Thuốc tránh thai khẩn cấp: Cơ chế tránh thai, hiệu quả và cách sử dụng
Thuốc tránh thai khẩn cấp là gì?
Thuốc tránh thai khẩn cấp là một biện pháp tránh mang thai ngoài ý muốn được sử dụng sau khi quan hệ tình dục. Những loại thuốc này được khuyến nghị sử dụng trong vòng 5 ngày nhưng càng sử dụng sớm sau khi quan hệ thì hiệu quả sẽ càng cao.
>>> Tìm hiểu về thuốc tránh thai
Cơ chế hoạt động
Thuốc tránh thai khẩn cấp có tác dụng ngăn cản hoặc trì hoãn sự rụng trứng. Khi trứng không được phóng đi từ buồng trứng, tinh trùng sẽ không thể thụ tinh với trứng và thai kỳ sẽ không diễn ra. Các loại thuốc này không có tác dụng phá thai. Một khi trứng đã được thụ tinh và bám vào niêm mạc tử cung thì thuốc tránh thai khẩn cấp sẽ không còn tác dụng.
Các loại thuốc tránh thai khẩn cấp
Có các loại thuốc tránh thai khẩn cấp sau đây:
- Thuốc tránh thai khẩn cấp chứa ulipristal acetate (UPA)
- Thuốc tránh thai khẩn cấp chứa levonorgestrel (LNG)
- Thuốc tránh thai kết hợp (combined oral contraceptive pill - COC) hay phương pháp Yuzpe
Ai có thể sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp?
Bất kỳ phụ nữ nào trong độ tuổi sinh sản cũng đều có thể sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp. Không có chống chỉ định tuyệt đối đối với việc sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp và cũng không có giới hạn độ tuổi sử dụng các loại thuốc này.
Những trường hợp nào cần dùng thuốc tránh thai khẩn cấp?
Thuốc tránh thai khẩn cấp được sử dụng để tránh mang thai ngoài ý muốn sau khi quan hệ tình dục trong những trường hợp:
- Không sử dụng các biện pháp tránh thai khác.
- Người phụ nữ bị tấn công tình dục.
- Lo lắng về khả năng mang thai do sử dụng không đúng cách hoặc xảy ra sự cố khi sử dụng các biện pháp tránh thai khác, chẳng hạn như:
- Bao cao su bị thủng, tuột, rách trong khi quan hệ;
- Quên uống thuốc tránh thai kết hợp 3 ngày liên tiếp trở lên;
- Dùng thuốc tránh thai chỉ chứa progestin (mini pill): Uống trễ từ 3 tiếng trở lên so với thường lệ hoặc đã qua 27 tiếng kể từ thời điểm uống viên thuốc trước đó;
- Dùng thuốc tránh thai chứa desogestrel: Uống trễ từ 12 tiếng trở lên so với thường lệ hoặc đã qua 36 tiếng kể từ thời điểm uống viên thuốc trước đó;
- Lỡ mũi tiêm progestogen norethisterone enanthate (NET-EN) quá 2 tuần;
- Lỡ mũi tiêm depot-medroxyprogesterone acetate (DMPA) quá 4 tuần;
- Lỡ mũi tiêm thuốc tránh thai dạng kết hợp (CIC) quá 7 ngày;
- Bong, rách hoặc tháo bỏ sớm màng ngăn âm đạo hoặc mũ chụp cổ tử cung;
- Tính toán sai thời gian quan hệ tình dục;
- Vòng tránh thai hoặc que cấy tránh thai bị tuột;
Phụ nữ nên chuẩn bị sẵn thuốc tránh thai khẩn cấp để dùng ngay khi cần thiết.
Chuyển sang thuốc tránh thai hàng ngày
Sau khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp, phụ nữ có thể tiếp tục hoặc bắt đầu các biện pháp tránh thai khác như thuốc tránh thai hàng ngày.
Sau khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp chứa levonorgestrel hoặc thuốc tránh thai kết hợp, phụ nữ có thể tiếp tục sử dụng biện pháp tránh thai trước đó hoặc bắt đầu bất kỳ biện pháp tránh thai mới nào ngay lập tức.
Sau khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp chứa ulipristal acetate, phụ nữ có thể tiếp tục hoặc bắt đầu bất kỳ biện pháp tránh thai nào có chứa progestin (thuốc tránh thai kết hợp hoặc thuốc tránh thai chỉ chứa progestin) vào ngày thứ 6. Có thể đặt vòng tránh thai chứa levonorgestrel ngay lập tức sau khi xác nhận không mang thai.
Hiệu quả
Cần sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp trong vòng 120 giờ (5 ngày) sau khi quan hệ tình dục nhưng càng sử dụng sớm thì hiệu quả của thuốc sẽ càng cao. Hiệu quả tránh thai sẽ lên đến 95% nếu sử dụng trong 24 giờ đầu, 85% nếu sử dụng sau 24 giờ đến 48 giờ và giảm xuống chỉ còn khoảng 60% nếu sử dụng sau 49 – 72 giờ. Thuốc tránh thai khẩn cấp chứa ulipristal acetate có hiệu quả cao hơn so với thuốc chứa levonorgestrel, đặc biệt là khi sử dụng trong khoảng 72 – 120 giờ sau quan hệ tình dục.
Thuốc tránh thai khẩn cấp sẽ không hiệu quả hoặc kém hiệu quả hơn nếu như:
- Đang dùng một số loại thuốc khác
- Dùng thuốc quá muộn sau khi quan hệ
- Nôn trong vòng 2 - 3 giờ sau khi uống thuốc chúng
Một biện pháp tránh thai khẩn cấp khác là vòng tránh thai bằng đồng với hiệu quả lên đến hơn 99%.
Liều lượng và cách sử dụng
Tổ chức Y tế thế giới WHO đưa ra liều dùng khuyến nghị đối với các loại thuốc tránh thai khẩn cấp như sau:
- Thuốc tránh thai khẩn cấp chứa ulipristal acetate: dùng 1 liều duy nhất (30 mg)
- Thuốc tránh thai khẩn cấp chứa levonorgestrel: dùng 1 liều duy nhất (1.5 mg) hoặc dùng 2 liều, mỗi liều 0.75 mg, cách nhau 12 tiếng.
- Thuốc tránh thai kết hợp: dùng 2 liều, mỗi liều gồm 100 mg ethinyl estradiol và 0.5 mg levonorgestrel. Liều sau cách liều trước 12 tiếng.
Tính an toàn
Tác dụng phụ
Tác dụng phụ của các loại thuốc tránh thai khẩn cấp cũng tương tự như thuốc tránh thai hàng ngày, gồm có buồn nôn, nôn, đau đầu, đầy bụng, chảy máu âm đạo bất thường, vú căng đau, mệt mỏi… Các tác dụng phụ này thường chỉ nhẹ và sẽ tự hết mà không cần dùng thuốc điều trị.
Nếu bị nôn trong vòng 2 giờ sau khi uống thuốc thì nên uồng bù liều khác. Thuốc tránh thai khẩn cấp chứa levonorgestrel hoặc ulipristal acetate được sử dụng phổ biến hơn thuốc tránh thai kết hợp vì ít gây buồn nôn và nôn hơn. Không nên sử dụng thường xuyên thuốc chống nôn trước khi dùng thuốc tránh thai khẩn cấp.
Thuốc tránh thai khẩn cấp có thể làm thay đổi lượng máu kinh vào kỳ kinh nguyệt tiếp theo. Các loại thuốc này cũng có thể làm cho kinh nguyệt bắt đầu muộn hơn hoặc sớm hơn. Nếu bị trễ kinh hơn 7 ngày hoặc ra máu ít hơn nhiều so với bình thường thì hãy thử thai càng sớm càng tốt.
Thuốc tránh thai khẩn cấp không gây hại đến khả năng sinh sản sau này.
Có thai khi đang sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp
Nếu không biết mình đang mang thai và sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp thì thuốc cũng sẽ không gây hại gì cho thai kỳ.
Có thể sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp sau khi sinh không?
Phụ nữ hoàn toàn có thể uống thuốc tránh thai khẩn cấp sau khi sinh con.
Đối với phụ nữ đang cho con bú
Thuốc tránh thai khẩn cấp chứa levonorgestrel an toàn đối với phụ nữ đang cho con bú. Thuốc sẽ không ảnh hưởng đến sữa mẹ.
Thuốc tránh thai khẩn cấp chứa ulipristal acetate cũng có thể sử dụng khi nuôi con bằng sữa mẹ. Tuy nhiên, thuốc có thể đi vào trong sữa mẹ. Do đó cần phải vắt bỏ sữa trong 7 ngày đầu sau khi uống thuốc.