Những ai có nguy cơ mắc ung thư bàng quang?
Theo ước tính, vào năm 2020 trên toàn thế giới có khoảng 570.000 ca mắc mới ung thư bàng quang, khiến ung thư bàng quang trở thành bệnh ung thư có số ca mắc cao thứ 10.
Ung thư bàng quang có thể xảy ra ở bất kỳ ai nhưng một số nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Các yếu tố làm nguy cơ ung thư bàng quang
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang. Các yếu tố này được gọi là yếu tố nguy cơ (risk factor). Việc nắm được các yếu tố này sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
Cần lưu ý, không phải ai có các yếu tố nguy cơ cũng mắc ung thư bàng quang. Nhiều người dù có nhiều yếu tố nguy cơ cùng lúc nhưng lại không mắc bệnh.
Sau đây là 13 yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư bàng quang, trong đó có những yếu tố có thể thay đổi được và những yếu tố không thể thay đổi.
1. Hút thuốc
Những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao hơn ít nhất ba lần so với những người không hút thuốc. Hút thuốc được cho là nguyên nhân gây ra khoảng một nửa số ca ung thư bàng quang ở cả nam giới và phụ nữ. Trên thực tế, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hút thuốc là yếu tố nguy cơ phổ biến nhất của bệnh ung thư bàng quang.
Khi hút thuốc, các hóa chất độc hại sẽ tích tụ trong nước tiểu và làm hỏng niêm mạc bàng quang. Điều này có thể dẫn đến ung thư. Tránh tất cả các sản phẩm thuốc lá, bao gồm thuốc lá truyền thống, xì gà, tẩu, thuốc lào, thuốc lá điện tử… để giảm nguy cơ mắc ung thư bàng quang.
2. Uống nước nhiễm asen
Một số nghiên cứu cho thấy rằng uống nước chứa hàm lượng asen (thạch tín) cao có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang. Hiện các nhà nghiên cứu chưa lý giải được tại sao việc tiếp xúc với asen lại có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Mặc dù đa phần nước sinh hoạt đều đã qua xử lý để loại bỏ các chất độc hại nhưng ở nhiều nơi, nước có chứa hàm lượng asen cao hơn mức cho phép.
3. Tiếp xúc với hóa chất
Một số loại hóa chất có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang. Các nghiên cứu ước tính rằng tiếp xúc với chất hóa học là nguyên nhân gây ra 18% số ca ung thư bàng quang.
Các hóa chất độc hại có thể đi vào máu, sau đó được thận lọc khỏi máu và bài tiết vào nước tiểu. Do bàng quang có chứa năng chứa nước tiểu nên sẽ phải tiếp xúc với những hóa chất này.
Các hóa chất được sử dụng trong sản xuất cao su, thuốc nhuộm, da giày và sơn được cho là có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang. Một số ví dụ gồm có benzidine và beta-naphthylamine, hay còn được gọi là amin thơm.
Do phải tiếp xúc với những hóa chất này nên người làm những nghề nghiệp dưới đây có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao hơn:
- Họa sĩ
- Thợ cắt tóc
- Thợ máy
- Tài xế xe tải
4. Dùng một số loại thuốc
Một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đưa ra cảnh báo rằng dùng thuốc điều trị tiểu đường pioglitazone (Actos) trong thời gian trên một năm có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư bàng quang. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu lại không tìm thấy bất kỳ mối liên hệ nào giữa việc sử dụng pioglitazone và bệnh ung thư bàng quang.
Các phương pháp điều trị ung thư, chẳng hạn như thuốc hóa trị cyclophosphamide (Cytoxan, Neosar) hoặc xạ trị cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang.
5. Thực phẩm chức năng
Dùng thực phẩm chức năng có chứa axit aristolochic có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang. Hợp chất này thường có trong các sản phẩm hỗ trợ điều trị:
- Viêm khớp
- Bệnh gout
- Bệnh lý viêm
- Giảm cân
Tránh sử dụng các loại thực phẩm chức năng có chứa axit aristolochic để giảm nguy cơ ung thư bàng quang.
6. Không uống đủ nước
Uống đủ nước hàng ngày là điều cần thiết để có sức khỏe tốt. Không uống đủ nước sẽ gây ra nhiều tác hại, trong đó có làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang. Theo nghiên cứu, uống nhiều nước sẽ giúp đi tiểu thường xuyên hơn và điều này giúp ngăn các hóa chất độc hại bám vào bàng quang.
Mặc dù nhu cầu nước của mỗi người là khác nhau nhưng theo khuyến nghị chung, nam giới nên uống khoảng 3 lít nước mỗi ngày và phụ nữ nên uống khoảng 2 lít.
7. Tiền sử gia đình mắc một số bệnh
Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư bàng quang hoặc ung thư đại trực tràng không polyp di truyền (hay còn được gọi là hội chứng Lynch) có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao hơn. Một số đột biến gen nhất định, chẳng hạn như đột biến gen RB1 và gen PTEN, cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư bàng quang.
8. Vấn đề về đường tiết niệu
Một số vấn đề về đường tiết niệu có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang gồm có:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính
- Sỏi thận và sỏi bàng quang
- Sử dụng ống thông tiểu trong thời gian dài
Bệnh sán máng, một bệnh nhiễm ký sinh trùng, cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang.
9. Chủng tộc
Người da trắng có nguy cơ bị ung thư bàng quang cao hơn so với các chủng tộc khác.
10. Giới tính
Tỷ lệ mắc ung thư bàng quang ở nam giới cao hơn gấp 3 – 4 lần so với phụ nữ.
11. Tuổi tác
Hầu hết các trường hợp ung thư bàng quang là người lớn tuổi. Trên thực tế, 9 trên 10 ca bệnh ung thư bàng quang là người trên 55 tuổi. Độ tuổi trung bình tại thời điểm chẩn đoán bệnh là 73.
12. Tiền sử ung thư bàng quang hoặc đường tiết niệu
Bị ung thư ở bất kỳ vị trí nào trong đường tiết niệu sẽ làm tăng nguy cơ mắc một bệnh ung thư khác ở khu vực này, ngay cả khi đã cắt bỏ khối u. Vì lý do này nên những người có tiền sử ung thư bàng quang cần tái khám định kỳ để phát hiện sớm ung thư tái phát hoặc ung thư ở một cơ quan khác trong đường tiết niệu.
13. Dị tật bàng quang bẩm sinh
Những người bị dị tật bàng quang bẩm sinh dễ mắc ung thư bàng quang hơn nhưng những vấn đề này rất hiếm gặp.
Phòng ngừa ung thư bàng quang
Mặc dù không thể phòng ngừa ung thư bàng quang một cách tuyệt đối nhưng có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách thay đổi một số hành vi. Một trong những thay đổi quan trọng nhất cần thực hiện để giảm nguy cơ ung thư bàng quang là bỏ thuốc lá. Ngoài ra, hãy cố gắng tránh tiếp xúc với hóa chất và thuốc nhuộm. Uống nhiều nước cũng có thể giúp giảm nguy cơ ung thư bàng quang.
Những người có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao, ví dụ như người có tiền sử gia đình mắc bệnh nên cân nhắc khám sàng lọc định kỳ. Tuy rằng điều này không giúp phòng ngừa ung thư nhưng sẽ giúp phát hiện bệnh từ sớm. Khi được phát hiện sớm, ung thư bàng quang hoàn toàn có thể chữa khỏi.
Triệu chứng ban đầu của ung thư bàng quang
Một số triệu chứng ban đầu của bệnh ung thư bàng quang:
- Tiểu ra máu
- Đau khi đi tiểu
- Tiểu nhiều lần
- Đau vùng chậu hoặc đau lưng
Chẩn đoán ung thư bàng quang
Các phương pháp chẩn đoán ung thư bàng quang:
- Nội soi bàng quang: đưa một ống dài, hẹp qua niệu đạo vào bàng quang. Thiết bị này có camera cho phép bác sĩ quan sát bên trong bàng quang và phát hiện dấu hiệu ung thư.
- Sinh thiết: Trong quá trình nội soi bàng quang, nếu phát hiện có khu vực đáng ngờ, bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ để kiểm tra xem có tế bào ung thư hay không.
- Tế bào học nước tiểu: mẫu nước tiểu của người bệnh được phân tích dưới kính hiển vi để xem có tế bào ung thư hay không.
- Chẩn đoán hình ảnh: Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, gồm có chụp CT hệ tiết niệu, chụp bể thận niệu quản ngược dòng, siêu âm hoặc chụp MRI, giúp phát hiện các bất thường trong đường tiết niệu.
- Tổng phân tích nước tiểu: Xét nghiệm đơn giản này giúp phát hiện máu và một số thành phần bất thường khác trong mẫu nước tiểu.
Tóm tắt bài viết
Nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang, bao gồm những yếu tố có thể thay đổi như thói quen sống, tiếp xúc với hóa chất, thuốc men, thực phẩm chức năng và những yếu tố không thể thay đổi, gồm có tiền sử gia đình, tuổi tác và giới tính. Tuy nhiên, người không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào trong số này vẫn có thể mắc ung thư bàng quang.
Duy trì lối sống lành mạnh và tránh các hành vi có hại, đặc biệt là hút thuốc sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Khám sàng lọc thường xuyên, đặc biệt là đối với những người có nguy cơ cao, sẽ giúp phát hiện bệnh từ sớm và cải thiện đáng kể tiên lượng.
Xạ trị là một phương pháp điều trị ung thư bàng quang, chủ yếu được sử dụng cho những trường hợp không thể phẫu thuật hoặc không muốn phẫu thuật. Xạ trị có hiệu quả cao hơn khi kết hợp với hóa trị.
Đau bàng quang có thể xảy ra ở bất kỳ ai và do nguyên nhân khác nhau gây ra, một số là những vấn đề nghiêm trọng trong khi một số lại không quá đáng ngại. Cùng tìm hiểu những nguyên nhân gây đau bàng quang, những triệu chứng khác cần lưu ý và các phương pháp điều trị.
Polyp là sự tăng sinh tế bào bất thường, có hình dạng giống như khối u, có thể có hoặc không có cuống, hình thành ở niêm mạc hoặc các bề mặt khác bên trong cơ thể. Polyp có thể hình thành ở nhiều cơ quan khác nhau, trong đó có bàng quang.
Trào ngược bàng quang - niệu quản (vesicoureteral reflux) là tình trạng nước tiểu chảy ngược từ bàng quang lên niệu quản thay vì chảy từ bàng quang xuống niệu đạo rồi ra ngoài. Mặc dù tình trạng này có thể tự cải thiện theo thời gian nhưng đôi khi cần can thiệp điều trị bằng phẫu thuật.
Những thay đổi trong thời kỳ mãn kinh sẽ làm tăng nguy cơ bị bàng quang tăng hoạt.