Cấu trúc của da và các nhóm hoạt chất dưỡng da chính
Cấu trúc của da
Làn da của chúng ta gồm có 2 lớp chính là biểu bì và trung bì.
Kem dưỡng ẩm chủ yếu chỉ tác động đến biểu bì.
Để có hiệu quả về lâu dài, các hoạt chất chống lão hóa cần phải thẩm thấu qua biểu bì đến lớp trung bì.
Biểu bì
Biểu bì (epidermis) là lớp ngoài cùng của da. Biểu bì chứa các tế bào sừng (keratinocyte) có nhiệm vụ tạo ra keratin (chất sừng). Biểu bì được tạo nên từ 4 – 5 lớp (tùy thuộc vào vị trí trên cơ thể), đó là lớp nền, lớp gai, lớp hạt, lớp sáng và lớp sừng. Mỗi lớp có một chức năng riêng.
Vai trò chính của lớp biểu bì là bảo vệ và giúp da giữ ẩm.
Trung bì
Trung bì (dermis) là lớp giữa của da, nằm bên dưới lớp biểu bì và bên trên lớp hạ bì. Lớp trung bì chứa các tế bào da chuyên biệt gọi là nguyên bào sợi (fibroblast). Đây là nơi sản sinh ra các thành phần quan trọng của da như collagen, elastin, axit hyaluronic và heparan sulfate. Chỉ có rất ít hoạt chất trong mỹ phẩm có thể tiếp cận được lớp trung bì của da.
Trung bì là lớp quyết định vẻ trẻ trung của làn da. Các nếp nhăn bắt đầu hình thành ở lớp trung bì.
Các lớp da quyết định khả năng giữ ẩm của da
Hàng rào bảo vệ da
Hàng rào bảo vệ da (skin barrier) nằm ở lớp sừng - lớp trên cùng của biểu bì. Hàng rào bảo vệ da gồm có một lớp lipid kép, giúp giữ độ ẩm lại trong da và ngăn cản các chất gây dị ứng, kích ứng xâm nhập vào da. Khi hàng rào bảo vệ da bị tổn thương, da sẽ bị mất nước, khô và dễ bị viêm, kích ứng.
Lớp sừng
Lớp sừng (stratum corneum) là lớp trên cùng của biểu bì. Trước đây, lớp sừng từng được gọi là lớp tế bào chết của da nhưng các nhà khoa học phát hiện ra rằng lớp này có vai trò quan trọng trong việc giữ ẩm cho da, đồng thời bảo vệ da khỏi tổn thương do ánh nắng mặt trời và những tác nhân gây kích ứng, dị ứng từ bên ngoài.
Lớp sừng là nơi có hàng rào bảo vệ da. Lớp sừng được tạo nên từ 15 đến 40 lớp tế bào sừng, mỗi lớp được sắp xếp giống như một bức tường gạch. “Vữa” gắn kết các “viên gạch” (tế bào sừng) là lớp lipid kép (2 hàng lipid) tạo nên hàng rào bảo vệ da.
Khi tẩy da chết hay peel da là bạn đang loại bỏ đi các tế bào ở lớp sừng.
Các loại tế bào da
Da được cấu tạo từ nhiều loại tế bào khác nhau. Tế bào sừng nằm ở lớp biểu bì trong khi các nguyên bào sợi nằm ở lớp trung bì. Tế bào biểu bì tạo hắc tố và tế bào miễn dịch di chuyển xung quanh trong lớp biểu bì và trung bì.
Tế bào biểu bì tạo hắc tố
Tế bào biểu bì tạo hắc tố (melanocyte) là những tế bào da có nhiệm vụ sản xuất melanin, sắc tố tạo nên màu da. Tất cả mọi người đều có số lượng tế bào biểu bì tạo hắc tố như nhau nhưng lượng melanin mà những tế bào này tạo ra là khác nhau, vì thế nên màu da của mỗi người là không giống nhau. Tế bào biểu bì tạo hắc tố nằm ở cả lớp biểu bì và trung bì. Khi các tế bào này tạo ra quá nhiều melanin sẽ dẫn đến tình trạng tăng sắc tố da, ví dụ như thâm, nám, đốm nâu, da sạm... Sự sản sinh melanin ở các tế bào biểu bì tạo hắc tố được kích hoạt bởi ánh sáng, nhiệt độ, tình trạng viêm, nội tiết tố, căng thẳng và một số loại thuốc.
Tế bào sừng
Tế bào sừng (keratinocyte) là thành phần chính tạo nên lớp biểu bì của da. Những tế bào này được tạo ra ở lớp nền (basal), sau đó chúng di chuyển dần lên lớp biểu bì và đẩy các tế bào cũ tại đây bong ra. Các tế bào sừng cũ bong ra sẽ được thay thế bằng các tế bào sừng mới. Tế bào sừng tạo ra keratin.
Keratin
Keratin (hay còn gọi là chất sừng) là một loại protein cấu trúc được tạo ra bởi các tế bào sừng. Keratin có ở lớp biểu bì của da, tóc và móng tay. Đây cũng chính là tác nhân gây bít tắc lỗ chân lông và dẫn đến hình thành mụn không viêm (mụn đầu đen và mụn đầu trắng). Quá trình các tế bào da ở lớp biểu bì trưởng thành được gọi là quá trình keratin hóa hay sừng hóa vì mỗi lớp tế bào ở biểu bì tạo ra các loại keratin khác nhau.
Nguyên bào sợi
Nguyên bào sợi là những tế bào chuyên biệt nằm ở lớp trung bì của da. Các tế bào này có nhiệm vụ sản xuất collagen, axit hyaluronic và elastin. Nguyên bào sợi có thể di chuyển trong lớp trung bì và đóng vai trò quan trọng trong quá trình làm dày da, lão hóa da và chữa lành vết thương.
Chất ưa chất béo và chất ưa nước
Chất ưa chất béo
Chất ưa chất béo (lipophilic) là các chất tan trong chất béo, dầu, lipid và các dung môi không phân cực. Khi tiếp xúc với nước, chất ưa chất béo sẽ đẩy các phân tử nước. Các chất ưa chất béo như vitamin E xâm nhập vào màng tế bào và hoạt động trong môi trường chất béo, không hoạt động trong môi trường nước. Các chất ưa chất béo có khả năng đi qua lớp bã nhờn trên da nên thẩm thấu vào da dễ dàng hơn. Các chất ưa chất béo chủ yếu có trong kem dưỡng và dầu dưỡng da.
Chất ưa nước
Chất ưa nước là các phân tử liên kết với nước và tan trong nước. Bên trong tế bào da có nước nên các thành phần ưa nước như vitamin C hoạt động bên trong tế bào da. Các thành phần ưa nước chủ yếu có trong toner và serum.
Các nhóm hoạt chất dưỡng da
Chất chống oxy hóa
Chất chống oxy hóa (antioxidant) là các phân tử có khả năng trung hòa các gốc tự do gây hại bằng cách “nhường” một electron cho gốc tự do. Polyphenol – một nhóm chống oxy hóa nổi tiếng - có tự nhiên trong nhiều loại thực vật như quả mọng, trà xanh và gừng. Các chất chống oxy hóa giúp giảm viêm, bảo vệ da khỏi tia cực tím, chất gây ô nhiễm và ngăn ngừa lão hóa da.
Chất chống viêm
Các chất chống viêm (anti-inflammatory) có thể vô hiệu hóa một hoặc nhiều con đường gây viêm.
Viêm sẽ làm giãn mạch máu (mao mạch) và khiến da bị đỏ. Khi các mao mạch bị rò rỉ, chất dịch trong mao mạc sẽ chảy ra ngoài và khiến vùng da xung quanh bị sưng tấy. Viêm còn có thể dẫn đến phát ban, ngứa và châm chích, tùy thuộc vào con đường gây viêm được kích hoạt.
Chất làm sáng da
Chất làm sáng da (skin-lightener/skin brightener) là nhóm các chất có tác dụng làm đều màu da và điều trị tăng sắc tố da.
Các chất này làm sáng da thông qua một trong các cơ chế sau đây:
- Ngăn chặn sự sản xuất sắc tố melanin
- Ngăn chặn sự chuyển melanosome chứa melanin từ tế bào biểu bì tạo hắc tố vào tế bào sừng
- Tẩy tế bào chết (loại bỏ các tế bào sẫm màu trên bề mặt da)
Có ba nhóm chất làm sáng da chính là chất ức chế tyrosinase, chất ức chế PAR-2 và chất tẩy tế bào chết.
Chất ức chế tyrosinase
Tyrosinase là enzyme cần thiết cho quá trình sản xuất sắc tố melanin. Chất ức chế tyrosinase ngăn chặn enzyme này và nhờ đó ngăn chặn sự sản xuất melanin. Có nhiều chất ức chế tyrosinase khác nhau được sử dụng để điều trị tăng sắc tố da, chẳng hạn như hydroquinone, resorcinol, vitamin C, arbutin và axit kojic.
Chất ức chế PAR-2
Thụ thể kích hoạt proteinase 2 (PAR-2) nằm ở phần kết nối giữa tế bào sừng và tế bào biểu bì tạo hắc tố. PAR-2 giống như một cánh cửa cho phép các melasome chứa melanin xâm nhập vào tế bào sừng sau khi được tạo bởi các tế bào biểu bì tạo hắc tố. Chất ức chế PAR-2 làm sáng da bằng cách ngăn chặn melanin xâm nhập vào tế bào sừng. Ví dụ về các chất ức chế PAR-2 gồm có niacinamide và protein đậu nành.
Chất tẩy tế bào chết
Khi các tế bào sừng mới di chuyển lên bề mặt da, chúng sẽ đẩy các tế bào sừng cũ tại đây bong ra. Quá trình này được gọi là sự thay tế bào da tự nhiên. Không phải lúc nào quá trình này cũng diễn ra bình thường. Khi các tế bào chết không tự bong ra, chúng sẽ tích tụ, gây bít tắc lỗ chân lông, nổi mụn, khiến da sần sùi và xỉn màu. Đó là lý do tại sao cần tẩy da chết để hỗ trợ quá trình thay tế bào da. Có hai phương pháp tẩy da chết là tẩy da chết hóa học và tẩy da chết cơ học (vật lý). Các sản phẩm tẩy da chết hóa học có độ pH thấp hoặc chứa enzyme để làm lỏng protein gắn kết giữa các tế bào da, nhờ đó làm cho các tế bào chết bong ra dễ dàng hơn. Tẩy da chết cơ học là phương pháp sử dụng ma sát để làm bong các tế bào chết khỏi bề mặt da.
Nhiều người muốn sử dụng các chất dưỡng ẩm từ thiên nhiên, tránh xa những hợp chất hóa học tổng hợp. Tuy nhiên chưa hẳn các kem dưỡng ẩm chứa các chất dưỡng ẩm tự nhiên đã phù hợp với bạn. Vậy, những chất dưỡng ẩm tự nhiên nào có thể gây dị ứng cho làn da nhạy cảm của bạn?
Chất giữ ẩm glycerin là một trong những thành phần trong các sản phẩm chăm sóc da phổ biến nhất hiện nay. Đặc biệt là kem dưỡng ẩm.
Hexylresorcinol được coi là một trong những chất làm sáng da hiệu quả nhất được sử dụng trong chăm sóc da hiện nay và thường có trong các sản phẩm trị thâm.
Chất hút ẩm có khả năng hút các phân tử nước từ môi trường xung quanh và giữ nước bên trong da. Chất hút ẩm là một thành phần phổ biến trong kem dưỡng ẩm và các sản phẩm chăm sóc da có tác dụng dưỡng ẩm khác. Tuy nhiên, không phải lúc nào chất hút ẩm cũng có lợi cho da. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu về cơ chế hoạt động của chất hút ẩm, danh sách các chất hút ẩm thường được sử dụng trong sản phẩm chăm sóc da cũng như thời điểm nên và không nên sử dụng chất hút ẩm.
Resorcinol là một thành phần làm sáng da được sử dụng để trị mụn trứng cá, thâm do mụn, đốm nâu do ánh nắng, nám và các dạng tăng sắc tố da khác. Resorcinol là một chất ức chế tyrosinase, làm sáng da bằng cách ngăn chặn sự sản xuất sắc tố melanin.
- 0 trả lời
- 681 lượt xem
Em đang muốn tìm một sản phẩm để dưỡng ẩm mà không biết nên mua loại nào, da em là da mụn giống y sì như trong ảnh luôn. Bác sĩ có thể đề xuất giúp em những sản phẩm dưỡng ẩm mà giá học sinh một chút được không, em cảm ơn nhiều lắm ạ