1

Sau đột quỵ bao lâu thì có thể đi lại bình thường?

Khả năng đi lại có thể bị ảnh hưởng sau đột quỵ. Nhưng nhờ có các phương pháp điều trị hiệu quả hiện nay, có tới 85% số người sống sót sau đột quỵ có thể tự đi lại trong vòng 6 tháng. Người bệnh có thể phải sử dụng các biện pháp hỗ trợ đi lại trong khoảnh thời gian đầu sau đột quỵ nhưng sau đó có thể tự đi lại mà không cần dụng cụ hỗ trợ.

Thời gian để khôi phục khả năng đi lại sẽ phụ thuộc vào loại đột quỵ, mức độ nghiêm trọng, thời gian được cấp cứu, tuổi tác, tình trạng sức khỏe (các bệnh lý khác đang mắc) và một số yếu tố khác.

Mất bao lâu để khôi phục khả năng đi lại sau đột quỵ?

Thời gian phục hồi sau đột quỵ, bao gồm cả khả năng đi lại, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, gồm có tuổi tác, loại đột quỵ, mức độ nghiêm trọng của cơn đột quỵ và mức độ ảnh hưởng của đột quỵ đến khả năng vận động.

Người trẻ tuổi có sức khỏe tốt trước khi bị đột quỵ có thể đi lại được trong vòng vài tuần đến vài tháng sau đột quỵ. Trong khi đó, người cao tuổi, người có các bệnh lý khác hoặc người bị đột quỵ nghiêm trọng có thể phải mất vài năm mới khôi phục lại được hoàn toàn khả năng đi lại và cũng có nhiều người vĩnh viễn không thể tự đi lại được sau đột quỵ.

Theo một số nghiên cứu, khoảng 65% đến 85% số người sống sót sau đột quỵ có thể tự đi lại sau 6 tháng phục hồi chức năng. (1)

Mỗi một ca đột quỵ đều khác nhau và thời gian hồi phục sau đột quỵ ở mỗi người là không giống nhau.

Những yếu tố ảnh hưởng đến thời gian hồi phục sau đột quỵ

Thời gian để người bệnh khôi phục khả năng tự đi lại sau đột quỵ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, gồm có:

  • Vị trí đột quỵ: Vị trí bắt đầu cơn đột quỵ trong não và mức độ tổn thương ở một số vùng nhất định trong não là những yếu tố quyết định tốc độ khôi phục khả năng đi lại sau đột quỵ. Ví dụ, một nghiên cứu vào năm 2021 cho thấy những người bị đột quỵ xuất huyết não (đột quỵ do mạch máu não bị vỡ, dẫn đến rò rỉ máu vào vùng xung quanh) thường hồi phục chậm hơn so với những người bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ (đột quỵ do tắc nghẽn mạch máu đến não).
  • Loại đột quỵ: Loại đột quỵ cũng có ảnh hưởng đến tốc độ khôi phục khả năng đi lại và liệu người bệnh có thể tự đi lại được hay không.
  • Mức độ nghiêm trọng của cơn đột quỵ: Mức độ tổn thương ở não là một yếu tố rất quan trọng. Não bị tổn thương càng nặng thì sẽ càng lâu hồi phục sau đột quỵ.
  • Tuổi tác: Người trẻ tuổi thường hồi phục nhanh hơn so với người cao tuổi.
  • Mức độ tỉnh táo: Nếu người bệnh không đủ tỉnh táo để thực hiện các các hoạt động phục hồi chức năng thì khả năng khôi phục khả năng đi lại sẽ kém hơn.
  • Chương trình phục hồi chức năng: Vật lý trị liệu thường xuyên là điều rất quan trọng để giúp người bệnh đi lại sau đột quỵ. Các bước cụ thể trong chương trình phục hồi chức năng sẽ có ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi.
  • Các bệnh lý khác: Thời gian hồi phục sẽ phụ thuộc vào việc người bệnh có đang mắc các bệnh lý khác hay không, mức độ nghiêm trọng và tình trạng sức khỏe tổng thể, bao gồm sức mạnh của cơ và khả năng giữ thăng bằng của chân.
  • Dụng cụ hỗ trợ trong nhà: Tay vịn cầu thang và thanh vịn trong phòng tắm có thể giúp người bệnh đi lại vững vàng và an toàn hơn.
  • Thời điểm bắt đầu phục hồi chức năng: Quá trình phục hồi chức năng bắt đầu càng sớm thì cơ hội khôi phục hoàn toàn khả năng đi lại sẽ càng cao.

Các cách cải thiện khả năng đi lại sau đột quỵ

Ngoài các buổi vật lý trị liệu, người bệnh có thể tập thêm một số bài tập khác để hỗ trợ quá trình phục hồi chức năng sau đột quỵ. Hãy trao đổi với bác sĩ và kỹ thuật viên vật lý trị liệu để được hướng dẫn cách thực hiện các bài tập một cách an toàn và tần suất tập phù hợp.

Một số bài tập có lợi cho người bị đột quỵ gồm có:

  • Đứng lên ngồi xuống luân phiên đứng
  • Bước về các hướng khác nhau
  • Bước lên cầu thang
  • Với đồ vật
  • Đi bộ và xoay người
  • Bước sang ngang

Ban đầu, người bệnh nên thực hiện các bài tập này với sự hỗ trợ của kỹ thuật viên vật lý trị liệu cho đến khi bạn có thể tự thực hiện. Kỹ thuật viên vật lý trị liệu sẽ cho biết thời điểm mà người bệnh có thể thực hiện các bài tập tại nhà và đánh giá các yếu tố như sức mạnh, khả năng giữ thăng bằng và cơn đau.

Điều quan trọng là phải luôn chú ý giữ an toàn. Phục hồi chức năng là một quá trình kéo dài và đòi hỏi sự kiên nhẫn. Hãy biết giới hạn của bản thân, lắng nghe cơ thể và đừng cố gắng quá sức để tránh bị chấn thương. Nó cũng sẽ giúp hỗ trợ bạn tiếp tục lịch tập luyện thường xuyên của mình.

Tiên lượng của người bị đột quỵ

Hầu hết người bị đột quỵ đều có thể khôi phục khả năng đi lại trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, trong những trường hợp đột quỵ nặng, việc phục hồi sẽ khó khăn hơn. Người bệnh có thể sẽ gặp khó khăn khi đi lại và vận động trong thời gian dài. Và cũng có nhiều trường hợp đột quỵ dẫn đến mất khả năng đi lại vĩnh viễn.

Khả năng phục hồi sau đột quỵ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Ví dụ, nếu người bệnh bị suy giảm trí nhớ hoặc suy giảm nhận thức nghiêm trọng thì sẽ không thể thực hiện được các bài tập vật lý trị liệu. Việc mắc các bệnh lý khác cũng có thể làm giảm khả năng phục hồi sau đột quỵ.

Nếu sau 6 tháng mà vẫn không thể tự đi lại thì hãy cứ tiếp tục chương trình phục hồi chức năng. Điều này sẽ giúp cải thiện khả năng vận động và chất lượng cuộc sống.

Một số câu hỏi thường gặp

Khả năng khôi phục khả năng đi lại sau đột quỵ có cao không?

Khả năng khôi phục khả năng đi lại sau đột quỵ ở mỗi người là khác nhau nhưng một số nghiên cứu đã cho thấy rằng nếu phục hồi chức năng tích cực, khoảng 65% đến 85% bệnh nhân đột quỵ có thể tự đi lại trong vòng 6 tháng. Không phải ai bị đột quỵ cũng có thể khôi phục khả năng đi lại. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc người bệnh có thể tự đi lại được sau đột quỵ hay không.

Làm thế nào để ngăn ngừa đột quỵ tái phát?

Những người bị đột quỵ sẽ có nguy cơ cao tiếp tục bị đột quỵ trong tương lai. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (CDC), cứ 4 người sống sót sau đột quỵ thì có 1 người bị đột quỵ tái phát trong vòng 5 năm sau đó. (2)

Điều quan trọng là phải giải quyết các yếu tố nguy cơ hoặc nguyên nhân gây đột quỵ, gồm có:

  • Bệnh tim mạch
  • Cao huyết áp (tăng huyết áp)
  • Rối loạn nhịp tim, nhất là rung nhĩ
  • Cholesterol cao
  • Bệnh tiểu đường

Cần phải làm gì khi thấy một ai đó bị đột quỵ?

Khi thấy một người nào đó có những biểu hiện bất thường, hãy áp dụng quy tắc FAST dưới đây để xem người đó có đang bị đột quỵ hay không.

  • F – face (khuôn mặt): Yêu cầu người đó mỉm cười. Nếu một nửa mặt bị xệ xuống thì đó có thể là dấu hiệu của đột quỵ.
  • A – arm (cánh tay): Yêu cầu người đó giơ cả hai tay lên. Nếu một cánh tay không thể giơ quá đầu hoặc bị rơi xuống thì đó có thể là dấu hiệu của đột quỵ.
  • S – speech (khả năng nói): Yêu cầu người đó nói một cụm từ hoặc câu đơn giản và nghe xem người đó có bị khó nói hay nói không rõ hay không.
  • T - time (thời gian): Điều trị sớm là rất quan trọng khi bị đột quỵ. Nếu người đó có bất kỳ dấu hiệu nào ở trên, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.

Trong thời gian chờ xe cấp cứu đến, hãy giữ bình tĩnh và thực hiện các bước sơ cứu. Can thiệp kịp thời và đúng cách có thể cứu tính mạng người bệnh.

Tóm tắt bài viết

Đột quỵ xảy ra do sự gián đoạn lưu thông máu đến các vùng của não, gây chết mô và các vấn đề về thần kinh. Đột quỵ có thể gây ảnh hưởng đến khả năng đi lại, nhưng nếu được cấp cứu kịp thời và phục hồi chức năng, hầu hết mọi người có thể khôi phục khả năng vận động trong vòng 6 tháng.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây