1

Xơ gan - bệnh viện 103

1. Đại cương

1.1. Sơ lược về xơ gan và định nghĩa

Thuật ngữ xơ gan được dịch từ chữ Cirrhosis có nghĩa là gan có màu nâu và được Laennec sử dụng từ năm 1819. Dần dần người ta thấy xở gan không chỉ có màu nâu mà quan trọng hơn thế là bị tổ chức xơ xâm nhập làm cho gan chắc lên. Đến năm 1919 Fiesinger và Albot đã phân biệt gan bị xơ hoá với xơ gan và định nghĩa xơ gan như sau:

Xơ gan là một tình trạng xơ hoá lan toả trong nhu mô gan làm đảo lộn cấu trúc của gan.

Quá trình xơ hoá đã hình thành nên các dải xơ, chia cắt các tiểu thuỳ gan thành các tiểu thuỳ gan giả khiến cho tuần hoàn qua gan bị rối loạn, làm cho các tế bào gan lại tiếp tục bị tổn thương và lại dẫn đến xơ hoá lan toả trong nhu mô gan.

Như vậy xơ gan không phải là một bệnh riêng biệt mà là một hội chứng bệnh lý, là hậu quả cuối cùng của quá trình tổn thương tế bào gan. Người ta thấy trong xơ gan có sự kết hợp của 3 quá trình tổn thương:

  • Tổn thương tế bào gan
  • Tăng sinh tổ chức liên kết
  • Tái tạo tế bào gan

Ba quá trình này tác động lẫn nhau khiến cho xơ gan ngày một nặng thêm.

1.2. Nguyên nhân

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra xơ gan như: sau viêm gan do vi rút nhiễm độc, ký sinh trùng, viêm đường mật, thiếu dinh dưỡng, rối loạn chuyển hoá, rối loạn tuần hoàn, suy tim, các bệnh bẩm sinh, di truyền…

1.3. Phân loại

Từ lâu, người ta đã tìm cách phân loại xơ gan cho thích hợp nhất, nhưng chưa có cách phân loại nào đáp ứng nhu cầu chẩn đoán, tiên lượng và điều trị một cách thoả đáng. Có tác giả chủ trương phân loại theo nguyên nhân, nhưng nhiều trường hợp xơ gan rất khó xác định nguyên nhân, có tác giả dựa vào triệu chứng lâm sàng để phân loại. Đa số các trường hợp xơ gan ở giai đoạn cuối đều biểu hiện đủ 2 hội chứng là suy gan và tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Vì vậy, hội nghị Quốc tế lần thứ 5 của Tổ chức Y tế thế giới đã tạm thời phân chia xơ gan thành 3 loại chủ yếu sau: xơ gan teo, xơ gan sau hoại tử và xơ gan mật.

1.4. Sơ lược về dịch tễ và tình hình tử vong

Xơ gan có liên quan chặt chẽ tới chủng tộc và giới tính, có nhiều tác nhân thuận lợi dẫn tới xơ gan như nghiện rượu, viêm gan virut B, C…

Theo các thống kê nguy cơ bị xơ gan ở trên thế giới là 240 ca/1 triệu người/1 năm. Xơ gan là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 9 trong các nguyên nhân gây tử vong, đứng hàng thứ 5 trong các nguyên nhân gây tử vong ở lứa tuổi 45 – 65. Ngay tại Đức hàng năm có đến 700 đến 800 nghìn người mới bị xơ gan được phát hiện, khoảng 25 nghìn người chết/1 năm do xơ gan, nam nhiều hơn nữ 2 lần.

2. Tổn thương cơ bản

2.1. Tổn thương tế bào gan

Tổn thương tế bào gan (thoái hoá, hoại tử) là yếu tố khởi đầu và không thể thiếu được, nó tồn tại trong suốt quá trình xơ gan. Có thể nguyên nhân ban đầu (vi rút, nghiện rượu, tắc mật…) tiếp tục công kích nhưng còn có do sự chèn ép của tổ chức xơ tăng sinh, sự đảo lộn tuần hoàn trong gan gây ra.

Ngày nay, người ta còn đề cập đến yếu tố tự miễn dịch khi tế bào gan bị tổn thương sinh ra tự kháng nguyên, cơ thể sinh ra tự kháng thể, phản ứng kháng nguyên kháng thể càng làm cho tế bào gan bị tổn thương.

2.2. Tăng sinh tổ chức liên kết

Đặc điểm sự tăng sinh tổ chức liên kết trong xơ gan là lan toả toàn bộ gan, chúng xuất phát từ tổ chức liên kết ở khoảng cửa và ngay bên trong tiểu thuỳ gan nơi mà các tế bào gan bị hoại tử.

Ở khoảng cửa các tế bào sợi non và sợi tạo keo tăng sinh vây quanh các ống mật và các mạch máu, còn ở nhu mô gan khi các tế bào gan bị hoại tử các sợi liên võng ở khoảng Disse của các bè gan bị xẹp xuống dần dần biệt hoá thành sợi tạo keo, đồng thời tế bào Kuffer và các mô bào biến thành tế bào sợi tạo ra những dải xơ chia cắt các tiểu thuỳ gan thành các phần, mỗi phần như thế được gọi là một tiểu thuỳ gan giả.

Ở tổ chức liên kết nối liền giữa khoảng cửa và vùng trung tâm tiểu thuỳ, hình thành những mạch máu mới nối liền tĩnh mạch cửa và động mạch gan với tĩnh mạch trung tâm tiểu thuỳ trên cơ sở một số mao mạch nan hoa cũ, đưa máu từ động mạch gan và tĩnh mạch cửa đổ thẳng về tĩnh mạch trung tâm tiểu thuỳ mà không qua các xoang mạch làm cho tuần hoàn trong gan bị đảo lộn, chức năng chống độc bị giảm. Tế bào gan nhất là các tiểu thuỳ giả bị thiếu oxy, thiếu dinh dưỡng dần dần lại bị thoái hoá và hoại tử.

2.3. Tái tạo tế bào gan

Ngay sau khi tế bào gan bị hoại tử, ở những nơi giáp với vùng hoại tử xuất hiện những tế bào gan có kích thước lớn hơn tế bào gan bình thường, trong nhân có thể thấy 3 – 4 hạt nhân, lúc đầu chỉ quan sát được dưới kính hiển vi về sau chúng họp thành những ổ nhỏ có thể quan sát bằng mắt thường được gọi là những ổ tái tạo, ở sát bề mặt gan các ổ tái tạo đó phát triển lồi lên thành những hạt gọi là hạt đầu đanh. Trong các ổ tái tạo các tế bào gan không sắp xếp thành bè rõ rệt, các mao mạch xếp không theo quy luật hướng tâm và không có tĩnh mạch trung tâm, đồng thời phát triển những nhánh nối giữa động mạch gan và tĩnh mạch cửa làm cho áp lực động mạch chuyển vào tĩnh mạch khiến cho áp lực tĩnh mạch cửa tăng lên.

Ở giai đoạn đầu của xơ gan, gan thường to lên do hiện tượng tăng sản tế bào gan và tổ chức liên kết, nhưng đến giai đoạn cuối thì gan teo nhỏ lại. Nhưng có loại xơ gan, gan to lên như: xơ gan tim, xơ gan mật…

3. Mô học

3.1. Xơ gan teo (xơ gan vòng, xơ gan khoảng cửa, xơ gan Laennec…).

Đây là loại thường gặp nhất, do toàn bộ tế bào gan bị ảnh hưởng của rối loạn chuyển hoá nên khả năng tái tạo kém, vì vậy các ổ tái tạo nhỏ tương đối đều nhau, xơ gan có tính chất lan tràn.

Nguyên nhân: Thiếu đạm, thiếu chất hướng mỡ (cholin, methionine), nghiện rượu, rối loạn chuyển hoá sắc tố, rối loạn chuyển hoá đồng, viêm gan…

3.1.1. Đại thể

Gan to lên hoặc nhỏ lại, cứng, bề mặt nổi lên những hạt nhỏ tương đối đều nhau gọi là hạt đầu đanh. Mặt cắt của gan chắc, màu nâu nhạt, có nhiều khối nhỏ kích thước không quá 1cm được ngăn cách nhau bởi tổ chức liên kết xơ mảnh và tương đối đều nhau.

3.1.2. Vi thể

Tổ chức liên kết xơ từ khoảng và từ bên trong tiểu thuỳ phát triển thành những dải xơ chia cắt các tiểu thuỳ gan thành các tiểu thuỳ gan giả, hiếm khi gặp các tiểu thuỳ gan còn nguyên vẹn cấu trúc. Các ổ tế bào gan tái tạo cũng tương đối đều nhau. Trong bào tương các tế bào gan chứa nhiều hốc không đều, tròn, sáng (tế bào gan bị thoái hoá mỡ).

Trong tổ chức liên kết xơ thấy có nhiều ống mật tân tạo và bị xâm nhiễm nhiều tế bào viêm mạn tính.

3.2. Xơ gan sau hoại tử

Quá trình xơ gan bắt đầu từ những ổ hoại tử lớn, sau này ổ hoại tử sẽ được thay thế bằng tổ chức liên kết, những tế bào gan còn lại sẽ tái tạo thành những ổ tái tạo lớn.

Nguyên nhân: sau viêm gan do virút, do một số chất độc với gan, do thiểu năng dinh dưỡng…

3.2.1. Đại thể

Gan nhỏ lại có khi chỉ bằng một nửa hoặc bằng 1/3 gan bình thường, mật độ cứng, mặt ngoài nổi lên những hạt đầu đanh lớn, nhỏ, mặt cắt màu vàng nâu và có những cục to nhỏ không đều nhau, đường kính có khi tới 3cm được phân cách với nhau bởi tổ chức liên kết xơ nơi dầy nơi mỏng.

3.2.2. Vi thể

Tổ chức liên kết xơ ở khoảng cửa phát triển rất mạnh tạo thành những dải xơ nơi dầy nơi mỏng bao vây và chia cắt các tiểu thuỳ gan thành các tiểu thuỳ gan giả, nhưng số lượng tiểu thuỳ gan giả và các ổ tái tạo ít hơn so với xơ gan teo, có nơi có thể thấy những ổ tế bào gan bị hoại tử. Trong tổ chức liên kết xơ thấy có nhiều ống mật tân tạo, nhiều tế bào viêm mạn tính.

3.3. Xơ gan mật

Nguyên nhân: do viêm mạn tính đường mật trong gan cũng như ngoài gan, do sỏi mật, do các khối u phát triển trong lòng ống mật…

3.3.1. Đại thể

Gan thường to lên, cứng, mặt gan có khi nhẵn và thường có những rãnh sâu nông thất thường làm cho gan bị biến dạng, có khi bề mặt gan sần sùi có những hạt đầu đanh nhỏ. Mặt cắt gan có màu xanh lá cây, các ống mật giãn rộng và ứ đầy mật.

3.3.2. Vi thể

Các ống mật và các vi quản mật giãn rộng, thành dầy lên và ứ đầy mật, các tế bào gan cũng bị ứ mật biểu hiện bằng những hạt màu vàng hoặc xanh nằm trong bào tương.

Tổ chức liên kết xơ phát triển mạnh ở khoảng cửa và bao quanh các tiểu thuỳ, trong đó có nhiều ống mật tân tạo và bị xâm nhiễm nhiều tế bào lympho, tương bào, bạch cầu đa nhân toan tính… Phần lớn các tiểu thuỳ gan vẫn được bảo tồn chỉ khi đến giai đoạn cuối tổ chức xơ mới tiến vào phá huỷ cấu trúc tiểu thuỳ.

4. Biến chứng

Khi xơ gan đã xảy ra thì sẽ có những triệu chứng sau đây:

  •  Thiểu năng gan: bệnh nhân dễ bị xuất huyết, vàng da, hôn mê gan.
  •  Sự sắp xếp lại lưới mạch máu sẽ đưa tới: tăng áp lực tĩnh mạch cửa, lách to, cổ chướng.
  •  Sự cản trở dòng máu qua gan sẽ đưa tới phát triển tuần hoàn bàng hệ.
  •  Do chức năng chống độc của gan bị giảm nên trong máu có những chất độc khác nhau gây nên những thay đổi ở hệ thần kinh trung ương và các cơ quan khác.
  •  Tất cả các loại xơ gan cuối cùng đều dẫn tới tình trạng suy gan và tăng áp lực tĩnh mạch cửa.
  •  Do tăng áp lực tĩnh mạch cửa gây nên giãn, vỡ tĩnh mạch nhất là tĩnh mạch thực quản gây ra xuất huyết.
  •  Khi xơ gan tiến triển kéo dài có thể sinh ra ung thư gan

Nguồn: Bệnh viện 103

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Video có thể bạn quan tâm
Tin liên quan
Tăng áp tĩnh mạch cửa là bệnh gì?
Tăng áp tĩnh mạch cửa là bệnh gì?

Động mạch mang máu giàu oxy từ tim đến các cơ quan, cơ bắp và các mô khác trong khi tĩnh mạch mang máu trở lại trái tim, ngoại trừ tĩnh mạch cửa mang máu đến gan.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây