Hút mỡ trợ rung (trợ lực) là gì?
Hình ảnh thực tế (Click xem ảnh to)
Với hút mỡ trợ rung (PAL - Power Assist Liposucton), các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ thường có kiểm soát tốt hơn, ít mất sức hơn nhưng vẫn có thể hút được nhiều mỡ, đồng thời tạo ra ít thương tổn và bầm tím hơn so với hút mỡ truyền thống – một điều rất có lợi cho bệnh nhân.
Hút mỡ trợ rung (trợ lực) là gì?
Để hiểu được hút mỡ trợ rung có gì ưu tú hơn, cần nói qua về hút mỡ truyền thống Tumescent. Trong quá trình hút mỡ truyền thống, bác sĩ sẽ sử dụng một ống cannula rỗng ruột, đầu tù, có nhiều lỗ nhỏ dọc theo ống, nối với máy hút để hút mỡ. Mỡ sẽ được “tách” khỏi vị trí ban đầu thông qua hành động sọc sọc ống cannula, để rồi được đưa ra ngoài cơ thể bằng lực hút.
Để đạt được hiệu quả tốt, các bác sĩ sẽ phải di chuyển nhanh, mạnh và liên tục qua các vùng mỡ cần xử lý. Vấn đề với biện pháp này là thứ nhất nó rất tốn sức; bác sĩ đã mô tả quá trình phẫu thuật như một ca lao động cực nhọc, đặc biệt là với những ca hút mỡ thể tích lớn kéo dài nhiều giờ đồng hồ. Thứ hai, việc đâm chọc mạnh cũng sẽ gây ra nhiều thương tổn cho mô, cho dù đã được hạn chế với việc sử dụng dung dịch tumescent. Mà càng nhiều thương tổn, thì quá trình hồi phục càng kéo dài, gây nhiều bất tiện và giảm mức độ hài lòng của bệnh nhân.
Với mong muốn khắc phục phần nào các nhược điểm trên, có nhiều phương pháp đã được đưa vào để hỗ trợ quá trình hút mỡ, trong đó có máy hút mỡ trợ lực.
Về căn bản, thiết bị hút mỡ trợ lực giống thiết bị hút mỡ thông thường ngoại trừ khả năng làm rung ống cannula trong quá trình hút mỡ. Thiết bị này có tay cầm, một đầu gắn với ống cannula đầu còn lại nối với nguồn tạo lực hút. Tay cầm có nút bật và điều chỉnh để bác sĩ khởi động/tắt chế độ rung của ống cannula, cũng như điều chỉnh mức độ rung tùy ý. Ống cannula rung với tốc độ 2000-4000 cpm, biên độ dao động là 2mm. Nghiên cứu chỉ ra thiết bị này sẽ hoạt động hiệu quả nếu chạy ở với tốc độ ít nhất là 3200 cpm.
Ngoài hút mỡ trợ rung, hiện nay còn có 2 công nghệ hút mỡ khác sử dụng năng lượng laser và năng lượng sóng siêu âm để hóa lỏng mỡ dễ dàng hơn, giúp giảm bầm tìm và rút ngắn thời gian hồi phục
Đọc thêm:
Ưu và nhược điểm của hút mỡ trợ rung
Ưu điểm
Qua quan sát, người ta thấy hút mỡ trợ lực không chỉ ngang bằng với hút mỡ truyền thống về độ an toàn và tốc độ hồi phục, mà chất lượng thẩm mỹ của nó có khi còn nhỉnh hơn về vài yếu tố.
Ống cannula của máy hút mỡ trợ lực phá vỡ mỡ xơ hóa dễ dàng hơn hút mỡ truyền thống, vậy nên nó tiết kiệm nhiều sức lực cho bác sĩ. Bác sĩ có thể chú tâm hơn vào việc tạo ra kết quả đẹp mắt. Thêm vào đó, bác sĩ cũng có thể dễ dàng điều trị các vùng nhiều mô xơ (ví dụ như khi chữa phì đại tuyến vú ở nam giới) và làm hút mỡ lần hai, khi có nhiều mô xơ hình thành sau ca hút mỡ đầu.
Điểm cộng lớn của hút mỡ trợ lực là nó giảm thời gian làm phẫu thuật đáng kể. Ví dụ, trong giai đoạn phá vỡ liên kết mỡ, hoàn toàn có thể hút được 100 ml (dịch+ mỡ)/phút. Ưu điểm nữa là ống cannula của máy hút mỡ trợ lực (thường có đường kính 3-4 mm) không gặp phải tình trạng tắc nghẽn bởi mô xơ như với ống cannula đường kính nhỏ dùng trong hút mỡ tumescent truyền thống, đặc biệt là khi điều trị mỡ xơ hóa.
Kỹ thuật hút mỡ trợ rung có những ưu điểm như sau cho bệnh nhân:
- Ít gây tổn thương hơn
- Ít gây sưng nề hơn
- Ít gây bầm tím hơn
- Thời gian hồi phục nhanh hơn
Kỹ thuật hút mỡ trợ rung có những ưu điểm như sau cho bác sĩ:
- Đỡ mệt hơn
- Linh hoạt hơn
- Dễ thực hiện
- Về mặt kỹ thuật thì dễ hơn
Nhược điểm
Những nhược điểm của hút mỡ hỗ trợ rung là:
- Chi phí cao hơn
- Bác sĩ cần thời gian làm quen với kỹ thuật
- Rung chấn truyền từ máy sang thân trên của bác sĩ
- Tiếng ồn mà máy hút mỡ trợ rung tạo ra.
Trong đó, hai nhược điểm đầu tiên ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh nhân, còn hai nhược điểm sau thường gây ảnh hưởng cho bác sĩ trực tiếp làm phẫu thuật nhiều hơn.
Với bệnh nhân, công nghệ mới đồng nghĩa bệnh nhân sẽ phải trả thêm chi phí cho máy móc, nên giá của phương pháp này có thể cao hơn hút mỡ truyền thống. Và cũng vì bác sĩ phải có quá trình làm quen rồi mới có thể sử dụng thành thạo thiết bị, vậy nên tốc độ/chất lượng thẩm mỹ có thể bị ảnh hưởng trực tiếp từ kinh nghiệm của bác sĩ và phản ánh lại trên chính cơ thể bệnh nhân.
Còn với bác sĩ, mặc dù không phải dùng lực nhưng rung động từ tay cầm của máy hút mỡ trợ lực sẽ truyền trực tiếp qua tay và lên thân trên của bác sĩ, gây ra khó chịu nhẹ. Mức độ rung liên quan tới tốc độ mà bác sĩ chọn làm phẫu thuật và khi tắt máy thì rung chấn cũng biến mất theo. Nhược điểm lớn khác của máy hút mỡ trợ lực chính là âm thanh đi kèm, mặc dù trong thực tế thì tiếng của máy hút sẽ át hết tiếng rung của ống cannula. Thêm vào đó, thiết bị này cũng không ngừng được cải tiến, nên những mấu mới hơn sẽ bớt ồn hơn trước.
Quá trình thực hiện
Sau khi đánh dấu vị trí thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân được đưa lên bàn mổ. Bác sĩ bơm dung dịch tumescent vào lớp mỡ, sau đó đợi 20-30 phút trước khi tiến hành hút mỡ. Đây là thời gian để công dụng gây tê, cũng như co mạch máu – giảm xuất huyết của dung dịch tumescent phát huy tác dụng.
Khi tiến hành dùng máy hút mỡ trợ rung, bác sĩ sẽ di chuyển thiết bị một cách đủ chậm để cho phép ống cannula phá vỡ lớp mỡ nó gặp phải. Với tốc độ thích hợp, chuyển động của ống cannula truyền qua tay bác sĩ, đem lại cảm giác như “trượt qua” lớp mỡ dưới da – nhẹ nhàng hơn nhiều so với hút mỡ truyền thống. Bác sĩ sẽ ra quyết định dừng lại khi đã đạt được mục tiêu thẩm mỹ mong muốn, sử dụng cùng tiêu chí như hút mỡ truyền thống.
Kết thúc phẫu thuật, bác sĩ có thể chọn khâu đóng vết rạch hoặc để hở (đa phần là để hở làm chỗ thoát dịch sau phẫu thuật) và để bệnh nhân được làm sạch, đặt băng gạc và mặc băng ép/đồ nịt/gen nịt thích hợp.
Quá trình hồi phục sau hút mỡ trợ rung
Hồi phục sau hút mỡ hỗ trợ rung/trợ lực không có gì khác so với quá trình hồi phục của các kỹ thuật hút mỡ khác. Chi tiết những gì nên làm, những lưu ý và triệu chứng/biến chứng cần chú ý nên được bàn bạc cẩn thận giữa bác sĩ và bệnh nhân trong các buổi tư vấn trước khi làm phẫu thuật.
Bệnh nhân nên đảm bảo là mình hiểu rõ thời gian cần để hồi phục, nắm được những rủi ro và dấu hiệu nguy hiểm cần chú ý, chú ý chế độ ăn uống-hoạt động và quan trọng nhất là chuẩn bị sẵn tinh thần thoải mái, kiên nhẫn chờ đợi vì hồi phục có thể là một quá trình dài hơi. Sau khi tham khảo các bài viết trên mạng, hãy xác nhận các thông tin bạn đọc được lần nữa với bác sĩ để rút kinh nghiệm cho bản thân.
Nhìn chung, bạn sẽ gặp các tình trạng phổ biến sau hút mỡ như sưng nề, bầm tím, đau, loạn cảm... Chúng thường xuất hiện ngay sau phẫu thuật hoặc vài ngày sau đó, nặng nhất trong 1-2 tuần đầu nhưng sau đó giảm dần và gần như biến mất trong 3-4 tuần sau phẫu thuật (có trường hợp còn nhanh hơn). Tuy nhiên, các vấn đề này hoàn toàn có thể kéo dài dai dẳng ở mức độ nhẹ trong 3-4 tháng, thậm chí 6 tháng sau phẫu thuật.
Sáu tháng cũng là mốc mà đa số các bác sĩ chọn làm thời điểm để đánh giá kết quả cuối cùng sau hút mỡ, các vấn đề phổ biến thường không kéo dài quá thời gian này. Nếu kéo dài hoặc trầm trọng thêm chứ không giảm nhẹ, thì cần nghi ngờ và yêu cầu bác sĩ kiểm tra.
Các biện pháp đơn giảm thường được áp dụng sau hút mỡ là:
- Kiên trì dùng đồ nịt/băng ép (chỉ tháo khi tắm giặt) trong 1-3 tuần đầu, dừng lúc nào sẽ tùy vào tình trạng cá nhân và yêu cầu của bác sĩ.
- Nghỉ ngơi đầy đủ, vận động nhẹ nhàng (đi lại quanh nhà), kê cao chân hoặc vùng háng khi nghỉ ngơi để giảm dịch tụ xuống vị trí thấp trên cơ thể
- Ăn uống đầy đủ/lành mạnh nhiều đồ tươi/rau củ/uống đủ nước. Dùng thuốc và thực phẩm chức năng (nếu có) theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Ngoài ra nên chú ý tới các biểu hiện nghiêm trọng như sưng đỏ, nóng, sốt của nhiễm trùng, hay sưng to, đau bất thường một bên chân vì dễ là huyết khối tĩnh mạch sâu nguy hiểm... Vui lòng tìm bài viết về các biến chứng sau hút mỡ để tìm hiểu thêm, sau đó trao đổi với bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ của bạn để được dặn dò chi tiết.