Tăng Cân Ngày Đèn Đỏ Có Bình Thường Hay Không?
Nội dung chính của bài viết:
- Tăng cân ngày đèn đỏ là hiện tượng hoàn toàn bình thường. Cơ thể sẽ tự trở lại như trước trong vòng vài ngày sau khi bắt đầu hành kinh.
- Hiện tượng này có liên quan đến sự dao động nồng độ nội tiết tố và có thể là kết quả của tình trạng giữ nước, chứng chướng bụng, đầy hơi, ăn quá nhiều, thèm đồ ngọt hay dừng việc tập luyện khi có kinh.
- Để giảm hiện tượng giữ nước thì nên uống nhiều nước, giảm lượng muối, tăng cường vận động. Bạn cũng có thể dùng thuốc lợi tiểu để giảm giữ nước hoặc viên uống bổ sung magiê để cải thiện triệu chứng đầy hơi.
- Nếu bị các triệu chứng đau bụng hay chướng bụng nghiêm trọng khi đến ngày đèn đỏ thì nên đi khám bác sĩ. Đây có thể là dấu hiệu của những vấn đề tiềm ẩn khác.
Tăng cân ngày đèn đỏ có bình thường không?
Trong thời gian có kinh nguyệt, việc tăng từ 1 – 2kg là điều bình thường nhưng điều này chỉ xảy ra tạm thời và cân nặng sẽ trở lại bình thường sau khi bắt đầu ra máu một vài ngày.
Đây cũng là một triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt (premenstrual syndrome). Hội chứng tiền kinh nguyệt gồm có một loạt những thay đổi về thể chất, cảm xúc và hành vi ảnh hưởng đến phụ nữ trong thời gian từ vài ngày đến hai tuần trước khi diễn ra kỳ kinh hàng tháng.
Nguyên nhân gây nên những triệu chứng này là do sự thay đổi nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt.
Hội chứng tiền kinh nguyệt rất phổ biến. Hơn 90% phụ nữ đều gặp phải ít nhất một trong những triệu chứng này.
Dưới đây là một số nguyên nhân tại sao nhiều phụ nữ lại thường tăng vài kg ngay trước và trong những ngày đèn đỏ.
Nguyên nhân dẫn đến tăng cân ngày đèn đỏ là gì
Tăng cân và cảm giác trướng, đau ở bụng là những triệu chứng phổ biến của kỳ kinh nguyệt. Những hiện tượng này xảy ra do một số nguyên nhân khác nhau.
Thay đổi nội tiết tố
Sự thay đổi nội tiết tố hay hormone khiến cơ thể bị giữ nước và dẫn đến tăng cân, người nặng nề.
Trong những ngày trước khi có kinh nguyệt, nồng độ estrogen và progesterone giảm nhanh chóng. Điều này báo cho cơ thể biết rằng đã đến lúc bắt đầu hành kinh.
Estrogen và progesterone cũng là những hormone kiểm soát cách mà cơ thể điều tiết chất lỏng. Khi nồng độ các hormone này dao động, mô trong cơ thể sẽ bắt đầu tích trữ nhiều nước hơn. Kết quả là hiện tượng giữ nước và phù nề.
Giữ nước sẽ khiến ngực, bụng to lên và chân tay sưng phù. Điều này làm tăng trọng lượng cơ thể nhưng không làm tăng lượng mỡ.
Giữ nước là một triệu chứng tiền kinh nguyệt phổ biến, xảy ra ở khoảng 92% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
Chướng bụng
Chướng bụng hoặc đau bụng khi có kinh nguyệt sẽ tạo cảm giác nặng nề ở bụng và mặc đồ bị chật. Điều này khiến bạn cảm giác như mình béo lên nhưng thực ra không phải thế.
Trong những ngày đèn đỏ, sự thay đổi nội tiết tố sẽ làm tăng lượng khí trong đường tiêu hóa và gây đầy hơi. Tình trạng giữ nước trong bụng cũng có thể dẫn đến cảm giác này.
Các cơn đau bụng kinh cũng góp phần gây ra cảm giác người nặng nề, tăng cân. Nguyên nhân gây ra những cơn đau này là do prostaglandin – một loại axit béo giống như hormone được tạo ra từ tử cung. Prostaglandin làm cho tử cung co thắt và bong lớp niêm mạc bên trong. Điều này gây đau bụng mỗi khi đến kỳ kinh.
Hiện tượng chướng bụng, đầy hơi có thể bắt đầu xảy ra từ 5 ngày trước khi có kinh và tiếp tục trong vài ngày đầu ra máu. Các cơn đau bụng cũng thường bắt đầu từ một đến hai ngày trước và tiếp diễn trong một vài ngày sau đó.
Thèm ăn hoặc ăn quá nhiều
Sự thay đổi nội tiết tố trong kỳ kinh cũng có thể làm tăng cảm giác thèm ăn và dẫn đến ăn quá nhiều.
Trong khoảng một tuần trước khi có kinh, nồng độ progesterone tăng. Progesterone chính là thủ phạm kích thích sự thèm ăn. Khi progesterone tăng cao, bạn sẽ ăn nhiều hơn bình thường.
Hormone estrogen có vai trò điều chỉnh mức serotonin - một chất dẫn truyền thần kinh kiểm soát tâm trạng và làm giảm cảm giác thèm ăn. Khi nồng độ estrogen giảm ngay trước khi có kinh nguyệt, mức serotonin cũng sẽ giảm. Kết quả là cảm giác thèm ăn tăng lên.
Mức serotonin thấp còn làm tăng cảm giác thèm ăn ngọt vì các loại thực phẩm nhiều carbohydrate giúp cơ thể tạo ra serotonin. Nếu bị thiếu hụt serotonin, não sẽ phát tín hiệu gây cảm giác thèm đường. Việc ăn các loại thực phẩm chứa nhiều đường sẽ làm tăng lượng calo và dẫn đến tăng cân.
Cuối cùng, tốc độ trao đổi chất sẽ thay đổi trong suốt chu kỳ kinh nguyệt và khi tốc độ trao đổi chất tăng lên thì cơ thể sẽ đốt cháy nhiều calo hơn, dẫn đến thường xuyên thấy đói và luôn trong tình trạng muốn ăn các loại thực phẩm có hàm lượng calo cao.
Các vấn đề về tiêu hóa
Trong suốt chu kỳ kinh nguyệt, sự dao động nồng độ hormone có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy và đau bụng. Sự khó chịu và đầy hơi trong dạ dày có thể khiến bạn cảm giác như mình đã tăng cân.
Mức progesterone tăng từ khoảng một tuần trước khi có kinh. Điều này làm giảm các cơn nhu động ruột, dẫn đến tiêu hóa chậm và táo bón.
Khi kinh nguyệt bắt đầu, tử cung sẽ tiết ra prostaglandin. Prostaglandin gây co cơ thắt ở tử cung và ruột, tạo nên những cơn đau ở vùng chậu và bụng.
Prostaglandin còn có thể gây tiêu chảy do phá vỡ sự cân bằng chất điện giải và chất lỏng trong ruột non.
Các vấn đề về tiêu hóa xảy ra trước và trong khi có kinh nguyệt là điều mà rất nhiều phụ nữ phải trải qua.
Giảm lượng magiê
Khi bắt đầu hành kinh, lượng magiê trong cơ thể giảm dần. Điều này sẽ gây ra cảm giác thèm đồ ngọt và góp phần dẫn đến tăng cân.
Magiê là một khoáng chất giúp điều chỉnh lượng nước trong cơ thể. Vì thế, lượng magiê thấp sẽ gây mất nước.
Tình trạng mất nước sẽ khiến bạn muốn uống các loại đồ uống chứa nhiều đường do khát và còn gây ra cảm giác đói.
Việc tiêu thụ các loại đồ ăn, thức uống chứa nhiều đường sẽ gây tăng cân.
Dừng tập luyện
Vào một tuần trước kỳ kinh, mức estrogen và progesterone đều tăng, gây mệt mỏi và sức chịu đựng giảm. Bên cạnh đó, do còn gặp những triệu chứng khó chịu khác như đau bụng hay đau lưng mà nhiều phụ nữ dừng việc tập luyện thể dục hàng ngày trong thời kỳ đèn đỏ. Đây cũng là nguyên nhân góp phần làm tăng cân, đặc biệt là khi còn thèm ăn và ăn nhiều.
Các triệu chứng khác
Ngoài tăng cân, phụ nữ còn trải qua các triệu chứng khác về thể chất và tinh thần trong thời gian có kinh nguyệt.
Các triệu chứng này gồm có:
- Ngực to lên, căng đau hoặc nhạy cảm
- Táo bón
- Tiêu chảy
- Đau bụng
- Đau đầu
- Đau mỏi lưng
- Khả năng chịu đựng tiếng ồn và ánh sáng kém
- Mệt mỏi
- Da đổ dầu, nổi mụn trứng cá
- Khó ngủ
- Lo âu hoặc căng thẳng
- Nhạy cảm quá mức
- Thay đổi tâm trạng thất thường, dễ cáu giận
- Kém tập trung
- Ham muốn tình dục thấp
Các triệu chứng có thể thay đổi theo từng tháng hoặc theo từng giai đoạn trong đời, ví dụ như giai đoạn tiền mãn kinh hay mãn kinh. Bên cạnh đó, triệu chứng mà mỗi người phụ nữ gặp phải đều khác nhau. Nhưng hơn 90% phụ nữ đều có ít nhất một trong các triệu chứng này trước và trong kỳ kinh nguyệt.
Phương pháp khắc phục
Có thể giảm hiện tượng giữ nước và chướng bụng, đầy hơi, từ đó tránh tăng cân trong thời gian hành kinh bằng các biện pháp khắc phục tại nhà, thay đổi một số thói quen lối sống và dùng thuốc.
Cụ thể, bạn nên:
- Uống nhiều nước hơn: Nghe có vẻ vô lý nhưng việc uống nhiều nước có thể làm giảm tình trạng giữ nước. Lý do là bởi cơ thể sẽ tích trữ nhiều chất lỏng hơn khi bị mất nước.
- Ăn các loại thực phẩm lành mạnh: Nếu bạn thường hay bị thèm ăn mỗi khi đến kỳ thì nên mua sẵn các loại thực phẩm lành mạnh, bổ dưỡng như trái cây để ăn mỗi khi cơn thèm đồ ngọt tấn công thay vì những loại đồ ăn vặt không tốt cho sức khỏe.
- Dùng thuốc lợi tiểu: Thuốc lợi tiểu là các loại thuốc làm giảm tình trạng giữ nước bằng cách thúc đẩy quá trình tạo nước tiểu.
- Uống bổ sung magiê: Magiê có tác dụng làm giảm những vấn đề như:
- Giữ nước
- Đầy hơi
- Thèm ngọt
- Thay đổi tiêu cực về tâm lý, cảm xúc
Tuy nhiên, cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại viên uống bổ sung nào.
- Tăng vận động: Bạn có thể giảm tình trạng giữ nước trong cơ thể bằng cách đi bộ và vận động nhiều hơn. Tập thể dục sẽ giúp đổ mồ hôi và loại bỏ một lượng lớn nước thừa khỏi cơ thể.
Phòng ngừa
Bằng cách duy trì các thói quen lành mạnh trong suốt tháng, bạn sẽ có thể ngăn ngừa được hiện tượng tăng cân, cơ thể nặng nề và giữ nước khi có kinh nguyệt.
Bạn nên tập cho mình thói quen:
- Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp làm giảm các triệu chứng khó chịu mỗi khi đến kỳ. Nên cố gắng tập ít nhất 30 phút mỗi ngày.
- Uống nhiều nước: Cố gắng uống đủ nước mỗi ngày. Điều này sẽ ngăn cơ thể tích tụ nước.
- Giảm lượng muối: Ăn quá nhiều muối sẽ gây giữ nước. Nên cắt giảm tối đa lượng muối trong khẩu phần ăn và hạn chế hoặc tốt nhất là tránh các loại thực phẩm chế biến sẵn.
- Hạn chế caffeine và đường: Những loại thực phẩm, đồ uống có chứa caffeine và đường sẽ làm cho chứng chướng bụng, đầy hơi trở nên nặng hơn. Nên tránh những thực phẩm này trong vòng hai tuần trước khi có kinh.
- Tránh các thực phẩm gây đầy hơi: Nên tránh xa những thực phẩm này trong suốt cả tháng chứ không chỉ vào thời gian hành kinh.
Đa số phụ nữ đều có kinh nguyệt mỗi tháng một lần nhưng đôi khi, kinh nguyệt có thể đến hai lần trong cùng một tháng.
Khí hư màu trắng thường là hiện tượng hoàn toàn bình thường trước khi bắt đầu có kinh nguyệt. Tuy nhiên, đây có thể là dấu hiệu của những vấn đề với sức khỏe, ví dụ như nhiễm trùng nấm men.
Kinh nguyệt ra ít có thể là hiện tượng bình thường và không phải điều đáng lo ngại. Kể cả khi hiện tượng ra máu kinh chỉ diễn ra trong 2 – 3 ngày thì vẫn được coi là bình thường.
Đau ngực trước kỳ kinh có phải là hiện tượng bình thường không? Đây là một trong nhóm các triệu chứng xảy ra trước khi có kinh nguyệt, được gọi là hội chứng tiền kinh nguyệt.
Có dịch âm đạo sau khi hết kinh là bình thường hay bất thường? Trong thời gian có kinh nguyệt, niêm mạc tử cung bong ra và tạo thành một hỗn hợp gồm có mô và máu. Khi kinh nguyệt chính thức kết thúc thì có thể ngay lập tức xuất hiện dịch tiết từ âm đạo hay còn gọi là khí hư. Đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường.