Tầm soát ung thư vú được thực hiện như thế nào - Bệnh viện K
Ung thư vú là bệnh ung thư thường gặp nhất ở nữ giới, đây cũng là mối quan tâm của nhiều chị em phụ nữ, bởi theo thống kê của GLOBOCAN năm 2018, nước ta có 15.000 người mắc căn bệnh này chiếm tỷ lệ 9,2% và hơn 6000 trường hợp tử vong vì ung thư vú. Đây thực sự là con số đáng lo ngại và để lại cho chị em nhiều băn khoăn như cần làm gì để chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm ung thư vú; khám tầm soát ung thư vú cần thực hiện như thế nào. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu quá trình khám tầm soát ung thư vú qua bài viết dưới đây.
Ung thư vú là bệnh lý ác tính có tốc độ phát triển và di căn nhanh. Do đó việc sàng lọc, phát hiện sớm ung thư vú đóng góp vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả điều trị căn bệnh này.
Nhóm chị em phụ nữ nguy cơ mắc ung thư vú cao:
- Tiền sử bản thân mắc ung thư buồng trứng, ung thư phúc mạc hoặc ung thư vú.
- Tiền sử gia đình mắc ung thư vú, buồng trứng hoặc phúc mạc.
- Nhạy cảm gene (nếu như tình trạng BRCA hoặc các marker gene khác đã được xác định).
- Xạ trị vùng ngực khi 10-30 tuổi.
Những phụ nữ không có những nguy cơ nào kể trên được xếp vào nhóm nguy cơ thấp. Hầu hết phụ nữ thuộc nhóm này, với nguy cơ trung bình mắc ung thư vú cả đời vào khoảng 12,4%.
Những phụ nữ có tiền sử gia đình mắc ung thư vú, buồng trứng hoặc phúc mạc (mối quan hệ bậc 1) mà không có các yếu tố nguy cơ còn lại được xếp vào nhóm nguy cơ trung bình.
Những phụ nữ có tiền sử bản thân ung thư vú, buồng trứng, phúc mạc; đột biến gene tăng nguy cơ ung thư vú; hoặc tiền sử chiếu xạ ngực khi 10-30 tuổi được xếp vào nhóm nguy cơ cao.
Bệnh viện K với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, tiên tiến sẽ là điểm đến đáng tin cậy, sự lựa chọn uy tín hàng đầu cho chị em phụ nữ khi tầm soát ung thư vú.
Qúa trình tầm soát ung thư vú được thực hiện:
Đầu tiên, các bác sỹ sẽ thực hiện khám lâm sàng, tư vấn giải thích cho người bệnh.
Đây là bước khám đầu tiên, rất quan trọng trong quá trình khám tầm soát ung thư vú. Bác sĩ sẽ hỏi các thông tin cụ thể về tuổi, tình trạng sức khỏe, chu kỳ kinh nguyệt, các triệu chứng hiện tại hay bệnh sử cá nhân và gia đình, … nhằm đánh giá nguy cơ mắc bệnh. Sau đó sẽ tiến hành khám lâm sàng phát hiện các biểu hiện, dấu hiệu của bệnh.
Siêu âm vú là phương pháp sử dụng sóng âm năng lượng cao giúp các bác sĩ kiểm tra được các mô và cơ quan trong cơ thể. Siêu âm vú có thể giúp bác sĩ xác định các bất thường trong vú, giúp phát hiện những trường hợp ung thư vú giai đoạn sớm.Khi sử dụng phối hợp với chụp X-quang tuyến vú, siêu âm làm tăng độ nhạy của việc sàng lọc.
Chụp MRI (cộng hưởng từ): phương pháp này giúp bác sĩ theo dõi một loạt các hình ảnh ở cả hai tuyến vú.
Xét nghiệm máu: xét nghiệm máu nhằm xác định các chất trong máu được giải phóng bởi các cơ quan hoặc các mô trong cơ thể. Nồng độ cao hoặc thấp bất thường của một chất nào đó có thể là dấu hiệu của một số loại bệnh nhất định.
Sinh thiết: quan sát các mô và tế bào dưới kính hiển vi để tìm ra dấu hiệu ung thư. Nếu phát hiện khối u ở vú, các bác sĩ có thể lấy mẫu mô hoặc tế bào của khối u này để thực hiện xét nghiệm. Có nhiều phương pháp sinh thiết khác nhau, tùy vào từng người bệnh cụ thể bác sỹ sẽ đưa ra chỉ định sinh thiết phù hợp.
Một số dấu hiệu bạn cần lưu ý
- Đau tức ngực: khối u ác tính tại vú có nhiều kích thước khác nhau, có thể là khối u đơn lẻ, hay các khối u nằm rải rác phía sau núm vú hoặc ở một trong các ống dẫn sữa. Tất cả đều làm đẩy mô vú, gây cảm giác đau, sưng và khó chịu ở ngực.
- Ngứa ở ngực: các tế bào ung thư phát triển nhanh chặn mạch máu và bạch huyết mạch ở da, khiến cho chất lỏng tích tụ trong và dưới da, gây kích thích da, gây ngứa khó chịu cho người bệnh.
- Đau lưng, vai, gáy: cơn đau lưng, vai gáy ở các bệnh nhân ung thư vú thường xảy ra ở phần lưng trên hoặc giữa 2 bả vai. Triệu chứng này rất dễ bị nhầm lẫn với chấn thương dây chằng, viêm xương khớp cột sống vì thế mà nhiều người chủ quan.
- Thay đổi hình dạng và kích thước vú: khi bị ung thư vú, ngực to hơn, chảy xuống thấp hơn, có hình dạng khác thường.
- Sự thay đổi ở núm vú: núm vú có thể dẹt hơn, thụt vào trong, hay tiết dịch từ núm vú, có thể lẫn kèm máu. Da của núm vú có thể trở nên sần sùi, có vảy, hay viêm.
- Sưng hoặc có khối u, hạch ở nách: hạch bạch huyết có thể là nguyên nhân của bệnh cảm cúm, nhiễm trùng hoặc là dấu hiệu ban đầu của ung thư vú.
- Ngực đỏ, bị sưng: ngực nóng, hay ửng đỏ (thậm chí có màu tím), sưng đau, đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng, viêm vú, nhưng cũng có thể là ung thư vú dạng viêm.
Chị em phụ nữ cần làm gì để phát hiện sớm ung thư vú
- Khám sàng lọc 6 tháng/lần.
- Các xét nghiệm sàng lọc chẩn đoán hình ảnh được khuyến cáo cho những phụ nữ có nguy cơ cao mắc ung thư vú, bao gồm: Siêu âm, Chụp X-quang tuyến vú sàng lọc hàng năm và chụp cộng hưởng từ vú sàng lọc bổ sung hàng năm (cách nhau 6 tháng).
Để phòng ngừa ung thư vú hiệu quả, các chuyên gia Bệnh viện K đã đưa ra một vài lời khuyên như “Hạn chế ăn đồ ăn mặn cũng như các đồ ăn hun khói, nướng, chiên nhiều dầu mỡ, từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia và các chất kích thích”; tích cực bổ sung chất dinh dưỡng hợp lý, thức ăn chế biến từ các thực phẩm chứa nhiều vitamin A, B, C, E; có chế độ nghỉ ngơi, luyện tập thể dục thể thao hợp lý, điều độ và quan trọng nhất là khám định kỳ hàng năm để tầm soát bệnh.
Nguồn tham khảo: Bệnh viện K
Chăm sóc bệnh nhân ung thư sau hóa trị như thế nào?
Đương đầu với hành trình hóa trị ung thư không chỉ là sự khó khăn của người bệnh mà còn là thử thách với người thân. Làm thế nào để chăm sóc bệnh nhân ung thư trong quá trình hóa trị và tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho người bệnh vượt qua những mệt mỏi về sức khỏe lẫn trở ngại tinh thần?
- 0 trả lời
- 673 lượt xem
Quan hệ tình dục là một nhu cầu sinh lý bình thường ở tất cả mọi người bao gồm cả những bệnh nhân ung thư. Vậy bệnh nhân ung thư thường có những vấn đề gì khi quan hệ tình dục, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây!