Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức: Chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật
Phân I. Kiểm soát cơn đau sau phẫu thuật.
Để ngăn ngừa đau sau phẫu thuật, bác sỹ gây mê sẽ chịu trách nhiệm sử dụng các kỹ thuật tiên tiến nhất để ngăn cơn đau và đưa ra thuốc giảm đau tốt nhất giúp cho người bệnh phục hồi chức năng nhanh và ít đau nhất có thể. Mục tiêu của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là cung cấp dịch vụ y tế “phẫu thuật không đau”. Người bệnh sẽ được nhân viên y tế chăm sóc và dùng các biện pháp giảm đau phù hợp với tình trạng thực tế.
Để xác định được mức độ nặng nhẹ của cơn đau, điều dưỡng có thể hỏi người bệnh để đánh giá thang điểm đau 0-10 (0:Không đau, 1-3:Đau nhẹ, 4-6:Đau vừa, 7-9:Đau dữ dội, 10:Đau khủng khiếp). Do đó, cần có sự hợp tác của người bệnh trong việc đánh giá này. Lưu ý: Nếu người bệnh cảm thấy đau hoặc sau khi được nhân viên y tế dùng các biện pháp giảm đau can thiệp nhưng không đỡ. Thì người bệnh/người nhà người bệnh sẽ báo lại cho nhân viên y tế.
Phần II: Theo dõi, phát hiện chảy máu/dịch sau mổ.
1. Tại vết mổ:
Nếu người bệnh/người nhà người bệnh thấy máu/dịch bất thường chảy ra từ vết mổ hoặc băng vết mổ thấm máu/dịch bất thường, thì phải báo ngay cho điều dưỡng chăm sóc để được theo dõi và chăm sóc.
2. Tại vị trí dẫn lưu:
Nếu người bệnh/người nhà người bệnh thấy xuất hiện chảy máu/dịch quanh chân dẫn lưu hoặc thấy xuất hiện chảy máu/dịch nhiều bất thường qua sonde dẫn lưu thì người bệnh/người nhà người bệnh phải báo ngay cho điều dưỡng chăm sóc để được theo dõi và chăm sóc.
Phần III: Các hoạt động sau phẫu thuật.
Điều dưỡng sẽ động viên hướng dẫn và giúp người bệnh thay đổi tư thế, thực hiện luyện thở hiệu quả và các bài tập về cơ cho đến khi người bệnh có thể tự thực hiện. Các bài tập sẽ giúp cho người bệnh phòng ngừa các vấn đề về phổi cũng như lưu thông máu.
Chế độ dinh dưỡng, bài tiết và nghỉ ngơi cũng rất quan trọng đối với người bệnh sau phẫu thuật. Bác sỹ điều trị và điều dưỡng sẽ theo dõi, chỉ định và hướng dẫn NB thực hiện.
1. Bài tập thở:
Phòng ngừa các vấn đề liên quan phổi sau phẫu thuật là rất quan trọng. Việc gây mê trong phẫu thuật sẽ gây kích thích đường thở, và tăng việc bài tiết dịch từ phế quản (thuốc lá cũng có ảnh hưởng tương tự). Ngoài ra có một vài loại thuốc dùng sau phẫu thuật hay người bệnh đau có thể làm giảm khả năng thở sâu của người bệnh. Do đó, chúng tôi khuyên người bệnh nên tuân theo các hướng dẫn từ bác sỹ và điều dưỡng trong khi tập thở hiệu quả (người bệnh tập hít sâu, thở ra chậm).
2. Bài tập về cơ
Di chuyển chân tay của người bệnh thường xuyên, gập và duỗi chúng. Thực hiện co và duỗi chân tay để thúc đẩy lượng máu lưu thông và giảm phát triển cục máu đông ở tĩnh mạch.
3. Chế độ dinh dưỡng
Người bệnh không được uống hoặc ăn khi chưa có sự cho phép của bác sỹ.
Chế độ dinh dưỡng của người bệnh sẽ được Bác sỹ điều chỉnh theo tình trạng của người bệnh, khi người bệnh bắt đầu được ăn.
Khoa Dinh dưỡng của bệnh viện sẽ đảm bảo cung cấp suất ăn đầy đủ, đảm bảo dinh dưỡng và phù hợp nhất với tình trạng của người bệnh theo chỉ định của Bác sỹ điều trị. Bệnh nhân sẽ được cung cấp 3 bữa ăn chính/ngày.
Trong trường hợp có những yêu cầu thực đơn đặc biệt, người bệnh vui lòng thông báo cho điều dưỡng chăm sóc hoặc nhân viên trong khoa.
4. Bài tiết
Quá trình gây mê/ gây tê và phẫu thuật đôi khi ảnh hưởng đến chức năng đường tiêu hóa, tiết niệu gây nên chướng bụng, đầy hơi, không có nhu động ruột hoặc tiểu tiện khó/bí tiểu. Nhân viên y tế sẽ theo dõi việc bài tiết của người bệnh và có các can thiệp phù hợp.
Trong một số trường hợp, việc ngồi dậy vận động sớm sau phẫu thuật có thể giúp cho người bệnh sớm có trung tiện. Khi người bệnh trung tiện, có nhu động ruột thì khi đó Bác sỹ sẽ xem xét và quyết định người bệnh (có thể) ăn trở lại hay không?.
5. Ngủ
Sau phẫu thuật, người bệnh không nên nằm sấp (trừ khi bác sỹ điều trị chỉ định).
Tùy từng trường hợp cụ thể mà người bệnh sẽ nằm tư thế thích hợp theo hướng dẫn của bác sỹ, điều dưỡng chăm sóc trực tiếp.
Lưu ý: Khi nằm tránh đè, gấp (cản trở) lên các hệ thống dẫn lưu.
6. Ngồi dậy khỏi giường:
Bác sỹ phẫu thuật sẽ quyết định khi nào người bệnh có thể ngồi dậy khỏi giường. Thông thường, người bệnh bắt đầu di chuyển sớm sau phẫu thuật để cải thiện viện lưu thông máu, phòng ngừa tắc nghẽn trong phổi và loại bỏ khí từ bụng. Nhân viên chăm sóc sức khỏe sẽ giúp người bệnh ra khỏi giường vào thời điểm thích hợp.
Lưu ý: Người bệnh không bao giờ rời khỏi giường một mình lần đầu tiên bởi người bệnh có thể chóng mặt buồn nôn hoặc các tình trạng khác.
- Ngồi dậy: Đưa người ngồi dậy bằng cách sử dụng hai cánh tay để đẩy và hạ thấp chân. Không được vặn lưng hoặc cơ thể.
- Lên giường: Ngồi ở cạnh giường, nhẹ nhàng hạ người xuống bằng dùng hai cánh tay để đỡ và nhấc chân lên giường bằng một cử chỉ vận động. Không được vặn.
Bác sỹ sẽ lên kế hoạch cho người bệnh xuất viện, tính thời gian hồi phục và đưa ra những lời khuyên tới người bệnh. Người bệnh sẽ được hướng dẫn việc dùng thuốc, lịch khám bác sỹ và các hướng dẫn cá nhân dựa theo loại phẫu thuật mà người bệnh đã được thực hiện.
Nguồn: Bệnh viện Việt Đức
Rất nhiều thai phụ băn khoăn rằng, không biết sử dụng thuốc trị bệnh về tuyến giáp trong thời gian đang mang thai có an toàn không? Để giải đáp thắc mắc trên, mời các bạn cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
Chăm sóc da hay skincare, là một phần quan trọng của cuộc sống hàng ngày để duy trì làn da khỏe mạnh. Quy trình cơ bản bao gồm làm sạch, tẩy tế bào chết, sử dụng toner, dưỡng da mặt và mắt. Chăm sóc da cần được thực hiện cả ban ngày và ban đêm.
Lăn kim là một phương pháp thẩm mỹ hiệu quả nhằm kích thích lưu thông máu trên da, giảm sẹo mụn và tăng cường sản xuất collagen. Tuy nhiên, quy trình này đôi khi có thể gây tổn thương da, người thực hiện phương pháp này phải chăm sóc da sau lăn kim để củng cố hàng rào bảo vệ da trong quá trình lành lại.