1

Bệnh học thể thủy tinh - bệnh viện 103

1. Sơ lược giải phẫu thể thuỷ tinh.

Thể thuỷ tinh (TTT) là thấu kính 2 mặt lồi, trong suốt, có độ hội tụ  khoảng 20D (khi không điều tiết). Trong nhãn cầu, TTT nằm phía sau của mống mắt và nằm trước dịch kính (hình 1.1). Mặt trước và xích đạo của TTT tiếp xúc trực tiếp với thuỷ dịch, mặt sau liên kết với màng dịch kính trước bởi dây chằng Wierger.

TTT được treo vào thể mi bởi hệ thống dây chằng Zinn, các dây chằng này sắp xếp hình nan hoa, xuất phát từ nếp thể mi đến bám vào xích đạo, bao trước và bao sau. Người già dây chằng Zinn trở nên lỏng lẻo, các sợi vùng xích đạo tiêu đi làm cho lớp trước và lớp sau trở nên cách biệt. TTT phát triển liên tục trong suốt cuộc đời, khi mới sinh có đường kính 6,4mm, chiều dày 3,5mm và nặng khoảng 90mg. Ở người trưởng thành, TTT có đường kính khoảng 9mm, chiều dày ở trung tâm là 5mm và nặng khoảng 255mg.

Cấu trúc TTT gồm có bao, biểu mô dưới bao, vỏ và nhân thể thuỷ tinh. Các tế bào biểu mô TTT nằm sau bao trước chuyển hoá rất tích cực, sản sinh ra các tế bào TTT mới. Các tế bào này biệt hoá dần, dài ra, mất các bào quan tạo thành các sợi TTT.

Các sợi này bị dồn ép, tập trung về phía trung tâm TTT, sợi càng cũ thì càng gần trung tâm. Sợi cũ nhất được sinh ra ở thời kỳ phôi thai tồn tại ở trung tâm TTT tạo thành nhân bào thai (fetal nucleus), sợi được sinh ra thời niên thiếu và trưởng thành tạo thành nhân thời trẻ em (infantile nucleus)và nhân trưởng thành (adult nucleus). Các sợi TTT mới được sinh ra ở lớp ngoài cùng tạo nên lớp vỏ (cortex).

2. Lâm sàng bệnh đục thể thuỷ tinh

Đục thể thuỷ tinh là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù loà ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước trên thế giới.Theo kết quả điều tra nhanh (RAB) tiến hành năm 2007 tại Việt nam, mù do đục thể thuỷ tinh chiếm 66,1% các nguyên nhân gây mù hai mắt trong dân số trên 50 tuổi.

Trong đó, đục thể thuỷ tinh do tuổi già là một nguyên nhân rất thường gặp đưa đến giảm thị lực ở người cao tuổi. Bệnh sinh của đục thể thuỷ tinh do tuổi già cho đến nay vẫn chưa được hiểu biết một cách rõ ràng.

2.1. Khám bệnh nhân đục thể thuỷ tinh

2.1.1. Hỏi bệnh sử

  • Bệnh nhân thường đến khám vì thị lực giảm đặc biệt là thị lực nhìn xa.. Thông thường ở giai đoạn sớm, bệnh nhân nhìn thấy những điểm đen trước mắt  di động theo vận động của mắt.
  • Một số người lớn tuổi thấy có hiện tượng giảm số kính đọc sách hoặc nhận thấy nhìn gần rõ hơn do sự xơ cứng của nhân làm tăng công suất khúc xạ của thể thuỷ tinh và gây cận thị ở mức độ nhẹ hoặc trung bình. 
  • Bệnh nhân bị đục thể thuỷ tinh hay phàn nàn vì cảm giác loá mắt khi gặp ánh đèn pha trước mặt hoặc trong các điều kiện chiếu sáng tương tự vào ban tối.

2.1.2. Phương pháp khám

  • Có thể khám phát hiện đục thể thuỷ tinh bằng ánh sáng thường, bằng máy soi đáy mắt và đặc biệt là khám bằng đèn khe của máy sinh hiển vi.
  • Cần phải tra thuốc giãn đồng tử để có thể khám được tình trạng thể thuỷ tinh trên một diện rộng hơn. Khi soi ánh đồng tử, nếu thể thuỷ tinh còn trong, ta thấy màu hồng đều.
  • Nếu thể thuỷ tinh nói riêng và các môi trường trong suốt nói chung có những chỗ vẩn đục thì sẽ thể hiện bằng những vệt đen trên nền ánh đồng tử hồng.
  • Dựa vào sự di chuyển vị trí của những vệt đen khi nhãn cầu vận động, ta có thể khu trú được vị trí của chỗ đục. Khám với đèn khe trên máy sinh hiển vi sẽ biết được một cách chi tiết vị trí, mức độ đục và sơ bộ đánh giá được độ cứng của nhân thể thuỷ tinh.

2.2. Phân loại đục thể thuỷ tinh

2.2.1. Phân loại đục thể thuỷ tinh theo nguyên nhân

– Đục thể thủy tinh tuổi già: Đây là nguyên nhân thường gặp, đứng hàng đầu trong các nguyên nhân gây giảm thị lực ở người cao tuổi, trong các nghiên cứu tại Mỹ tỷ lệ đục thể thủ tinh là 50% ở nhóm 65-74 tuổi, 70% nhóm người trên 75 tuổi. Cùng với tuổi tác, các protein thể thủy tinhtrải qua quá trình biến đổi hoá học, tụ tập thành các protein phân tử lượng cao. Sự kết tụ protein này gây ra sự thay đổi chiết suất của thể thủy tinh, làm tán xạ ánh sáng và làm giảm độ trong suốt. Biến đổi hoá học của protein thể thủy tinh cũng sinh ra sắc tố ngày càng nhiều làm thể thủy tinh chuyển màu (vàng, nâu, đen…). Những biến đổi khác gồm có giảm nồng độ glucation, kali, tăng nồng độ natri, canxi và tăng hydrat hoá. Đục thể thủy tinh tuổi già có 3 hình thái chính: đục nhân, đục vỏ, và đục dưới bao sau.

– Đục thể thủy tinh bệnh lý:

  • Đục thể thủy tinh là hậu quả của một số tình trạng bệnh lý tại mắt hoặc toàn thân. Ví dụ đục thể thủy tinh sau viêm màng bồ đào, đục thể thủy tinh do đái tháo đường, do giảm calci huyết…Tuỳ từng nguyên nhân gây ra mà đục thể thủy tinh có đặc điểm khác nhau.
  • Đục thể thủy tinh do dùng thuốc: một số thuốc sử dụng trên lâm sàng kéo dài có thể gây ra đục thể thủy tinh, ví dụ: corticosteroid, phenothiazine, amiodarone…, thường gặp nhất là đục dưới bao sau do dùng corticosteroid kéo dài. Đục TTT có thể gặp do dùng thuốc có corticosteroid theo nhiều đường khác nhau: toàn thân, tra rỏ tại chỗ, tiêm dưới kết mạc, cạnh nhãn cầu, và cả đường xịt mũi (nasal spray).
  • Đục thể thủy tinh do chấn thương: có thể do rách vỡ bao làm nước ngấm vào thể thủy tinh gây đục ngay sau chấn thương, hoặc do tổn thương vi thể bao thể thủy tinh gây rối loạn chuyển hoá làm thể thủy tinh đục sau một thời gian dài.
  • Hội chứng giả bong bao thể thuỷ tinh (pseudoexfoliation): Bệnh biểu hiện ở một hoặc hai mắt và thường gặp trên những bệnh nhân cao tuổi (trên 70 tuổi). Khám trên lâm sàng thường thấy những vẩy màu trắng xám bám dọc theo bờ đồng tử, trên mặt trước của bao thể thuỷ tinh …. Ở những bệnh nhân này, đồng tử thường kém dãn hoặc không dãn, có thể kèm theo sự suy yếu của hệ thống dây treo của thể thuỷ tinh gây lệch thể thuỷ tinh từng phần hoặc hoàn toàn và tăng nhãn áp.
  • Đục TTT bẩm sinh: do bất thường trong quá trình tạo phôi
  • Các nguyên nhân đục TTT hiếm gặp khác: do điện giật, bỏng, nhiễm kim loại, tia xạ…

2.2.2. Phân loại đục thể thuỷ tinh theo hình thái.

– Đục nhân TTT (nuclear cataract): là tình trạng đục vùng trung tâm của TTT, nhân trung tâm chuyển sang màu vàng, rồi vàng nâu, nâu, nâu đen. Mức độ xơ cứng và màu sắc của nhân trung tâm được đánh giá trên sinh hiển vi đèn khe và màu sắc của ánh đồng tử. Hình thái đục này thường tiến triển chậm, giảm thị lực dần dần. Giai đoạn sớm do sự tăng chiết xuất của TTT làm mắt chuyển thành cận thị, giai đoạn muộn mắt nhìn mờ cả xa lẫn gần. Đục nhân TTT thường có độ cứng cao, không tương xứng với mức độ thị lực.

– Đục vỏ TTT (cortical cataract): còn gọi là đục hình chêm, do lớp vỏ  bị đục. Có thể đục vỏ sau hoặc vỏ trước, tuỳ vị trí đục mà ảnh hưởng đến chức năng thị giác ở mức độ khác nhau. Tuy vậy đục vỏ dễ tiến triển nhanh, gây giảm thị lực sớm vì vậy khi phẫu thuật độ cứng của TTT thường không cao.

– Đục dưới bao sau (posterior subcapsular cataract): thường gặp ở người trẻ hơn so với  bệnh nhân đục các hình thái khác. Đục khu trú ngay ở lớp vỏ dưới bao sau, đúng trục thị giác nên bệnh nhân có cảm giác chói khi ra ánh sáng, thị lực giảm nhiều không tương xứng với mức độ đục.

– Đục hỗn hợp: trên một bệnh nhân có thể gặp phối hợp nhiều hình thái đục khác nhau.

– Đục hoàn toàn (mature catact), có 2 hình thái đục hoàn toàn.

Đục vỏ hoàn toàn (cortical mature cataract): toàn bộ phần vỏ từ bao tới nhân đục trắng nên còn gọi là đục trương (intumescent cataract). Trong hình thái này, độ cứng của nhân thường không cao, tuy nhiên khi phẫu thuật Phaco rất dễ rách bao sau do TTT không còn lớp vỏ đệm. Mức độ nặng hơn, lớp vỏ TTT có thể hoá lỏng làm nhân trung tâm chìm xuống dưới gọi là đục quá chín (hypermature cortical cataract) hay đục Morgagnian.

– Đục nhân hoàn toàn (nuclear mature cataract): toàn bộ nhân trung tâm đục cứng, màu nâu đen, hầu như không còn lớp vỏ nhân, nên còn gọi là đục nâu (brunescent cataract). Đây là hình thái rất khó cho phẫu thuật Phaco do nhân rất cứng, khó tán nhuyễn, năng lượng Phaco cao dễ làm tổn thương các thành phần khác trong nội nhãn, dễ xảy ra biến chứng.

2.2.3. Phân loại theo độ cứng của nhân TTT.

Đối với phẫu thuật Phaco, độ cứng của nhân đóng vai trò quan trọng trong chiến lược tiến hành phẫu thuật cũng như kết quả phẫu thuật. Căn cứ vào việc khám trên sinh hiển vi, màu sắc của nhân và ánh đồng tử, Buratto (1998) [11] chia ra 5 mức độ:

  • Độ I: nhân mềm, còn trong, ánh đồng tử hồng đều. Thường gặp ở người trẻ hoặc đục nhân bẩm sinh, chấn thương.
  • Độ II: Nhân mềm vừa phải, màu xanh vàng, ánh đồng tử màu vàng nhạt
  • Độ III: Nhân cứng trung bình, màu vàng hổ phách, ánh đồng tử màu xám nhạt.
  • Độ IV: Nhân cứng, màu nâu, ánh đồng tử tối.
  • Độ V: Nhân rất cứng, màu nâu đen hoặc màu đen, ánh đồng tử tối.

3. Điều trị đục thể thuỷ tinh

3.1. Điều trị bằng thuốc

Cho đến nay, không có loại thuốc nào được chứng minh có thể làm chậm lại, phòng ngừa hoặc chữa được đục thể thuỷ tinh.

3.2. Điều trị bằng phẫu thuật

3.2.1. Chỉ định phẫu thuật

Thông thường phải tuỳ thuộc vào nguyện vọng của bệnh nhân muốn cải thiện chức năng thị giác. Vì vậy, quyết định phẫu thuật còn phải căn cứ vào hoàn cảnh cá nhân và xã hội của bệnh nhân hay nói cách khác, tình trạng suy giảm chức năng thị giác hiện tại có gây khó khăn trong công tác, sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân không ?

Hiện nay, có 3 căn cứ để chỉ định mổ đục thể thủy tinh

  • Mức độ nặng của bệnh: thông qua mức độ giảm chức năng thị giác do đục thể thủy tinh gây ra (thị lực), và biến chứng có thể có của bệnh
  • Nhu cầu của bệnh nhân: mong muốn cải thiện chức năng thị giác
  • Kỹ thuật, trang thiết bị, phương pháp và tay nghề của phẫu thuật viên

3.2.2. Các khám nghiệm trước mổ

– Hỏi tiền sử là rất quan trọng để phát hiện những tình trạng bệnh lý của mắt và toàn thân có thể ảnh hưởng đến phương pháp phẫu thuật hoặc tiên lượng thị giác sau mổ. Tiền sử bị chấn thương hoặc viêm nhiễm của bán phần trước hoặc bị glôcôm, bị bệnh lý của dịch kính võng mạc đều là những yếu tố có ảnh hưởng không tốt đến quá trình phẫu thuật và chức năng thị giác đạt được sau mổ.

– Khám chức năng:

  • Tiến hành đo thị lực, soi đáy mắt, khám các bệnh lý phối hợp.  Nếu thể thuỷ tinh đục hoàn toàn, cần phải khám nghiệm chiếu ánh sáng bằng đèn pin hoặc dùng máy soi đáy mắt để đánh giá hướng sáng, thị lực màu để ước lượng mức tình trạng võng mạc.
  • Nếu hướng ánh sáng bị thu hẹp về phía mũi, ta nghĩ đến bệnh glôcôm. Nếu cảm nhận ánh sáng yếu hơn hoặc mất khi chiếu đèn ở phía trên, ta nghĩ đến bong võng mạc ở phía dưới… Những trường hợp như vậy, phẫu thuật viên cần phải tiên lượng trước và giải thích rõ cho bệnh nhân trước khi mổ.

– Các đo đạc trước mổ: Có nhiều phép đo đạc cần phải thực hiện trước khi mổ đặt thể thuỷ tinh nhân tạo bao gồm:

  • Đo khúc xạ giác mạc: Dựa trên số đo khúc xạ giác mạc và chiều dài trục nhãn cầu để tính toán công suất thể thuỷ tinh nhân tạo thích hợp.
  • Khám siêu âm đo chiều dài trục nhãn cầu: sử dụng siêu âm A. Để đánh giá tình trạng bán phần sau ở các trường hợp đục hoàn toàn cần siêu âm B. Để đo độ dài nhãn cầu tốt nhất là đo bằng phương pháp “nhúng” (immersion).

– Khám thực thể: Trước khi mổ, phẫu thuật viên cần phải khám toàn bộ nhãn cầu để tiên lượng cho ca mổ.

  • Khám giác mạc: Mọi viêm, loét giác mạc đang tiến triển hoặc có tủa viêm ở mặt sau giác mạc đều là chống chỉ định tạm thời cho phẫu thuật thể thuỷ tinh.
  • Tiền phòng:  Cần đánh giá độ sâu của tiền phòng trước khi mổ. Tiền phòng nông là dấu hiệu của đục thể thuỷ tinh căng phồng hoặc tình trạng glôcôm góc đóng. Nếu tiền phòng sâu không đều phải nghĩ đến đục thể thuỷ tinh quá chín hoặc lệch thể thuỷ tinh.
  • Đồng tử: Kiểm tra xem bờ đồng tử có bị dính với bao trước thể thuỷ tinh? Nên tra thuốc giãn đồng tử để đánh giá khả năng giãn của đồng tử, đánh giá tình trạng đục của thể thuỷ tinh và kiểm tra xem có bệnh lý giả bong bao kèm theo không để tiên lượng trước những khó khăn có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật.
  • Thể thuỷ tinh: Khám bằng ánh sáng đèn, bằng máy soi đáy mắt và tốt nhất là khám dưới sinh hiển vi để đánh giá mức độ đục, hình thái, vị trí vùng đục và độ cứng của nhân thể thuỷ tinh. Đặc biệt cần đánh giá hệ thống dây chằng Zinn treo thể thủy tinh.

+ Những bệnh mắt phối hợp với đục thể thuỷ tinh:

  • Bệnh glôcôm: Cần phải làm hạ nhãn áp thật tốt trước khi mổ và giải thích kỹ tiên lượng bệnh với bệnh nhân. Có thể phẫu thuật phối hợp vừa điều trị đục thể thuỷ tinh vừa mổ lỗ rò điều trị glôcôm trong cùng một lần hoặc phẫu thuật qua 2 giai đoạn.
  • Bệnh viêm màng bồ đào: cần phải điều trị bệnh viêm MBĐ thật ổn định sau đó mới mổ đục thể thuỷ tinh. Cần phải điều trị chống viêm tích cực sau mổ để đề phòng viêm màng bồ đào tái phát.
  • Bệnh cận thị nặng: Thông thường trên những mắt cận thị nặng, hệ thống dây treo thể thuỷ tinh thường yếu dễ đứt và dịch kính thường loãng dễ bị thoát ra ngoài trong lúc mổ.
  • Bệnh bong võng mạc: Tuỳ kết quả khám trên lâm sàng, khám nghiệm chiếu ánh sáng, kết quả siêu âm, điện võng mạc mà quyết định có nên mổ đục thể thuỷ tinh hay không ?

3.2.3. Chuẩn bị bệnh nhân trước mổ

BN cần được chuẩn bị chu đáo, khám xét đầy đủ về toàn thân cũng như tại mắt trước khi mổ như đo huyết áp, khám tim phổi, tai mũi họng và răng hàm mặt. Tại mắt, cần đo nhãn áp, bơm rửa lệ đạo. Về mặt tinh thần, bệnh nhân cũng phải được giải thích đầy đủ về lợi ích của phẫu thuật, những nguy cơ có thể xảy ra trong và sau phẫu thuật, tiên lượng sau mổ…

  • Tại mắt: 1 ngày trước mổ, tra thuốc kháng sinh ´ 4 lần / ngày, và 4 lần trong 2h trước mổ
  • Trước mổ 1 giờ: Tra thuốc giãn đồng tử (mydiacin + néosynephrin) và thuốc chống viêm không Corticoid (để chống co đồng tử trong lúc mổ) ´ 3 lần cách nhau 15 phút.
  • Cho BN uống thuốc hạ nhãn áp (Diamox 0,25g ´ 2 viên) và thuốc an thần (nếu cần) trước mổ 1 giờ. Đối với mắt độc nhất hoặc những mắt nghi ngờ có khả năng nhiễm trùng thì nên cho xét nghiệm nuôi cấy vi khuẩn trước mổ.

3.2.4. Các phương pháp mổ đục thể thuỷ tinh:

Mổ lấy thể thuỷ tinh trong bao (intra-capsulary): là lấy toàn bộ thể thuỷ tinh nằm bên trong cùng với lớp bao của nó.

+ Chỉ định: Ngày nay, phương pháp phẫu thuật lấy thể thuỷ tinh ngoài bao hầu như đã thay thế hoàn toàn phương pháp lấy thể thuỷ tinh trong bao do ít biến chứng hơn và còn giữ lại túi bao thể thuỷ tinh để đặt thể thuỷ tinh nhân tạo. Mổ thể thuỷ tinh trong bao chỉ còn được áp dụng trong những trường hợp lệch thể thuỷ tinh nhiều.

+ Chống chỉ định: Đục thể thuỷ tinh ở trẻ em và các trường hợp đục thể thuỷ tinh có rách bao rộng do chấn thương.

Mổ lấy thể thuỷ tinh ngoài bao (extra-capsulary): là phẫu thuật lấy đi khối nhân và toàn bộ chất vỏ thể thuỷ tinh qua một khoảng mở ở trung tâm của bao trước và để lại bao sau tại chỗ. Phương pháp này có nhiều ưu điểm hơn so với mổ thể thuỷ tinh trong bao. Bao sau còn nguyên vẹn tại chỗ sẽ tạo ra vị trí giải phẫu tốt để cố định thể thuỷ tinh nhân tạo. Không những thế, phương pháp mổ thể thuỷ tinh ngoài bao còn hạn chế đáng kể các biến chứng sau mổ đặc biệt là tăng nhãn áp, phù hoàng điểm dạng nang và bong võng mạc.

Quá trình phẫu thuật:

  • Đường rạch: Tuỳ thuộc vào kích thước của nhân thể thuỷ tinh mà quyết định kích thước của đường rạch.
  • Mở bao trước thể thuỷ tinh: Trước khi rạch thủng hoàn toàn, phẫu thuật viên dùng kim hoặc pince xé bao đưa qua một đường rạch nhỏ vào tiền phòng để mở một cửa sổ ở trung tâm của bao trước thể thuỷ tinh. Đường kính vòng mở khoảng 6mm-6,5mm. Độ sâu tiền phòng được duy trì bằng nước hoặc chất nhầy (viscoelastic).
  • Sau khi mở bao xong, phẫu thuật viên dùng một bơm tiêm chứa khoảng 3 ml dung dịch BSS để tách nhân. Luồng nước được bơm vào sẽ có tác dụng tách lớp vỏ thể thuỷ tinh ra khỏi bao sau thể thuỷ tinh và tách giữa phần nhân cứng với phần nhân mềm.
  • Rửa hút bớt phần chất thể thuỷ tinh bao quanh nhân bằng kim 2 nòng, chỉ còn để lại khối nhân cứng.
  • Lấy nhân thể thuỷ tinh: mở rộng vết mổ đủ để khối nhân thể thuỷ tinh có thể trượt qua ra ngoài một cách an toàn.
  • Đặt thể thuỷ tinh nhân tạo: Dùng pince đặt thể thuỷ tinh nhân tạo nằm vào trong bao thể thuỷ tinh.
  • Vết mổ được đóng lại

Phương pháp tán nhuyễn thể thuỷ tinh bằng siêu âm (phacoemulsification): bản chất là phẫu thuật ngoài bao, nhưng phẫu thuật được tiến hành qua một đường rạch nhỏ, tiền phòng luôn được khép kín nên an toàn hơn, vết mổ làm sẹo nhanh, giảm được loạn thị sau mổ vì vậy, thị lực phục hồi rất sớm và rất tốt và ổn định. Có thể rạch vào tiền phòng qua đường hầm củng mạc hoặc đường hầm giác mạc. Kích thước đường rạch lúc đầu là 2,8mm đủ để đưa đầu típ phaco vào tiền phòng.

Nguyên tắc chung của phương pháp này là sự rung động của đầu tip Phaco gây ra những khe nứt vỡ của chất thể thuỷ tinh ở gần đầu tip rồi hút lấy đi những phần đã bị cắt và rạn nứt qua ống nhỏ này.

Quá trình rửa hút chất thể thuỷ tinh được tiến hành nhờ hệ thống bơm tự động trong máy. Do phẫu thuật được tiến hành trong một nhãn cầu được coi như là khép kín, độ sâu tiền phòng luôn ổn định và chất thể thuỷ tinh đã được tách ra khỏi bao thể thuỷ tinh vì vậy quá trình phẫu thuật dễ dàng và an toàn hơn. Thể thuỷ tinh nhân tạo mềm hoặc cứng sẽ được đặt an toàn vào trong túi thể thuỷ tinh. Vết mổ sẽ được khép kín, không cần khâu hoặc chỉ cần một mũi chỉ để kết thúc phẫu thuật.

Tuy nhiên để đảm bảo cho quá trình phẫu thuật, bao trước thể thủy tinh thường được xé tròn liên tục. Ngoài ra kỹ thuật phá vỡ nhân cứng của thể thủy tinh trong mắt nhưng không lầm tổn thương các bộ phận khác: bao thể thủy tinh, giác mạc…cần có một thời gian để luyện tập và khác nhau tùy từng bác sỹ. Trong giai đoạn đầu, kết quả của phẫu thuật Phaco có thể kém hơn so với mổ ngoài bao thông thường, tuy nhiên sau một thời gian làm quen, kỹ thuật này thường cho kết quả khá tốt.

4. Các biến chứng trong và sau phẫu thuật lấy thể thuỷ tinh

Phù giác mạc: Ở một vài ngày đầu sau mổ, có thể có viêm khía giác mạc do chấn thương của phẫu thuật gây ra. Dấu hiệu này thường mất đi rất nhanh bằng tra thuốc chống viêm tại mắt.

Xuất huyết tiền phòng:

Xuất huyết tiền phòng sau mổ bắt nguồn từ vết mổ hoặc mống mắt, thường nhẹ và tự tiêu đi sau một vài ngày. Máu có thể chậm tiêu hơn nếu lẫn trong dịch kính.Trong trường hợp này cần cho bệnh nhân hạn chế vận động, uống nhiều nước và dùng các thuốc chống viêm, tiêu huyết.

Phản ứng viêm: thường nhẹ biểu hiện bằng dấu hiệu Tyndal trong tiền phòng ở ngày hôm sau mổ và sẽ mất đi nhanh chóng với thuốc điều trị chống viêm tại chỗ.

Đục bao sau thể thuỷ tinh:

Đây là biến chứng hay gặp nhất sau khi mổ lấy thể thuỷ tinh, thường do sự xâm lấn của các tế bào biểu mô từ xích đạo tiến vào trung tâm của bao thể thuỷ tinh. Khi tình trạng đục thứ phát của bao sau thể thuỷ tinh gây ảnh hưởng nhiều đến sức nhìn của người bệnh thì cần phải can thiệp bằng Laser YAG hoặc phẫu thuật rạch bao sau.

Lệch thể thuỷ tinh nhân tạo: là một biến chứng thường gặp, trong đó chủ yếu là lệch ở mức độ nhẹ thường không gây ảnh hưởng nhiều đến chức năng thị giác

Xơ hoá, co kéo vòng xé bao: Trong giai đoạn hậu phẫu, các tế bào biểu mô thể thuỷ tinhở phần sau của bao trước sẽ tăng sản xơ gây co kéo. Trong những trường hợp bệnh lý làm cho hệ thống dây treo thể thuỷ tinh yếu đặc biệt như trong hội chứng giả bong bao, sau chấn thương hoặc viêm võng mạc sắc tố …

Biến chứng này thường xuất hiện nhiều hơn và xuất hiện sớm sau mổ. Trong giai đoạn sớm, có thể điều trị bằng Laser YAG để cắt đứt bờ của vòng xé bao trước ở 3 hoặc 4 điểm cách đều nhau.

5. Săn sóc và theo dõi sau mổ

  • Ngày hôm sau mổ, bệnh nhân được thay băng, kiểm tra mắt, đo thị lực và có thể xuất viện nếu hậu phẫu tiến triển tốt.
  • Tra dung dịch kháng sinh phối hợp corticoid x 4 lần/ ngày, trong 2 tuần đầu. Sau đó có thể tiếp tục tra dung dịch kháng viêm không có corticoid x 4 lần/ ngày trong 1 tháng.
  • Bệnh nhân cần giữ vệ sinh mắt, hàng ngày lau rửa nhẹ mi mắt bằng nước sạch và tra thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Những ngày đầu sau mổ có thể có cảm giác loá mắt khi nhìn vào ánh sáng vì vậy bệnh nhân có thể mang kính có độ râm nhẹ. Không cúi dốc đầu hoặc mang vác nặng trong vòng 1 tháng đầu
  • Sau mổ lấy thể thuỷ tinh ngoài bao và đặc biệt là sau mổ phaco, bệnh nhân có thể vận động đi lại ngay không cần nằm bất động, có thể ăn uống bình thường và cần đến khám định kỳ theo hẹn của thầy thuốc.

Nguồn: Bệnh viện 103

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ
Video có thể bạn quan tâm
ĐỪNG BỎ QUA CÁC TRIỆU CHỨNG CẢNH BÁO SỚM BỆNH ĐỤC THỦY TINH THỂ ĐỪNG BỎ QUA CÁC TRIỆU CHỨNG CẢNH BÁO SỚM BỆNH ĐỤC THỦY TINH THỂ 02:21
ĐỪNG BỎ QUA CÁC TRIỆU CHỨNG CẢNH BÁO SỚM BỆNH ĐỤC THỦY TINH THỂ
Theo WHO, trên thế giới hiện nay có khoảng 18 triệu người bị mù hai mắt do đục thủy tinh thể. Tại Việt Nam, Mù do đục thể thuỷ tinh chiếm 66,1% các...
 3 năm trước
 659 Lượt xem
HÀNH TRÌNH LẤY LẠI THỊ LỰC VÀ THẨM MỸ: BỆNH NHÂN MỔ CẬN, MỔ LÁC TẠI BỆNH VIỆN MẮT HÀ NỘI 2 HÀNH TRÌNH LẤY LẠI THỊ LỰC VÀ THẨM MỸ: BỆNH NHÂN MỔ CẬN, MỔ LÁC TẠI BỆNH VIỆN MẮT HÀ NỘI 2 02:58
HÀNH TRÌNH LẤY LẠI THỊ LỰC VÀ THẨM MỸ: BỆNH NHÂN MỔ CẬN, MỔ LÁC TẠI BỆNH VIỆN MẮT HÀ NỘI 2
Thực hiện mổ cận và mổ lác cách nhau chỉ 1,5 tháng
 2 năm trước
 718 Lượt xem
BÍ QUYẾT PHÒNG NGỪA BỆNH VỀ MẮT CHO NGƯỜI LỚN TUỔI BÍ QUYẾT PHÒNG NGỪA BỆNH VỀ MẮT CHO NGƯỜI LỚN TUỔI 03:04
BÍ QUYẾT PHÒNG NGỪA BỆNH VỀ MẮT CHO NGƯỜI LỚN TUỔI
Vào độ tuổi 50 trở đi, cũng như tất cả các bộ phận khác trên cơ thể, mắt của chúng ta bắt đầu lão hoá và dần xuất hiện các triệu chứng bệnh khác...
 3 năm trước
 591 Lượt xem
BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG CÓ GÂY RA BIẾN CHỨNG Ở MẮT KHÔNG BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG CÓ GÂY RA BIẾN CHỨNG Ở MẮT KHÔNG 03:32
BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG CÓ GÂY RA BIẾN CHỨNG Ở MẮT KHÔNG
Đái tháo đường đã trở thành căn bệnh thế kỷ ngày nay với khoảng 425 triệu người mắc, và Việt Nam cũng không nằm ngoài bối cảnh đó.Người bệnh...
 3 năm trước
 732 Lượt xem
CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ BỆNH VÕNG MẠC ĐÁI THÁO ĐƯỜNG Ở TỪNG GIAI ĐOẠN CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ BỆNH VÕNG MẠC ĐÁI THÁO ĐƯỜNG Ở TỪNG GIAI ĐOẠN 03:34
CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ BỆNH VÕNG MẠC ĐÁI THÁO ĐƯỜNG Ở TỪNG GIAI ĐOẠN
Có 3 giai đoạn mà bệnh nhân đái tháo đường cần hết sức lưu ý: khi chưa có biến chứng, biến chứng tùy giai đoạn võng mạc đái tháo đường và đục thủy...
 3 năm trước
 710 Lượt xem
CHĂM SÓC MẮT SAU MỔ ĐỤC THỦY TINH THỂ: ĐIỀU NÊN VÀ KHÔNG NÊN? CHĂM SÓC MẮT SAU MỔ ĐỤC THỦY TINH THỂ: ĐIỀU NÊN VÀ KHÔNG NÊN? 01:53
CHĂM SÓC MẮT SAU MỔ ĐỤC THỦY TINH THỂ: ĐIỀU NÊN VÀ KHÔNG NÊN?
Khán giả hỏi: “Mẹ em đi khám tại BV tỉnh và được chỉ định mổ đục thủy tinh thể. Vì đi học xa nhà, bố mẹ lại lớn tuổi nên không biết việc chăm sóc...
 3 năm trước
 985 Lượt xem
Tin liên quan
Các nguyên nhân gây khô mắt mãn tính và cách điều trị
Các nguyên nhân gây khô mắt mãn tính và cách điều trị

Bước đầu tiên để giảm khô mắt mãn tính là hiểu rõ nguyên nhân gây ra vấn đề. Có thể khắc phục tình trạng khô mắt bằng cách dùng thuốc nhỏ mắt và thực hiện một số điều chỉnh đơn giản trong thói quen hàng ngày.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây