1

Viêm Loét Thực Quản

Viêm thực quản là gì?

Viêm thực quản là tình trạng mà lớp niêm mạc thực quản bị tổn thương và dẫn đến viêm. Thực quản là ống dài đưa thức ăn từ miệng xuống dạ dày. Nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm thực quản là trào ngược axit, tác dụng phụ của một số loại thuốc và nhiễm vi khuẩn hoặc virus. Trào ngược axit xảy ra khi dịch bên trong dạ dày trào ngược trở lại vào thực quản.

Các dấu hiệu phổ biến của tình trạng viêm thực quản gồm có:

  • Khó nuốt
  • Đau rát họng
  • Ợ nóng

Viêm thực quản nếu không được điều trị có thể dẫn đến loét thực quản, hình thành sẹo, làm hẹp thực quản nghiêm trọng và cần cấp cứu.

Nhưng nếu được điều trị kịp thời thì hầu hết các trường hợp đều có tiến triển đáng kể sau khoảng 2 đến 4 tuần. Tuy nhiên, ở những người có hệ miễn dịch yếu hoặc nhiễm trùng thì thời gian điều trị có thể kéo dài hơn và lâu bình phục hơn.

Các loại viêm thực quản

Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan

Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan là do quá nhiều bạch cầu ái toan trong thực quản gây nên. Điều này xảy ra khi cơ thể phản ứng quá mức với một tác nhân gây dị ứng. Ở trẻ em, loại viêm thực quản này khiến cho việc ăn uống trở nên khó khăn. Các yếu tố kích hoạt bệnh phổ biến gồm có:

  • Sữa
  • Đậu nành
  • Trứng
  • Bột mì
  • Đậu phộng
  • Các loại hạt
  • Động vật có vỏ

Các chất gây dị ứng xâm nhập qua đường hô hấp, chẳng hạn như phấn hoa, cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến dạng viêm thực quản này.

Viêm thực quản trào ngược

Viêm thực quản trào ngược thường do bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) gây nên. Trào ngược dạ dày thực quản xảy ra khi các chất trong dạ dày, bao gồm cả axit thường xuyên trào ngược lên thực quản, gây kích thích và viêm mạn tính niêm mạc thực quản.

Viêm thực quản do thuốc

Viêm thực quản do thuốc xảy ra khi uống một số loại thuốc mà không uống kèm đủ nước. Điều này làm cho thuốc ở lại trong thực quản quá lâu. Những loại thuốc này gồm có:

Thuốc giảm đau

Kháng sinh

Kali clorua

Bisphosphonates (thuốc điều trị loãng xương)

Viêm thực quản truyền nhiễm

Viêm thực quản truyền nhiễm là dạng rất hiếm gặp và có thể là do vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng gây ra. Đối tượng có nguy cơ cao mắc loại viêm thực quản này là những người có hệ miễn dịch suy yếu do mắc bệnh hoặc dùng thuốc. Viêm thực quản truyền nhiễm xảy ra phổ biến nhất ở những người bị nhiễm HIV/AIDS, ung thư và tiểu đường.

Triệu chứng viêm thực quản

Các triệu chứng thường gặp của viêm thực quản:

  • Cảm giác nghẹn bứ ở họng, khó nuốt
  • Đau khi nuốt
  • Đau họng
  • Khản giọng
  • Ợ nóng
  • Trào ngược axit, ợ chua
  • Đau ngực, cơn đau thường tăng lên khi ăn
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Đau vùng thượng vị (khoảng giữa rốn và bên dưới xương ức)
  • Mất cảm giác thèm ăn
  • Ho

Trẻ nhỏ bị viêm thực quản thường có các biểu hiện:

  • Chán ăn, khó cho ăn
  • Khó thở hoặc đau ngực
  • Nhức đầu, đau cơ hoặc sốt

Cần cho trẻ đi khám ngay nếu các triệu chứng kéo dài suốt một vài ngày mà không đỡ.

Còn đối với người lớn, cần đến bệnh viện ngay nếu có các triệu chứng:

  • Đau ngực kéo dài, đặc biệt là khi có tiền sử bệnh tim mạch, cao huyết áp hoặc tiểu đường.
  • Cảm giác thức ăn bị mắc kẹt trong thực quản.
  • Khó khăn khi nuốt, dù chỉ là một ngụm nước nhỏ.

Yếu tố nguy cơ

Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm thực quản:

  • Hệ miễn dịch suy yếu do HIV/AIDS, bệnh tiểu đường, bệnh bạch cầu (ung thư máu) hoặc u lympho
  • Thoát vị khe hoành thực quản (xảy ra khi dạ dày bị đẩy lên qua khe hở cơ hoành giữa thực quản và dạ dày)
  • Hóa trị
  • Xạ trị vùng ngực
  • Từng phẫu thuật ở vùng ngực
  • Dùng các loại thuốc chống thải ghép sau phẫu thuật ghép tạng
  • Dùng thuốc ức chế miễn dịch để điều trị các bệnh tự miễn
  • Dùng aspirin và các loại thuốc chống viêm khác
  • Nôn mửa trong thời gian dài
  • Béo phì
  • Uống rượu và hút thuốc lá
  • Có tiền sử gia đình bị dị ứng hoặc viêm thực quản

Chẩn đoán viêm thực quản bằng cách nào?

Nếu có triệu chứng nghi là viêm thực quản thì cần đi khám ngay. Khi đến khám, hãy nói chi tiết về các triệu chứng, bệnh sử và tất cả các loại thuốc kê đơn cũng như là thuốc không kê đơn mà bạn đang dùng cho bác sĩ.

Sau khi thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ làm các phương pháp kiểm tra chẩn đoán sau:

  • Sinh thiết bằng kỹ thuật nội soi
  • Chụp X-quang có cản quang đường tiêu hóa trên
  • Xét nghiệm dị ứng, có thể gồm có cả sinh thiết da

Điều trị viêm thực quản

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm mà bác sĩ sẽ kê các loại thuốc sau:

  • Thuốc kháng virus
  • Thuốc chống nấm
  • Thuốc kháng axit
  • Thuốc giảm đau
  • Steroid đường uống
  • Thuốc ức chế bơm proton (để giảm sản sinh axit dạ dày)

Nếu viêm thực quản là do dị ứng thì sẽ phải xác định được những loại thực phẩm kích hoạt các triệu chứng và loại bỏ ra khỏi chế độ ăn. 6 loại thực phẩm gây dị ứng phổ biến nhất là sữa, đậu nành, trứng, bột mì, đậu phộng, các loại hạt và động vật có vỏ như tôm, cua, hàu,…

Ngoài ra, có thể giảm các triệu chứng bằng cách tránh các món chua, cay, thực phẩm sống và đồ cứng. Khi ăn thì nên cắn miếng nhỏ và nhai thật kỹ. Bên cạnh đó cần bỏ thuốc lá và rượu.

Trong những trường hợp mà thực quản đã quá hẹp và thức ăn bị mắc kẹt thì sẽ cần phẫu thuật giãn thực quản.

Nếu nguyên nhân gây ra các triệu chứng là do thuốc thì cần chú ý uống nhiều nước hơn mỗi khi uống thuốc, chọn các loại thuốc nước thay thế nếu có hoặc thử một loại thuốc khác. Lưu ý, không nằm xuống trong vòng 30 phút sau khi uống thuốc ở dạng viên.

Biến chứng

Triển vọng điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và tình trạng sức khỏe tổng thể. Trong hầu hết các trường hợp thì việc điều trị đúng cách có thể cải thiện đáng kể các triệu chứng và trị khỏi bệnh. Những người có sức khỏe tốt thường hồi phục chỉ sau khoảng từ 3 đến 5 ngày nhưng ở những người có hệ miễn dịch yếu thì thời gian điều trị sẽ lâu hơn.

Nếu không điều trị, viêm thực quản mạn tính có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến chức năng và cấu trúc của thực quản, gồm có:

  • Barrett thực quản, tình trạng tổn thương niêm mạc thực quản, có thể dẫn đến các biến đổi tiền ung thư trong các tế bào
  • Hẹp thực quản, gây khó nuốt và tắc nghẽn thức ăn
  • Loét hoặc thủng thực quản

Tổng số điểm của bài viết là: 40 trong 9 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây