Lợi ích của châm cứu đối với người bị đột quỵ
Đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai bất kể độ tuổi. Có hai loại đột quỵ là đột quỵ do thiếu máu cục bộ và đột quỵ xuất huyết não.
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ xảy ra khi một mạch máu trong não bị tắc nghẽn khiến cho một vùng của não tạm thời không được cung cấp máu. Đột quỵ xuất huyết não xảy ra khi một mạch máu trong não bị vỡ hoặc rò rỉ.
Cả hai loại đột quỵ đều nghiêm trọng và đều có thể gây tổn thương não vĩnh viễn. Phục hồi chức năng là một phần quan trọng trong quá trình phục hồi sau đột quỵ. Có rất nhiều phương pháp phục hồi chức năng khác nhau, giúp khôi phục các chức năng thể chất, nhận thức và cảm xúc.
Bên cạnh những phương pháp phục hồi chức năng tiêu chuẩn như vật lý trị liệu, người bệnh cũng có thể thử các phương pháp trị liệu bổ sung chẳng hạn như châm cứu.
Châm cứu có lợi ích gì cho sức khỏe?
Châm cứu có nhiều lợi ích như:
- Giảm đau mạn tính
- Giúp thư giãn cơ thể và tinh thần
- Tương đối an toàn
- Gần như không xâm lấn
Châm cứu là một phương pháp điều trị trong y học cổ truyền, sử dụng các cây kim mảnh đâm qua da tại những vị trí nhất định trên cơ thể. Phương pháp châm cứu đã bắt đầu được sử dụng từ hàng ngàn năm trước.
Những cây kim mảnh này sẽ tác động đến các dây thần kinh, mạc, cơ và gân. Mỗi vị trí đâm kim mang lại những lợi ích khác nhau. Ví dụ, châm cứu ở điểm giữa hai đầu lông mày có thể giúp giảm đau đầu.
Lợi ích được biết đến nhiều nhất của phương pháp châm cứu là giảm tình trạng đau mạn tính nhưng trên thực tế, châm cứu còn mang lại rất nhiều lợi ích khác. Châm cứu còn có thể cải thiện giấc ngủ và tiêu hóa. Phương pháp điều trị này còn giúp thư giãn cơ thể và tinh thần, đồng thời giảm căng thẳng và lo âu.
Châm cứu có điều trị được đột quỵ không?
Một nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy châm cứu có lợi trong giai đoạn đầu phục hồi sau đột quỵ nhờ tác dụng làm tăng sự lưu thông máu đến các vùng bị tổn thương.
Một nghiên cứu vào năm 2020 chỉ ra rằng châm cứu có thể hỗ trợ quá trình phục hồi sau đột quỵ bằng cách làm giảm stress oxy hóa, tình trạng mất cân bằng giữa chất chống oxy hóa và các gốc tự do trong cơ thể. Stress oxy hóa có thể dẫn đến tổn thương mô và tế bào. Nghiên cứu cho thấy stress oxy hóa có thể làm tăng mức độ tổn thương do đột quỵ thiếu máu cục bộ.
Một nghiên cứu khác vào năm 2021 cũng chỉ ra rằng châm cứu có thể giúp cải thiện tình trạng khó nuốt sau đột quỵ.
Người ta vẫn chưa rõ liệu châm cứu có tác dụng rõ ràng trong quá trình phục hồi sau đột quỵ hay không.
Các nghiên cứu vẫn đang tiếp tục được thực hiện nhằm tìm hiểu về những lợi ích khác của phương pháp châm cứu đối với quá trình hồi phục sau đột quỵ.
Cơ chế của phương pháp châm cứu
Châm cứu thúc đẩy sự lưu thông máu, thả lỏng các cơ và kích thích sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh như endorphin và serotonin. Điều này giúp cho cơ thể thư giãn và giảm đau.
Đối với những người sống sót sau đột quỵ, điều quan trọng là phải giảm viêm và tăng phạm vi chuyển động ở các chi bị ảnh hưởng.
Trước khi bắt đầu châm cứu, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng của người bệnh xem liệu vấn đề có thể điều trị bằng châm cứu hay không và cần châm cứu tại những vị trí nào.
Tùy thuộc vào vị trí châm cứu mà người bệnh sẽ phải nằm ngửa, nằm sấp hoặc nằm nghiêng.
Bác sĩ sẽ nhẹ nhàng đâm kim vào các điểm trên cơ thể người bệnh. Quá trình châm cứu hầu như không gây đau đớn. Nhưng những người nhạy cảm có thể sẽ cảm thấy hơi nhói nhẹ khi kim đâm qua da.
Một liệu trình châm cứu gồm nhiều buổi điều trị, mỗi buổi kéo dài khoảng 30 phút.
Tác dụng bất lợi của châm cứu
Châm cứu có thể gây ra một số vấn đề không mong muốn như:
- Bầm tím hoặc chảy máu xung quanh vị trí đâm kim
- Buồn ngủ và không tỉnh táo
- Đau tăng lên ngay sau khi châm cứu, sau đó mới bắt đầu đỡ dần
Chảy máu, bầm tím hoặc đau nhức tại vị trí đâm kim là những hiện tượng bình thường sau khi châm cứu. Tuy nhiên, nếu có những thay đổi bất thường, ví dụ như vị trí đâm kim sưng tấy và đau kéo dài, thì cần phải đi khám ngay.
Câu hỏi thường gặp về châm cứu
Châm cứu có thể điều trị liệt do đột quỵ không?
Có một số nghiên cứu cho thấy rằng châm cứu trên da đầu có thể giúp người bị liệt sau đột quỵ phục hồi một số chức năng vận động. Một nghiên cứu khác cho thấy châm cứu có thể giúp cải thiện tình trạng liệt nửa người sau đột quỵ. Tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa để kiểm chứng những tác dụng này của phương pháp châm cứu.
Cách nào nhanh nhất để phục hồi sau đột quỵ?
Không có cách nào để phục hồi nhanh chóng sau đột quỵ, trừ khi bị đột quỵ rất nhẹ. Tuy nhiên, điều trị kịp thời khi xảy ra cơn đột quỵ có thể giúp tăng khả năng hồi phục. Hãy gọi cấp cứu ngay lập tức khi bản thân hoặc một ai đó có những dấu hiệu đột quỵ. Trong những trường hợp đột quỵ do thiếu máu cục bộ, nếu người bệnh được đưa đến bệnh viện trong vòng 3 giờ kể từ khi bắt đầu xảy ra cơn đột quỵ, bác sĩ sẽ cho người bệnh dùng chất hoạt hóa plasminogen mô (tPA) để làm tan cục máu đông. Điều này sẽ giúp tăng cơ hội phục hồi sau đột quỵ.
Phương pháp trị liệu nào là tốt nhất cho bệnh nhân đột quỵ?
Các phương pháp trị liệu thường có trong quá trình phục hồi chức năng sau đột quỵ gồm có ngôn ngữ trị liệu, hoạt động trị liệu và vật lý trị liệu. Các phương pháp trị liệu này giúp người bệnh lấy lại khả năng giao tiếp và vận động. Chương trình phục hồi chức năng ở mỗi một ca bệnh là khác nhau vì còn tùy thuộc vào biến chứng mà người bệnh gặp phải sau cơn đột quỵ.
Tóm tắt bài viết
Châm cứu có thể mang lại một số lợi ích cho người bị đột quỵ, chẳng hạn như cải thiện phạm vi chuyển động nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm để xác nhận những lợi ích này.