Có nên chuyển túi độn từ vị trí dưới cơ ngực lên trên cơ ngực?
Về mặt kỹ thuật chúng ta hoàn toàn có thể dịch chuyển túi độn nằm dưới cơ lên vị trí trên cơ. Tuy nhiên, đây là một quy trình đầy thách thức vì mô vú và lớp da đã bị kéo căng, giãn rộng và mỏng hơn. Ngoài ra, việc cắt tỉa mô vú ở bên trên cũng rất khó, nếu không may làm tổn hại đến bất kỳ mô vú nào thì có thể sẽ gây biến dạng nhìn thấy rõ.
Cá nhân tôi không khuyến khích bạn dịch chuyển túi độn vì:
- Nguy cơ biến dạng đường viền vú, xuất hiện nếp gợn sóng
- Các dải mô sẹo xơ ở vết rạch cũ trên cơ bám chặt vào da, tạo ra biến dạng rất xấu khi co cơ
- Phẫu thuật lần 2 dẫn đến nguy cơ co thắt bao xơ
Bạn hiện đang có kết quả khá đẹp mắt nên nếu thực hiện quy trình phẫu thuật lần 2 sẽ có nguy cơ rất lớn mất đi cặp vú đẹp này.
Bạn hoàn toàn có thể chuyển bộ túi độn từ dưới cơ lên trên cơ. Đúng là cách này có thể giúp khắc phục vấn đề đang gặp phải, nhưng để làm được thường không đơn giản. Bạn bị tình trạng được gọi là “biến dạng do hoạt động” (biến dạng động). Nó không thực sự là một biến dạng nhưng gây ra do sự co cơ ngực, khi cơ co vào sẽ làm nâng khối cơ ngực và mô vú ở phía trên túi độn lên. Điều này càng dễ xảy ra hơn khi bạn có vẻ là người thường xuyên tập luyện.
Nếu chuyển túi độn lên trên cơ ngực (dưới tuyến vú) tình trạng này sẽ biến mất nhưng lại gây ra một vấn đề khác. Mô vú chắc chắn sẽ mỏng dần theo thời gian và cuối cùng bạn sẽ bị tình trạng gợn sóng nhìn thấy rõ ở 2 bên vú. Ngoài ra, tỉ lệ co thắt bao xơ cũng cao hơn với vị trí đặt túi độn này.
Ngay từ đầu nếu sử dụng kỹ thuật dual plane để đặt túi độn (đặt một phần dưới cơ, một phần trên cơ) và giải phóng một ít cơ ngực có lẽ đã tránh được rắc rối này.
Để khắc phục bệnh nhân cần chèn một mô hỗ trợ như STRATTICE vào mặt dưới của cơ ngực để hạn chế dịch chuyển túi độn lên trên, tách mô vú ra khỏi cơ và đặt lại túi độn vào vị trí thấp hơn. Trường hợp của bạn sẽ khá phức tạp và tốn kém.
Chắc chắn là có. Tuy nhiên, bạn sẽ đổi lấy một loạt các vấn đề khác. Tôi thấy trong những bức ảnh của bạn hiện rõ một dải cơ khi ngực hoạt động. Có thể xử lý triệt để tình trạng này bằng cách dịch chuyển túi độn lên trên cơ (dưới tuyến vú). Tuy nhiên, về lâu dài, kết quả nhận được sẽ là hình dáng vú như “một quả cam nhét vào một chiếc tất mỏng” , vì không giống như cơ ngực dày và mạnh, mô vú mỏng và yếu sẽ không thể phủ ép lên túi độn để tránh diện mạo cả bầu vú như sưng lên một “cục u” hay “củ hành” (ngực tròn như bát).
Trọng lượng của túi độn dồn xuống sẽ càng khiến bầu vú chảy xệ nhiều hơn theo thời gian, và theo thống kê, tỉ lệ co thắt bao xơ cũng như vỡ túi độn ở vị trí đặt trên cơ cao hơn nhiều so với vị trí dưới cơ.
Phẫu thuật chỉnh sửa hoàn toàn có thể thay đổi vị trí túi độn ở khoang chứa nằm dưới cơ lên khoang chứa nằm trên cơ (dưới tuyến vú); tuy nhiên để làm điều này không thể không có sự đánh đổi.
Tất cả các bệnh nhân đặt túi độn dưới cơ đều phần nào đó bị “biến dạng động”, điều này có nghĩa là có thể nhìn thấy các chuyển động (của túi độn) và các đường lõm vào ở phần dưới của bầu vú khi cơ ngực co lại. Đôi khi biến dạng này rất nhỏ nhưng đôi khi lại trở thành một nỗi phiền toái hoặc lo ngại của nhiều người. Mỗi bệnh nhân mỗi khác và cơ ngực của họ cũng khác nhau. Quá trình sửa chữa có thể sẽ liên quan đến việc “giải phóng” một phần cơ ngực trong lúc phẫu thuật. Vị trí cơ ngực được giải phóng ở đâu và số lượng bằng nào thì còn tùy vào tình trạng mỗi người.
Theo tôi một giải pháp có thể giúp khắc phục tình trạng này đó là sửa lại khoang chứa túi độn để giải phóng cơ và bao xơ. Đôi khi người ta phát hiện ra rằng, quy trình trước đó chưa giải phóng đủ lượng cơ ngực cần thiết và cần phải giải phóng thêm một chút, sau đó chỉ cần áp dụng kỹ thuật dual plane để tách rời một phần cơ ngực dính vào mô vú là có thể đạt được cải thiện đáng kể.
Cách khác, tôi có thể sửa đổi khoang chứa túi độn mới ở dưới cơ và giải phóng một phần mô vú ở trên bị dính vào cơ ngực. Tôi nghĩ những cách này sẽ giúp cải thiện biến dạng động hiện tại, nhưng có thể nó vẫn không biến mất hoàn toàn.
Nếu bạn không muốn thấy túi độn dịch chuyển một chút nào khi cơ ngực co lại thì có thể thay đổi vị trí túi độn lên trên cơ như đã đề cập ban đầu. Việc này đòi hỏi đánh đổi một số thứ như tăng nguy cơ bị co thắt bao xơ, dễ nhìn thấy các nếp nhăn, gợn sóng ở túi độn, tuy nhiên nhiều bệnh nhân có kết quả khá tốt với túi độn đặt trên cơ. Nếu bạn chọn đi theo hướng này, tôi nghĩ quan trọng nên sử dụng túi gel silicone có độ kết dính cao hơn để giảm nguy cơ túi độn gợn sóng. Đây là vấn đề cần hỏi bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ của bạn.
Tôi đã dành phần lớn công việc của mình với phẫu thuật chỉnh sửa ngực hỏng và tôi nghĩ điều quan trọng là phải thảo luận các vấn đề và lựa chọn của bạn với một hoặc vài bác sĩ phẫu thuật có trình độ cao, chuyên về chỉnh sửa ngực.
Biến dạng động là một vấn đề phổ biến mà các phụ nữ đã nâng ngực hoặc tái tạo ngực hay than phiền gặp phải. Trả lời cho câu hỏi của bạn, chúng ta hoàn toàn có thể chuyển dịch túi độn từ vị trí dưới cơ lên trên cơ. Một lựa chọn thay thế khác là bạn có thể giải phóng tất cả các sợi cơ ngực bám vào ở bên dưới để giảm thiểu chức năng của cơ ngực. Tuy nhiên, cả hai giải pháp tiềm năng này đều tiềm ẩn nguy cơ.
Đặt túi độn ở dưới tuyến vú (trên cơ) sẽ làm tăng nguy cơ túi độn gợn sóng hoặc lộ rõ túi độn, tăng tỉ lệ co thắt bao xơ và gây cản trở cho quá trình chụp X quang tuyến vú. Hơn nữa chuyển túi độn lên trên cơ cũng chỉ mang lại thành công một phần.
Còn việc giải phóng cơ ngực có thể làm suy yếu khả năng chuyển động của tay, đặc biệt là ở một số người thường xuyên hoạt động như bạn. Hãy tìm một bác sĩ phẫu thuật có kinh nghiệm với hướng tiếp cận thận trọng và tham vấn trực tiếp với ông/bà ấy.
Vấn đề cụ thể mà bạn đang gặp phải được gọi là “biến dạng động”. Có hai cách để thoát khỏi tình trạng này.
- Lấy túi độn ra
- Chuyển túi độn lên vị trí trên cơ
Chuyển túi độn lên vị trí trên cơ sẽ làm tăng nguy cơ hình thành các mô sẹo (dễ dẫn đến co thắt bao xơ) và dễ bị nhiễm trùng túi độn. Còn các nguy cơ khác mà nhiều bác sĩ nói đến hiện vẫn chỉ là do người ta tự nói tự truyền tai chứ không hề được chứng minh trong các nghiên cứu cứu lâu dài (trên 5 năm) của giới khoa học.
Một lựa chọn khác có thể giúp cải thiện (chứ không khắc phục hoàn toàn) “biến dạng động” đó là cắt rời phần cơ ngực bên dưới ra khỏi xương sườn, bóc tách cơ ngực khỏi mô vú để tạo một khoảng “không có cơ đè lên túi độn” và đặt một phần túi độn vào đó. Đây được gọi là kỹ thuật “dual plane”.
Theo những hình ảnh của bạn, có vẻ như bầu ngực bạn khá đẹp khi ngực ở trạng thái thư giãn thả lỏng. Tình trạng biến dạng động theo thời gian sẽ không xấu đi. Do đó, nếu thực sự lo lắng điều này thì tôi nghĩ bạn nên yên tâm rằng theo thời gian nó sẽ vẫn duy trì được nét đẹp hiện tại.
Cảnh báo – một số bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ thường khắc phục vấn đề này bằng cách “giải phóng” cơ ngực. Nhưng đây thực sự là một ý tưởng rất tệ và sẽ khiến vấn đề trở nên xấu hơn. Chính việc giải phóng cơ này ngay từ đầu sẽ gây ra tình trạng biến dạng động như hiện tại.
Về vị trí túi độn, tôi thường khuyên bệnh nhân đặt dưới cơ ngực. Lớp cơ ngực bao phủ lên mặt trên của túi độn sẽ mang lại bầu vú tự nhiên, ít có nguy cơ nhìn thấy cạnh túi độn hay các nếp gợn sóng, ngoài ra cũng giảm nguy cơ bị co thắt bao xơ, cứng vú thường phát triển theo thời gian. Người ta tin rằng lợi ích này đạt được là do cơ ngực hoạt động matxa lên mô sẹo xung quanh túi độn. Cuối cùng vị trí túi độn ở dưới cơ sẽ cho phép các bác sĩ quan sát tốt hơn khi chụp X quang tuyến vú.
Tất nhiên mọi lựa chọn đều có sự đánh đổi và việc chọn vị trí đặt túi độn cũng thế. Việc cắt tỉa tạo khoang chứa để đặt túi độn dưới cơ sẽ khiến bệnh nhân khó chịu hơn sau khi phẫu thuật, điều này chắc hẳn bạn cũng đã trải qua. Một đánh đổi nữa với vị trí này là khi bệnh nhân co/cong cơ ngực hai bên bầu vú thực sự sẽ dịch chuyển lên phía trên. Điều này thường không đẹp mắt nhưng cũng chỉ xảy ra khi bệnh nhân không mặc áo. Do đó, tôi tin rằng khiếm khuyết nhỏ hiếm gặp này đủ để bệnh nhân có thể chấp nhận và lựa chọn vị trí đặt túi độn dưới cơ.
Trả lời đơn giản thì bạn hoàn toàn có thể chuyển túi độn từ vị trí dưới cơ lên trên cơ. Lý do phổ biến nhất mà bệnh nhân muốn chuyển túi độn lên vị trí mới này là do ở những bệnh nhân thường xuyên tập luyện thường xuất hiện biến chứng “động”. Biến chứng này xảy ra khi túi độn và vú bị dịch chuyển khi cơ ngực co lại.
Giống như mọi vấn đề khác trong cuộc sống, việc chuyển túi độn lên trên cơ cũng có cả ưu và nhược điểm. Thường thì túi độn được đặt dưới cơ để luôn giữ cho vú vẻ đẹp mềm mại và tự nhiên. Nếu chuyển nó lên trên cơ bạn sẽ phải làm thêm một vài thứ để duy trì vẻ đẹp tự nhiên này cho bầu vú. Bất cứ khi nào đặt túi độn lên trên cơ (dưới tuyến vú) bạn cũng dễ cảm nhận thấy túi độn hơn, vì lúc này cơ ngực không còn ở đó để bao phủ và ôm lấy túi độn nữa. Với vị trí này, thường bạn cũng sẽ cần sử dụng túi bề mặt nhám để ngăn chặn tình trạng hình thành quá nhiều mô sẹo xung quanh túi độn (gây co thắt bao xơ). Túi gel silicone phù hợp với vị trí đặt trên cơ hơn vì chúng tạo vẻ tự nhiên và mềm mại nhiều hơn so với túi nước muối. Trước đây, nếu đặt túi nước muối lên trên cơ thì phải chọn loại có kết cấu rất cứng, điều này bây giờ không cần thiết đối với túi gel silicone.
Nếu bệnh nhân được chỉnh sửa chính xác họ có thể có được bộ ngực vô cùng hấp dẫn và tránh được biến dạng động với vị trí túi độn đặt trên cơ. Quy trình chỉnh sửa thay đổi vị trí này đôi khi thường cần thực hiện cho những phụ nữ có thói quen hoạt động nhiều.
Cơ ngực của bạn hiện cũng đã bị kéo giãn và có thể không thể co lại hình dáng như ban đầu, nên sẽ để lại biến dạng. Do vậy hãy thảo luận thêm về những vấn đề này với bác sĩ của mình. Bạn cũng có thể gặp lại bác sĩ và yêu cầu ông ấy giải phóng thêm một ít cơ ngực ra khỏi xương ngực, như thế có thể giúp giảm tình trạng dịch chuyển hiện tại. Nếu thực sự đây không phải là một vấn đề nghiêm trọng, tôi khuyên bạn giữ nguyên, không chỉnh sửa gì cả.
Vấn đề của bạn là túi độn bị biến dạng nghiêm trọng khi thực hiện nhiều loại hoạt động thể chất và dường như tình trạng này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của bạn. Trong những trường hợp này, túi độn có thể được dịch chuyển lên vị trí dưới tuyến vú, tức là trên cơ. Tuy nhiên cần xem xét hết sức thận trọng khi đưa ra quyết định này nếu về cơ bản bạn đã hài lòng với bộ ngực của mình những lúc không tập luyện.
Quan trọng bạn phải nhận ra rằng, việc dịch chuyển túi độn lên trên cơ sẽ đi kèm với rất nhiều đánh đổi khác. Đây rõ ràng là một quy trình khó thực hiện về mặt kỹ thuật, chưa kể còn liên quan đến nhiều biến chứng tiểm ẩn. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ không còn có được những lợi ích khi đặt túi độn dưới cơ. Ví dụ, khi đặt trên cơ, việc chụp X quang tuyến vú có thể sẽ không còn chính xác và nguy cơ co thắt bao xơ cũng tăng lên đáng kể.
Hãy chắc chắn bạn hiểu rõ những đánh đổi này trước khi chuyển vị trí túi độn. Quan trọng là phải tham vấn với bác sĩ của mình và nếu có thể càng tham vấn nhiều ý kiến càng tốt.
Biến dạng túi độn khi hoạt động cơ ngực là một nguy cơ thường gặp trong các trường hợp đặt túi độn dưới cơ ngực. Tình trạng này có thể được cải thiện bằng cách giải phóng phần cơ ngực bên dưới đáy vú và sử dụng túi độn có bề mặt nhẵn mịn.
Nếu bạn muốn thay đổi lên vị trí trên cơ thì túi gel silicon là lựa chọn tốt nhất. Tôi khuyên bạn nên thảo luận những vấn đề này với vị bác sĩ ban đầu đã thực hiện cho bạn vì những vấn đề này thực sự có thể dễ dàng khắc phục.
Có hai cách để khắc phục tình trạng biến dạng do hoạt động:
- Bạn có thể sử dụng kỹ thuật dual plane (đặt một phần túi độn dưới cơ và một phần trên cơ) để giải phóng phần cơ bị dính ra khỏi da và cho phép dịch chuyển túi độn lên phía trước.Tuy nhiên giải pháp này thường chỉ giúp giảm biến dạng chứ không thể loại bỏ hoàn toàn.
- Bạn có thể chuyển túi độn lên vị trí dưới tuyến vú (trên cơ) bằng cách sử dụng túi hình giọt nước có độ kết dính cao, như vậy sẽ giúp giảm tỷ lệ co thắt bao xơ. Ngoài ra, có thể khâu lại các bao xơ bị rách ở phía dưới để giúp đẩy túi độn lên.
Có vẻ như ngực bạn bị tình trạng biến dạng động khá nặng, liên tục tạo nếp gấp ở phần dưới bầu vú mỗi khi cơ ngực co lại. Tình trạng này thường liên quan đến việc giải phóng chưa hết (không đủ) cơ ngực ở nếp gấp chân ngực trong quá trình phẫu thuật ban đầu, do đó gây “trào ngược” túi độn theo hướng “lên trên và dịch ra ngoài” về phía nách, đồng thời gây biến dạng “gò ngực kép” ở cực dưới của bầu vú.
Tuy nhiên vấn đề này sẽ không thể cải thiện nếu chúng ta không khắc phục nguyên nhân gốc rễ của nó bằng một quy trình phẫu thuật chỉnh sửa, trong đó tiến hành giải phóng hoàn toàn cơ bám ở nếp gấp chân ngực hoặc chuyển khoang chứa túi độn lên trên cơ, với vị trí đó túi độn sẽ nằm giữa mô vú và khối cơ bên dưới.
Chất lượng và số lượng mô vú có thể bao phủ túi độn sẽ là tiêu chí xác định xem bạn có phù hợp với giải pháp này hay không. Tốt nhất hãy tham vấn với bác sĩ phẫu thuật ban đầu của mình để được ông ấy tư vấn thêm.
Bạn cần một quy trình phẫu thuật khác để sửa chữa tình trạng này và càng làm nhiều (phẫu thuật) bạn càng đẩy chính mình vào nguy cơ gặp phải các biến chứng, phẫu thuật không phải lúc nào cũng đơn giản. Ngoài ra, bộ túi độn kích cỡ lớn được đặt trên cơ sẽ có xu hướng làm “lão hóa”, chảy xệ bầu vú vì lớp mô vú phủ bên trên ngày càng mỏng đi. Hãy gặp bác sĩ để được giải thích kỹ về các phương án khắc phục.
Lựa chọn tốt hơn có lẽ là nên giải phóng phần cơ dính vào ở phía dưới bầu vú. Quy trình này thường chỉ mang lại thành công một nửa nhưng chấp nhận một chút méo mó, biến dạng ở cơ ngực còn hơn là phải chịu đựng những nguy cơ nghiêm trọng liên quan đến đặt túi độn trên cơ. Hãy tham vấn với một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ nhiều kinh nghiệm.
Túi nước muối sẽ đòi hỏi mô vú dày hơn để che giấu đi các cạnh và nếp gợn sóng, trong khi túi gel silicon cần ít mô vú hơn để ngụy trang những biến dạng này. Thăm khám và được kiểm tra bởi một bác sĩ phẫu thuật sẽ giúp bạn biết rõ liệu mô của mình có đủ dày để che giấu đi túi gel silicon khi đặt trên cơ không.
Bạn có thể chuyển túi độn từ dưới cơ lên trên cơ hoặc ngược lại. Có hai lựa chọn để khắc phục biến dạng này:
- Thay đổi vị trí túi độn từ dưới cơ lên trên cơ. Điều này sẽ khắc phục được tình trạng biến dạng động mà bạn đang gặp phải khi co cơ ngực. Nhưng nhược điểm là toàn bộ trọng lượng túi độn sẽ dồn vào mô vú và da, điều này có thể làm mỏng mô vú và tăng ảnh hưởng của trọng lực, lâu ngày khiến vú bị chảy xệ. Ngoài ra, ở vị trí này, túi độn cũng dễ bị gợn sóng và lộ rõ hơn.
- Lựa chọn thứ hai là sử dụng phương pháp y học tái tạo (regenerative medicine) để chèn lại cơ ngực dịch chuyển của mình. Cụ thể, bạn sẽ sử dụng mô Strattice để giữ túi độn ở yên dưới cơ và giảm hoặc sửa chữa biến dạng động xảy ra khi co cơ.
Nhưng khi xét đến nhiều vấn đề liên quan khác thì câu trả lời không đơn giản như vậy. Có thể bác sĩ phẫu thuật của bạn đã có lý do chính đáng để đặt túi độn ở dưới cơ. Có lẽ ông/bà ấy nghĩ rằng lớp mô vú mềm mại bên trên của bạn quá mỏng, nếu đặt túi độn ở trên cơ sẽ dễ nhìn thấy các nếp gợn sóng hoặc lộ viền túi ở bầu vú. Nhưng nếu bạn thực sự có lượng mô dày dặn giữa cơ và bề mặt da thì điều này sẽ không là vấn đề.
Túi độn thực sự có thể được dịch chuyển từ dưới cơ ngực lên vị trí dưới tuyến vú (trên cơ ngực). Xét về khía cạnh kỹ thuật thì đây là một thao tác dễ dàng. Nhưng bạn nên nhớ hiện tại bộ ngực của bạn đã được nâng lên rất đẹp và hãy nhớ lại lý do vì sao ngay từ đầu bác sĩ lại quyết định đặt túi độn ở dưới cơ.
Ví trí dưới cơ sẽ tạo độ phủ hoàn hảo của mô vú cho túi độn, giúp che chắn các cạnh túi độn không bị lộ, “chống chọi” lại tình trạng mô vú ngày càng mỏng đi theo thời gian. Trong khi đó, túi độn đặt trên cơ sẽ có xu hướng làm cho phần trên của vú tròn lên, và sau nhiều năm khi mô vú mỏng đi sẽ bị lộ các cạnh tròn của túi độn. Trong trường hợp này nếu đặt túi nước muối còn có thể nhìn rõ nếp gợn sóng. Túi độn có độ nhô càng cao thì càng dễ lộ. Điều này đôi khi được gọi là hiệu ứng Pamela Anderson.
Thứ hai, đặt túi độn dưới cơ ngực sẽ giảm đáng kể nguy cơ co thắt bao xơ, do đó, có đến 80% bệnh nhân chọn vị trí này.
Ngực của bạn đã được nâng lên rất đẹp, vậy bây giờ giải pháp cho vấn đề hiện tại là gì? Theo tôi, bạn hãy xem xét tập luyện các bài tập mang lại sức khỏe, độ dẻo dai cho phần thân trên và không chèn ép vào túi độn. Hít đất không phải là bộ môn phù hợp với bạn. Tôi muốn bạn tập thể dục nhịp điệu, nếu có huấn luyện viên cá nhân thì càng tốt. Tôi đã đặt túi độn dưới cơ cho các huấn luyện viên thể dục và yoga và như bạn cũng biết, mọi thứ luôn có sự đánh đổi và có một số thỏa hiệp có thể dễ dàng chấp nhận. Hãy cứ từ từ xem xét phẫu thuật chỉnh sửa.
Tôi khuyên bạn nên gặp một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ có kinh nghiệm về các quy trình chỉnh sửa ngực và có sử dụng ma trận tế bào da. Đôi khi, chỉ cần tìm hiểu thêm một ít thông tin về cách thực hiện ca phẫu thuật trước đó và loại túi độn đã được đặt, biết đâu sẽ có thể tìm ra một giải pháp khác. Đây chính là lý do tại sao bác sĩ phẫu thuật ban đầu luôn là điểm dừng đầu tiên và tốt nhất cho bạn để tham vấn nếu họ có đủ kinh nghiệm khắc phục biến dạng đó cho bạn.
Bạn hoàn toàn có thể đổi vị trí túi độn lên trên cơ nhưng phương án này thường không được các bác sĩ khuyến khích. Dịch chuyển túi độn lên trên cơ sẽ khiến bạn dễ có nguy cơ bị co thắt bao xơ và về lâu dài vú sẽ “lão hóa”, chảy xệ không còn diện mạo đẹp mắt.
Tôi hiểu là bạn không hài lòng với diện mạo vú khi cơ ngực cong lại, nhưng nếu bạn dành phần lớn cuộc đời mình ở tư thế thả lỏng thì bạn thực sự sẽ phải cân nhắc nguy cơ nếu di chuyển túi độn.
Tôi khuyên bạn nên gặp bác sĩ để thảo luận và có được lời khuyên hữu ích nhất từ ông ấy. Vẫn có một số cách chỉnh sửa mà không cần thay đổi vị trí túi độn. Nếu không thể gặp bác sĩ ban đầu, hãy chắc chắn tìm một vị bác sĩ mới có nhiều kinh nghiệm về các quy trình thay đổi vị trí túi độn.
Có vẻ như bạn có một kết quả nâng ngực đặt túi độn dưới cơ tuyệt vời với bầu vú mềm mại hấp dẫn. Bạn nhận thấy khi mình co cơ ngực lại hình dáng bầu ngực dưới hơi bị biến dạng một chút và tự hỏi liệu chuyển túi độn lên trên cơ có khắc phục được tình trạng này không.
Nhìn chung tôi thường dự phòng phương án chuyển túi độn lên trên cơ cho những bệnh nhân có nhiều mô vú và vú bị biến dạng khi họ thả lỏng (tức là không co cơ ngực). Trong khi đó, đối với hầu hết hết những bệnh nhân gầy với lượng mô vú mỏng, việc đặt túi độn dưới cơ nhìn chung sẽ tốt hơn.
Bác sĩ có thể giúp giảm thiểu tình trạng biến dạng động mà bạn đang gặp phải với một quy trình chỉnh sửa mà không cần phải dịch chuyển vị trí túi độn. Vì túi độn khi chuyển lên trên cơ có liên quan đến rất nhiều các vấn đề và nguy cơ nghiêm trọng khác như tăng biến chứng co thắt bao xơ, vú chảy xệ, làm mỏng mô vú, biến dạng khe ngực khi vú “lão hóa”.
Những gì bạn đang trải qua là tình trạng biến dạng do uốn cong hoặc biến dạng động của túi độn khi cơ ngực co hoặc cong lại. Vấn đề này thường rất phổ biến với vị trí túi độn đặt dưới cơ và có thể theo thời gian sẽ trở nên nặng hơn, gây ra tình trạng gò ngực kép khi cơ ngực liên tục đẩy túi độn lên trên.
Cách duy nhất để ngăn chặn triệt để là đặt túi độn lên trên cơ. Về mặt giải phẫu tự nhiên, mô vú của bạn nằm trên cơ, do đó, nếu có đủ mô vú tự nhiên để che phủ lên túi độn thì tôi thấy chẳng có lý do gì mà không thể đặt chúng ở vị trí trên cơ.
Để giảm nguy cơ bị co thắt bao xơ và nếp gợn sóng, tôi sẽ chọn túi độn kết cấu bề mặt nhám thay vì bề mặt trơn mịn.
Có rất nhiều bệnh nhân gặp phải tình trạng tương tự như bạn, và sau khi chuyển túi độn lên trên cơ bộ ngực của họ trông hoàn toàn tự nhiên với nếp gợn sóng rất nhỏ và không hề có biến dạng do co cơ.
Chuyển lại túi độn từ vị trí trên cơ ngực xuống dưới cơ ngực có được không?
Nhiều năm qua tôi đã nâng ngực đặt túi độn dưới cơ ngực, và gần đây tôi có chuyển nó lên trên cơ (dưới tuyến vú) nhưng lại không thích dáng vú đó. Bây giờ tôi lại muốn đưa nó trở lại vị trí dưới cơ, nhưng nghe mọi người nói rằng sẽ không thể đặt túi độn xuống dưới cơ một khi nó đã được đặt lên trên cơ. Điều này có đúng không?
- 9 trả lời
- 1663 lượt xem
Khe ngực rộng, hai bầu vú quá xa nhau – có thể dịch chuyển túi độn về giữa ngực mà không cần mổ không?
5 tuần trước tôi đã thực hiện nâng ngực bằng túi độn, nhưng kết quả hai bầu vú nằm xa nhau hơn dự định ban đầu của tôi với bác sĩ. Liệu có thể dịch chuyển túi độn về giữa ngực mà không cần thực hiện một quy trình phẫu thuật khác không?
- 10 trả lời
- 9259 lượt xem
Người gầy, mỏng, bị lộ túi gel silicone, có nên chuyển vị trí túi độn xuống dưới cơ?
Tôi đã đặt túi gel silicon 15 năm trước ở tuổi 47, bây giờ tôi 62 tuổi, người rất gầy và mỏng, nhìn thấy rõ túi độn qua mô vú. Bạn có thể nhìn thấy các nếp gợn sóng và nếp gấp của túi độn vì mô vú của tôi quá mỏng. Bác sĩ phẫu thuật 15 năm trước đã không đặt túi độn ở vị trí dưới cơ, nhưng tôi biết để có thể che phủ túi độn nhiều hơn bây giờ tôi nên đặt chúng xuống dưới cơ. Xin mọi người cho ý kiến về tình trạng của tôi?
- 8 trả lời
- 1672 lượt xem