Loét thực quản: Triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị

Loét thực quản là một bệnh lý trong nhóm các bệnh viêm loét đường tiêu hóa.
Loét thực quản: Triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị Loét thực quản: Triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị

Chức năng thực quản

Thực quản là một ống cơ rỗng có nhiệm vụ vận chuyển nước bọt, chất lỏng và thức ăn từ miệng xuống dạ dày. Khi chúng ta đứng thẳng, thực quản có chiều dài từ 25 đến 30cm và chiều rộng trung bình từ 1.5 đến 2cm.

Các lớp cơ tạo nên thực quản được đóng chặt ở hai đầu bằng các cơ vòng với chức năng ngăn thức ăn, chất lỏng và axit trào ngược từ dạ dày trở lại thực quản và từ thực quản trở lại miệng. Khi nuốt, các cơ vòng tạm thời thả lỏng để cho phép thức ăn đi qua.

Thực quản nằm sát với khí quản và bên trái của tim. Do vậy mà khi ăn đồ quá nóng, chúng ta cũng thường cảm thấy nóng và hơi khó chịu ở gần tim hoặc cổ họng.

Giống như tất cả các bộ phận khác của cơ thể, thực quản cũng có thể bị tổn thương. Chứng ợ nóng và ung thư đều là những vấn đề ảnh hưởng đến thực quản. Vấn đề phổ biến nhất với thực quản là bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), xảy ra khi cơ vòng thực quản dưới không đóng lại được bình thường, khiến các chất trong dạ dày trào ngược trở lại vào thực quản và gây kích thích, dần dần làm tổn thương thực quản theo thời gian. Tình trạng trào ngược dạ dày thực quản tiếp diễn trong một thời gian dài sẽ gây viêm loét thực quản.

Loét thực quản là gì?

Loét thực quản là một bệnh lý trong nhóm các bệnh viêm loét đường tiêu hóa. Đây là tình trạng viêm loét xảy ra ở lớp niêm mạc trong phần dưới của ống thực quản, tại vị trí gặp nhau của thực quản và dạ dày.

Các vết loét thực quản thường hình thành do nhiễm một loại vi khuẩn có tên là Helicobacter pylori (HP) hoặc do lớp niêm mạc bị axit dạ dày trào ngược lên và ăn mòn. Trong một số trường hợp, nhiễm nấm men hoặc virus cũng là nguyên nhân dẫn đến viêm loét thực quản.

Giống như loét dạ dày – tá tràng, loét thực quản cũng gây đau đớn nhưng bệnh này có thể được điều trị khỏi bằng thuốc và một số điều chỉnh về lối sống.

Triệu chứng loét thực quản

Triệu chứng phổ biến nhất của loét thực quản là cảm giác đau và nóng như có lửa đốt ở vùng ngực. Mức độ đau có thể nhẹ hoặc nặng. Bên cạnh đó còn có các triệu chứng khác như:

  • Buồn nôn
  • Khó tiêu
  • Trào ngược axit (ợ nóng)
  • Trướng bụng, đầy hơi
  • Nôn mửa
  • Mất cảm giác thèm ăn
  • Đau khi nuốt
  • Ho khan
  • Chua miệng

Tuy nhiên, một số người vị loét thực quản lại không gặp phải bất kỳ triệu chứng nào.

Nguyên nhân

Nhiều người nghĩ rằng tình trạng viêm loét các bộ phận trong đường tiêu hóa là do căng thẳng hoặc thức ăn chua cay nhưng trên thực tế, những yếu tố này đều không phải nguyên nhân gây loét mà chỉ làm cho các vết loét hiện có thêm nặng hơn.

Nguyên nhân hàng đầu gây viêm loét thực quản là do một loại vi khuẩn có tên là Helicobacter pylori hay viết tắt là vi khuẩn HP. Vi khuẩn này làm tổn thương niêm mạc thực quản, khiến cho thực quản dễ bị tổn thương bởi axit dạ dày.

Một bệnh lý mạn tính gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) cũng có thể dẫn đến loét thực quản. Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng chất dịch bên trong dạ dày di chuyển ngược lên thực quản. Điều này xảy ra khi cơ vòng thực quản dưới (cơ nằm ở bên dưới thực quản, ngăn thức ăn trong dạ dày di chuyển ngược lên trên) bị suy yếu hoặc bị hỏng và không thể đóng lại một cách bình thường.

Hút thuốc, uống quá nhiều rượu và thường xuyên dùng các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như ibuprofen, cũng có thể làm hỏng niêm mạc thực quản và dẫn đến viêm loét.

Một số loại thuốc khác, chẳng hạn như kali clorit (potassium chloride), cũng gây kích thích và viêm loét thực quản, đặc biệt là khi không uống kèm đủ nước hoặc nằm xuống ngay sau khi uống thuốc. Dù uống bất kỳ loại thuốc nào thì luôn phải nhớ uống cùng với nhiều nước.

Ở những người mà hệ miễn dịch bị suy yếu thì ngoài vi khuẩn HP, viêm loét thực quản còn có thể là do các loại vi khuẩn, nấm hoặc virus khác gây nên, ví dụ như:

  • HIV
  • Sự phát triển quá mức của nấm Candida
  • Virus herpes simplex
  • Cytomegalovirus

Cuối cùng, gen di truyền cũng là một nguyên nhân gây viêm loét thực quản.

Cách điều trị loét thực quản

Kế hoạch điều trị loét thực quản sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu nguyên nhân gây ra các vết loét là do nhiễm khuẩn HP thì sẽ điều trị bằng thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn.

Nếu tình trạng loét là do sử dụng thuốc kháng viêm không steroid thì bác sĩ sẽ yêu cầu ngừng thuốc và kê loại thuốc giảm đau khác thay thế.

Có thể cần dùng thêm các loại thuốc kháng histamine H2 không kê đơn như Zantac hoặc Pepcid và thuốc ức chế bơm proton để giảm sản sinh axit trong dạ dày.

Các loại thuốc này đều có tác dụng giảm tiết axit nhưng mỗi loại lại hoạt động theo một cơ chế khác nhau. Các loại thuốc ức chế bơm proton được dùng phổ biến gồm có:

  • lansoprazole (Prevacid)
  • esomeprazole (Nexium)
  • pantoprazole (Protonix)
  • rabeprazole (Aciphex)
  • omeprazole (Prilosec)

Có thể sẽ phải dùng thuốc ức chế bơm proton trong một thời gian dài. Điều quan trọng nhất là phải uống thuốc đúng theo chỉ dẫn và uống đủ liều kháng sinh để tiêu diệt hết vi khuẩn và để các vết loét lành lại hoàn toàn.

Nếu nguyên nhân gây viêm loét là do virus hay nhiễm nấm men thì sẽ phải dùng thuốc chống nấm hoặc thuốc kháng virus.

Lưu ý khi điều trị

Có thể các triệu chứng sẽ biến mất chỉ sau vài ngày điều trị nhưng vẫn phải tiếp tục dùng thuốc cho đủ thời gian mà bác sĩ chỉ định. Bên cạnh đó, khi uống thuốc cần uống nhiều nước và đứng thẳng một lúc sau khi uống.

Trong thời gian dùng thuốc, bạn có thể tăng tốc độ phục hồi các vết loét bằng cách thực hiện một vài thay đổi đơn giản trong lối sống hàng ngày như:

  • Cố gắng hạn chế lo âu, căng thẳng bằng các biện pháp như tập thể dục hoặc tập yoga
  • Ngủ đủ giấc
  • Ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên cám
  • Hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn và thực phẩm có đường
  • Chia ba bữa lớn thành các bữa nhỏ trong ngày
  • Nhai kẹo cao su sau bữa ăn để tăng tiết nước bọt và đẩy axit ra khỏi thực quản
  • Cố gắng đứng, ngồi thẳng trong một vài giờ sau khi ăn
  • Không uống rượu
  • Uống nhiều nước
  • Không hút thuốc
  • Giảm cân nếu thừa cân

Chế độ ăn uống khi bị loét thực quản

Chế độ ăn uống là một phần quan trọng trong mọi quá trình điều trị và khi mắc các bệnh về đường tiêu hóa thì bạn lại càng cần phải điều chỉnh lại chế độ ăn uống của mình. Cũng không nhất thiết phải ăn toàn đồ nhạt và tránh hoàn toàn các loại gia vị cay mà chỉ cần bổ sung nhiều chất xơ, trái cây và rau xanh.

Tuy nhiên, bạn cũng nên theo dõi xem loại thực phẩm nào kích hoạt triệu chứng của viêm loét thực quản và cố gắng tránh.

Các loại thực phẩm nên ăn

Chế độ ăn nhiều chất xơ đã được chứng minh là đặc biệt có ích cho những người bị viêm loét đường tiêu hóa. Bạn nên ăn nhiều các loại thực phẩm sau:

  • Yến mạch
  • Các loại ngũ cốc nguyên cám
  • Các loại đậu
  • Các loại quả hạch như óc chó, hạnh nhân, hạt điều,…
  • Tất cả các loại trái cây
  • Các loại rau củ như cà rốt, bông cải xanh, bắp cải,…
  • Protein nạc như thịt trắng, các loại đậu, đậu phụ,…

Các thực phẩm cần tránh

Một số loại thực phẩm có thể làm cho tình trạng trào ngược axit thêm nặng hơn gồm có:

  • Cà phê, trà và các loại đồ uống chứa caffein khác
  • Nước ngọt
  • Chocolate
  • Đồ uống có cồn
  • Đồ ăn có chứa bạc hà
  • Các loại quả chua
  • Thức ăn cay
  • Các món nhiều chất béo, dầu mỡ hoặc đồ chiên rán

Biến chứng và triển vọng điều trị

Tình trạng viêm loét nếu không được điều trị thì có thể sẽ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như xuất huyết hay thủng thực quản. Các vết loét cũng có thể hình thành sẹo và làm hẹp ống thực quản, khiến thức ăn khó đi qua. Cần đến gặp bác sĩ ngay nếu bạn có các triệu chứng sau:

  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Tim đập nhanh
  • Khó thở
  • Nôn ra máu
  • Đau ngực đột ngột hoặc thở gấp

Tuy nhiên, nếu điều trị kịp thời bằng các loại thuốc phù hợp và kết hợp cùng những điều chỉnh trong chế độ ăn uống và lối sống thì vẫn hoàn toàn có thể khỏi bệnh.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây