1

Giãn phế quản - bệnh viện 103

1. Đại cương

1.1. Định nghĩa

Giãn phế quản là bệnh giãn thường xuyên không hồi phục của một hay nhiều phế quản từ cấp 3 đến cấp 8 kèm theo phá huỷ cấu trúc thành phế quản. Các phế quản giãn thành ổ không hồi phục, thường kèm theo nhiễm khuẩn mạn tính và kết hợp với những bệnh khác .

Giãn phế quản có thể bẩm sinh, di truyền hoặc mắc phải. Giãn phế quản có thể thành ổ và giới hạn ở một phần hoặc 1 thuỳ của phổi, hoặc có thể giãn lan rộng đến nhiều thuỳ ở một hoặc cả hai bên phổi .

1.2.Tỷ lệ mắc bệnh

Giãn phế quản ở thời đại trước khi có kháng sinh là một bệnh thường gặp và thường dẫn đến tàn phế và tử vong. Nhưng nó đã trở nên một bệnh tương đối hiếm ở những nước đã phát triển trong vòng 30 năm qua. Những thay đổi đó là nhờ từ hiệu quả của kháng sinh dùng điều trị nhiễm trùng đường hô hấp và từ việc sử dụng rộng rãi thuốc tạo miễn dịch ở trẻ em, đặc biệt là chống lại bệnh sởi và ho gà .

ở một số bệnh viện nhi ở Anh, từ 1952-1960 tỷ lệ bệnh nhân giãn phế quản nhập viện đã giảm từ 48/1000 người nhập viện xuống còn10/1000 người nhập viện .

Tại bệnh viện nhi Boston, số trẻ em mới mắc bệnh giãn phế quản liên quan tới nhiễm khuẩn đã giảm từ 47 ca (trong các năm 1946-1950) xuống còn 2 ca (trong các năm 1956-1960). Tại Bệnh viện đa khoa Massachuset số bệnh nhân giãn phế quản/1000 người nhập viện đã giảm từ 45 trong năm 1947 xuống còn 9 trong năm 1984 .

1.3. Nguyên nhân và bệnh sinh

– Nguyên nhân bẩm sinh: giãn phế quản bẩm sinh ít gặp do phổi ngoại vi phát triển kém dẫn đến các phế quản bị giãn .

  •  Hội chứng Kartagener : bao gồm các bệnh phối hợp với nhau đó là giãn phế quản lan toả + polip mũi + viêm xoang + đảo lộn phủ tạng. Người ta coi là một phân nhóm của hội chứng rối loại vận động nhung mao nguyên phát (PCDS: PrimaryCiliary Dyskinesia Syndroms); trong hội chứng này có bất thường về cả cấu trúc và chức năng của nội bào nhung mao, rối loạn thanh thải chất nhầy do đó dẫn đến nhiễm khuẩn phế quản tái diễn và giãn phế quản. Ngoài ra bệnh nhân có thể viêm mũi mạn tính, viêm tai giữa, vô sinh (nam), bất thường về giác mạc, đau đầu và khứu giác kém .
  •   Hội chứng Mounier-Kuhn: là hội chứng bao gồm giãn phế quản + viêm xương sàng : phế quản bị phì đại, đường kính có thể rộng gấp 2 lần bình thường. Trong hội chứng này khí phế quản bị phì đại do khuyết tật cấu trúc của tổ chức liên kết ở thành phế quản làm cho giãn phế quản
  •  Hội chứng Williams-Campbell: do khuyết tật ở cấu trúc sụn phế quản làm cho phế quản phình ra khi thở vào, xẹp xuống khi thở ra .
  •  Hội chứng móng tay vàng (yellow nail syndrome): do giảm sản bẩm sinh hệ thống bạch huyết. Bệnh nhân có các biểu hiện móng tay dày, cong, vàng nhạt; có phù bạch huyết nguyên phát và giãn phế quản .

– Nguyên nhân mắc phải:

Giãn phế quản hình thành sau quá trình viêm hoại tử phế quản, thường do nhiễm khuẩn phổi hoặc phế quản tái diễn ví dụ : bệnh sởi , ho gà, cúm … nhất là ở trẻ nhỏ bị thiếu hụt miễn dịch bẩm sinh (thiếu hụt Gama-Globulin máu). Người tiếp xúc với hơi hoá chất độc hại hoặc hoá chất lọt vào đường thở (hít phải xăng) gây tổn thương mòn, loét phế quản cũng là nguyên nhân gây giãn phế quản . Tác nhân hoá học thường kết hợp với nhiễm khuẩn thứ phát gây viêm hoại tử phế quản. Thành phế quản bị phá huỷ trực tiếp bởi nhiễm khuẩn, hoá chất độc hại,  phản ứng miễn dịch hoặc do bất thường mạch máu phế quản gây cản trở nuôi dưỡng phế quản .

– Giãn phế quản sau chít hẹp phế quản :

Chít hẹp phế quản do u, dị vật , lao hạch chèn ép phế quản làm phế quản dưới chỗ chít hẹp tăng áp lực thường xuyên và dễ bội nhiễm và gây giãn phế quản .

Giãn phế quản do tổn thương xơ xung quanh phế quản gây co kéo hay gặp trong lao xơ hang, lao xơ phổi , áp xe phổi mãn tính ; bệnh phế nang viêm xơ hoá . Sự thay đổi cơ học này do xẹp, do mất thể tích nhu mô phổi, làm tăng co kéo thành đường thở, dẫn đến dễ nhiễm khuẩn thứ phát và giãn phế quản .

  •  Các tác giả còn nói đến giãn phế quản  trong suy giảm miễn dịch bẩm sinh (giảm Gama-Globulin máu) ; suy giảm miễm dịch trong bệnh HIV/AIDS, các suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải đều làm tăng sự mẫn cảm của cơ thể với nhiễm khuẩn hoặc tổn thương hô hấp . Giãn phế quản trong bệnh Aspergillus phổi- phế quản dị ứng ; đây là một kiểu giãn phế quản hiếm gặp xẩy ra ở bệnh nấm phổi phế quản dị ứng. Người ta cho rằng tổn thương thành phế quản là do đáp ứng miễn dịch đối với một protease do nấm tiết ra, phổ biến nhất hiện nay là nấm Aspecgillus fumigatus, nó cho phép các vi sinh vật gây viêm và phá huỷ tiếp theo , gây giãn phế quản .
  •  Nhiều người cho rằng các bệnh tự miễn có thể liên quan tới bệnh giãn phế quản như : viêm khớp dạng thấp, viêm tuyến giáp Hasinomoto và viêm đại tràng loét. Tuy nhiên chưa được chứng minh rõ ràng .
  •   Giãn phế quản do khuyết tật về thanh lọc nhầy rung mao .
  •  Giãn phế quản vô căn (Idiopathic bronchiectsis), chiếm tỷ lệ rất ít không tìm được nguyên nhân .

Như vậy giãn phế quản có thể do bẩm sinh có thể do mắc phải; nhưng giãn phế quản chủ yếu là do mắc phải (thứ phát) sau viêm phổi vi rút, vi khuẩn… bệnh thường phát triển từ khi còn trẻ nhỏ. Quá trình viêm nhiễm khuẩn, nhiễm vi rút đường hô hấp tái diễn khi còn nhỏ, lao phổi mạn tính (xơ hang, xơ phổi) là những nguyên nhân hay gặp của giãn phế quản .

  •  Bình thường vi khuẩn rất khó kết dính vào biểu mô phế quản nhưng khi biểu mô phế quản bị tổn thương do độc tố vi khuẩn thì vi khuẩn lại dễ kết dính vào biểu mô và gây viêm dần dần làm cho thành phế quản bị phá huỷ và bị giãn. Các nội độc tố của vi khuẩn và các protease có nguồn gốc từ các tế bào viêm ở phổi hoặc các mạch máu, các gốc oxy hoá và các phức hợp kháng nguyên kháng thể có thể là trung gian gây tổn thương thành phế quản. Người ta thấy rằng số lượng bạch cầu N hoạt hoá, men Elastase, cathepsin G,… tìm thấy trong dịch rửa phế quản của bệnh nhân và tăng theo mức độ nặng của giãn phế quản. Hơn nữa các kháng protease như a1-Antitrypsin và Antichymotrypsin có thể bị thuỷ phân thành các dạng có trọng lượng phân thử thấp hơn và không thể bảo vệ được chất cơ bản gian bào khỏi sự phá huỷ .
  •  Việc phát hiện các Cytokin tiền viêm như IL 1B, IL 8 và yếu tố hoại tử U-a ( TNF-a ) trong đờm bệnh nhân cũng như sự tác động của các Cytokin với tế bào N, dẫn tới giả thuyết cho rằng sự tác động qua lại đó có thể dẫn đến sự tuyển mộ và hoạt hoá các tế bào viêm, tác động tới sự sống sót của các tế bào viêm đó và điều chỉnh, kéo dài quá trình viêm, và là một đặc diểm quan trọng của bệnh sinh giãn phế quản .
  •  Chất oxyt nitơ cũng tác động tới đáp ứng miễn dịch, tiết huyết tương ở các vị trí viêm và duy trì quá trình viêm ở bệnh giãn phế quản. Người ta thấy rằng oxyt nitơ ở khí thở ra ở người bệnh nhân giãn phế quản tăng hơn ở người bình thường .

1.4. Giải phẫu bệnh lý

  •  Tổn thương cơ bản trong bệnh giãn phế quản là sự phá huỷ cấu trúc cơ sợi chun giãn, sụn của thành phế quản, nghĩa là phá huỷ kết cấu của thành phế quản và thay thế bằng tổ chức xơ .
  •  Vỏ ngoài phế quản phát triển mạnh tuần hoàn động mạch phế quản, lòng của động mạch phế quản tăng lên, nhiều chỗ bị phình giãn ra, đặc biệt là phát triển các chỗ nối động mạch phế quản với động mạch phổi tạo nên các sunt (đoạn dừng VolHayek) . Các chỗ nối này dễ bị vỡ là nguyên nhân gây khái huyết trong giãn phế quản .
  •  Các phế quản không bị giãn thì bị viêm mạn tính lan toả, niêm mạc phế quản bị xâm nhiễm bởi các nang dạng lympho, các tuyến phế quản bị phì đại tăng sinh, tăng tiết, màng đệm dày lên, chỉ số Reid (là tỷ số giữa tuyến và thành phế   quản) tăng, bình thường chỉ số Reid không quá 0,4. Trong trường hợp các tuyến nhầy phế quản tăng sinh và phì đại, chỉ số Reid có thể tăng trên 0,7 .
  • Phổi ở chung quanh các phế quản giãn bị xẹp lại do các tiểu phế quản ngoại vi bị tắc nghẽn, xung quanh các tiểu phế quản bị xơ hoá, phát triển khí thũng phổi xung quanh tổn thương xơ, các thành phế nang dày lên hoặc teo lại, có các tổn thương viêm phổi ở quanh ổ giãn .
  •  Giãn phế quản có thể bị ở một bên phổi hoặc ở cả hai bên, nhưng thường gặp nhất ở thuỳ dưới. Cách phân loại cổ diển như giãn phế quản hình trụ, hình túi… là dựa vào bệnh học và hình ảnh Xquang (chụp phế quản cản quang)  .

1.5. Sinh lý bệnh

 Về mặt bệnh lý, thành các phế quản bị căng giãn, viêm mạn tính, phá huỷ, tăng tiết nhầy và mất nhung mao. Các vùng phế nang (nhu mô phổi) xơ hoá dẫn đến xẹp phổi, mất thể tích… Giãn phế quản thường kết hợp với viêm phế quản mạn tính hoặc khí thũng phổi và xơ phổi.

Phạm vi  tổn thương giãn phế quản và đặc điểm thay đổi bệnh học hô hấp quyết định các rối loại chức năng và huyết động, những rối loạn đó thường bao gồm giảm lưu lượng thở và giảm các thể tích phổi; mất cân bằng tỷ số thông khí dòng máu (VA/QC) và giảm oxy trong máu. Sự thông nhau giữa các động mạch phổi và phế quản có thể xẩy ra giãn các động mạch phổi, chỗ nối thông giữa các tĩnh mạch phổi và phế quản cũng giãn. Kết quả là tăng dòng máu, Shunt phải-trái và giảm oxy máu dẫn đến cao áp động mạch phổi và tâm phế mạn xuất hiện ở giai đoạn cuối của bệnh .

1.6. Phân loại

1.6.1. Phân loại theo lâm sàng

– Giãn phế quản thể khô: thường hay bị ở thuỳ trên; chủ yếu ho khạc ra máu, ít có khạc đờm .

– Giãn phế quản thể ướt: chủ yếu ở thuỳ dưới hoặc lan toả ở hai phổi, bệnh nhân ho khạc đờm nhiều, hay có các đợt bội nhiễm vi khuẩn .

– Giãn phế quản thể hỗn hợp: vừa có ho máu vừa có  khạc nhiều đờm .

1.6.2. Phân loại theo nguyên nhân

– Giãn phế quản bẩm sinh ( nguyên phát ) .

– Giãn phế quản mắc phải ( thứ phát ) .

1.6.3. Phân loại theo giải phẫu

– Giãn phế quản cục bộ: thường là mắc phải, các ổ giãn khu trú, ít khạc đờm hay có khái huyết; lâm sàng lặng lẽ .

– Giãn phế quản lan toả: thường bị bệnh từ lúc trẻ. Bệnh nhân ho khạc đờm nhiều, khó thở, khái huyết tái diễn, suy hô hấp và tâm phế mạn xuất hiện sớm .

1.6.4. Phân loại theo Xquang

– Giãn phế quản hình trụ .

– Giãn phế quản hình túi .

– Giãn phế quản hình tràng hạt .

– Giãn phế quản thể hỗn hợp .

Có tác giả còn đưa ra các thể giãn phế quản: thể xẹp phổi(33,8%); thể áp xe hoá(18,3%); thể giả lao phổi(11,3%); thể viêm phổi mạn tính(7%); thể giả u(5,6%) 

2. Lâm sàng và cận lâm sàng

2.1. Lâm sàng

Triệu chứng lâm sàng của giãn phế quản phụ thuộc vào độ lan rộng, mức độ nặng nhẹ, thời gian mắc bệnh và biến chứng .

Giãn phế quản có thể phát triển ở bất kỳ tuổi nào, nhưng thường bắt đầu ở trẻ nhỏ, nhưng các triệu chứng lâm sàng thì xuất hiện muộn hơn từ sau tuổi trưởng thành đến tuổi già. Các triệu chứng lâm sàng thay đổi nhiều từ bệnh nhân này đến bệnh nhận khác, từ thời gian này đến thời gian khác trong mỗi cá thể, và tùy thuộc vào thể bệnh, mức độ bệnh và biến chứng .

Nhìn chung khởi đầu của bệnh thường rất sớm (trước tuổi 20) hoặc từ tuổi nhỏ. Trong bệnh sử bệnh nhân thường hay có các đợt ho, sốt do nhiễm khuẩn, viêm đường hô hấp trên hoặc ở những bệnh nhân đã mắc lao phổi .

Giãn phế quản thể ướt:

Toàn thân thường có những đợt sốt tái diễn,gầy sút thiếu máu, yếu sức .

Các triệu chứng cơ năng thường gặp và là những triệu chứng cổ điển như: ho, khạc đờm nhiều, số lượng có thể tới 300ml/24giờ, thường khạc vào buổi sáng sớm. Khi có các đợt nhiễm khuẩn thì khạc đờm nhầy mủ, khi khạc đờm mủ thì bệnh nhân sốt tăng. Đờm khạc ra nếu để lắng vào cốc thì thường có 3 lớp theo thứ tự từ trên xuống: bọt – nhầy -mủ .

Hầu hết các bệnh nhân có ho kéo dài và khạc đờm nhiều. Các triệu chứng này thường bắt đầu âm thầm và thường sau nhhiễm trùng hô hấp và có xu hướng nặng dần qua chu kỳ hàng năm .

Ho ra máu là triệu chứng khá phổ biến có thể ho ra máu ít hoặc nhiều (trẻ em ít gặp ho ra máu) .

Giãn phế quản thể khô:

Toàn thân ít khi có sốt, cơ thể ít gày sút. Triệu chứng cơ năng chủ yếu là ho ra máu tái diễn, ít khạc đờm .

Triệu chứng khó thở thường gặp ở giãn phế quản lan toả, nặng ở giai đoạn cuối của bệnh .

– Triệu chứng thực thể:

Ngón tay dùi trống gặp ở 1/3 đến 1/2 số bệnh nhân giãn phế quản, nhưng chủ yếu gặp ở bênh nhân thể lan toả, thể ướt, bị lâu năm .

Nghe phổi có ran ẩm, ran nổ ở một bên phổi hoặc cả hai bên đáy phổi, vị trí nghe khá cố định. ở thể giãn phế quản lan toả cả hai phổi bội nhiễm có thể nghe thấy cả ran rít, ran ngáy nhưng ran ẩm ran nổ vẫn chủ yếu. Khi có ran ẩm ran nổ khu trú thường xuyên ở đáy phổi, trong khi Xquang phổi chuẩn bình thường thì có thể nghĩ tới giãn phế quản .

Có thể khám thấy hội chứng đông đặc co kéo do một thuỳ dưới phổi bị xẹp. Nghe phổi có tiếng rít, bệnh nhân khó thở nhanh nông và các biểu hiện suy giảm chức năng hô hấp và tâm phế mạn có thể gặp ở những bênh nhân già kết hợp với viêm phế quản mạn và khí phế thũng (COPD) .

2.2. Cận lâm sàng

2.2.1 .Xquang

– Xquang chuẩn có giá trị gợi ý chẩn đoán: nếu chụp Xquang phổi chuẩn thẳng nghiêng có thể thấy các hình ảnh: nhánh mạch máu rậm rạp do viêm xung quanh phế quản, hình ảnh tổ ong, các hình tròn sáng nhỏ đường kính từ 1-2 cm có mức nước ngang, khu trú ở đáy phổi; có hình ảnh các đường mờ chạy dọc theo các nhánh phế quản .

Thể tích của thuỳ phổi bị giãn phế quản thường nhỏ lại, thuỳ phổi lành thì giãn ra .

Khi có xẹp phổi thuỳ dưới trái thường thấy một bóng mờ tam giác đồng đều ở cạnh tim hoặc sau tim .

Tóm lại Xquang chuẩn có thể có những hình ảnh sau:

  •  Mạng mạch máu, trục phế quản dày lên và xít lại ở đáy phổi .
  •  Có các ổ tròn sáng từ 1-2 cm đường kính ở đáy phổi kèm theo mức khí-nước (Air- fluid levels ) .
  •  Thuỳ phổi có ổ giãn nhỏ lại .

– Chụp phế quản cản quang:

Qua ống thông hoặc qua nội soi phế quản bơm thuốc cản quang tan trong nước vào trong phế quản và chụp. Đây là biện pháp chẩn đoán xác định giãn phế quản. Chụp phế quản cản quang giúp chẩn đoán thể giãn phế quản và độ lan rộng của giãn phế quản. Ngày nay chẩn đoán xác định giãn phế quản dựa vào chụp cắt lớp vi tính độ phân giải cao(HRCT) nên chụp phế quản cản quang ít được sử dụng

– Chụp cắt lớp vi tính:

Chụp cắt lớp vi tính độ phân giải cao (HRCT) có thể phát hiện ổ giãn phế quản từ trung bình đến nặng .

Chụp HRCT với lớp cắt 1mm có độ nhạy cao để phát hiện và chẩn đoán xác định giãn phế quản. HRCT đánh giá trực tiếp phế quản bị giãn, đánh giá được thành phế quản và nhu mô phổi chung quanh. HRCT đã thay thê vai trò của chụp phế quản cản quang trong chẩn đoán giãn phế quản .

Các triệu chứng của giãn phế quản trên phim chụp HRCT:

– Các đường thở bị giãn, thành dày tạo thành các đương mờ song song (hình ảnh đường ray)  .

– Các hình mờ vòng nhẫn có đường kính lòng lớn hơn 1,5 lần đường kính các mạch máu đi cùng .

– Hình ảnh phế quản giãn chứa hơi tạo thành các ổ sáng tập trung giống hình tổ ong .

– Hình ảnh phế quản chứa dịch tạo thành các giả mờ , hình mức khí-nước đường kính không quá 2cm .

-Thấy được hình phế quản ở ngoại vi của phổi trong khoảng 1cm tính từ màng phổi thành vào .

2.2.2 .Các xét nghiệm khác

– Soi phế quản: được chỉ định để tìm nguyên nhân chít hẹp do u, dị vật; hoặc phát hiện vị  trí ho ra máu và điều trị cầm máu .

– Xét nghiệm máu: trong các đợt nhiễm khuẩn bạch cầu thường tăng, N tăng, công thức bạch cầu chuyển trái, tốc độ lắng máu tăng .

– Xét nghiệm chức năng hô hấp: có rối loạn thông khí tắc nghẽn hoặc hỗn hợp .

– Xét nghiệm vi khuẩn đờm hoặc dịch rửa phế quản phế nang có thể thấy vi        khuẩn  (+)  .

3. Tiến triển và biến chứng

3.1 Tiến triển

Bệnh tiến triển mạn tính với các đợt bùng phát nhiễm khuẩn xen kẽ các đợt ổn định, bệnh tiến triển nặng dần không hồi phục . Nếu không điều trị hoặc điều trị không tốt bệnh nặng lên nhanh chóng dẫn đến tâm phế mạn .

3.2 Biến chứng

– Mưng mủ phổi: dịch mủ ứ đọng ở ổ giãn gây viêm phổi hoặc áp xe hoá .

– Ho ra máu giai dẳng hoặc ho ra máu nặng đe doạ tính mạng, đặc biệt là ở cơ thể suy mòn gầy yếu .

– Suy hô hấp, suy tim phải, thoái hoá dạng tinh bột ở gan thận .

4. Chẩn đoán

4.1. Chẩn đoán định hướng

Dựa vào lâm sàng và Xquang:

– Lâm sàng: bệnh sử có ho sốt khạc đờm nhiều, đờm nhầy mủ, đờm ba lớp; dấu hiệu ngón tay dùi trống; ho ra máu tái diễn trong khi chụp Xquang phổi không thấy tổn thương nhu mô phổi,  xét nghiệm đờm nhiều lần AFB âm tính;  nghe phổi có ran ẩm, ran nổ cố định ở một hoặc hai đáy phổi .

– Xquang phổi chuẩn: các hình ảnh gợi ý chẩn đoán như: các ổ tròn sáng ở đáy phổi có  mức khí nước; các mạch máu, trục phế quản dày lên và xít lại ở đáy phổi; thuỳ phổi nhỏ lại, có thể xẹp phổi .

4.2 Chẩn đoán xác định

Dựa vào chụp phế quản cảm quang, chụp cắt lớp vi tính độ phân giải cao .

4.3 Chẩn đoán phân biệt

Đặt ra với các trường hợp sau:

– Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính .

– Lao phổi đặc biệt là lao phổi có hang nhỏ ở thuỳ dưới .

– áp xe phổi mạn tính .

– Nấm phổi .

– Nên tìm những bệnh kết hợp, đặc biệt như xơ hoá kén, suy giảm miễn dịch và những bất thường bẩm sinh khác như thiếu hụt globulin miến dịch (Ig) và có thể xác định bằng đinh lượng IgG .

– Nếu điện di huyết thanh thấy mức độ ó glogulin thấp thì nên định lượng IgA, IgG và IgM. Do vậy ở những bệnh nhân giãn phế quản chưa rõ nguyên nhân nên được định lượng những lớp IgG .

– Thiều hụt a1 Antitrypsin (a1-antiprotease inhibitor) cũng thường kết hợp với giãn phế quản. Có thể nghĩ đến thiếu hụt a1Antitrypsin khi  a1 glogulin thấp và xác định bằng điện di miễn dịch .

5. Điều trị và dự phòng

5.1 Dự phòng

– Phát hiện sớm những bệnh thường kết hợp với giãn phế quản có thể cho phép điều trị sớm hơn và ngăn chặn được sự phát triển của bệnh hoặc giảm được mức độ nặng của bệnh .

– Tăng cường miễn dịch ở trẻ nhỏ chống lại bệnh sởi, ho gà và nhiễm vi rút đường hô hấp .

– Điều trị tốt nhiễm khuẩn phế quản cho trẻ nhỏ và  cúm, sởi, ho gà, cải thiện điều kiện sống và dinh dưỡng sẽ giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong của giãn phế quản .

– Sử dụng rộng rãi vacxin cúm, sởi, vacxin đa giá .

– Phát hiện sớm và loại bỏ các dị vật đường thở và những tắc nghẽn phế quản, điều trị tích cực các nhiễm trùng hô hấp sẽ đề phòng được giãn phế quản .

– Điều trị triệt để các bệnh viêm xoang, viêm họng, viêm amidal, vì từ những ổ nhiễm khuẩn này vi khuẩn dễ xâm nhập xuống đường hô hấp dưới và gây viêm phế quản .

– Điều trị triệt để lao phổi như lao sơ nhiễm, lao thâm nhiễm, lao phế quản .

– Điều trị tốt áp xe phổi .

5.2 Điều trị nội khoa

– Mục đích là chống nhiễm trùng, chống tăng tiết, tắc nghẽn đường thở và các biến chứng như khái huyết, giảm oxy máu, suy hô hấp, tâm phế mạn .

– Dẫn lưu đờm theo tư thế thích hợp, kết hợp vỗ rung để đờm khạc ra dễ dàng .

– Có thể dùng thuốc làm loãng đờm trong trường hợp khó khạc. Ví dụ cho uống natribengoat, mucomyst, phun mù a-chymotripsin, nước muối ấm…

– Dùng kháng sinh: điều trị tích cực các đợt bội nhiễm, điều trị kháng sinh cho đến khi hết sốt hết khạc đờm mủ .

– Tốt nhất là dùng kháng sinh mạnh, phổ rộng và phối hợp hai loại kháng sinh .

– Điều trị các triệu chứng khác như ho, sốt, điều tri suy hô hấp, suy tim nếu có .

– Điều trị cầm máu bằng các thuốc gây co mạch như glandutrin, hypantin, transamin .

– Truyền máu tươi cùng nhóm những trường hợp ho ra máu nặng .

5.3 Điều trị can thiệp mạch

Nếu ho ra máu tái diễn, ho ra máu nặng ở những bệnh nhân giãn phế quản lan toả có thể điều trị cầm máu bằng gây bít tắc động mạch phế quản. Người ta gây tắc phần thân và các nhánh phân chia của động mạch phế quản bệnh lý bằng cách bơm Spongel và hạt Contour (trộn trong thuốc cản quang pha loãng) qua ống thông chụp mạch vào làm tắc lòng động mạch nhằm loại bỏ các nhánh mạch liên quan tới vùng chảy máu, để lại cuống mạch (> 3cm) để chụp kiểm tra và tiến hành lại lần sau nếu tái phát ho ra máu 

5.4  Điều trị ngoại khoa

Được đặt ra khi giãn phế quản khu trú có ho ra máu nặng đe doạ đến tính mạng bệnh nhận, hoặc ho ra máu giai dẳng ảnh hưởng đến sức khoẻ và lao động .

Phẫu thuật cắt bỏ phân thuỳ phổi hoặc thuỳ phổi bị giãn phế quản là phương pháp điều trị hữu hiệu nhất .

Nguồn: Bệnh viện 103

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ
Video có thể bạn quan tâm
GẶP BÁC SĨ QUEN CỦA CON, BỐ THOÁT U XƠ THANH QUẢN, TÌM LẠI "GIỌNG CA VÀNG" GẶP BÁC SĨ QUEN CỦA CON, BỐ THOÁT U XƠ THANH QUẢN, TÌM LẠI "GIỌNG CA VÀNG" 01:08
GẶP BÁC SĨ QUEN CỦA CON, BỐ THOÁT U XƠ THANH QUẢN, TÌM LẠI "GIỌNG CA VÀNG"
 Đó là trường hợp của anh Bùi Ngọc Hòa - 37 tuổi - Hà Nội. Bệnh lý U xơ dây thanh quản từng khiến giọng anh Hòa rất ồm, ngày càng khó nghe. Từ...
 3 năm trước
 440 Lượt xem
Bệnh viêm phổi ở người cao tuổi nguy hiểm thế nào? Bệnh viêm phổi ở người cao tuổi nguy hiểm thế nào? 01:57
Bệnh viêm phổi ở người cao tuổi nguy hiểm thế nào?
 Hàng năm có khoảng 450 triệu người trên thế giới bị viêm phổi, đây là căn bệnh gây tử vong ở mọi nhóm tuổi với số ca lên đến 4 triệu người,...
 3 năm trước
 658 Lượt xem
Tin liên quan
Các Yếu Tố Giúp Phân Biệt Viêm Phổi Và Viêm Phế Quản?
Các Yếu Tố Giúp Phân Biệt Viêm Phổi Và Viêm Phế Quản?

Triệu chứng của các bệnh về đường hô hấp thường có tính tương đồng, điều này gây khó khăn và trở ngại trong quá trình chẩn đoán và điều trị.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây