1

Chẩn đoán xquang tiết niệu - bệnh viện 103

1.Các phương pháp chụp X quang hệ tiết niệu:

1.1. Chụp tiết niệu không chuẩn bị ( chụp thận thường).

– Yêu cầu:

  • Thụt tháo sạch 2 lần trước khi chụp.
  • Không uống các loại thuốc có tính chất cản quang: Bismuth, viên đạm, không uống thuốc cản quang đường tiêu hoá 3 ngày trước khi chụp.

1.2. Chụp thận thuốc tĩnh mạch (chụp UIV – Urographie intra veineuse).

–  Yêu cầu:

  • Thụt tháo kỹ trước khi chụp.
  • Thử phản ứng thuốc cản quang loại Iode tan trong nước.
  • Nồng độ ure máu dưới 10mmol/l.

– Thuốc dùng: là loại thuốc cản quang Iode tan trong nước có đặc tính bài tiết chọn lọc ra đường tiết niệu như: Ultravist, Telebrix 350…

–  Mục đích:

  • Đánh giá chức năng bài tiết của thận
  • Đánh giá những biến đổi hình thể đài-bể thận
  • Xác định vị trí sỏi cản quang.
  • Phát hiện sỏi không cản quang.
  • Đánh giá tình trạng lưu thông đường tiết niệu

–  Kỹ thuật:

  • Tiêm chậm vào tĩnh mạch 20 ml thuốc cản quang Iode tan trong nước.
  • Sau khi tiêm thuốc cản quang vào tĩnh mạch, dùng quả nén cao su ép vào vùng bụng, tương ứng vị trí niệu quản hai bên để giữ thuốc lại trên đài-bể thận. Chụp các phim ở phút thứ 15, 30 nếu đài-bể thận ngấm đầy thuốc cản quang thì thả nén và chụp một phim toàn thể để xem lưu thông của đài-bể thận, niệu quản xuống bàng quang.

–  Chống chỉ định:

  • Dị ứng với Iode.
  • Huyết áp cao.
  • Sốt cao.
  • Urê máu cao trên 10 mmol/l.
  • Suy thận, suy tim và suy gan mất bù.

1.3. Chụp niệu quản-bể thận ngược dòng (Chụp UPR-Urétéro pyélographie rétrograde).

– Mục đích:

  • Phát hiện các hẹp, tắc niệu quản do sỏi hoặc các nguyên nhân khác.
  • Nhận diện hình thể đài-bể thận, niệu quản trong trường hợp chụp thận thuốc tĩnh mạch không ngấm.

– Phương pháp:

Đưa sonde ngược dòng từ niệu đạo vào bàng quang qua ống soi bàng quang để vào niệu quản sau đó bơm thuốc cản quang hoặc khí trời đã tiệt khuẩn qua sonde. Nếu bệnh nhân có viêm bàng quang hay niệu đạo thì không nên làm kỹ thuật này vì dễ gây viêm bể thận ngược dòng.

1.4. Chụp thận thuốc tĩnh mạch liều cao.

–  Chỉ định:

  • Sỏi thận hai bên mà chụp UIV thận không bài tiết.
  • Urê máu cao trên 10 mmol/l.
  • Chấn thương thận nghi có dập vỡ thận .

– Kỹ thuật:

Có thể sử dụng khoảng 40 – 50 ml thuốc cản quang cho một bệnh nhân (được tính theo liều tối đa là 1m1 thuốc cản quang trên 1kg thể trọng). Lượng cản quang này được hoà với 100 – 150 ml huyết thanh ngọt đẳng trương và truyền vào tĩnh mạch với tốc độ nhanh trong 10 – 15 phút, sau đó chụp phim ở các phút 15,, 45, 60, cho đến khi thuốc ngấm ra đài-bể thận thì kết thúc.

1.5. Chụp bàng quang bơm khí.

Đưa sonde từ niệu đạo vào bàng quang, sau đó bơm một lượng khí trời đã tiệt khuẩn, thường khoảng 200 – 300 ml vào bàng quang và chụp phim. Chụp phim bàng quang bơm khí rất có giá trị chẩn đoán u tiền liệt tuyến, u bàng quang.

1.6. Chụp niệu đạo ngược dòng.

Thuốc cản quang được bơm ngược dòng vào niệu đạo. Mục đích là để phát hiện hình ảnh dập, vỡ hoặc hẹp tắc niệu đạo.

1.7. Chụp động mạch thận.

– Chỉ định:

  • Chẩn đoán hẹp, tắc động mạch thận.
  • Chẩn đoán biến đổi của động mạch thận trong u thận, thận đa nang.
  • Trong chấn thương thận
  • Đánh giá động mạch thận của người cho trước khi ghép và khả năng phục hồi của thận ghép.

–  Kỹ thuật:

 Phương pháp Seldinger: Đưa catheter qua động mạch bẹn vào động mạch chủ bụng để chụp động mạch thận chọn lọc hoặc chụp động mạch chủ bụng để hiện hình động mạch thận cả hai bên.   

1.8. Chụp cắt lớp vi tính (CT. scanner).

–  Chỉ định:

  • Các u ở thận và u sau phúc mạc như: ung thư thận, u tuyến thượng thận, kén thận.
  • Chấn thương thận.
  • Lao thận.
  • Áp xe thận.
  • U bàng quang.

– Kỹ thuật:

  • Tiến hành như chụp cắt lớp ổ bụng thông thường với độ dày mỗi lớp 10mm.
  • Chụp cắt lớp có tiêm cản quang tĩnh mạch để đánh giá tình trạng ngấm cản quang ở nhu mô thận và đường tiết niệu.

2.  Hình ảnh X quang thận bình thường.

2.1. Trên phim chụp tiết niệu không chuẩn bị:

Có thể thấy được bóng thận nằm hai bên cột sống từ  DXII – LIII, rốn thận tương ứng LII , sát bờ ngoài cơ thắt lưng chậu, bóng thận trái cao hơn thận bên phải khoảng 1 đến 2cm. Thông thường chỉ thấy rõ được bờ dưới thận.

2.2. Trên phim chụp thận thuốc tĩnh mạch (UIV):

2.2.1. Chức năng bình thường:

ở người bình thường, chụp thận thuốc  tĩnh mạch cho thấy các đài – bể thận hiện hình đầy đủ vào phút thứ 30 sau khi tiêm thuốc   cản quang.

2.2.2. Hình thể bình thường:

  • Có ba nhóm đài lớn (trên, giữa và dưới), mỗi nhóm đài có từ 3 đến 6 đài con hình tam giác, đỉnh hướng rốn thận. Nếu hướng đài trùng với hướng chùm tia chụp, sẽ tạo nên  trên phim hình cản quang tròn.
  • Các đài lớn đổ vào bể thận. Bể thận có hình tam giác, đỉnh hướng xuống dưới. Niệu quản chạy dọc hai bên cột sống, đường kính ngang rộng từ 3 – 5mm,  có chỗ bị đứt đoạn do nhu động, khi xuống đến tiểu khung thì rẽ vào trong để đổ vào  bàng quang.

3. Hình ảnh bệnh lý của hệ thống tiết niệu.

3.1. Sỏi đường tiết niệu

3.1.1. Sỏi cản quang

  • Trên phim chụp thận không chuẩn bị, nếu sỏi cản quang thuộc loại phosphat hay oxalat canxi dễ thấy. Sỏi nhỏ nằm trong đường tiết niệu có thể thay đổi vị trí theo tư thế bệnh nhân. Đặc biệt là sỏi nhỏ của niệu quản. Sỏi bàng quang thường tròn hoặc bầu dục có nhiều vòng đồng tâm.
  • Sỏi niệu đạo thường nằm ở giữa xương mu vì vậy phim chụp tiết niệu không được thiếu hụt vùng này.
  • Nếu sỏi nhỏ cản quang kém đôi khi phát hiện được trên siêu âm  mà không thấy được trên phim chụp X quang. Một số trường hợp sỏi niệu quản bị chồng lên hình các mấu ngang cột sống hoặc khối xương cùng cụt, khi đọc phim rất dễ bỏ sót. Phim chụp thận có nén sẽ cho thấy hình sỏi rõ hơn vì có sự dịch chuyển  (phân biệt với hình các đảo xương là nằm cố định).
  • Sỏi niệu quản có thể bị di chuyển qua cột sống để sang bên đối diện do thận ứ nước giãn to đè đẩy.
  • Cần phân biệt sỏi niệu quản với các hình cản quang ngoài đường tiết niệu như sỏi mật, sỏi tuỵ, vôi hoá hạch mạc treo…, bằng cách chụp thêm phim nghiêng hoặc kiểm tra bằng siêu âm

3.1.2. Sỏi không cản quang:

Thuộc loại xantin và muối của axít uric, chỉ có thể phát hiện được trên phim chụp UIV, UPR hoặc siêu âm. Sỏi không cản quang trên phim chụp UIV hoặc UPR thể hiện thành hình khuyết thuốc cản quang tròn hay bầu dục dạng “trôn chén” nằm trong bóng mờ của “ cây tiết niệu”.

3.2. U sau phúc mạc và u thận:

3.2.1. U sau phúc mạc:

Có thể phát hiện ngay những dấu hiệu của u sau phúc mạc trên phim chụp thận không chuẩn bị nếu có các loại hình cản quang như vôi hoá, hình răng, xương… Nếu  không có những hình cản quang này thì cần chụp UIV kết hợp với bơm khí sau phúc mạc hay chụp CLVT để phát hiện.

3.2.2. U thận:

Có hai nhóm lớn: nhóm u nhục thận và nhóm u đường tiết niệu (đài-bể thận, niệu quản và bàng quang).

Trên phim thận thường:

Có thể thấy được bóng thận to, gồ ghề.

Phim chụp có sử dụng chất cản quang:

Phim chụp UIV hoặc chụp UPR rất cần thiết để phát hiện các dấu hiệu chèn ép các hốc thận. Hình lệch hướng các đài thận

  • Hình cắt cụt các đài: một hoặc nhiều đài có thể biến mất một phần hay toàn bộ.
  • Hình kéo dài: đài thận có thể bị lệch hướng không phải do chèn ép mà bị kéo dài. Một khối u to ở thận phát triển gây co kéo một hay nhiều đài.
  • Hình giãn đài thận: có thể có một đài thận bị chèn ép không hẹp lại mà giãn ra như cánh hoa.
  • Niệu quản hoặc đài-bể thận có thể bị chèn ép bởi một u ở đường tiết niệu, làm cho chức năng bài tiết của thận và lưu thông đường tiết niệu bị đình trệ giống như trường hợp sỏi tiết niệu.

Trên phim chụp động mạch thận, các u nhục thận thường có hình ảnh tăng sinh các mạch máu.

3.3. Dị dạng thận:

3.3.1. Về số lượng:

  • Thiếu thận: Chỉ có thận một bên, bên thận còn lại thường phì đại do bù trừ, cần phân biệt với  thận câm do sỏi niệu quản.
  • Có thêm thận phụ: Thận phụ thường bé hơn và ở vị trí không bình thường. Việc chẩn đoán phải dựa vào phương pháp chụp UIV. Phần nhiều thận thừa thuộc loại kép, dính vào nhau nhưng có cuống riêng biệt và một niệu quản đổ vào bàng quang bên cạnh lỗ niệu quản của thận chính hoặc nhập ngay vào niệu quản của thận đó ở phía trên cao.
  • Thận kép: Có thể hai bên đều có thận kép. Phần nhu mô của thận kép nằm  chung nhau.

3.3.2. Dị dạng về hình thể:

Thận hình móng ngựa: Cực dưới thận hai bên dính vào nhau thành hình chữ V giống như đế của móng chân ngựa do trục của hai bên thận chếch vào trong và xuống dưới. ở đây, các đài thận có hướng ngược với thận bình thường.

 Bể thận và niệu quản hai bên ở xa  cột sống hơn bình thường. Có thể nghi nghờ có thận hình móng ngựa khi thấy cực trên của hai thận ở thấp và cực dưới hai bên không rõ. Chẩn đoán dựa vào phim chụp UIV.

3.3.3. Dị dạng về vị trí:

Thận lạc chỗ: Một bên hoặc cả hai bên thận nằm thấp ở hố chậu.

Thận lạc chỗ khác với thận sa là thận sa ít khi xảy ra ở cả hai bên và thường di động. Thận sa thường biến dạng, rốn thận hướng ra phía trước và có nhiều dị dạng khác về mạch máu.

Đa số thận sa bị ứ nước do niệu quản bi gập. Nhiều trường hợp chẩn đoán nhầm thận sa với u trong ổ bụng. Chẩn đoán xác định có thể dựa vào phim chụp UIV.

3.3.4. Dị dạng về mạch máu:

Dị dạng về mạch máu gặp rất nhiều và quan trọng, như có nhiều nhánh ĐM thận cùng xuất phát từ động mạch chủ.

3.4. Niệu quản:

  • Niệu quản cũng có nhiều bất thường về vị trí, hình thể và về số lượng.
  • Trên phim chụp X quang tiết niệu với thuốc cản quang, người ta có thể thấy một bên thận có hai niệu quản riêng biệt hoặc niệu quản đôi, chập vào nhau ở sát bàng quang.
  • Túi thừa niệu quản cũng có gặp nhưng hiếm.

Nguồn: bệnh viện 103

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ
Video có thể bạn quan tâm

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây