1

Chẩn đoán Xquang sọ mặt - bệnh viện 103

1. Đại cương

Vùng sọ mặt có nhiều xương có kích thước giống nhau, hình dạng rất đa dạng được gắn kết với nhau bằng các khớp bất động là chủ yếu. Chỉ có xương hàm dưới là xương vận động duy nhất ở vùng hàm mặt nhờ có khớp thái dương – hàm. Các xương tầng giữa mặt được sắp xếp thành nhiều tầng lớp, giữa chúng lại có các xoang hốc tự nhiên nên khi chụp Xquang quy ước hình ảnh bị chồng lên nhau rất khó chẩn đoán.

Gẫy xương vùng hàm mặt cũng như bệnh lý ở vùng này rất đa dạng phức tạp. Muốn chẩn đoán Xquang trước hết phải căn cứ vào lâm sàng. Trên cơ sở kết quả khám lâm sàng sẽ định hướng chẩn đoán và chỉ định các thế chụp cho thích hợp.

Khi đọc kết quả X quang sọ mặt cần phải thường xuyên so sánh với bên lành để phát hiện những thay đổi và những tổn thương bất thường. Cần kết hợp các thế chụp thích hợp để có thể phát hiện tổn thương tương đối đầy đủ, tránh bỏ sót tổn thương.

Ngày nay các kỹ thuật chụp Xquang sọ mặt hiện đại ở nước ta đã bắt đầu sử dụng tương đối rộng rãi ở một số cơ sở điều trị. Tận dụng những kỹ thuật này để chẩn đoán chính xác tổn thương và có kế hoạch và biện pháp điều trị hiệu quả là hết sức cần thiết.

Kỹ thuật chụp Xquang xương sọ rất phức tạp. Nhiều bệnh ở vùng các xoang mặt, ở hốc mắt, ở tai, thậm chí ở trong sọ, đòi hỏi những tư thế đặc biệt cho từng bộ phận. Trước khi chụp các thế khác nhau cần phải chụp trước hình sọ toàn bộ thật cân xứng để làm mốc so sánh. Muốn chụp sọ mặt đúng kỹ thuật cần chú ý đến một số điểm mốc và một số mặt phẳng ở sọ và ở mặt để xác định kỹ thuật chụp đúng theo từng thế chụp.

2. Chụp toàn bộ

2.1. Chụp thẳng mặt.

– Tư thế: có hai tư thế:

  • Tư thế sau trước: bệnh nhân nằm sấp, mặt áp vào phim sao cho trán và đầu mũi sát vào giữa phim. Tia trung tâm vuông góc với phim đi qua điểm giữa trên ụ chẩm ngoài khoảng 2 – 4cm và chiếu vào điểm giữa trên đường sống mũi (Hình 1A).
  • Tư thế trước sau: bệnh nhân nằm ngửa cằm, xương chẩm sát phim. Tia trung tâm đi vào đi vào điểm giữa hai mắt và chiếu vào ụ chẩm (Hình.1B).

– Tiêu chuẩn kỹ thuật: 75KV-65mAS; 1 m + có lọc.

– Kết quả: trên phim sẽ thấy bóng tháp xương đá chồng lên hốc mắt và hình các xoang hàm và xương hàm trên và xương hàm dưới.

2.2. Chụp sọ nghiêng (nghiêng mặt) 

– Tư thế:

  •  Bệnh nhân nằm sấp, một bên mặt áp vào phim đầu phải thật nghiêng. Có hai đường thẳng cần chú ý: đường thẳng đứng qua hai mắt bệnh nhân và thẳng góc với mặt bàn. Đường thẳng ngang đi qua dọc sống mũi xuống cằm song song với phim (Hình 2A).
  •  Nằm nghiêng: cần kê cao đầu bệnh nhân và cùng kiểm tra hai đường thẳng như trên (Hình 2B).

– Tiêu chuẩn kỹ thuật: 70KV; 60mAS; 1 mét.

– Kết quả: Hai hốc mắt, hai lồi cầu xương hàm dưới của hai bên chồng khít lên nhau, hố yên phải thật rõ, còn thấy xương mũi và bờ khuyết lê.

3.Tư thế Hirtz: chiếu từ cằm – đỉnh sọ tới phim

3.1. Tư thế bệnh nhân nằm ngửa:

Đầu ngả tối đa ra phía sau. Tia trung tâm chiếu vào giữa đường lối hai góc hàm đi đến giữa đỉnh đầu vuông góc với phim. Có thể chụp ở tư thế ngồi có kê lưng hoặc có đỡ đầu. Hướng tia trung tâm cũng đi theo hướng như trong tư thế nằm (Hình 3).

– Tiêu chuẩn kỹ thuật: 70kv; 60 mAS; 1mét.

– Kết quả: hình các răng cửa chồng lên xương trán.

Trên phim sẽ thấy toàn bộ nền sọ, các xoang sàng, xoang bướm, xoang hàm, xương đa, xương gò má – cung tiếp.

3.2. Tư thế bệnh nhân nằm sấp: 

Đầu ngửa tối đa, cổ thẳng, cằm sát phim. Mặt phẳng của sọ thẳng và vuông góc với phim. Tia trung tâm chiếu thẳng vào 1/3 sau đường nối gốc mũi với đỉnh sọ và hướng vào đường nối góc hàm (Hình 4).

Tư thế ngồi đầu bàn, tia trung tâm từ đỉnh đến giữa đường nối 2 góc hàm.

– Kết quả: ngoài nền sọ, tư thế Hirtz còn cho thấy các khoang của sọ (xoang hàm), các đốt sống cổ 1- 2 có thể thấy các vết gẫy hoặc sập của gò má và cung tiếp.

4. Chụp các xoang

Hố mắt, gò má, các xoang trán, xoang hàm ở phần trước sọ, nên các kỹ thuật chụp đều dùng tia từ sau ra trước, mặt áp vào phim. Phương pháp dùng tia từ trước ra sau chỉ áp dụng khi bệnh nhân bị chấn thương vào mặt. Các tư thế Blonđeau, vvater đều đưa hình của xương đá xuống phía dưới để thấy được toàn bộ các xoang mặt.

4.1. Tư thế Blondeau

– Tư thế: bệnh nhân nằm sấp, ngực có đệm cao, chỉ để đầu mũi và cằm sát tấm lọc và phim. Tia trung tâm chiếu chếch xuống phía chân, qua điểm trên ụ chẩm khoảng 12-14cm, theo đúng mặt phẳng chính diện, tới lỗ mũi và vào giữa phim.

– Kết quả: nền sọ và xương chẩm có hình ở phía dưới, và các xoang mặt hố mắt sẽ thấy rõ phần trên phim. Ngoài các xoang trán, xoang sàng, xoang hàm, hố mắt còn thấy cung tiếp xương gò má, xương hàm dưới (hình 5).

4.2. Tư thế Waters-Waldron

– Tư thế: bệnh nhân ngồi áp mặt vào tấm lọc và phim, cằm tỳ lên tấm lọc và đầu ngửa ra sau sao cho đầu mũi xa tấm lọc độ 2 cm. Tia trung tâm chiếu từ sau qua miệng và thẳng góc với phim. Tư thế ngồi cho phép chẩn đoán có nước trong các xoang.

Tư thế từ trước ra sau: bệnh nhân nằm ngửa, tia trung tâm đi chếch 30o qua miệng, lỗ tai tới ụ chẩm.

– Kết quả: cả tư thế Blondeau và Waters cho phép chẩn đoán gãy vỡ xương xung quanh hốc mắt, gẫy ngang hốc mũi, sập xương gò má và sập trụ sau hàm trên.

4.3. Chụp hốc mắt – xương gò má (Tư thế Belot – Fraudet)

– Tư thế này còn gọi là thế lướt cung xương gò má. Ở tư thế thẳng và nghiêng, hố mắt, xương gò má hai bên chồng lên nhau lên không rõ.

Ở tư thế Belot – Fraudet, bệnh nhân nằm sấp như khi chụp sọ thẳng. Tia trung tâm thẳng góc với phim, qua hố thái dương bên đau, qua giữa mắt (Hình 6)

– Kết quả: cho phép xác định rõ những tổn thương, gẫy sập cung tiếp và xương gò má.

5. Chụp xương đá xương chũm

Các tư thế chụp sọ cho thấy được đầy đủ chi tiết. Muốn thấy đầy đủ chi tiết, nhiều tác giả đã phải dùng các tư thế riêng cho từng vùng.

5.1. Tư thế Schuller.

Tư thế Schuller còn có tên là tư thế thái dương – nhĩ tai, dùng để chẩn đoán X quang vùng thái dương.

– Tư thế bệnh nhân: bệnh nhân nằm ngửa, chếch về phía cần chụp. Vai bên đối diệndwợc kê cao (Hình 7). Đầu hơi cúi, lỗ tai ở giữa phim, nên gấp vùng tai để thấy rõ vùng chẩm và bảo bệnh nhân há miệng để lồi cầu hạ thấp làm lộ rõ đỉnh xương đá.

– Hướng tia: bóng X quang ở trên, tia trung tâm nằm trong mặt phẳng qua lỗ tai. Tia X chiếu vào điểm cách lỗ tai bên đối diện 7 cm, chếch xuống phía chân 25-30o và đi đến lỗ tai bên cần chụp.

– Kết quả: trung tâm của hình trên phim có một vết tròn sáng, đó là lỗ ống tai ngoài. Phía sau có hình tổ ong sáng của các tế bào chũm. Lồi cầu hàm dưới ở phía trước lỗ tai và chồng lên hình của xương đá nếu bệnh nhân há miệng (Hình 8)

5.2. Tư thế Stenvers

Bệnh nhân nằm sấp, mặt áp vào phim bằng gờ hốc mắt, gò má và mũi phía bên cần chụp. Mặt phẳng chính diện thành một góc 45o với mặt bàn.

– Hướng tia X: bóng Xquang chiếu từ gáy, tia trung tâm thẳng góc với trục lớn của xương đá, đi từ xương chẩm tới gò má. Điểm tia X vào qua phía dưới u chẩm ngoài và hướng vào giữa đường nối góc ngoài mắt và lỗ tai ngoài (9).

– Kết quả: thấy phía mặt của xương đá, 2/3 xương chũm ở dưới, và phần sau xương chũm

Tư thế Stenvers có chỉ định trong các trường hợp nghi vỡ xương đá, tổn thương ở các ống bán khuyên, ở đỉnh xương đá và ở ống tai.(Hình 10).

6. Chụp xương hàm dưới

Xương hàm dưới có hình móng ngựa nên một fim không thể thấy đầy đủ chi tiết cả ba phần xương hàm dưới vùng cằm, cành ngang (thân) và cành cao có khớp thái dương – hàm.

6.1. Chụp vùng cằm xương hàm dưới.

6.1.1. Chụp thẳng: tư thế chụp sọ thẳng, tia từ sau ra trước cho thấy được hai nửa xương hàm dưới (phải và trái) nhưng vùng cằm lại bị cột sống che lấp nên cần đưa bóng Xquang nhẹ qua một bên (Hình 11A).

6.1.2. Chụp chếch từ trên xuống: bệnh nhân ngồi phía đầu bàn, tỳ cằm lên phim đặt trước ở mép bàn mặt bệnh nhân ngẩng cao để đưa cằm ra trước.

Bóng Xquang chiếu từ trên xuống, chếch chừng 35-40o và hướng vào vùng cằm bờ trên xương hàm dưới (Hình 11B).

6.2. Chụp cành ngang (thân) (chụp hàm chếch): chụp cành ngang hàm dưới thường được gọi là tư thế hàm chếch. Do trên phim chụp sọ nghiêng hình cành ngang hai bên chồng lên nhau nên phải cho tia X chiếu từ dưới hàm lên để cho bóng của cành ngang bên không cần chụp chuyển lên cao.

6.2.1. Tư thế nằm sấp: mặt bên bệnh nhân chếch, vai bên đối diện kê cao (Hình 12A). Mặt phẳng chính diện song song với phim đặt áp bàn. Tia trung tâm chếch 28-30o so với đường thẳng đứng, chiếu vào cạnh cổ sừng xương móng dưới góc hàm khoảng 5cm. Cần đưa bóng gần xương hàm dưới 50cm để hình cành ngang bên không cần chụp chuyển lên cao.

6.2.2. Tư thế nằm nghiêng Phim chếch, tia X thẳng đứng. Vai trên đưa nhẹ ra sau. Phim để áp má bệnh nhân và chếch 25o so với mặt bàn. Mặt phẳng chính diện song song với phim. Bệnh nhân đưa cằm ra trước để tách góc hàm ra ngoài. Tia trung tâm thẳng đứng, chiếu vào vùng dưới hàm, giữa đường lối liền cằm với sụn giáp.

6.2.3. Tư thế nằm ngửa:

Đầu kê cao cát-xét dựng đứng áp và má và tai bên cần chụp. Tia trung tâm chiếu ngang vào giữa bờ dưới của xương hàm và chếch 30o về phía đầu. Nếu muốn lấy cả lồi cầu xương hàm dưới thì khu trú như vậy tia X chếch khoảng 45o (Hình 13A).

6.2.4. Tư thế ngồi 

Bệnh nhân ngồi cạnh bóng Xquang, đầu nghiêng 35-45o về phía cần chụp. Tay bệnh nhân giữ phim sát vào má, cằm bệnh nhân đưa ra trước để tách góc xương hàm. Tia trung tâm chiếu ngang vào điểm dưới cành ngang hàm dưới bên không cần chụp khoảng 3 cm.

Khớp thái dương – hàm gồm có: lồi cầu xương hàm dưới, ổ khớp và lồi cầu xương thái dương, giữa khớp có đĩa sụn khớp.

Khi há miệng, lồi cầu xương hàm dưới trượt ra phía trước rời ổ khớp và chạm vào lồi cầu thái dương. Do lồi cầu trượt ra trước và xuống dưới nên một số kỹ thuật dùng tư thế bệnh nhân há miệng để hình được rõ hơn.

6.3. Tư thế nghiêng qua hõm Sigma (phương pháp Lacronique)

Bệnh nhân áp má vào phim, mặt phẳng thật chính diện thật song song với phim. Tia X khu trú vào điểm trước lỗ tai ngoài độ hai khoát ngón tay, tia trung tâm chếch 80o với phim và hướng vào hõm sigma bên đối diện với phía cần chụp (Hình 14).

Nếu chụp hai phim: bệnh nhân há miệng và không há miệng để dễ so sánh. Trên phim chụp khi bệnh nhân há miệng, lồi cầu xương hàm dưới được thấy rõ trong hõm sigma.

6.4. Tư thế Parma

Tư thế Parma dựa trên nguyên lý hình của vật phía gần bóng bị phóng to và mờ, ngược lại vật càng gần phim càng rõ.

– Tư thế: bệnh nhân ngồi hoặc nằm nghiêng, đầu thật thẳng và áp vào phim. Trong tư thế ngồi, bệnh nhân từ giữ phim cùng phía cần chụp – cũng nên chụp cả phim khi bệnh nhân há miệng.

– Bóng Xquang đã theo loa khu trú và có tấm lọc bảo vệ áp sát vào vùng thái dương – hàm phía đối diện. Điểm khu trú tia X ở 3 – 4cm trước và hơi xuống phía dưới lỗ tai ngoài. Có tác giả cho điểm khu trú tốt nhất ở 1 cm trước cực dưới vành tai (Hình 15).

– Kết quả: tư thế Parma cho phép nhìn rõ hình ảnh cổ lồi cầu hàm dưới.

6.5. Tư thế chụp hố mắt (zimmer)

Trong một số trường hợp có tổn thương xung quanh hốc mắt hoặc trong hốc mắt hoặc trong hố mắt nếu chỉ chụp Blondeau hay Waters khó xác định hết tổn thương, cần được bổ xung bằng thế chụp hốc mắt.

– Tư thế: bệnh nhân nằm ngửa, mặt phẳng chính diện và mặt phẳng qua sọ thẳng góc với mặt bàn, miệng há tối đa và được cố định bởi một túi bấc. Cat-xét đặt dưới xương chẩm cần chụp và chếch 20o so với mặt bàn. Tia trung tâm qua gốc trên và trong của hốc mắt đi tới vành tai. Nếu nhìn từ đỉnh đầu bệnh nhân thấy hướng tia X nằm trong một mặt phẳng thẳng góc với phim. Nhìn nghiêng hướng tia sẽ chếch 60o so với mặt bàn.

– Kết quả: tư thế qua hốc mắt cho thấy thành hố mắt, hình lồi cầu xương hàm nằm trong trục hố mắt (Hình 16).

6.6. Chụp cắt lớp thái dương hàm (Tomography)

– Chụp cắt lớp sẽ cho thấy hình khe khớp. Các lớp cắt song song với mặt phẳng chính diện sâu từ 0,5 cm, 1 cm, 1,5 cm, 2 cm (tùy từng người) tính từ ngoài da hoặc từ góc ngoài mắt. Nên chụp ở tư thế há và ngậm miệng.

– Kết quả: chụp cắt lớp thường khớp thái dương – hàm để tìm gẫy lồi cầu xương hàm và thoái hóa khớp thái dương hàm.

7. Chụp xương mũi, vòm miệng, gò má

7.1. Chụp xương mũi.

7.1.1. Chụp nghiêng: chụp như chụp sọ nghiêng, tia trung tâm đi qua sống mũi, tia phải mềm để thấy cả sụn mũi. Có thể dùng phim chụp răng, bệnh nhân tự giữ phim áp vào cánh mũi.

7.1.2. Chụp thẳng theo trục từ trên xuống 

– Tư thế: bệnh nhân nằm sấp hoặc ngồi trên ghế thấp. Cầm ngẩng cao và tỳ lên bao cát đệm hoặc giá đỡ. Phim nhỏ kẹp giữa hai hàm răng. Bóng Xquang khu trú hẹp và chiếu từ trên đầu.

– Kết quả: thấy tổn thương sống mũi và gẫy bờ khuyết lệ ở thấp.

7.2. Chụp xương gò má – cung tiếp.

Xương gò má tiếp hai bên có thể thấy được trên phim chụp nền sọ trong tư thế Hirtz với tia mềm (giảm điện thế và thời gian). Có nhiều tư thế dùng để chụp gò má – cung tiếp mỗi bên riêng biệt.

7.2.1. Tư thế chụp thẳng đứng

– Tư thế: bệnh nhân nằm như khi chụp tư thế Hirtz nhưng đầu nghiêng 15-20o qua bên cần chụp. Tia trung tâm nằm trong mặt phẳng tiếp tuyến với cung tiếp và thẳng góc với phim.

– Kết quả: thấy rõ xương gò má – cung tiếp bên chụp.

7.2.2. Tư thế hàm gò má 

– Tư thế: bệnh nhân nằm ngửa, đầu ngả ra sau. Mặt phẳng chính diện thẳng đứng. Bóng tia X chếch sao cho hướng tia thẳng góc với cát xét, sau đó chuyển bóng độ 6 cm qua bên không đau. Tia trung tâm chiếu vào bờ dưới xương hàm, khu trú ở điểm trước gốc hàm 6 cm và tới giữa cung tiếp gò má – Bệnh nhân há miệng khi chụp để hình được rõ.

Nguồn: Bệnh viện 103

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ
Video có thể bạn quan tâm

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây