Bã nhờn trên da đầu có lợi ích và tác hại như thế nào?
Nguyên nhân khiến da và tóc nhờn dầu chính là do bã nhờn. Bã nhờn là chất có dạng dầu được tiết ra ở khắp cơ thể và tạo thành lớp bảo vệ đầu tiên cho cơ quan lớn nhất, đó chính là làn da.
Bã nhờn được sản xuất bởi các tuyến bã nhờn. Các tuyến này nằm ở lớp trung bì của da, kết nối với các nang lông, giúp đưa bã nhờn lên bề mặt da. Bã nhờn được tạo thành từ các axit béo, chất béo trung tính, đường, cholesterol, sáp và các hợp chất hữu cơ khác.
Mặc dù các tuyến bã nhờn có ở khắp nơi nhưng tập trung nhiều nhất ở những vùng nhạy cảm nhất trên cơ thể, đó là mặt và da đầu. Các tuyến này sản xuất bã nhờn trong một cấu trúc dạng túi. Màng plasma bao quanh túi cuối cùng bị vỡ ra và cho phép bã nhờn chảy vào nang lông rồi chảy lên bề mặt da.
Lợi ích của bã nhờn
Cơ thể chúng ta sản xuất bã nhờn để tạo thành lớp bảo vệ trên da. Bã nhờn giúp bôi trơn và giữ ẩm bằng cách tạo nên một “rào cản” ngăn sự thoát hơi ẩm khỏi da. Bã nhờn bảo vệ làn da khỏi bụi bẩn và các yếu tố gây hại khác từ bên ngoài, bao gồm cả tia cực tím trong ánh nắng mặt trời. Bã nhờn còn giúp làm giảm ma sát lên làn da.
Bã nhờn vận chuyển vitamin E đến da, nhờ đó nên bã nhờn có đặc tính chống oxy hóa giúp giảm thiểu stress oxy hóa trên da và tóc. Bã nhờn còn tạo thành lớp màng mỏng bao phủ tóc để giúp tóc không bị khô. Khi không có đủ bã nhờn trên tóc, lớp biểu bì của tóc sẽ mở ra và khiến hơi ẩm thoát ra ngoài. Điều này làm cho tóc bị khô xơ, xoăn, gãy và chẻ ngọn.
Bã nhờn còn có vai trò là một chiếc lá chắn chống nấm và chống vi khuẩn, giúp bảo vệ da và tóc khỏi nhiễm trùng. Tuy nhiên, bản thân dầu thừa lại cũng có thể gây ra các vấn đề cho tóc và da đầu.
Điều gì xảy ra nếu có quá nhiều hoặc quá ít bã nhờn?
Mặc dù bã nhờn được tạo ra để bảo vệ cơ thể nhưng lại cũng có thể gây ra một vài vấn đề không mong muốn. Quá nhiều bã nhờn ở da đầu và da mặt có thể dẫn đến da nhờn và dễ nổi mụn, gồm có mụn đầu đen hoặc mụn đầu trắng. Điều này có thể xảy ra trên cả da đầu. Quá nhiều bã nhờn khiến lỗ chân lông bị bít tắc và bị viêm, điều này sẽ càng trầm trọng thêm sự tích tụ bã nhờn.
Bã nhờn dư thừa trên da đầu và tóc còn có thể dẫn đến một trong những vấn đề phổ biến ở da đầu, đó là gàu. Bã nhờn trên da đầu là nguyên nhân chính gây ra gàu khi kết hợp với nấm Malassezia Globosa. Loại nấm này phân hủy bã nhờn và tạo ra các sản phẩm phụ gây phản ứng trên da đầu với biểu hiện là ngứa dữ dội, mẩn đỏ và bong tróc các vảy da. Tình trạng có quá nhiều bã nhờn còn gây ảnh hưởng lớn đến tóc vì lỗ chân lông bị bít tắc sẽ khiến tóc khó mọc, sợi tóc trở nên mảnh yếu và dễ rụng.
Mặt khác, quá ít bã nhờn cũng sẽ dẫn đến vấn đề. Khi không có đủ bã nhờn, da đầu và tóc sẽ bị khô, khiến da đầu bong tróc, dễ bị tổn thương và ngứa ngáy. Có thể khắc phục điều này bằng cách sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm da đầu.
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự sản xuất bã nhờn
Sự sản xuất bã nhờn có thể có sự dao động khá lớn do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau. Đó là lý do tại sao có những ngày bạn nhận thấy da nhờn dầu và lại có những ngày da rất khô. Dưới đây là các yếu tố ảnh hưởng đến sự tiết bã nhờn.
Thay đổi nội tiết tố
Đây là yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến sự sản xuất bã nhờn. Bất kỳ sự dao động nào về nội tiết tố đều có thể làm tăng hoặc giảm hoạt động của các tuyến bã nhờn. Mặc dù bạn không thể điều khiển sự sản xuất nội tiết tố trong cơ thể nhưng có thể kiểm soát được phần nào. Ví dụ, căng thẳng kích thích giải phóng các hormone làm tăng mức độ tiết bã nhờn và giảm căng thẳng sẽ giúp giảm bã nhờn.
Tuổi tác
Tuổi tác ảnh hưởng đến nội tiết tố nên sự sản xuất bã nhờn sẽ thay đổi theo các giai đoạn trong đời. Khi bước vào tuổi dậy thì, nội tiết tố trong cơ thể sẽ có sự thay đổi, khiến da tiết nhiều dầu hơn và một trong những biểu hiện thường gặp nhất của điều này là nổi mụn trứng cá. Càng lớn tuổi, nội tiết tố càng ít tác động đến sự sản xuất bã nhờn, đặc biệt là đối với phụ nữ sau mãn kinh.
Thay đổi thời tiết
Những thay đổi về thời tiết cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất dầu trong tuyến bã nhờn. Ví dụ, khi thời tiết lạnh và hanh khô, tuyến bã nhờn sẽ tiết ra nhiều dầu hơn để giữ ẩm cho da. Và khi trời nóng, lượng bã nhờn được tạo ra sẽ giảm.
Chế độ dinh dưỡng
Những gì mà bạn đưa vào bên trong cơ thể cũng có ảnh hưởng đến lượng bã nhờn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiêu thụ nhiều chất béo và carbohydrate trực tiếp làm tăng sự sản xuất bã nhờn.
Thói quen vệ sinh thân thể
Nếu ít gội đầu, bã nhờn có thể tích tụ trên da đầu. Điều này có thể dẫn đến bít tắc lỗ chân lông, nổi mụn đầu trắng và nhiễm trùng, khiến cơ thể tạo ra ít dầu hơn. Khi da đầu quá khô, cơ thể sẽ tạo ra nhiều bã nhờn hơn và làm xáo trộn việc kiểm soát bã nhờn của da đầu. Do đó nên gội đầu thường xuyên bằng loại dầu gội phù hợp.
Thói quen sinh hoạt
Cơ thọ chúng ta hoạt động theo đồng hồ sinh học. Khi đồng hồ sinh học bị xáo trộn, cơ thể sẽ có phản ứng theo những cách khác nhau. Ngủ không đủ giấc là nguyên nhân phổ biến nhất gây xáo trộn đồng hồ sinh học và có thể dẫn đến rối loạn sản xuất bã nhờn.
Bã nhờn là một phần bình thường của cơ thể và có vai trò rất quan trọng đối với làn da, mái tóc cũng như sức khỏe tổng thể. Bất kỳ sự thay đổi nào trong quá trình sản xuất bã nhờn đều có thể dẫn đến vấn đề. Do đó, hãy cố gắng chăm sóc tốt cho da, tóc, duy trì thói quen sinh hoạt điều độ và chế độ dinh dưỡng cần bằng để quá trình tiết bã nhờn diễn ra bình thường.
Mụn trên đầu không phải là vấn đề lớn nhưng nếu đã chuyển sang mãn tính thì sẽ rất khó giải quyết. Mụn trên đầu có thể để lại sẹo và dẫn đến rụng tóc.
Có nhiều loại thuốc mọc tóc là chủ đề đang rất được quan tâm cho những ai đang bị rụng tóc hay tóc thưa mỏng. Nên chọn các sản phẩm đã được phê duyệt để có hiệu quả như mong muốn và tránh gây hại cho sức khỏe
- 2 trả lời
- 12971 lượt xem
Tôi có một vết sẹo dài khoảng 3cm trên đầu do bị ngã khi còn nhỏ nên bây giờ đầu tôi bị mất một mảng tóc ở chỗ đấy. Có cách nào để tóc mọc lại chỗ vết sẹo không?
- 1 trả lời
- 3708 lượt xem
Tôi mới phát hiện ra đầu tôi có một mảng nhỏ không có tóc. Nguyên nhân là do đâu và tôi cần làm gì để tóc mọc lại?