1

Tăng áp tĩnh mạch cửa là bệnh gì?

Động mạch mang máu giàu oxy từ tim đến các cơ quan, cơ bắp và các mô khác trong khi tĩnh mạch mang máu trở lại trái tim, ngoại trừ tĩnh mạch cửa mang máu đến gan.
Tăng áp tĩnh mạch cửa là bệnh gì? Tăng áp tĩnh mạch cửa là bệnh gì?

Tăng áp tĩnh mạch cửa là gì?

Tĩnh mạch cửa là tĩnh mạch mang máu từ dạ dày, tuyến tụy và các cơ quan tiêu hóa khác đến gan, không giống với các tĩnh mạch khác đều vận chuyển máu đến tim.

Là một cơ quan rất quan trọng trong cơ thể, gan thực hiện nhiệm vụ lọc chất độc và chất thải mà các cơ quan tiêu hóa đưa vào máu. Khi huyết áp (áp lực máu) trong tĩnh mạch cửa tăng quá cao, bạn sẽ bị tăng áp tĩnh mạch cửa.

Tăng áp tĩnh mạch cửa là một vấn đề khá nghiêm trọng nhưng vẫn có thể điều trị được nếu chẩn đoán kịp thời.

Triệu chứng thường gặp

Xuất huyết tiêu hóa thường là triệu chứng đầu tiên của tăng áp lực tĩnh mạch cửa với các dấu hiệu như phân màu đen hoặc có lẫn máu.

Một triệu chứng khác là cổ trướng, tình trạng tích tụ dịch trong khoang phúc mạc. Khi bị cổ trướng, người bệnh sẽ nhận thấy bụng ngày càng lớn mà không rõ nguyên nhân. Tăng áp tĩnh mạch cửa còn có thể gây chuột rút, đầy hơi và khó thở.

Bên cạnh đó, trí nhớ kém hoặc đầu óc lơ mơ, không tỉnh táo cũng là những dấu hiệu của tăng áp tĩnh mạch cửa.

Nguyên nhân

Nguyên nhân chính gây tăng áp tĩnh mạch cửa là xơ gan. Đây là tình trạng hình thành mô sẹo ở gan. Xơ gan có thể là kết quả của một số vấn đề như viêm gan hoặc lạm dụng rượu.

Các bệnh tự miễn ở gan như viêm gan tự miễn, viêm xơ chai đường mật nguyên phát và viêm đường mật túi mật nguyên phát cũng là nguyên nhân của xơ gan và tăng áp lực tĩnh mạch cửa.

Khi bị tổn thương, gan có khả năng tự chữa lành và điều này làm hình thành mô sẹo. Khi có quá nhiều mô sẹo, gan sẽ khó thực hiện chức năng như bình thường.

Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác gây xơ gan như:

  • Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu
  • Tích tụ sắt trong cơ thể (thừa sắt)
  • Bệnh xơ nang
  • Ống mật kém phát triển
  • Các bệnh nhiễm trùng gan
  • Phản ứng với một số loại thuốc, chẳng hạn như methotrexate

Khi bị xơ gan, bề mặt bên trong của thành tĩnh mạch cửa vốn trơn nhẵn sẽ trở nên gồ ghề và gây cản trở sự lưu thông máu. Do đó mà huyết áp trong tĩnh mạch cửa tăng cao.

Cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch cửa cũng có thể là nguyên nhân làm tăng áp lực lên thành của mạch máu.

Các yếu tố nguy cơ

Những người thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh xơ gan cũng dễ bị tăng áp tĩnh mạch cửa, ví dụ như:

  • Thường xuyên uống nhiều rượu bia
  • Tiêm chích ma túy
  • Xăm mình hoặc xỏ khuyên bằng dụng cụ không sạch sẽ
  • Làm việc trong môi trường thường xuyên phải tiếp xúc với kim tiêm hoặc máu của người nhiễm bệnh.
  • Có mẹ bị viêm gan

Quan hệ tình dục không an toàn hoặc quan hệ với nhiều người

Chẩn đoán tăng áp tĩnh mạch cửa

Rất khó chẩn đoán tăng áp lực tĩnh mạch cửa nếu chỉ dựa vào thăm khám lâm sàng vì tình trạng này thường không có triệu chứng rõ ràng. Vì thế nên thường cần tiến hành các phương pháp sàng lọc như siêu âm Doppler. Siêu âm sẽ cho thấy tình trạng của tĩnh mạch cửa và sự lưu thông máu. Nếu siêu âm chưa đủ để đưa ra kết luận thì sẽ phải tiếp tục chụp CT.

Một phương pháp sàng lọc khác đang được sử dụng rất phổ biến để chẩn đoán vấn đề về gan là siêu âm độ đàn hồi của mô gan và vùng mô xung quanh. Độ đàn hồi kém hay mô gan cứng là dấu hiệu cho thấy gan có vấn đề.

Nếu có triệu chứng xuất huyết tiêu hóa thì bác sĩ sẽ tiến hành nội soi. Đây là kỹ thuật sử dụng một ống nhỏ, linh hoạt với đầu có gắn camera để cho thấy hình ảnh các cơ quan nội tạng.

Ngoài ra, huyết áp tĩnh mạch cửa có thể được xác định bằng cách đặt ống thông có gắn máy đo huyết áp vào tĩnh mạch trong gan.

Phương pháp điều trị

Một số điều chỉnh về lối sống có thể điều trị tăng áp tĩnh mạch cửa như:

  • Ăn uống lành mạnh, khoa học
  • Hạn chế uống rượu
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Bỏ thuốc lá

Bên cạnh đó, người bệnh sẽ được kê các loại thuốc điều trị huyết áp cao như thuốc chẹn beta để giảm huyết áp và làm giãn mạch máu.

Nếu bị cổ trướng, bác sĩ sẽ kê thêm thuốc lợi tiểu để giảm lượng chất lỏng tích tụ trong ổ bụng và cần hạn chế muối (natri) một cách nghiêm ngặt trong chế độ ăn để giảm hiện tượng giữ nước.

Ngoài ra còn có phương pháp tiêm xơ tĩnh mạch (tiêm một loại dung dịch gây xơ hóa để chặn dòng máu chảy trong mạch máu của gan) hoặc thắt tĩnh mạch (dùng vòng cao su để ngăn cản sự lưu thông máu vào các tĩnh mạch bị giãn trong hệ thống tiêu hóa).

Một liệu pháp đang được áp dụng rất phổ biến hiện nay là tạo đường thông cửa chủ trong gan qua tĩnh mạch cảnh (transjugular intrahepatic portosystemic shunt - TIPS). Liệu pháp này giúp kiểm soát tình trạng chảy máu cấp tính bằng cách tạo ra đường thông mới để máu chảy từ tĩnh mạch cửa vào các mạch máu khác và giảm lưu lượng máu vào gan.

Biến chứng

Một trong những biến chứng phổ biến nhất của tăng áp lực tĩnh mạch cửa là bệnh dạ dày tăng áp cửa. Bệnh này xảy ra ở lớp niêm mạc dạ dày và làm cho các mạch máu giãn rộng.

Biến chứng cũng có thể xảy ra khi các đường thông được tạo ra trong phương pháp TIPS bị tắc nghẽn. Điều này sẽ gây chảy máu nặng hơn.

Triển vọng điều trị

Mặc dù không có cách nào khôi phục được những tổn hại do xơ gan gây ra nhưng vẫn có thể điều trị tăng áp tĩnh mạch cửa bằng cách kết hợp một lối sống lành mạnh, dùng thuốc và can thiệp phẫu thuật. Người bệnh sẽ cần tái khám định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe của gan và kết quả sau khi tạo đường thông cửa chủ trong gan.

Điều quan trọng là phải bỏ rượu và dùng thuốc, đi khám định kỳ đúng theo chỉ định của bác sĩ.

Cách phòng ngừa

Để phòng ngừa tăng áp lực tĩnh mạch cửa, bạn nên uống rượu một cách có chừng mực và thực hiện các biện pháp ngăn ngừa viêm gan. Nên tiêm phòng viêm gan và đi kiểm tra chức năng gan thường xuyên nếu bạn thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh gan.

Tăng áp tĩnh mạch cửa mà không bị xơ gan

Đôi khi, một người vẫn có thể bị tăng áp tĩnh mạch cửa mà không hề bị xơ gan mặc dù điều này rất hiếm khi xảy ra. Tình trạng này được gọi là tăng áp tĩnh mạch cửa không do xơ gan (idiopathic non-cirrhotic portal hypertension – INCPH) và thường do một trong 5 nguyên nhân gây ra là bệnh tự miễn, nhiễm trùng mạn tính, tiếp xúc với chất độc hại hoặc một số loại thuốc, bệnh di truyền và rối loạn chuyển hóa. Các vấn đề này có thể ảnh hưởng đến cơ chế đông máu bình thường và làm hình thành các cục máu đông nhỏ, dẫn đến tăng áp tĩnh mạch cửa không do xơ gan. Những người bị tăng áp tĩnh mạch cửa không do xơ gan thường có tiên lượng khả quan hơn vì gan vẫn hoạt động bình thường.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: tĩnh mạch

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây