Tổng quan về statin: Chỉ định, cách dùng và tác dụng phụ

Vào cuối thập niên 70, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng mevastatin - một chất được phân lập từ một loại nấm mốc - có thể ức chế một loại enzyme tham gia vào quá trình sản xuất cholesterol trong cơ thể. Khám phá này dẫn đến sự ra đời của loại thuốc statin đầu tiên, lovastatin.
Sau đó, các nhà nghiên cứu đã phát triển thêm một vài loại statin khác, mỗi loại có những điểm mạnh và lợi ích riêng. Những loại thuốc này được sử dụng rộng rãi để điều trị tình trạng tăng cholesterol máu và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Tác dụng của statin
Statin được kê cho những người bị cholesterol máu cao (tăng cholesterol máu), đặc biệt là khi thêm các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch khác. Những loại thuốc này làm giảm cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL), hay còn gọi là cholesterol xấu, nhờ đó giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Những ai cần dùng statin?
Những người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao, bao gồm những người có mức cholesterol cao, tiền sử nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ, mắc bệnh tiểu đường hoặc có các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch khác có thể cần sử dụng statin.
Các chuyên gia khuyến nghị bắt đầu điều trị bằng statin cho những người có chỉ số LDL cholesterol từ 190mg/dL trở lên.
Những ai không nên dùng statin?
Statin không phù hợp với những người đang mắc một số bệnh lý nhất định hoặc đang dùng những loại thuốc có thể tương tác với statin. Ví dụ, những người mắc bệnh gan hoặc thận hoặc có tiền sử gặp vấn đề về cơ nghiêm trọng do statin không nên sử dụng statin.
Ngoài ra, phụ nữ đang mang thai hoặc đang có kế hoạch mang thai cũng không nên dùng statin vì loại thuốc này có thể gây hại cho thai nhi.
Cơ chế tác dụng của statin
Statin làm giảm cholesterol bằng cách ức chế enzyme gan HMG-CoA reductase, một loại enzyme cần thiết cho quá trình sản xuất cholesterol.
Việc ức chế enzyme này sẽ làm giảm nồng độ cholesterol trong máu, đặc biệt là LDL cholesterol – loại cholesterol gây xơ vữa động mạch, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.
Giảm cholesterol bằng cách dùng statin giúp giảm nguy cơ và cải thiện sức khỏe tim mạch.
Lợi ích của statin đối với sức khỏe tim mạch
Statin có nhiều lợi ích cho sức khỏe tim mạch:
- Giảm LDL cholesterol. Statin rất hiệu quả trong việc giảm mức LDL cholesterol. Nồng độ LDL cholesterol trong máu cao sẽ gây tích tụ mảng xơ vữa trong động mạch, điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
- Giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Bằng cách làm giảm LDL cholesterol, statin giúp giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ và các biến cố tim mạch khác ở những người có nguy cơ.
- Ổn định mảng xơ vữa. Statin có thể giúp ổn định mảng xơ vữa trong động mạch, giảm nguy cơ mảng xơ vữa vỡ ra, gây ra nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
- Tác dụng chống viêm. Nghiên cứu cho thấy statin có tác dụng chống viêm, điều này giúp giảm viêm ở động mạch và cũng có lợi cho sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại statin đều có tác dụng giảm viêm như nhau.
- Cải thiện chức năng nội mạc mạch máu. Nghiên cứu cho thấy statin có thể cải thiện chức năng của nội mạc (lớp tế bào ở bề mặt trong của mạch máu). Điều này giúp máu lưu thông tốt trong mạch máu.
Cách dùng thuốc
Liều dùng statin phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại statin và mức cholesterol. Bác sĩ sẽ xác định liều dùng thích hợp và bạn cần dùng thuốc đúng liều.
Dưới đây là liều dùng trung bình của atorvastatin và rosuvastatin - hai loại statin được sử dụng phổ biến:
Atorvastatin:
- Liều khởi đầu: 10mg đến 20mg một lần mỗi ngày
- Liều tối đa: 80mg một lần mỗi ngày
Rosuvastatin:
- Liều khởi đầu: 5mg đến 10mg một lần mỗi ngày
- Liều tối đa: 40mg một lần mỗi ngày
Statin thường được uống một lần mỗi ngày, vào buổi tối hoặc trước khi đi ngủ, vì đây là thời điểm mà cơ thể thường sản xuất nhiều cholesterol hơn. Tuy nhiên, một số loại statin có thể uống vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Tốt hơn hết hãy dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Bạn có thể uống statin trước hoặc sau khi ăn nhưng uống sau khi ăn sẽ giúp thuốc được hấp thụ tốt hơn và giảm nguy cơ đau dạ dày. Uống statin cùng với nhiều nước để viên thuốc trôi xuống dạ dày và tránh mắc kẹt trong cổ họng.
Nếu quên uống thuốc, hãy uống ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần đến giờ uống liều tiếp theo thì hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều tiếp theo như bình thường. Không uống gộp liều để bù cho liều đã quên.
Tác dụng phụ của statin
Statin đa phần được dung nạp tốt nhưng giống như tất cả các loại thuốc khác, nhóm thuốc này cũng có tác dụng phụ.
Các tác dụng phụ thường gặp của statin là:
- Đau nhức hoặc yếu cơ
- Đau khớp
- Đau đầu
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Táo bón
- Tiêu chảy
- Phát ban hoặc đỏ bừng mặt
Các tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng hơn:
- Tổn thương gan (tăng men gan)
- Tiêu cơ vân (tế bào cơ vân bị phân hủy), có thể dẫn đến tổn thương thận
- Tăng đường huyết hoặc bệnh tiểu đường type 2
- Tác dụng phụ về thần kinh như mất trí nhớ và lú lẫn
Theo một tổng quan nghiên cứu, sử dụng liệu pháp statin ở người lớn không có tiền sử biến cố tim mạch giúp giảm nguy cơ tử vong và các vấn đề về tim mạch.
Tuy nhiên, một nghiên cứu cho thấy việc sử dụng statin cường độ cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Nhìn chung, statin không gây ra các dụng phụ nghiêm trọng như vấn đề về gan.
Phòng ngừa và kiểm soát tác dụng phụ
Bạn có thể thử những cách dưới đây để phòng ngừa và kiểm soát tác dụng phụ của statin:
- Tìm hiểu kỹ về statin và các tác dụng phụ của thuốc để có thể nhận biết và xử trí kịp thời.
- Cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc, thực phẩm bổ sung và vitamin mà bạn đang dùng để tránh xảy ra tương tác thuốc với statin.
- Khám sức khỏe định kỳ để theo dõi mức cholesterol và chức năng gan.
- Dùng thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ, gồm có liều dùng và thời điểm uống thuốc. Một điều quan trọng nữa là phải biết rõ về tương tác thuốc và tuân thủ hướng dẫn về những loại thuốc cần tránh khi dùng statin.
- Lối sống lành mạnh. Duy trì chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục đều đặn, không hút thuốc và hạn chế rượu bia để tăng cường sức khỏe tổng thể và giảm nguy cơ gặp tác dụng phụ.
- Báo ngay cho bác sĩ nếu gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng khi sử dụng statin. Bác sĩ sẽ kê loại thuốc khác.
Tóm tắt bài viết
Statin có tác dụng làm giảm cholesterol trong máu, nhờ đó giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Điều quan trọng là phải dùng thuốc đúng cách và báo ngay cho bác sĩ khi gặp bất kỳ tác dụng phụ nào. Nếu dùng đúng cách, statin sẽ là một công cụ hiệu quả để kiểm soát mức cholesterol và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Nếu tình trạng cholesterol cao chỉ ở mức nhẹ hoặc trung bình, bạn có thể áp dụng các biện pháp tại nhà, chưa cần dùng đến thuốc để kiểm soát và hạ cholesterol hiệu quả.

Hiện vẫn chưa có kết luận rõ ràng từ các nghiên cứu về việc bổ sung CoQ10 có thực sự giúp cải thiện sức khỏe tim mạch hoặc giảm đau cơ do thuốc statin gây ra hay không. Bác sĩ có thể đánh giá chính xác xem liệu bạn có nên dùng đồng thời CoQ10 và statin hay không.

Statin là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến nhất để làm giảm cholesterol. Tuy nhiên, việc uống rượu có thể làm trầm trọng thêm một số tác dụng phụ ở những người mắc các bệnh lý nhất định, đặc biệt là các vấn đề về gan.

Statin là nhóm thuốc có hiệu quả cao trong việc hạ cholesterol và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên, statin cũng có thể gây ra tác dụng phụ, như tổn thương gan hoặc vấn đề về trí nhớ. Bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro trước khi quyết định sử dụng.

Nếu bạn đang dùng statin và muốn ngừng sử dụng, hãy hỏi ý kiến và làm theo hướng dẫn của bác sĩ. Một số người có thể ngừng thuốc một cách an toàn nhưng điều này có thể đặc biệt nguy hiểm đối với những người khác.