các thành phần gây kích ứng
Một số thành phần thường được sử dụng trong các loại son dưỡng, son màu và các sản phẩm làm đầy môi tạm thời có thể gây kích ứng và làm cho tình trạng môi khô, nứt nẻ trở nên nặng hơn. Nếu bạn thường xuyên bị khô môi thì cần tránh các thành phần gây kích ứng như:
- Quế và dầu quế (cinnamon oil)
- Capsaicin (được sử dụng trong các sản phẩm làm đầy môi tạm thời)
- Bạc hà
- Nước hoa, hương liệu
- Một số loại tinh dầu
Ngoài ra, son bóng có thể thu hút tia UV và khiến môi dễ bị tổn thương do ánh nắng mặt trời hơn. Vì vậy, nên thay các loại son bóng bằng son lì hoặc son dưỡng để tránh khô môi và bảo vệ môi khỏi tác hại của tia UV, ngay cả trong mùa đông.
3. Bảo vệ khỏi tác hại của thời tiết
Ngoài ánh nắng thì thời tiết lạnh và gió cũng có thể gây khô, nứt nẻ và bong tróc môi. Do đó, vào mùa đông hay khi trời có gió to thì cần đeo khẩu trang, khăn và mũ để bảo vệ cho cả khuôn mặt và đôi môi.
Khi dùng máy sưởi hoặc điều hòa thì nên đặt một máy tạo độ ẩm trong phòng để da không bị khô.
4. Tẩy da chết cho môi thường xuyên
Bạn có thể mua các sản phẩm tẩy da chết dành riêng cho môi hoặc tự làm tại nhà bằng cách trộn mật ong với đường. Mật ong chứa hàm lượng lớn chất chống oxy hóa và có đặc tính kháng khuẩn nên rất phù hợp sử dụng cho môi.
Đường có vai trò như một chất tẩy da chết vật lý giúp loại bỏ lớp vảy da khô. Tuy nhiên, chỉ nên sử dụng hỗn hợp này để tẩy da chết cho môi từ 2 – 3 lần mỗi tuần, không dùng hàng ngày và không dùng khi môi đang bị nứt nẻ.
Đọc thêm về các mẹo chăm sóc da tại nhà nên thử và nên tránh
5. Uống nhiều nước
Cung cấp đủ nước cho cơ thể mỗi ngày là thói quen đem lại lợi ích rất lớn cho sức khỏe của cả làn da và đôi môi. Mỗi người nên cố gắng uống 8 ly nước, tương đương 1.6 – 2l nước mỗi ngày.
Tuy nhiên, tốt nhất nên uống nước lọc và tránh các loại nước có đường, thậm chí là cả một số loại nước ép trái cây, vì hàm lượng đường cao trong những loại nước này có thể gây ra các vấn đề về da như mụn trứng cá hay kích hoạt phản ứng viêm trên toàn cơ thể.
Ngoài ra, không được liếm môi khi cảm thấy khô và thay vào đó nên sử dụng son dưỡng.
Bạn đã bao giờ nói không với sản phẩm chăm sóc da nói chung hoặc kem dưỡng ẩm nói riêng đơn giản bởi vì nó chứa các loại dầu tự nhiên?
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều sản phẩm được quảng cáo là có thể "nuôi dưỡng" hay "cân bằng" hệ vi sinh vật trên da bằng cách bổ sung lợi khuẩn (probiotic) cho da nhưng những sản phẩm này có thực sự làm được điều này hay không?