Tại sao chất béo chuyển hóa (trans fat) có hại?

Chắc hẳn bạn đã nghe nói đến chất béo chuyển hóa và biết rằng loại chất béo này có hại nhưng bạn có biết lý do tại sao không?
Mức tiêu thụ chất béo chuyển hóa đã giảm trong những năm gần đây do nhận thức của người tiêu dùng. Ở một số quốc gia, loại chất béo này bị cấm sử dụng trong sản xuất thực phẩm. Nhưng ở nhiều quốc gia khác, thực phẩm chứa chất béo chuyển hóa vẫn được phép bán trên thị trường.
Vậy loại chất béo này có trong những thực phẩm nào và có tác hại như thế nào đối với sức khỏe?
Chất béo chuyển hóa là gì?
Chất béo chuyển hóa (trans fat) hay axit béo chuyển hóa (trans fatty acid) là một loại chất béo không bão hòa. Có hai dạng chất béo chuyển hóa là dạng tự nhiên và dạng nhân tạo.
Chất béo chuyển hóa tự nhiên có trong thịt và sữa của các loài động vật nhai lại như bò, trâu, cừu và dê. Chất béo chuyển hóa hình thành khi vi khuẩn trong dạ dày của những loài động vật này tiêu hóa cỏ.
Một số nghiên cứu đã kết luận rằng chất béo chuyển hóa tự nhiên không gây hại nếu tiêu thụ ở mức độ vừa phải.
Loại chất béo chuyển hóa có trong động vật nhai lại chủ yếu là axit linoleic liên hợp (CLA). CLA có trong cả thịt, sữa và các sản phẩm làm từ sữa.
Khác với chất béo chuyển hóa tự nhiên, chất béo chuyển hóa nhân tạo, còn được gọi là chất béo chuyển hóa công nghiệp hay chất béo hydro hóa một phần, có hại cho sức khỏe con người.
Chất béo chuyển hóa nhân tạo hình thành khi dầu thực vật được biến đổi về mặt hóa học để duy trì trạng thái rắn ở nhiệt độ phòng và kéo dài hạn sử dụng.
Ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch
Chất béo chuyển hóa nhân tạo có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người ăn chất béo chuyển hóa nhân tạo thay vì các loại chất béo khác hoặc carbohydrate chất lượng cao có sự gia tăng đáng kể về chỉ số LDL cholesterol (cholesterol xấu) và giảm HDL cholesterol (cholesterol tốt).
Trong khi đó, chất béo chuyển hóa tự nhiên làm tăng cả mức LDL và HDL, nhưng không làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Ảnh hưởng đến độ nhạy insulin và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Ảnh hưởng của chất béo chuyển hóa đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường vẫn chưa được làm rõ.
Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây không tìm thấy bất kỳ mối liên hệ nào giữa lượng chất béo chuyển hóa trong chế độ ăn và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Đã có nhiều nghiên cứu tìm hiểu về mối liên hệ giữa chất béo chuyển hóa và các yếu tố nguy cơ gây bệnh tiểu đường, chẳng hạn như tình trạng kháng insulin và lượng đường trong máu, nhưng các kết quả không nhất quán.
Một nghiên cứu trên động vật vào năm 2021 kết luận rằng axit béo chuyển hóa làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh về chuyển hóa như tiểu đường type 2 và gan nhiễm mỡ.
Ảnh hưởng đến tình trạng viêm
Tình trạng viêm quá mức trong cơ thể được cho là nguyên nhân chính gây ra nhiều căn bệnh mạn tính như bệnh tim mạch, hội chứng chuyển hóa, tiểu đường và viêm khớp.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng thay các chất dinh dưỡng khác trong chế độ ăn uống bằng chất béo chuyển hóa nhân tạo làm tăng mức độ viêm nhưng chất béo chuyển hóa tự nhiên không liên quan đến tình trạng viêm.
Ảnh hưởng đến mạch máu và nguy cơ mắc bệnh ung thư
Nhiều ý kiến cho rằng chất béo chuyển hóa có thể làm hỏng nội mạc mạch máu – lớp tế bào mỏng bao phủ bên trong mạch máu.
Một nghiên cứu nhỏ trên người cho thấy tiêu thụ đồ uống có hàm lượng chất béo chuyển hóa cao làm suy yếu chức năng nội mạc mạch máu và làm tăng tình trạng kháng insulin khi so sánh với đồ uống có hàm lượng chất béo bão hòa cao. Đó có thể là một trong những lý do tại sao tiêu thụ chất béo chuyển hóa làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Một nghiên cứu trên 111 người mắc bệnh động mạch vành cho thấy những người tiêu thụ nhiều axit béo chuyển hóa có mức độ tổn thương động mạch nặng hơn so với những người tiêu thụ ít.
Các nghiên cứu gần đây đã tìm hiểu về tác động của chất béo chuyển hóa đến nguy cơ mắc bệnh ung thư. Một số nghiên cứu phát hiện ra rằng những người ăn nhiều chất béo chuyển hóa có tỷ lệ mắc ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư đại trực tràng cao hơn.
Thực phẩm chứa chất béo chuyển hóa nhân tạo
Chất béo chuyển hóa nhân tạo chủ yếu có trong những thực phẩm chứa dầu thực vật hydro hóa một phần (partially hydrogenated vegetable oil) như bơ thực vật, bánh quy, bánh ngọt…
Chất béo chuyển hóa còn được tạo ra khi đun nóng dầu ăn. Do đó, đồ chiên cũng chứa chất béo chuyển hóa.
Tóm tắt bài viết
Chất béo chuyển hóa là một loại chất béo không bão hóa có hai dạng là dạng tự nhiên và dạng nhân tạo. Chất béo chuyển hóa tự nhiên có trong thịt và sữa của động vật nhai lại. Chất béo chuyển hóa nhân tạo chủ yếu có trong thực phẩm chế biến sẵn chứa dầu thực vật hydro hóa một phần.
Khác với chất béo chuyển hóa tự nhiên an toàn khi tiêu thụ ở mức độ vừa phải, chất béo chuyển hóa nhân tạo gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe, chẳng hạn như làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Chất béo chuyển hóa nhân tạo còn có thể gây ra tình trạng viêm mạn tính, kháng insulin và thậm chí là ung thư, đặc biệt là ở những người thừa cân hoặc béo phì.
Ở nhiều quốc gia, thực phẩm chứa chất béo chuyển hóa nhân tạo vẫn được phép bán trên thị trường. Khi mua thực phẩm chế biến sẵn, bạn nên đọc kỹ thông tin trên nhãn và tránh những sản phẩm chứa chất béo chuyển hóa hay dầu hydro hóa một phần.

Chất xơ hòa tan có trong các loại thực phẩm như yến mạch, táo và đậu các loại có thể giúp giảm cholesterol toàn phần và cholesterol LDL (cholesterol “xấu”). Việc tăng lượng chất xơ hòa tan, tập thể dục đều đặn và giảm tiêu thụ chất béo bão hòa có thể hỗ trợ hạ mức cholesterol.

Nhiều người hiểu lầm rằng ăn các thực phẩm giàu cholesterol và chất béo sẽ làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh nhưng các nghiên cứu gần đây đã bác bỏ quan điểm này.