1

Cấp cứu thành công trẻ bị sặc đờm rãi - Bệnh viện 108

Ngừng thở do sặc là tình trạng bệnh hay gặp ở trẻ em, đặc biệt là các cháu nhỏ dưới 2 tuổi do các cháu phản xạ ho khạc còn yếu. Có nhiều nguyên nhân gây sặc như sặc sữa, sặc thức ăn (cháo,…), sặc đờm rãi.

Ca bệnh:

Cháu Lê Đức Tiến M. 6 tháng tuổi vào viện vì bị sốt siêu vi khuẩn, viêm mũi họng cấp. Bệnh nhi nhỏ tuổi bị sốt cao 3 ngày trước vào viện, kèm theo sổ mũi, chảy mũi nhiều, ho đờm, ăn uống kém, nôn trớ nhiều sau ăn. Quá trình điều trị, trẻ được rửa hút mũi hàng ngày, dùng thuốc, truyền bù dịch, hạ sốt.

Ngày thứ 2 sau vào viện, trong và sau khi thực hiện kỹ thuật tiêm truyền, trẻ khóc nhiều, tăng tiết nhiều đờm mũi, rãi. Bà cháu sốt ruột đã bế ngửa dỗ dành trong vài phút thì trẻ đột ngột tím tái, mắt trợn, ngừng thở, mất ý thức, trương lực cơ toàn thân giảm, tay chân bất động.

Thời điểm đó, điều dưỡng Chung đã phát hiện bất thường, chị bế trẻ úp làm nghiệm pháp Heimlich (Vỗ lưng 5 phát), sau đó đặt trẻ lên mặt phẳng và ấn ngực, nghiệm pháp không hiệu quả, chị dùng miệng hút trực tiếp đờm rãi và hà hơi thổi ngạt cho cháu. Khi đó điều dưỡng Thu đã kịp thời ép tim ngoài lồng ngực cháu bé, hỗ trợ chị Chung, trong thời gian chờ đợi các đồng nghiệp khác lấy máy móc, dụng cụ hỗ trợ.

Sau khoảng hơn 1 phút tích cực cấp cứu, bệnh nhi bắt đầu thở lại, da hồng, khóc to, tay chân cử động trở lại trước sự thở phào, vui mừng vỡ òa của gia đình cháu và các bệnh nhi xung quanh.

Cách phòng tránh sặc:

  • Không được cho trẻ bú sữa khi trẻ đang khóc, chơi đùa hay trẻ đang buồn ngủ bởi lúc này trẻ đang không tập trung.
  • Không nên vừa nằm, vừa cho con bú
  • Trong trường hợp sữa mẹ về quá nhiều, trẻ không kịp ăn, để tránh sặc cho trẻ, mẹ hãy dùng hai ngón tay kẹp thật chặt núm vú lại để giảm lượng sữa xuống, khi đó trẻ mới có thể bú tiếp.
  • Đối với những trẻ bú bình: các mẹ nên để núm vú cao su to vừa phải để đảm bảo lượng sữa không ra quá nhiều khi trẻ đang ăn.
  • Khi trẻ bú xong, dùng tay vỗ nhẹ vào lưng trẻ để trẻ ợ hơi và giảm chớ sữa.
  • Đối với những trẻ đã ăn được cơm, cháo: cha mẹ cần làm nhỏ thức ăn, hạn chế cho trẻ ăn các loại hạt bởi chúng có thể bị mắc ở cổ họng và làm trẻ bị hóc, trớ, nôn.
  • Với trẻ bị viêm đường hô hấp trên, dưới có nhiều đờm rãi tăng tiết, phải hỗ trợ trẻ giảm lượng đờm rãi bằng cách hút đỡm rãi thường xuyên, tránh để cho trẻ khóc nhiều.

Cách sơ cứu:

  • Đặt trẻ nằm sấp, úp trên cẳng tay của bạn, đầu của trẻ hơi chúc xuống phía dưới, sau đó vỗ nhẹ vào lưng của trẻ từ 5 -7 cái để tống dị vật đang mắc ở cổ họng của trẻ ra ngoài.
  • Nếu cách đó vẫn không hiệu quả, xoay mặt bé về cánh tay kia của bạn, nhìn vào trong miệng bé, nếu thấy dị vật hãy lấy một ngón tay móc dị vật đó ra ngoài. Tuy nhiên, nên nhớ không nên chọc quá sâu vào trong cổ họng của trẻ, bởi nó có thể gây ra tổn thương.
  • Trong trường hợp dị vật vẫn không ra, hãy đặt bé nằm nguyên ở tư thế đó, dùng hai ngón tay đặt lên phần nửa dưới xương ức của trẻ và ấn mạnh xuống khoảng 3 giây một lần. Cách này sẽ tạo ra cơn ho nhân tạo để dị vật có thể bị tống ra ngoài khi bé ho.
  • Nếu như tất cả các cách trên đều không hiệu quả, dị vật vẫn không được tống ra ngoài, bạn hãy đặt trẻ nằm ngửa, đặt hai ngón tay lên phần phía dưới của xương ức ấn 5 lần liên tiếp.
  • Và sau đó, hãy đưa ngay trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ kiểm tra, thăm khám.

Nguồn: Bệnh viện 108

 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây