1

Phương Pháp Điều Trị Theo Từng Giai Đoạn Ung Thư Dạ Dày

Phương pháp điều trị theo từng giai đoạn ung thư dạ dày như thế nào? Phác đồ điều trị ung thư dạ dày phụ thuộc rất nhiều vào vị trí mà ung thư bắt đầu hình thành trong dạ dày và phạm vi lan rộng của tế bào ung thư.
Phương Pháp Điều Trị Theo Từng Giai Đoạn Ung Thư Dạ Dày Phương Pháp Điều Trị Theo Từng Giai Đoạn Ung Thư Dạ Dày

Ung thư dạ dày phát triển và lan rộng ở nhiều mức độ khác nhau. Các tế bào ung thư có thể phát triển qua thành dạ dày và xâm lấn sang các cơ quan lân cận. Chúng cũng có thể lan đến các mạch và hạch bạch huyết gần đó. Hạch bạch huyết là những cấu trúc có kích thước nhỏ cỡ hạt đậu giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Dạ dày có một mạng lưới mạch và hạch bạch huyết dày đặc. Khi ung thư dạ dày tiến triển sang giai đoạn cuối, các tế bào ung thư di chuyển theo mạch máu và di căn đến các cơ quan ở xa như gan, phổi và xương, khiến việc điều trị trở nên vô cùng khó khăn.

Các giai đoạn ung thư dạ dày

Giai đoạn 0

Ở giai đoạn 0, các tế bào bất thường hình thành ở lớp niêm mạc (lớp trong cùng) của thành dạ dày. Những tế bào bất thường này trở thành tế bào ung thư và có thể đã lan đến các mô bình thường xung quanh. Giai đoạn 0 còn được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ.

Giai đoạn I

Ở giai đoạn I, khối u hình thành ở lớp niêm mạc bên trong của thành dạ dày. Giai đoạn I được chia thành giai đoạn IA và giai đoạn IB, tùy thuộc vào phạm vi lan rộng của ung thư.

Giai đoạn IA: Ung thư lan vào lớp dưới niêm mạc của thành dạ dày nhưng chưa lan đến các hạch bạch huyết gần đó và các vị trí ở xa.

Giai đoạn IB: Ung thư:

  • hình thành ở lớp niêm mạc của thành dạ dày và lan đến lớp dưới niêm mạc. Tế bào ung thư đã lan sang 1 – 2 hạch bạch huyết lân cận nhưng chưa sang các vị trí khác; hoặc
  • phát triển vào lớp cơ nhưng chưa lan sang hạch bạch huyết và các vị trí khác.

Giai đoạn II

Ung thư dạ dày giai đoạn II cũng được chia thành giai đoạn IIA và giai đoạn IIB, tùy thuộc vào phạm vi lan rộng của ung thư.

Giai đoạn IIA: Ung thư:

  • đã phát triển đến lớp dưới niêm mạc của thành dạ dày, lan sang 3 – 6 hạch bạch huyết nhưng chưa đến các vị trí ở xa; hoặc
  • đã phát triển đến lớp cơ của thành dạ dày và sang 1 đến 2 hạch bạch huyết lân cận nhưng chưa đến các vị trí ở xa; hoặc
  • đã phát triển đến lớp dưới thanh mạc của thành dạ dày và chưa lan sang hạch bạch huyết nào.

Giai đoạn IIB: Ung thư:

  • đã phát triển đến lớp dưới niêm mạc của thành dạ dày và lan sang 7 đến 15 hạch bạch huyết nhưng chưa đến các vị trí ở xa; hoặc
  • đã phát triển đến đến lớp cơ của thành dạ dày và lan sang 3 đến 6 hạch bạch huyết lân cận nhưng chưa đến các vị trí ở xa; hoặc
  • đã phát triển đến lớp dưới thanh mạc của thành dạ dày và lan sang 1 đến 2 hạch bạch huyết lân cận nhưng chưa di căn đến các vị trí ở xa.
  • phát triển qua dạ dày đến lớp thanh mạc (lớp ngoài cùng) nhưng chưa lan sang hạch bạch huyết và các vị trí ở xa.

Giai đoạn III

Ung thư dạ dày giai đoạn III được chia thành giai đoạn IIIA, giai đoạn IIIB và giai đoạn IIIC, tùy thuộc vào phạm vi lan rộng của ung thư.

Giai đoạn IIIA: Ung thư đã lan đến:

  • lớp cơ của thành dạ dày và 7 đến 15 hạch bạch huyết lân cận nhưng chưa di căn đến các vị trí ở xa; hoặc
  • lớp dưới thanh mạc của thành dạ dày và từ 3 đến 6 hạch bạch huyết lân cận nhưng chưa đến các vị trí ở xa; hoặc
  • lớp thanh mạc của thành dạ dày và 1 – 6 hạch bạch huyết lân cận nhưng chưa di căn đến các cơ quan gần đó và các vị trí ở xa; hoặc
  • di căn sang các cơ quan gần đó, ví dụ như lá lách, ruột non, ruột già, gan, cơ hoành, tụy, thành bụng, thận nhưng không lan sang hạch bạch huyết và các cơ quan ở xa.

Giai đoạn IIIB: Ung thư đã lan đến:

  • lớp dưới niêm mạc hoặc đến lớp cơ của thành dạ dày và sang 16 hạch bạch huyết lân cận trở lên, chưa di căn đến các cơ quan ở xa; hoặc
  • đến lớp dưới thanh mạc hoặc đến lớp thanh mạc của thành dạ dày và sang 7 đến 15 hạch bạch huyết lân cận, chưa di căn đến các cơ quan ở xa; hoặc
  • di căn từ dạ dày đến các cơ quan lân cận, chẳng hạn như lá lách, đại tràng, gan, cơ hoành, tuyến tụy, tuyến thượng thận, thận hoặc ruột non và sang 1 đến 6 hạch bạch huyết lân cận nhưng chưa di căn đến các cơ quan ở xa.

Giai đoạn IIIC: Ung thư đã lan đến:

  • lớp dưới thanh mạc hoặc lớp thanh mạc của thành dạ dày và sang 16 hạch bạch huyết lân cận trở lên nhưng chưa di căn đến các cơ quan ở xa; hoặc
  • di căn từ dạ dày sang các cơ quan như lá lách, đại tràng, gan, cơ hoành, tuyến tụy, thành bụng, tuyến thượng thận, thận hoặc ruột non và sang từ 7 hạch bạch huyết lân cận trở lên.

Giai đoạn IV

Ở giai đoạn IV, ung thư đã di căn đến các bộ phận ở xa của cơ thể.

Các phương pháp điều trị

Có rất nhiều giai đoạn được chia trong quá trình điều trị ung thư dạ dày. Từng giai đoạn đó như thế nào? Hãy cùng theo dõi nội dung bên dưới nhé!

Giai đoạn 0

Ở giai đoạn 0, ung thư giới hạn ở lớp niêm mạc bên trong của dạ dày và chưa phát triển vào các lớp sâu hơn. Ung thư giai đoạn này có thể được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật mà không cần hóa trị hay xạ trị.

Phương pháp phẫu thuật thường được thực hiện ở giai đoạn này là cắt bán phần dạ dày (cắt bỏ một phần dạ dày) hoặc cắt toàn phần dạ dày (cắt bỏ toàn bộ dạ dày). Các hạch bạch huyết lân cận có thể cũng được cắt bỏ.

Trong một số trường hợp, ung thư dạ dày giai đoạn 0 có thể được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật nội soi. Trong quy trình này, khối u được loại bỏ bằng một ống nội soi đưa qua cổ họng. Điều này thường chỉ khả thi trong các trường hợp mà ung thư được phát hiện sớm trong quá trình sàng lọc. Rất tiếc, hiện nay ung thư dạ dày thường được phát hiện khi đã tiến triển sang giai đoạn muộn.

Giai đoạn I

Giai đoạn IA: Những người bị ung thư dạ dày giai đoạn IA thường phải phẫu thuật cách cắt dạ dày toàn phần hoặc bán phần. Các hạch bạch huyết xung quanh cũng được cắt bỏ. Trong một số ít trường hợp, ở giai đoạn này, nếu chỉ có một vài khối u T1a nhỏ thì có thể loại bỏ khối u bằng kĩ thuật nội soi. Hầu hết là không cần điều trị thêm sau phẫu thuật.

Giai đoạn IB: Phương pháp điều trị chính cho ung thư dạ dày giai đoạn này vẫn là phẫu thuật (cắt toàn phần hoặc bán phần dạ dày). Có thể tiến hành hóa trị hoặc hóa trị kết hợp xạ trị trước khi phẫu thuật để thu nhỏ kích thước khối u và giúp cho việc loại bỏ dễ dàng hơn.

Sau khi phẫu thuật, nếu như các hạch bạch huyết (được lấy tại thời điểm phẫu thuật) không có dấu hiệu bị lây ung thư thì người bệnh không cần điều trị thêm mà chỉ cần theo dõi. Tuy nhiên, thường thì các bác sĩ vẫn khuyên nên điều trị bằng liệu pháp hóa trị hoặc kết hợp xạ trị và hóa trị sau phẫu thuật, đặc biệt là những bệnh nhân không điều trị bằng các phương pháp này trước phẫu thuật. Những người đã điều trị bằng hóa trị trước ca phẫu thuật thì chỉ cần hóa trị (không cần xạ trị) sau phẫu thuật.

Nếu phát hiện tế bào ung thư trong các hạch bạch huyết thì sẽ bắt buộc phải điều trị bằng phương pháp hóa trị hoặc kết hợp với xạ trị.

Nếu sức khỏe người bệnh quá yếu (do còn mắc các bệnh khác) và không đủ điều kiện tiến hành phẫu thuật thì có thể điều trị bằng liệu pháp kết hợp hóa – xạ trị nếu như có thể chịu được.

Giai đoạn II

Phương pháp điều trị chính cho ung thư dạ dày giai đoạn II là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần dạ dày, mạc nối và các hạch bạch huyết xung quanh. Bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn này thường được điều trị bằng hóa trị hoặc hóa - xạ trị trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u và có thể loại bỏ được một cách dễ dàng trong khi phẫu thuật. Điều trị sau phẫu thuật có thể là hóa trị hoặc hóa – xạ trị.

Nếu sức khỏe người bệnh không đủ điều kiện tiến hành phẫu thuật thì có thể điều trị bằng hóa - xạ trị nếu có thể chịu được hoặc các lựa chọn điều trị khác là xạ trị hoặc hóa trị.

Giai đoạn III

Phẫu thuật là phương pháp điều trị chủ yếu cho những trường hợp ung thư dạ dày giai đoạn này, trừ những trường hợp thể trạng người bệnh quá yếu. Trong một số trường hợp, phẫu thuật (cùng với các phương pháp điều trị khác) có thể chữa khỏi bệnh còn nếu ung thư đã tiến triển quá nghiêm trọng thì phẫu thuật chỉ có thể giúp kiểm soát tình trạng bệnh và làm giảm các triệu chứng.

Bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn này cũng cần hóa trị hoặc hóa – xạ trị trước khi phẫu thuật. Những người đã hóa trị trước phẫu thuật thường chỉ cần tiếp tục hóa trị sau đó nhưng những người không hóa trị trước phẫu thuật hoặc đã phẫu thuật nhưng vẫn còn tế bào ung thư thì sẽ cần đến liệu pháp kết hợp hóa – xạ trị sau phẫu thuật.

Nếu thể trạng người bệnh quá yếu (do mắc các bệnh lý khác) thì không thể phẫu thuật mà chỉ điều trị bằng hóa – xạ trị nhưng với điều kiện là có thể chịu được. Nếu không chịu được thì có thể chỉ xạ trị hoặc hóa trị.

Giai đoạn IV

Ở giai đoạn IV, ung thư dạ dày đã lan (di căn) đến các cơ quan ở xa nên việc chữa khỏi bệnh lúc này đã là điều không thể. Nhưng việc điều trị vẫn có thể giúp kiểm soát tình trạng ung thư và giảm các triệu chứng. Các phương pháp điều trị ở giai đoạn này gồm có phẫu thuật, ví du như nối tắt dạ dày hoặc cắt bán phần dạ dày để giữ cho dạ dày và/hoặc ruột không bị tắc nghẽn và giảm thiểu xuất huyết.

Trong một số trường hợp, ung thư được điều trị bằng laser. Trong đó, chùm tia laser được chiếu từ ống nội soi (đưa qua cổ họng) để phá hủy gần như toàn bộ khối u và làm giảm tình trạng tắc nghẽn mà không cần phẫu thuật. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ đặt stent (ống kim loại rỗng) ở vị trí thực quản và dạ dày gặp nhau để thức ăn có thể đi qua bình thường. Phương pháp này cũng có thể được thực hiện tại vị trí giao nhau của dạ dày và ruột non.

Hóa trị và xạ trị cũng là những giải pháp giúp thu nhỏ khối u và làm giảm một số triệu chứng, giúp kéo dài tuổi thọ cho người bệnh nhưng vẫn không thể chữa khỏi ung thư. Ở giai đoạn này, các loại thuốc hóa trị được sử dụng kết hợp với nhau và loại thuốc cụ thể sẽ được bác sĩ lựa chọn tùy theo từng trường hợp.

Liệu pháp nhắm trúng đích cũng là lựa chọn điều trị ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Trastuzumab (Herceptin) là một loại thuốc nhắm trúng đích thường được kết hợp cùng hóa trị để điều trị cho những bệnh nhân bị ung thư dạ dày HER2 dương tính. Ramucirumab (Cyramza) cũng là một loại thuốc nhắm trúng đích được dùng để điều trị ung thư dạ dày, có thể dùng một mình hoặc kết hợp cùng với liệu pháp hóa trị. Ngoài ra, các loại thuốc miễn dịch như pembrolizumab (Keytruda) cũng được dùng để điều trị cho người bệnh ung thư giai đoạn này.

Ngoài những phương pháp kể trên, các phương pháp điều trị mới hiện vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm.

Ngay cả khi ung thư giai đoạn cuối và các phương pháp điều trị không thể tiêu diệt hoặc thu nhỏ khối u thì vẫn có các biện pháp để giảm đau cũng như là các triệu chứng của bệnh. Người bệnh cần nói rõ các triệu chứng và mức độ đau đớn mà mình gặp phải cho bác sĩ để có cách khắc phục thích hợp.

Dinh dưỡng cũng là một mối quan tâm khác đối với bệnh nhân bị ung thư dạ dày. Có thể sẽ cần đặt ống thông (ống xông) vào ruột non để cung cấp dinh dưỡng cho những người không thể ăn uống.

Ung thư tái phát

Ung thư quay trở lại sau liệu trình điều trị ban đầu được gọi là ung thư tái phát. Các lựa chọn điều trị cho ung thư tái phát cũng giống như ung thư giai đoạn IV nhưng còn phụ thuộc vào nơi mà ung thư tái phát, phương pháp điều trị đã thực hiện và tình trạng sức khỏe của người bệnh.

Hy vọng bài viết "Phương pháp điều trị theo từng giai đoạn ung thư dạ dày" trên đây. Đã phần nào giải đáp những thắc mắc của bạn đọc. Để tìm hiểu thêm những thông tin liên quan, vui lòng xem lại địa chỉ website: https://suckhoe123.vn/.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây