1

Chỉ số kali máu cao có nghĩa là gì?

Xét nghiệm kali máu cho biết nồng độ kali trong máu. Kali là chất điện giải cần thiết cho chức năng cơ và thần kinh. Lượng kali trong máu chỉ cần tăng hoặc giảm nhẹ cũng đều có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Chỉ số kali máu cao có nghĩa là gì? Chỉ số kali máu cao có nghĩa là gì?

Xét nghiệm kali máu thường là một phần trong xét nghiệm máu định kỳ. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu xét nghiệm kali máu nếu người bệnh có các dấu hiệu bị mất cân bằng điện giải.

Kali là một chất điện giải. Chất điện giải trở thành ion khi ở trong dung dịch và chất điện giải có tính dẫn điện. Các tế bào và cơ quan trong cơ thể cần chất điện giải để hoạt động bình thường.

Xét nghiệm kali máu là một xét nghiệm máu đơn giản và rất an toàn. Mẫu máu được lấy từ tĩnh mạch và sau đó được đem đến phòng xét nghiệm để phân tích.

Mục đích xét nghiệm kali máu

Xét nghiệm kali máu thường là một phần trong bảng trao đổi chất cơ bản, đây là một nhóm các xét nghiệm được thực hiện trên huyết thanh.

Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm kali máu trong quá trình khám sức khỏe định kỳ hoặc vì những lý do khác, gồm có:

  • Kiểm tra hoặc theo dõi sự mất cân bằng điện giải
  • Theo dõi một số loại thuốc ảnh hưởng đến nồng độ kali trong máu, đặc biệt là thuốc lợi tiểu, thuốc điều trị bệnh tim và thuốc điều trị cao huyết áp
  • Chẩn đoán các vấn đề về tim mạch và cao huyết áp
  • Chẩn đoán hoặc theo dõi bệnh suy thận
  • Kiểm tra tình trạng nhiễm toan chuyển hóa (do thận không thể lọc axit khỏi máu một cách hiệu quả hoặc khi cơ thể sản xuất quá nhiều axit, điều này có thể xảy ra khi bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt)
  • Chẩn đoán nhiễm kiềm, tình trạng mà cơ thể có quá nhiều kiềm
  • Xác định nguyên nhân gây ra cơn tê liệt

Xét nghiệm kali máu sẽ cho biết nồng độ kali trong máu đang ở mức bình thường, quá cao hoặc quá thấp.

Xét nghiệm kali máu được thực hiện như thế nào?

Trước khi xét nghiệm, người bệnh sẽ phải ngừng dùng tất cả các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. Hãy cho bác sĩ biết về các loại thuốc đang dùng để được hướng dẫn cụ thể.

Quy trình thực hiện xét nghiệm kali máu cũng giống như các xét nghiệm máu khác, gồm các bước sau đây:

  1. Nhân viên y tế xác định vị trí lấy máu trên cánh tay người bênh, thường là mặt trong khuỷu tay hoặc mu bàn tay
  2. Sát khuẩn vị trí lấy máu
  3. Quấn dây garo quanh bắp tay để làm nổi tĩnh mạch.
  4. Đưa kim vào tĩnh mạch. Kéo nhẹ pít tông để máu chảy vào trong xi lanh.
  5. Khi đã lấy đủ lượng máu, tháo dây garo, đặt bông lên vị trí chọc kim và nhanh chóng rút kim ra. Băng vị trí lấy máu nếu cần thiết.
  6. Máu được bơm vào ống nghiệm và mang đến phòng xét nghiệm để phân tích

Quá trình lấy máu rất nhanh chóng, thường chỉ mất vài phút.

Rủi ro của xét nghiệm kali máu cũng giống như tất cả các xét nghiệm máu khác. Đôi khi, nhân viên y tế khó tìm được tĩnh mạch để lấy máu và có thể phải chọc kim nhiều lần. Vị trí lấy máu có thể sẽ bị chảy máu và bầm tím nhưng những hiện tượng này đa phần đều tự hết nhanh chóng. Một số người cảm thấy chóng mặt, thậm chí ngất xỉu sau khi lấy máu nhưng những điều này rất hiếm gặp.

Bất cứ khi nào da có vết thương hở, cho dù chỉ là vết thương nhỏ, đều sẽ tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng. Nếu vị trí lấy máu bị chảy máu hoặc bầm tím kéo dài thì cần đi khám. Nếu có hiện tượng đau và sưng đỏ thì phải đi khám ngay vì đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.

Chuẩn bị trước khi xét nghiệm

Không cần chuẩn bị gì đặc biệt trước khi làm xét nghiệm kali máu. Tuy nhiên, người bệnh có thể phải nhịn ăn trong vài giờ trước khi lấy máu nếu như còn phải thực hiện các xét nghiệm khác.

Người bệnh có thể hỏi nhân viên y tế để được hướng dẫn cụ thể.

Ý nghĩa kết quả xét nghiệm

Cơ thể cần kali để hoạt động bình thường. Khoáng chất này có vai trò rất quan trọng đối với hoạt động của các tế bào thần kinh và cơ.

Nồng độ kali bình thường là từ 3,6 đến 5,2 milimol trên lít (mmol/l).

Bình thường, trong máu chỉ có một lượng nhỏ kali nên nồng độ kali tăng hoặc giảm nhẹ cũng đủ gây ra các vấn đề nghiêm trọng.

Nồng độ kali thấp (hạ kali máu)

Nồng độ kali trong máu thấp hơn bình thường có thể là do:

  • Chế độ ăn uống không đủ kali
  • Rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy mãn tính, nôn mửa
  • Sử dụng một số loại thuốc lợi tiểu
  • Sử dụng thuốc nhuận tràng quá mức
  • Đổ quá nhiều mồ hôi
  • Thiếu axit folic
  • Sử dụng một số loại thuốc, chẳng hạn như corticoid, một số loại thuốc kháng sinh và thuốc kháng nấm
  • Dùng quá liều acetaminophen
  • Bệnh tiểu đường, đặc biệt là sau khi dùng insulin
  • Suy thận mạn
  • Cường aldosteron (tuyến thượng thận giải phóng quá nhiều hormone aldosteron)
  • Hội chứng Cushing (do cơ thể tạo ra quá nhiều hormone cortisol hoặc dùng một số loại steroid)

Nồng độ kali cao (tăng kali máu)

Nồng độ kali trong máu từ 7,0 mmol/l trở lên có thể đe dọa đến tính mạng.

Nồng độ kali trong máu cao hơn bình thường có thể là do các nguyên nhân như:

  • Chế độ ăn uống có quá nhiều kali hoặc uống bổ sung kali
  • Dùng một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc chẹn beta, thuốc ức chế men chuyển (ACE), thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB) và thuốc lợi tiểu
  • Truyền máu
  • Vỡ hồng cầu do chấn thương hoặc bỏng nặng
  • Chấn thương mô khiến cho các sợi cơ bị phân hủy
  • Nhiễm trùng
  • Bệnh tiểu đường type 1
  • Mất nước
  • Nhiễm toan hô hấp (xảy ra khi phổi không thể thải carbon dioxide do cơ thể tạo ra, dẫn đến tích tụ quá nhiều carbon dioxide và khiến cho máu cũng như các chất dịch khác trong cơ thể có tính axit)
  • Nhiễm toan chuyển hóa (xảy ra khi cơ thể tạo ra quá nhiều axit hoặc thận không thể đào thải axit ra khỏi cơ thể một cách hiệu quả)
  • Suy thận
  • Bệnh Addison (tuyến thượng thận không sản xuất đủ hormone)
  • Giảm aldosterone (tình trạng thiếu hụt hoặc suy giảm chức năng của hormone aldosterone)

Kết quả không chính xác

Đôi khi, xét nghiệm kali máu cho kết quả quả không chính xác. Nguyên nhân thường là do sai sót trong quá trình lấy và xử lý mẫu máu.

Ví dụ, nồng độ kali trong máu có thể tăng nếu người bệnh nắm chặt tay trong khi lấy máu.

Sự chậm trễ trong quá trình mang mẫu máu đến phòng xét nghiệm hoặc lắc mẫu có thể khiến kali rò rỉ ra khỏi tế bào và đi vào huyết thanh.

Nếu bác sĩ nghi ngờ kết quả không chính xác thì người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm lại.

Thực phẩm giàu kali

Chế độ ăn uống cân bằng có thể đáp ứng đủ lượng kali cần thiết cho cơ thể. Lượng kali cần ăn mỗi ngày tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính và tình trạng sức khỏe. Một số loại thực phẩm giàu kali gồm có:

  • Các loại rau họ cải
  • Các loại đậu
  • Khoai lang và khoai tây (kali tập trung ở lớp vỏ)
  • Đu đủ
  • Chuối
  • Quả bơ
  • Bí mùa đông
  • Trái cây sấy khô như nho, mơ, mận

Tóm tắt bài viết

Xét nghiệm kali máu là một xét nghiệm rất phổ biến giúp kiểm tra nồng độ chất điện giải trong cơ thể. Xét nghiệm kali máu là một phần trong xét nghiệm máu định kỳ hoặc được thực hiện nhằm chẩn đoán một số tình trạng bệnh lý.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: có nghĩa
Tin liên quan
Chế độ ăn phòng ngừa tăng kali máu khi bị suy thận
Chế độ ăn phòng ngừa tăng kali máu khi bị suy thận

Điều quan trọng nhất khi thực hiện chế độ ăn ít kali là tránh hoặc hạn chế các loại thực phẩm giàu kali như chuối, khoai tây và ngũ cốc nguyên hạt. Thay vào đó, hãy lựa chọn những thực phẩm có hàm lượng kali thấp như táo, quả mọng, bông cải xanh hoặc nước cam.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây