1

Suy Tim

Suy tim là gì?

Suy tim là bệnh lý mà tim bị suy yếu, không có khả năng bơm đủ lượng máu cần thiết cho cơ thể. Khi không được cung cấp đủ máu, tất cả các chức năng chính của cơ thể sẽ bị ảnh hưởng. Tình trạng của mỗi trường hợp suy tim có thể không giống nhau.

Ở một số bệnh nhân suy tim, tim gặp khó khăn trong việc bơm đủ máu để hỗ trợ các cơ quan trong cơ thể trong khi có những trường hợp cơ tim lại bị cứng, gây tắc nghẽn hoặc làm giảm lưu lượng máu đến tim.

Suy tim có thể xảy ra ở nửa bên phải, nửa bên trái của tim hoặc cả hai cùng một lúc. Đây có thể là một tình trạng cấp tính (ngắn hạn) hoặc mãn tính (kéo dài).

Trong các trường hợp suy tim cấp tính, các triệu chứng xuất hiện đột ngột nhưng cũng biến mất khá nhanh. Tình trạng này thường xảy ra sau cơn nhồi máu cơ tim hoặc cũng có thể là hậu quả của một vấn đề xảy ra với các van tim, bộ phận có nhiệm vụ kiểm soát lưu lượng máu trong tim.

Tuy nhiên, trong các trường hợp suy tim mãn tính, các triệu chứng xảy ra liên tục và không có sự cải thiện theo thời gian. Phần lớn các trường hợp suy tim là mãn tính.

Suy tim là một vấn đề nghiêm trọng cần được điều trị. Điều trị càng sớm thì cơ hội phục hồi lâu dài càng cao và càng ít xảy ra biến chứng hơn. Nếu gặp phải các triệu chứng suy tim thì sẽ cần có biện pháp can thiệp ngay lập tức.

Triệu chứng suy tim

Các triệu chứng phổ biến của suy tim gồm có:

  • Mệt mỏi rã rời
  • Tăng cân đột ngột
  • Chán ăn
  • Ho dai dẳng
  • Mạch đập không đều
  • Tim đập nhanh
  • Trướng bụng
  • Khó thở
  • Sưng chân và mắt cá chân
  • Phình tĩnh mạch cổ

Nguyên nhân gây suy tim

Suy tim thường có liên quan đến một bệnh lý hoặc vấn đề khác về sức khỏe. Nguyên nhân phổ biến nhất gây suy tim là bệnh động mạch vành (CAD) - một bệnh lý mà các động mạch cung cấp máu và oxy cho tim bị thu hẹp. Những vấn đề khác có thể làm tăng nguy cơ suy tim còn có:

  • Bệnh cơ tim – một vấn đề về cơ tim khiến tim yếu đi
  • Dị tật tim bẩm sinh
  • Nhồi máu cơ tim
  • Bệnh van tim
  • Rối loạn nhịp tim hoặc nhịp tim không đều
  • Cao huyết áp
  • Khí thủng phổi
  • Bệnh tiểu đường
  • Tuyến giáp hoạt động quá mức hoặc hoạt động kém
  • HIV
  • AIDS
  • Thiếu máu nghiêm trọng
  • Một số phương pháp điều trị ung thư, chẳng hạn như hóa trị
  • Lạm dụng ma túy hoặc rượu bia

Các loại suy tim

Suy tim có thể xảy ra ở nửa bên trái hoặc nửa bên phải của trái tim hoặc cũng có thể là ở cả hai nửa cùng một lúc.

Ngoài ra, suy tim còn được phân ra thành suy tim tâm trương và suy tim tâm thu.

Suy tim trái

Suy tim trái là dạng suy tim phổ biến nhất.

Tâm thất trái nằm ở phía dưới bên trái của trái tim và thực hiện nhiệm vụ bơm máu giàu oxy đến khắp cơ thể.

Suy tim trái xảy ra khi tâm thất trái bơm máu kém hiệu quả. Điều này khiến cho cơ thể không nhận được đủ máu giàu oxy. Thay và đó, máu chảy ngược vào phổi, gây khó thở và tràn dịch màng phổi.

Suy tim phải

Tâm thất phải chịu trách nhiệm bơm máu đến phổi để lấy oxy. Suy tim phải xảy ra khi tâm thất phải không thể thực hiện nhiệm vụ này một cách hiệu quả và thường là do suy tim trái gây nên. Sự tích tụ máu trong phổi do suy tim trái khiến tâm thất phải làm việc vất vả hơn. Điều này khiến nửa bên phải của trái tim phải chịu áp lực và suy yếu.

Suy tim phải cũng có thể xảy ra do các vấn đề khác về sức khỏe, chẳng hạn như bệnh phổi. Suy tim phải thường có triệu chứng là sưng phù ở chi dưới do tích tụ chất lỏng ở chân, bàn chân và bụng.

Suy tim tâm trương

Suy tim tâm trương xảy ra khi cơ tim trở nên cứng hơn bình thường, thường là do bệnh tim. Điều này khiến cho trái tim không thể chứa máu dễ dàng như bình thường. Tình trạng này được gọi là rối loạn chức năng tâm trương, dẫn đến sự thiếu hụt lưu lượng máu đến các cơ quan còn lại trong cơ thể.

Suy tim tâm trương thường phổ biến ở phụ nữ hơn là nam giới.

Suy tim tâm thu

Suy tim tâm thu xảy ra khi cơ tim mất khả năng co bóp mà chức năng này lại là điều cần thiết để bơm máu giàu oxy đi khắp cơ thể. Tình trạng này được gọi là rối loạn chức năng tâm thu và thường xảy ra khi tim suy yếu và bệnh cơ tim giãn.

Suy tim tâm thu phổ biến ở nam giới hơn là phụ nữ.

Cả suy tim tâm trương và suy tim tâm thu đều có thể xảy ra ở bên trái, bên phải hoặc cả hai nửa của tim.

Các yếu tố nguy cơ gây suy tim

Suy tim có thể xảy đến với bất kỳ ai nhưng có một số yếu tố sẽ làm tăng nguy cơ mắc phải căn bệnh này.

Ví dụ, nam giới thường có nguy cơ mắc suy tim cao hơn phụ nữ.

Những người mắc phải các bệnh lý gây tổn thương tim cũng có nguy cơ suy tim cao hơn. Những bệnh này gồm có:

  • Thiếu máu
  • Cường giáp
  • Suy giáp
  • Khí thủng phổi

Một số thói quen cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh suy tim, gồm có:

  • Hút thuốc
  • Ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo hoặc cholesterol
  • Ít vận động
  • Thừa cân

Phương pháp chẩn đoán suy tim

Siêu âm tim là phương pháp hiệu quả nhất để chẩn đoán suy tim. Phương pháp này sử dụng sóng âm thanh để tạo hình ảnh chi tiết của tim, giúp bác sĩ đánh giá được những tổn thương của tim và xác định nguyên nhân của vấn đề. Bên cạnh đó, bác sĩ còn có thể kết hợp siêu âm tim với các phương pháp xét nghiệm khác, gồm có:

  • Chụp X-quang ngực: đây là phương pháp cung cấp hình ảnh của tim và các cơ quan xung quanh.
  • Điện tâm đồ (ECG hay EKG): phương pháp này đo hoạt động điện của tim.
  • Chụp cộng hưởng từ tim (MRI): đây cũng là phương pháp tạo hình ảnh của tim nhưng không sử dụng bức xạ.
  • Xạ hình (Radionuclide scan): trong phương pháp chẩn đoán này, một lượng chất phóng xạ rất nhỏ được tiêm vào cơ thể để lấy hình ảnh của các buồng trong tim.
  • Đặt ống thông hay chụp động mạch vành: trong phương pháp chụp X-quang này, bác sĩ sẽ đặt ống thông vào mạch máu, thường là đưa vào từ bẹn hoặc cánh tay. Sau đó, ống thông được đưa đến tim. Phương pháp này cho thấy lưu lượng máu hiện đang chảy trong tim.
  • Điện tim gắng sức: Đây là phương pháp dùng máy EKG theo dõi chức năng tim trong khi bệnh nhân chạy trên máy chạy bộ hoặc thực hiện một số bài tập vận động khác.
  • Holter điện tâm đồ: Các miếng dán điện cực được đặt trên ngực của bệnh nhân và gắn vào một máy nhỏ gọi là máy Holter điện tim. Thiết bị này ghi lại hoạt động điện tim trong ít nhất 24 đến 48 tiếng.

Ngoài ra, có thể bác sĩ sẽ còn tiến hành thăm khám lâm sàng để kiểm tra các dấu hiệu của suy tim ví dụ như sưng phù chân, nhịp tim không đều hay phình tĩnh mạch cổ,…

Điều trị suy tim bằng cách nào?

Việc điều trị suy tim sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Nếu như điều trị ngay từ sớm thì có thể cải thiện các triệu chứng một cách nhanh chóng, nhưng bạn vẫn nên đi xét nghiệm thường xuyên từ 3 đến 6 tháng một lần.

Dùng thuốc

Nếu ở giai đoạn đầu suy tim thì có thể điều trị bằng thuốc để giảm các triệu chứng và ngăn tình trạng bệnh biến chuyển xấu. Các loại thuốc thường được kê với mục đích:

  • Cải thiện khả năng bơm máu của tim
  • Giảm hình thành cục máu đông
  • Giảm nhịp tim khi cần thiết
  • Loại bỏ natri thừa và bổ sung kali
  • Giảm nồng độ cholesterol

Nếu có ý định dùng thuốc mới thì luôn phải hỏi ý kiến bác sĩ trước. Có một số loại thuốc mà những người bị suy tim không được sử dụng, gồm có Naproxen (Aleve, Naprosyn) và Ibuprofen (Advil, Midol).

Phẫu thuật

Trong một số trường hợp, bệnh nhân suy tim sẽ cần phẫu thuật, ví dụ như phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (coronary bypass surgery). Trong quy trình này, bác sĩ sẽ lấy một đoạn động mạch khỏe mạnh và gắn nó vào vị trí động mạch vành bị tắc nghẽn để máu không chảy vào động mạch bị tắc nữa mà chảy qua mạch máu mới.

Một phương pháp phẫu thuật nữa là nong mạch vành. Trong phương pháp này, một ống thông có gắn một quả bóng nhỏ được đưa vào động mạch bị tắc nghẽn hoặc thu hẹp. Khi ống thông đến đoạn động mạch có vấn đề, bác sĩ sẽ bơm phồng bóng để mở rộng động mạch. Sau đó có thể đặt stent vĩnh viễn để ngăn động mạch bị chặn hoặc thu hẹp trở lại.

Một số người mắc suy tim sẽ cần dùng máy tạo nhịp tim để kiểm soát nhịp tim. Đây là một loại thiết bị nhỏ được đặt vào trong ngực và có công dụng làm chậm nhịp tim khi tim đập quá nhanh hoặc tăng nhịp tim khi tim đập quá chậm. Máy tạo nhịp tim thường được sử dụng sau khi phẫu thuật bắc cầu động mạch vành cũng như là kết hợp với các loại thuốc.

Ghép tim là phương pháp phẫu thuật chỉ được sử dụng cho những trường hợp suy tim giai đoạn cuối, khi tất cả các phương pháp điều trị khác đều thất bại. Trong quá trình ghép tim, bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần của tim và thay thế bằng trái tim khỏe mạnh từ người hiến tặng.

Làm thế nào để ngăn ngừa suy tim?

Một lối sống lành mạnh sẽ giúp ngăn ngừa suy tim ngay từ đầu hoặc cải thiện tình trạng bệnh khi đã mắc phải. Giảm cân hay giữ cho cân nặng ở mức khỏe mạnh và tập thể dục thường xuyên sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ suy tim. Bên cạnh đó, giảm lượng muối trong chế độ ăn cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc phải bệnh lý này.

Các thói quen sống lành mạnh khác còn có:

  • Hạn chế đồ uống có cồn
  • Không hút thuốc
  • Tránh thực phẩm chứa nhiều chất béo
  • Ngủ đủ giấc

Các biến chứng của suy tim

Nếu không được điều trị, suy tim có thể dẫn đến suy tim sung huyết (CHF), đây là tình trạng máu ứ lại ở các vùng khác trong cơ thể và có thể đe dọa đến tính mạng. Bệnh nhân suy tim sung huyết thường bị giữ nước và dịch ở tay chân cũng như là ở các cơ quan khác trong cơ thể như gan và phổi.

Nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim cũng cũng là một trong các biến chứng của suy tim.

Phải gọi cấp cứu hoặc tìm sự trợ giúp từ người xung quanh ngay nếu nếu bạn có những triệu chứng sau:

  • Đau ngực
  • Cảm giác khó chịu ở ngực, ví dụ như tức hay cảm giác như bị bóp nghẹt
  • Khó chịu ở phần trên cơ thể, ví dụ như hoặc lạnh
  • Người mệt lả
  • Chóng mặt
  • Tim đập nhanh
  • Nôn mửa
  • Buồn nôn
  • Đổ mồ hôi lạnh

Triển vọng lâu dài đối với bệnh nhân suy tim

Suy tim là một vấn đề mãn tính, đòi hỏi phải điều trị lâu dài để ngăn ngừa các biến chứng. Khi suy tim không được điều trị, tim sẽ dần bị suy yếu nghiêm trọng đến mức gây ra các biến chứng đe dọa đến tính mạng.

Căn bệnh này có thể xảy ra với bất cứ ai. Bạn nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa suốt đời để giữ sức khỏe và tránh mắc bệnh. Luôn phải đi khám ngay nếu đột nhiên nhận thấy có bất kỳ triệu chứng bất thường nào mà bạn nghi là suy tim.

Điều trị sớm là chìa khóa trong việc ngăn ngừa suy tim tiến triển sang các giai đoạn nghiêm trọng hơn.

Tìm hiểu thêm về:

Tổng số điểm của bài viết là: 35 trong 8 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Video Suy Tim

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây