Ghép xương ổ răng
Ghép xương ổ răng là gì?
Ghép xương ổ răng là một quy trình phẫu thuật thay thế phần xương bị tiêu mất bên trong hàm, thường do mất răng hoặc nhiễm trùng nướu (bệnh nha chu). Bác sĩ sẽ sử dụng các loại xương cấy ghép khác nhau để tái cấu trúc lại phần xương hàm bị hỏng hoặc yếu, hoặc tái tạo xương mới.
Xương cấy ghép được lấy từ bộ phận khác của chính cơ thể bệnh nhân (xương tự thân), từ tử thi (xương allogenic), hoặc từ bò (xương xenogenic). Các vật liệu ghép xương tổng hợp cũng có thể được sử dụng. Ít phổ biến hơn, mảnh ghép có thể được chế tạo từ phần ngà răng của chiếc răng được nhổ bỏ, nhưng các nghiên cứu cho thấy phương pháp này không tốt hơn so với các phương pháp ghép xương phổ biến khác.
- Xương tự thân: được lấy từ một bộ phận khác của chính cơ thể bệnh nhân. Xương thường được thu hoạch từ cằm, hàm, hông, xương cẳng chân hoặc hộp sọ. Lợi thế của việc cấy ghép xương tự thân là các mảnh ghép là xương còn sống, có nghĩa là nó chứa các tế bào sống giúp tăng cường sự phát triển của xương.
- Xương allogenic (xương đồng chủng): là xương đã chết được thu hoạch từ xác chết, sau đó được xử lý bằng phương pháp đông khô để loại bỏ nước trong môi trường chân không. Không giống với xương tự thân, xương allogenic không thể tự tạo ra xương mới. Thay vào đó, nó đóng vai trò như một chiếc khung để từ đó các thành xương xung quanh có thể phát triển lấp đầy khoảng trống.
- Xương xenogenic (xương dị chủng): có nguồn gốc từ xương không sống của một loài khác, thường là bò. Xương được xử lý ở nhiệt độ cao để tránh khả năng bị đào thải và tránh nhiễm trùng. Xương xenogenic đóng vai trò tương tự như xương allogenic.
Ghép xương ổ răng được thực hiện sau khi mất răng hoặc nhổ răng được gọi là sự bảo tồn ổ răng. Quy trình này được thực hiện để duy trì chiều rộng và chiều dài của xương, đảm bảo cho sự nâng đỡ trụ implant và mão răng trong tương lai (trồng răng implant).
Đối tượng phù hợp
Những đối tượng:
- Bị tiêu xương do nhiễm trùng hoặc đã nhổ răng trước đó
- Bệnh nha chu gây tụt lợi
- Xương hàm còn lại tương đối khỏe mạnh
Nếu bạn bị mất quá nhiều xương và có kế hoạch trồng răng implant, các bác sĩ sẽ cho biết bạn cần đợi khoảng 1 năm đến khi quy trình ghép xương của bạn thành công.
Ưu điểm và nhược điểm
Ưu điểm
- Sâu răng và tiêu xương có thể thay đổi diện mạo gương mặt, có thể gây hóp má hoặc lép môi, vì thế phục hồi xương bị tiêu có thể giúp cải thiện cấu trúc gương mặt.
- Ghép xương ổ răng có thể giúp bạn không bị mất nhiều răng hơn. Làm vững chắc xương hàm sẽ giúp “gia cố” các răng đang có nguy cơ.
- Rất ít đau, cả trong và sau khi thực hiện quy trình.
- Vật liệu ghép xương tổng hợp được FDA chấp thuận, tương thích với cơ thể, không có nguy cơ bị đào thải.
Nhược điểm
- Các tác dụng phụ và các biến chứng của ghép xương ổ răng bao gồm nhiễm trùng hoặc áp xe, tổn thương dây thần kinh và các vấn đề về xoang.
- Không phải lúc nào cũng chỉ cần 1 miếng ghép là đủ, và có thể bị thất bại khi ghép.
Mẹo: Bất kỳ một nha sĩ giỏi nào đều có thể thực hiện ghép xương ổ răng, tuy nhiên, bạn nên tìm kiếm một bác sĩ phẫu thuật răng hàm mặt đã được cấp chứng chỉ hành nghề - người mà có nhiều kinh nghiệm hơn về quy trình ghép xương và các biến chứng tiềm ẩn của nó.
Quy trình ghép xương ổ răng
Quy trình ghép xương ổ răng mất khoảng 45 phút, được thực hiện tại phòng khám nha khoa.
Tại buổi tư vấn đầu tiên, bác sĩ phẫu thuật sẽ thảo luận về quy trình, kiểm tra răng miệng của bạn và chụp X-quang răng, rồi quyết định phương pháp gây mê/tê cho bạn. Nếu bạn cần nhổ trên 2 răng trước khi ghép xương, bác sĩ sẽ dùng thuốc an thần tiêm tĩnh mạch tiêm cho bạn. Bác sĩ Tâm cho biết: “Lựa chọn hình thức gây mê/tê thường dựa trên mức độ lo lắng của bệnh nhân, số lượng răng cần nhổ trước khi ghép xương và mức độ của quy trình phẫu thuật”.
Vào ngày thực hiện thủ thuật, đầu tiên bạn sẽ được gây mê/tê. Khi thuốc mê phát huy tác dụng, bác sĩ tiến hành nhổ những răng cần loại bỏ. Họ tạo một đường rạch trên lợi để tiếp cận vào xương và làm sạch mọi mô nhiễm trùng.
Nếu sử dụng mảnh ghép xương tự thân (xương được lấy từ cơ thể bệnh nhân), bác sĩ sẽ tạo một đường mổ thứ 2 ở hàm hoặc cơ thể (thường ở hông) để thu hoạch xương khỏe mạnh. Sau đó, họ sẽ cấy chuyển vật liệu xương vào khu vực bị tiêu xương. Tiếp đến, phủ lên đó 1 màng collagen, để ngăn chặn lợi phát triển vào xương, trước khi khâu kín lợi.
Khi bạn tỉnh lại, bạn sẽ được trở về nhà cùng những hướng dẫn chăm sóc hậu phẫu. Có thể bị chuếnh choáng nên bạn hãy đi cùng ai đó đến phòng khám.
Quá trình hồi phục
Bạn cần nghỉ dưỡng 2-3 ngày sau khi phẫu thuật ghép xương ổ răng, nhưng để hồi phục hoàn toàn thì cần thời gian lâu hơn. Sưng nề thường xuất hiện vào ngày thứ 3 hoặc 4 sau phẫu thuật và kéo dài khoảng 2-3 ngày. Chỉ tự tiêu (khâu vết thương) sẽ tự tiêu trong vòng 1 tuần.
Thực hiện chế độ ăn thực phẩm lỏng, loãng trong tuần đầu tiên và chỉ ăn thực phẩm mềm trong 2 tuần tiếp theo. Khi ăn uống thực phẩm lỏng, bạn không nên dùng ống hút: chuyển động khi hút có thể đánh bật miếng ghép và kích thích chảy máu nhiều hơn. Nếu bạn đã từng nhổ răng, bạn sẽ nhận được các hướng dẫn về súc miệng để tránh khô ổ răng và được uống thuốc kháng sinh để tránh nhiễm trùng.
Tránh tập thể dục khoảng 10 ngày, vì nhịp tim tăng cũng có thể làm tăng chảy máu.
Có thể hút huốc và uống rượu sau khi ghép xương ổ răng không?
Nếu bạn hút thuốc, bạn cần bỏ hút thuốc khoảng 2 tuần trước khi phẫu thuật và tránh hút thuốc vào 2 tuần đầu tiên sau phẫu thuật. Các độc tố và nicotin trong thuốc lá là những chất co mạch, làm giảm đáng kể lưu lượng máu đến vị trí phẫu thuật và mảnh xương ghép. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hút thuốc lá có thể dẫn đến tỷ lệ thất bại trong ghép xương ổ răng cao hơn một chút.
Rượu có thể gây mất nước, gây bất lợi cho quá trình lành thương, vì thế bạn sẽ cần tránh uống rượu khoảng 1 tuần sau phẫu thuật.
Đau do ghép xương ổ răng kéo dài bao lâu?
Bạn sẽ hơi đau trong một vài ngày đầu sau khi phẫu thuật ghép xương ổ răng.
Một số bệnh nhân sử dụng ibuprofen (thuốc OTC, bán sẵn tại nhà thuốc) để kiểm soát cơn đau trong khi một số bệnh nhân khác được bác sĩ chỉ định các loại thuốc giảm đau bán theo đơn (thuốc ETC). “Nếu xương được thu hoạch từ vị trí khác ở trong miệng, bệnh nhân có thể cảm thấy khó chịu một chút – tuy nhiên, nó thường không khó chịu hơn việc nhổ răng” – bác sĩ Tâm cho biết.
Mẹo: Nếu cơn đau kéo dài (hoặc trở nên tồi tệ hơn) sau một tuần, đó có thể là dấu hiệu nhiễm trùng. Hãy liên hệ với bác sĩ phẫu thuật cho bạn.
Khi nào thấy được kết quả ghép xương ổ răng?
Mất ít nhất 6 tháng để các mảnh ghép tự thân hoặc tổng hợp bắt đầu tạo điều điện cho xương phát triển và tái tạo xương mới. Bạn có thể chỉ nhận thấy những thay đổi nhỏ trên gương mặt thông qua việc ghép xương cho đến khi hoàn thành quy trình trồng răng implant, kết quả mới thật ấn tượng.
Nếu cấy ghép thất bại, có thể cần yêu cầu nhiều quy trình. “Tùy thuộc vào tình huống của bạn mà có thể cần phải thực hiện nhiều quy trình cấy ghép lên cùng một vị trí để đạt được kết quả lý tưởng”.
Thời gian duy trì kết quả ghép xương ổ răng
Nếu trong vòng 1 năm, bạn không trồng răng implant vào vị trí ghép xương ổ răng, thì xương mới được tái tạo sẽ teo ngót lần lữa và không có khả năng nâng đỡ trụ implant. Lúc đó, bạn sẽ cần ghép xương ổ răng lần thứ 2.
Khi trụ implant được cấy vào tương đối sớm, bạn thực hành tốt vệ sinh răng miệng và bạn duy trì sức khỏe răng miệng tốt, xương sẽ giữ được trụ implant lên tới 20-30 năm. Các nghiên cứu chỉ ra rằng có nhiều yếu tố góp phần tạo nên sự ổn định của implant, bao gồm loại xương được sử dụng khi ghép xương, tuổi tác của bạn, yếu tố di truyền và vị trí đặt trụ implant.
Chi phí ghép xương ổ răng
Chi phí ghép xương ổ răng phục thuộc vào mức độ kinh nghiệm của bác sĩ phẫu thuật, địa điểm phòng khám và các quy trình liên quan.
Bảo hiểm nha khoa có thể chi trả 1 phần hoặc toàn bộ cho quy trình ghép xương ổ răng, nhưng thường không chi trả cho quy trình trồng răng implant. Hãy hỏi đơn vị bảo hiểm của bạn.
Các lựa chọn thay thế cho phẫu thuật ghép xương ổ răng
Cầu răng là một trong những lựa chọn thay thế cho việc ghép xương ổ răng và trồng răng implant, nếu bạn bị mất răng hoặc nhổ răng. Với cầu răng, bác sĩ sử dụng 2 hoặc nhiều răng xung quanh (hoặc trụ implant) để làm điểm neo giữ cho răng giả, và đặt mão răng lên trên răng có sẵn.
Có một vài loại cầu, nhưng nhiều loại có khung sườn kim loại hoặc bằng sứ. Cầu răng trở nên không được ưa chuộng kể từ khi implant ra đời, bởi vì cầu răng cần tới 3 mão răng trong khi implant chỉ cần 1 mão răng. Các bác sĩ cho biết “Ngày ngay, mọi người hiếm khi chọn làm cầu răng, bởi vì nó khó làm sạch phần mặt dưới – và răng implant thì duy trì được lâu hơn”. Tuy nhiên, cầu răng vẫn là một lựa chọn tốt cho những người hút thuốc hoặc những chiếc răng bên cạnh của răng bị mất có hình thể xấu.
Đối với tiêu xương do bệnh về lợi, bạn có thể xem xét phương pháp LANAP để tái tạo lợi và xương nhờ sử dụng PerioLaser MVP-7, một loại laser nha khoa Nd:YAG được FDA chấp thuận cho bệnh nha chu. Ánh sáng từ laser tiêu diệt vi khuẩn ảnh hưởng đến lợi và kích thích các tế bào gốc hình thành collagen, xương và mô mới.
- 12 trả lời
- 1701 lượt xem
Hàm trên của tôi bị tiêu xương nghiêm trọng và bác sĩ nói cần phải nhổ răng và dùng răng giả nguyên hàm. Tôi muốn trồng răng Implant nhưng với lượng xương bị tiêu thì điều này là không thể. Liệu việc sử dụng Emdogain (dẫn xuất từ khuôn men răng), các kĩ thuật tái tạo xương hay ghép xương có thể giúp bổ sung thêm lượng xương cần thiết để tiến hành trồng răng Implant không? Tôi không muốn phải dùng răng giả nguyên hàm.
- 11 trả lời
- 1985 lượt xem
Liệu Fosamax và các loại thuốc chống loãng xương khác có hạn chế được nguy cơ tiêu xương không?
- 25 trả lời
- 3230 lượt xem
Tôi đang tính trồng răng Implant và tôi muốn biết thời gian hồi phục của phương pháp này? Tôi cần nghỉ việc trong bao lâu và có đau lắm không? Bao lâu thì tôi có thể ăn uống bình thường?
- 20 trả lời
- 2223 lượt xem
Tôi đang cân nhắc việc trồng răng implant nhưng lại lo lắng về các vấn đề không mong muốn và biến chứng. Tôi nghe nói phương pháp này có thể làm tổn thương dây thần kinh và thậm chí là tiêu xương. Ngoài ra còn có các vấn đề khác như nhiễm trùng. Phương pháp trồng răng implant có thật sự có những rủi ro này không?
- 20 trả lời
- 2108 lượt xem
Tôi đọc được một bài báo nói rằng: “Phương pháp trồng răng Implant để thay thế răng bị mất là giải pháp lâu dài tốt nhất để duy trì sức khỏe răng miệng. Ngoài ra, vì trụ Implant rất hiếm khi cần thay nên về lâu dài thì phương pháp trồng răng Implant sẽ kinh tế hơn so với cầu răng sứ.” Điều này có đúng không?