1

HIV ảnh hưởng thế nào đến cơ thể?

Chắc hẳn ai cũng đã từng nghe nói về HIV – căn bệnh thế kỷ nhưng cụ thể thì virus này gây ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?
HIV ảnh hưởng thế nào đến cơ thể? HIV ảnh hưởng thế nào đến cơ thể?

HIV là viết tắt của Human Immunodeficiency Virus, có nghĩa là virus gây suy giảm miễn dịch ở người. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, HIV phá hủy tế bào CD4 - các tế bào có vai trò rất quan trọng đối với chức năng của hệ miễn dịch. Các tế bào này có nhiệm vụ bảo vệ chúng ta khỏi các tác nhân gây hại và giữ cho cơ thể khỏe mạnh.

Khi HIV dần dần làm suy yếu khả năng phòng vệ tự nhiên, các dấu hiệu và triệu chứng sẽ xuất hiện.

Cơ chế hoạt động của HIV

Khi HIV xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ tấn công trực tiếp vào hệ miễn dịch. Tốc độ tàn phá của virus ở mỗi người là khác nhau, tùy theo độ tuổi và tình trạng sức khỏe. Thời gian điều trị kể từ khi phơi nhiễm có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn đối với sức khỏe và tuổi thọ của người bệnh.

HIV nhắm vào loại tế bào đảm nhận vai trò chống lại các tác nhân xâm nhập từ bên ngoài, đó là tế bào CD4 – một loại tế bào bạch cầu. Khi virus nhân lên, chúng làm hỏng và phá hủy các tế bào này. Số lượng virus càng lớn thì sẽ càng có nhiều tế bào CD4 bị phá hủy. Nếu không được điều trị, tình trạng này sẽ tiếp diễn cho đến khi hệ miễn dịch bị tổn hại nghiêm trọng và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng.

AIDS hay hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải là giai đoạn cuối khi bị nhiễm HIV. Ở giai đoạn này, hệ miễn dịch bị suy yếu trầm trọng và nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội là rất cao. Tuy nhiên, không phải ai bị nhiễm HIV cũng sẽ bước sang giai đoạn AIDS. Nếu điều trị từ sớm và tuân thủ đúng phác đồ thì có thể bệnh sẽ không bao giờ tiến triển sang giai đoạn này.

Dưới đây là những ảnh hưởng của HIV đến các hệ thống trong cơ thể. Nhiều tác động trong số này đều có liên quan đến sự suy giảm của hệ miễn dịch và hầu hết đều có thể ngăn ngừa được bằng cách dùng thuốc kháng virus ngay từ sớm để bảo toàn hệ miễn dịch.

Hệ miễn dịch

Hệ miễn dịch có vai trò bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật nhờ có các tế bào bạch cầu CD4. Các tế bào này chống lại virus, vi khuẩn và các loại vi sinh vật gây bệnh khác.

Ban đầu khi mới bị nhiễm HIV, các biểu hiện thường chỉ rất nhẹ nên người bệnh không chú ý đến nhưng sau vài tuần, virus sẽ gây ra các triệu chứng giống cúm. Đây là giai đoạn đầu tiên của HIV, được gọi là giai đoạn nhiễm trùng cấp tính. Người bệnh thường không có nhiều triệu chứng nghiêm trọng nhưng lại có một lượng lớn virus trong máu vì HIV sinh sản với tốc độ nhanh chóng.

Một số triệu chứng nhiễm HIV ở giai đoạn cấp tính gồm có:

  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Đổ mồ hôi về đêm
  • Tiêu chảy
  • Nhức đầu
  • Đau cơ
  • Đau nhức khớp xương
  • Rát họng
  • Phát ban
  • Sưng hạch bạch huyết
  • Loét miệng hoặc bộ phận sinh dục

Giai đoạn tiếp theo được gọi là giai đoạn tiềm ẩn hay giai đoạn 2. Giai đoạn này kéo dài trung bình từ 8 đến 10 năm và một số trường hợp còn hơn thế. Người bệnh thường không có bất cứ dấu hiệu hay triệu chứng nào ở giai đoạn này.

Khi virus nhân lên, số lượng tế bào CD4 sẽ càng giảm mạnh. Điều này dẫn đến các triệu chứng như:

  • Người mệt mỏi, kiệt sức
  • Khó thở, hụt hơi
  • Ho dai dẳng
  • Sốt
  • Sưng hạch bạch huyết
  • Sụt cân
  • Tiêu chảy

Khi chuyển sang giai đoạn cuối hay giai đoạn AIDS, cơ thể sẽ rất dễ bị các bệnh nhiễm trùng cơ hội, trong đó có cả một loại virus herpes có tên là cytomegalovirus. Loại virus này là nguyên nhân gây ra các vấn đề về mắt, phổi và đường tiêu hóa.

Người bệnh còn có nguy cơ cao bị mắc một số bệnh ung thư, ví dụ như ung thư Kaposi (Kaposi sarcoma). Đây là bệnh ung thư phát sinh ở thành mạch máu. Ung thư Kaposi rất hiếm gặp ở những người khỏe mạnh nhưng lại phổ biến ở những người dương tính với HIV. Các triệu chứng là xuất hiện các tổn thương màu đỏ hoặc tím sẫm trên miệng và da. Bệnh ung thư này còn dẫn đến các vấn đề về phổi, đường tiêu hóa và các cơ quan nội tạng khác.

HIV/AIDS còn làm tăng nguy cơ bị ung thư hạch hay u lympho. Dấu hiệu, triệu chứng của ung thư hạch là sưng các hạch bạch huyết, ớn lạnh, sụt cân, mệt mỏi, kiệt sức, phình bụng, ăn nhanh no, đau tức ngực, khó thở,…

Hệ hô hấp và tim mạch

Nhiễm HIV làm tăng nguy cơ bị cảm lạnh, cúm và viêm phổi. Nếu không được điều trị, người bệnh sẽ rất dễ gặp phải các vấn đề nghiêm trọng như bệnh lao và viêm phổi do nhiễm trùng bào tử Pneumocystis carinii (PCP). PCP gây các triệu chứng như:

  • Khó thở
  • Ho khan
  • Tức ngực
  • Sốt

Nguy cơ mắc ung thư phổi cũng tăng lên khi bị nhiễm HIV. Lý do là bởi phổi bị tổn thương do nhiều vấn đề về hô hấp liên quan đến tình trạng suy yếu của hệ miễn dịch. Theo nghiên cứu, tỷ lệ mắc ung thư phổi ở những người dương tính với HIV cao hơn so với những người không bị HIV.

HIV còn khiến người bệnh dễ bị tăng áp động mạch phổi. Đây là tình trạng tăng huyết áp trong các động mạch cung cấp máu cho phổi. Theo thời gian, tăng áp động mạch phổi khiến tim phải làm việc quá sức, dẫn đến suy tim và tử vong.

Sự suy giảm miễn dịch (có số lượng tế bào T thấp) khi nhiễm HIV sẽ làm tăng nguy cơ bị bệnh lao. Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những người bị AIDS. Vi khuẩn gây bệnh lao (Mycobacterium tuberculosis) lây truyền qua giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi hay nói chuyện. Các triệu chứng thường gặp gồm có đau tức ngực và ho dữ dội, ra đờm có lẫn máu, kéo dài dai dẳng trong nhiều tháng, chán ăn, người mệt mỏi, sốt, sụt cân, sưng hạch bạch huyết ở cổ, nách, bẹn.

Hệ tiêu hóa

Vì HIV làm tổn hại hệ miễn dịch nên cũng sẽ làm cho cơ thể dễ bị các bệnh nhiễm trùng ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa hơn. Các vấn đề về tiêu hóa sẽ khiến người bệnh chán ăn và không thể ăn uống bình thường. Kết quả là sụt cân.

Một bệnh nhiễm trùng phổ biến có thể gặp phải khi bị nhiễm HIV là nấm miệng với biểu hiện đặc trưng là viêm loét, hình thành mảng trắng dày trên bề mặt lưỡi, bên trong má, lợi, vòm miệng, mất vị giác, đau khi nhai nuốt và nứt ở khóe miệng. Bệnh này còn gây viêm thực quản và đau đớn khi ăn uống. Những người bị HIV có thể mắc phải một bệnh do nhiễm virus là bạch sản lông ở miệng, gây ra các mảng tổn thương màu trắng trên lưỡi.

Nhiễm khuẩn Salmonella là một bệnh lây lan qua thức ăn hoặc nước bị nhiễm vi khuẩn và gây tiêu chảy, đau bụng, nôn mửa. Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh này nhưng nếu bị nhiễm HIV thì sẽ có nguy cơ bị các biến chứng nghiêm trọng cao hơn.

Tiêu thụ thực phẩm hoặc nước không đảm bảo vệ sinh còn có thể dẫn đến tiêu chảy cấp tính do cryptosporidium – một bệnh nhiễm ký sinh trùng đường ruột. Bệnh nhiễm trùng này ảnh hưởng đến đường mật, ruột và có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Ở những người bị AIDS, bệnh này có thể gây tiêu chảy mạn tính.

Bệnh thận do HIV (HIVAN) xảy ra khi các đơn vị chức năng của thận (nephron) bị viêm, khiến việc lọc bỏ các chất thải ra khỏi máu trở nên khó khăn.

Hệ thần kinh trung ương

Mặc dù HIV thường không lây nhiễm trực tiếp vào các tế bào thần kinh chính thức (nơron) nhưng virus này lại có thẻ xâm nhập vào tế bào thần kinh đệm - các tế bào hỗ trợ và bao quanh các dây thần kinh trong não cũng như là dây thần kinh ở khắp cơ thể.

Mặc dù hiện vẫn chưa xác định rõ mối liên hệ giữa HIV và các tổn thương thần kinh nhưng có khả năng các tế bào thần kinh đệm bị nhiễm virus sẽ góp phần gây ra vấn đề. Ở giai đoạn cuối, HIV có thể làm hỏng các dây thần kinh. Một trong các vấn đề có thể xảy ra là bệnh lý tủy không bào – tình trạng mà lớp vỏ bọc của các sợi thần kinh ngoại biên (bao myelin) bị thủng những lỗ nhỏ, gây đau đớn, chân tay suy yếu và đi lại khó khăn.

Ngoài ra, AIDS còn có thể gây ra những biến chứng thần kinh nghiêm trọng khác, ví dụ như chứng sa sút trí tuệ - tình trạng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành vi và chức năng nhận thức.

Viêm não do Toxoplasma – dạng viêm não xảy ra do nhiễm một loại ký sinh trùng có trong phân mèo - cũng là một biến chứng khác có thể xảy ra khi bị AIDS. Khi hệ miễn dịch suy yếu, bệnh AIDS sẽ làm tăng nguy cơ bị viêm não và tủy sống do loại ký sinh trùng này. Các triệu chứng gồm có đầu óc lú lẫn, nhức đầu, sốt, yếu cơ, hành vi bất thường và co giật.

Một số biến chứng về thần kinh phổ biến của AIDS:

  • Suy giảm trí nhớ
  • Lo âu
  • Trầm cảm

Trong những trường hợp nghiêm trọng, HIV/AIDS còn gây ảo giác và rối loạn tâm thần. Người bệnh thường bị đau nhức đầu, cơ thể mất thăng bằng và gặp các vấn đề về thị lực.

Hệ vỏ bọc (da)

Một trong những triệu chứng rõ rệt nhất của HIV/AIDS được biểu hiện trên da. Đáp ứng miễn dịch suy yếu sẽ khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm các loại virus như HSV. HSV gây bệnh mụn rộp với triệu chứng là nổi các mụn nước và lở loét quanh miệng hoặc bộ phận sinh dục.

HIV cũng làm tăng nguy cơ phát ban và bệnh zona thần kinh. Zona thần kinh là bệnh do virus Varicella Zoster gây ra. Đây cũng loại virus gây bệnh thủy đậu. Zona thần kinh có triệu chứng là nổi các mảng mụn nước và đau đớn dữ dội.

Những người dương tính với HIV còn có nguy cơ bị u mềm lây – cũng là một bệnh nhiễm trùng da do virus, gây nổi các sẩn nhỏ màu da và bệnh ngứa sẩn cục có triệu chứng là nổi các sẩn đóng vảy cứng trên da và ngứa ngáy dữ dội.

HIV còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về da khác như:

  • Bệnh viêm da cơ địa hay chàm
  • Viêm da tiết bã
  • Ghẻ
  • Ung thư da

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: thế nào, ảnh hưởng
Tin liên quan

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây