Làm thế nào để móng tay dài nhanh hơn?
Móng tay và tình trạng sức khỏe
Móng tay được cấu tạo từ nhiều lớp protein cứng gọi là keratin. Màu sắc, hình dạng và kết cấu của móng tay là những dấu hiệu phản ánh tình trạng sức khỏe tổng thể.
Móng tay khỏe mạnh có bề mặt nhẵn mịn và cứng, không có vết lõm hay gờ, có màu hồng và một hình bán nguyệt màu trắng ở sát gốc móng.
Móng tay dài ra với tốc độ trung bình là 3 - 5mm/tháng, hay khoảng 0,1mm mỗi ngày.
Nếu bạn đang muốn móng dài nhanh hơn thì có thể thử các biện pháp đơn giản dưới đây.
Các cách làm móng dài nhanh hơn
Chăm sóc tốt cho cơ thể, duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý và thực hiện các cách sau đây sẽ giúp tăng độ chắc khỏe và tốc độ dài ra của móng.
1. Bổ sung biotin
Biotin hay vitamin B7 là một loại vitamin nhóm B quan trọng giúp cơ thể chuyển hóa thức ăn thành năng lượng. Bổ sung biotin giúp cải thiện độ chắc khỏe của cả tóc và móng tay, móng chân.
Theo một số nghiên cứu trên người, uống biotin hàng ngày có thể giúp móng trở nên cứng cáp hơn. Một nghiên cứu đã cho thấy rằng 2,5 mg biotin mỗi ngày có thể cải thiện tình trạng móng chỉ trong vòng vài tuần. Có thể bổ sung biotin cho cơ thể bằng cách ăn thực phẩm giàu biotin hoặc dùng viên uống. Biotin có tự nhiên trong các loại thực phẩm như:
- Lòng đỏ trứng
- Nội tạng
- Các loại quả hạch như hạnh nhân, đậu phộng, óc chó
- Các loại cá béo như cá mòi
- Các loại ngũ cốc
- Đậu nành và các loại đậu khác
- Súp lơ trắng
- Chuối
- Nấm
2. Sử dụng chất làm cứng móng
Móng mềm sẽ dễ bị gãy hơn. Một cách để ngăn móng tay bị gãy là dùng các chất làm cứng móng. Những chất này được bôi lên móng và sau đó được loại bỏ bằng dung dịch tẩy sơn móng tay.
Cách này giúp củng cố móng và ngăn ngừa móng bị sứt gãy trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, việc lạm dụng chất làm cứng móng sẽ khiến móng trở nên yếu hơn và càng dễ gãy hơn.
3. Hạn chế dùng keo gắn móng và sơn móng chứa chất độc hại
Việc thường xuyên gắn móng tay giả bằng keo sẽ làm suy yếu móng thật và khiến cho móng dễ bị gãy. Tốt nhất là chỉ nên sơn móng tay bằng các loại sơn chứa ít hoặc không có thành phần hóa chất độc hại, chẳng hạn như toluene, formaldehyde và dibutyl phthalate (DBP).
4. Cắt tỉa móng thường xuyên
Cắt tỉa móng thường xuyên cũng sẽ giúp cải thiện độ chắc khỏe của móng, kích thích sự phát triển và giảm nguy cơ gãy móng. Dùng bấm móng tay hoặc kìm cắt móng sắc cắt một đường thẳng ở đầu móng, sau đó cắt tỉa các cạnh của móng thành đường cong.
Ngoài ra, để giữ cho móng chắc khỏe thì nên:
- Giữ cho móng khô ráo và sạch sẽ để ngăn vi khuẩn phát triển bên dưới.
- Dưỡng ẩm da tay và móng tay đều đặn hàng ngày, nhớ dưỡng ẩm kỹ cho vùng quanh gốc móng
- Không cắn móng tay hoặc cắt móng tay quá ngắn
Nguyên nhân khiến móng yếu và dễ gãy
Sức khỏe không tốt có thể khiến móng tay yếu và dễ gãy. Một số vấn đề bất thường khác có thể xảy ra với móng tay còn có:
- Thay đổi về màu sắc
- Thay đổi về độ dày hoặc hình dạng móng
- Móng tách khỏi vùng da xung quanh
- Chảy máu
- Sưng hoặc đau quanh móng
- Móng mọc chậm
Tốc độ dài ra của móng sẽ giảm dần theo thời gian nên móng tay, móng chân của người trẻ tuổi thường dài ra nhanh hơn so với người lớn tuổi. Tuy nhiên, móng mọc chậm cũng có thể là dấu hiệu của bệnh tật hoặc thiếu hụt dinh dưỡng. Đôi khi, nguyên nhân còn là do các loại thuốc đang dùng.
Hormone cũng đóng vai trò quan trọng đối với quá trình mọc dài của móng. Móng của nam giới dài nhanh hơn so với phụ nữ. Khi mang thai, móng sẽ nhanh dài hơn so với bình thường.
Tóm tắt bài viết
Móng tay phản ánh tình trạng sức khỏe tổng thể. Để móng chắc khỏe và nhanh dài thì cần duy trì chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và lành mạnh với nhiều trái cây, rau củ tươi, thực phẩm giàu protein nạc, đủ carbohydrate và nhiều chất béo tốt, đồng thời kết hợp thêm các biện pháp đơn giản như bổ sung biotin, hạn chế dùng keo gắn móng và thường xuyên cắt tỉa móng. Chỉ cần chú ý chăm sóc một chút là móng sẽ cứng cáp và ít bị gãy hơn.