1

Ung thư dạ dày - bệnh viện 103

1. Đại cương

­Ung thư­ dạ dày là loại ung th­ư rất hay gặp theo các thống kê thì nó chiếm khoảng 10% so với các loại ung thư nói chung và chiếm khoảng 60 – 70% ung thư­ đường tiêu hoá.

Đồng thời trong ung th­ư dạ dày thì ung thư biểu mô là phổ biến và quan trọng nhất, còn các loại u khác hiếm gặp vì vậy ở đây chỉ giới thiệu ung th­ư biểu mô dạ dày.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới quá trình hình thành ung thư dạ dày dưới đây là một số yếu tố chính:

– Yếu tố môi trường, tuổi, giới, chế độ ăn:

  • Các thống kê cho biết tỷ lệ ung thư dạ dày đặc biệt cao ở một số nước như Nhật Bản, Trung Quốc…
  • Ngược lại bệnh có tỷ lệ thấp ở một số nước như: Mỹ, Canada… Khi các chủng tộc di cư từ vùng có nguy cơ cao tới địa hpương có nguy cơ thấp (hoặc ngược lại) thì tỷ lệ phát sinh bệnh có xu hướng phù hợp với địa phương mới.
  • Ung thư dạ dày thường được phát hiện ở tuổi trên 50, hiếm gặp ở tuổi thanh niên, cá biệt mới gặp ở tuổi thiếu niên, nam giới nhiều gấp 1,5 đến 2 lần so với nữ giới.
  • Sự có mặt của các chất gây ung thư như các hoá chất nitrite để bảo quản thực phẩm, hay sự ô nhiễm nguồn nước bởi nitrat và thiếu rau quả tươi sẽ làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.

– Yếu tố vật chủ:

  • Viêm niêm mạc dạ dày mạn tính teo đét, đặc biệt khi có dị sản ruột, loạn sản thì nguy cơ bị ung thư rất cao.
  •  Loét dạ dày mạn tính kéo dài, đặc biệt là loét ở bờ cong nhỏ và loét xơ trai cũng rất dễ bị ung thư hoá.
  • Sau cắt đoạn dạ dày phần còn lại cũng có nguy cơ bị ung thư.
  • Polyp u tuyến ở dạ dày cũng rất có thể trở thành ung thư.
  • Vai trò của Helicobacter pylori (Hp): Từ năm 1994 tổ chức y tế thế giới (WHO) đã xếp Hp vào nhóm 1 những tác nhân gây ung thư dạ dày ở người.

– Yếu tố di truyền:

Người có nhóm máu A có nguy cơ bị ung thư cao hơn so với các nhóm máu khác. Đặc biệt người có họ hàng gần với những người bị ung thư dạ dày cũng có nguy cơ cao hơn người khác.

2. Mô bệnh học

  • Mọi vị trí của dạ dày đều có thể phát sinh ung thư, nhưng hay gặp nhất là ung thư vùng hang – môn vị, sau dó đến phần cứng bờ cong nhỏ, các phần khác ít gặp hơn.
  • Ung thư dạ dày thường chỉ có một ổ, tuy nhiên cũng có trường hợp có nhiều ổ, trong trường hợp này các ổ ung thư tách biệt không phụ thuộc vào nhau.

2.1. Đại thể:

  • Khối ung thư thường có kích thước lớn xâm nhập vào lớp cơ của thành dạ dày tới tận thanh mạc, xâm lấn vào các tạng và cho di căn.
  • Do đó phân loại về đại thể đôi khi có khó khăn vì cả 3 quá trình tổn thương sùi, loét, xâm nhập thường xen kẽ nhau.
  • Vì vậy tuỳ theo tổn thương nào chiếm ưu thế mà chia thành các thể sau đây:

2.1.1. Thể loét:

  • Là thể hay gặp nhất chiếm trên 50% trường hợp:
  • Lúc đầu khối u nhô lên mặt tự do của niêm mạc và nhanh chóng bị loét ở vùng trung tâm, do tổ chức u kém được nuôi dưỡng cho nên bị hoại tử ở vùng trung tâm, ổ loét có thể rộng từ 1cm đến 12cm.
  • Bờ ổ loét là tổ chức ung thư gồ cao, cắt ngang qua thấy tổ chức ung thư có màu hồng hoặc hơi xám, chắc nhưng dễ vỡ nát, đồng thời thấy lớp cơ của thành dạ dày bị phá huỷ bởi tổ chức ung thư.

2.1.2. Thể sùi:

  • Thể này chiếm khoảng 25%.
  • Khối u có giới hạn rõ lồi hẳn thành một khối lớn sần sùi như hoa súp lơ vào trong lòng dạ dày, có trường hợp giống như một polyp có cuống, có trường hợp khối u có chân đến rộng tạo thành hình nấm. Bề mặt khối u có những nhú nhỏ, có thể có những chấm loét nhỏ.
  • Cắt ngang qua thấy tô chức u màu hồng, dễ vỡ nát.

2.1.3. Thể xâm nhập (Thể lan):

  • Ít gặp hơn hai thể trên chiếm khoảng 10 – 15%.
  • Khối u phát triển ở trong thành dạ dày do đó niêm mạc chỉ hơi gồ cao, không có khối sùi cũng như không có ổ loét lớn.
  • Do tổ chức đệm xơ phát triển mạnh cho nên tại chỗ bị ung thư dạ dày co lại, thành dạ dày dày và chắc, có thể dày gấp 3 – 4 lần bình thường.

2.2. Vi thể:

Phân loại mô học ung thư biểu mô dạ dày được sử dụng rộng rãi nhất đó là phân loại của Tổ chức Y tế thế giới năm 1977, bao gồm 5 loại sau đây:

  • Ung thư biểu mô tuyến.
  • Ung thư không biệt hoá.
  • Ung thư biểu mô tuyến gai.
  • Ung thư tế bào gai.
  •  Ung thư biểu mô không xếp loại.

2.2.1. Ung thư biểu mô tuyến:

Tổ chức có cấu trúc tuyến, lòng tuyến rộng hoặc hẹp bao gồm các loại dưới đây:

– Ung thư biểu mô tuyến nhú:

Tế bào ung thư sắp xếp thành hình tuyến có các nhú chia nhánh cùng với trục liên kết phát triển nhô vào trong lòng tuyến. Tế bào ung thư có hình vuông hay trụ, nhưng cũng có thể có biểu hiện đa hình thái về tế bào và nhân.

– Ung thư biểu mô tuyến ống:

Tế bào ung thư sắp xếp thành hình tuyến óng là chủ yếu, các tuyến có kích thước khác nhau, lòng tuyến có thể giãn rộng. Tế bào ung thư có hình vuông hay trụ, khi tuyến giãn rộng chứa chất nhày thì tế bào trở nên thấp dẹt. Quanh các tuyến ung thư thường được tổ chức liên kết bào bọc.

– Ung thư biểu mô tuyến nhày:

Các tuyến ung thư chức đầy chất nhày làm cho lòng tuyến giãn rộng, có khi tràn cả vào tổ chức đệm. Có trường hợp không có hình tuyến rõ rệt, tế bào ung thư tập trung thành từng đám, từng dải tất cả như bơi trong bể chất nhày.

– Ung thư tế bào nhẫn:

Tế bào ung thư có thể tụ tập thành từng đám, nhưng thường tách rời nhau và phân tán trong bể chất nhày do chúng tiết ra. Tế bào ung thư có hình tròn, bào tương chứa đầy chất nhày đẩy nhân lệch về một phía giống như chiếc nhẫn.

2.2.2. Ung thư biểu mô không biệt hoá:

  • Tế bào ung thư tập trung thành từng đám, từng ổ, từng dải hoặc phân tán rải rác trong tổ chức liên kết xơ.
  • Tế bào ung thư có thể gợi loại phần nào tế bào biểu mô dạ dày hoặc khác biệt hoàn toàn.
  • Một số trường hợp tế bào ung thư tròn, nhỏ tương đối đều nhau giống như tế bào lympho. Một số trường hợp khác tế bào ung thư rất đa hình thái về tế bào và nhân, nhân tế bào to nhỏ không đều có hình nhân quái và nhân chia.

2.2.3. Ung thư biểu mô tuyến – gai:

  • Là loại ung thư rất hiếm gặp.
  • Cấu trúc u gồm các tuyến do các tế bào ung thư có nhân hình trụ hoặc hình vuông sắp xếp thành, cũng với các tế bào gai vây quanh các tuyến tạo thành nhiều hàng, nhiều lớp.

2.2.4. Ung thư tế bào gai:

  • Là rất hiếm gặp.
  • Tế bào ung thư giống như tế biểu mô gai của biểu bì, chúng tập trung thành từng đám, từng ổ.

2.2.5. Ung thư biểu mô không xếp loại:

Tế bào ung thư và cấu trúc khối không giống với các loại đã được mô tả. Do đó không thể xếp chúng vào một trong các loại ở trên.

3. Di căn và biến chứng

3.1. Di căn:

  • Di căn có thể theo đường bạch huyết của lớp thanh mạc để tạo ra các ổ di căn ngay dưới thanh mạc, hoặc có thể lan ra các hạch bạch huyết nhất là hạch bạch huyết ở bờ cong bé và ở quanh động mạch chủ bụng.
  • Khi di căn lan ra phúc mạc sẽ gây ra trạng thái di căn lan tràn ở phúc mạc.
  • Di căn có thể xuất hiện ở 1 hoặc 2 bên buồng trứng ở phụ nữ trường hợp này được gọi là u Krukenberge.
  • Di căn theo đường máu thường xuất hiện ở gan, phổi và các xương,

3.2. Biến chứng:

3.2.1. Tắc môn vị:

  • Nếu khối u ở gần môn vị sẽ gây ra tắc môn vị, bệnh nhân sẽ có biểu hiện là nôn mửa, mất nước, sút cân…
  • Nêu khối u nằm gần tâm vị nó sẽ xâm lấn lên thực quản gây ra những triệu chứng của ung thư thực quản khiến cho ta chẩn đoán nhầm lẫn.

3.2.2. Thủng gây viêm phúc mạc:

  •  Hiện tượng thủng hay gặp ở ung thư thể loét gây nên viêm phúc mạc.
  •  Có khi dạ dày dính vào các tạng ở xung quanh như gan, tuỵ, đại tràng do đó mà dạ dày không bị thủng, nhưng cũng có trường hợp từ chỗ dính đó nó phá huỷ gan, tuỵ thành những ổ loét sâu vào các tạng này. Khi dạ dày dính với đại tràng có thể gây ra một lỗ thông từ dạ dày sang đại tràng gây ra các triệu chứng như: ỉa lỏng, trong phân có lẫn thức ăn chưa tiêu, gầy sút nhanh.

3.2.3. Xuất huyết:

Trong thực tế tất cả các ung thư dạ dày ít nhiều đều gây xuất huyết, những xuất huyết lớn do ung thư phá huỷ vào một mạch máu lớn khiến cho bệnh nhân nôn ra máu.

3.2.4. Thiếu máu:

Là hiện tượng gặp thường xuyên ung thư trong dạ dày do rối loạn dinh dưỡng và xuất huyết hết hợp với nhau.

Nguồn: Bệnh viện 103

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây