8 tác dụng phụ không mong muốn của testosterone dạng bôi
Nội dung chính của bài viết:
- Testosterone dạng bôi là một loại thuốc kê đơn chỉ được sử dụng khi có chỉ định và dưới sự giám sát của bác sĩ.
- 8 tác dụng phụ của Testosterone dạng bôi là: phản ứng da, thay đổi thói quen đi tiểu, thay đổi ở ngực, mệt mỏi khó chịu, thay đổi cảm xúc, rối loạn chức năng tình dục, dính sang người khác và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
- Trước khi điều trị bằng liệu pháp testosterone thì cần thông báo cho bác sĩ nếu bạn có bất kỳ vấn đề nào về sức khỏe
Testosterone dạng bôi
Testosterone là một loại hormone nam có vai trò quan trọng đối với tình trạng sức khỏe, chức năng tình dục, sinh sản và các đặc điểm nam tính ở nam giới. Mặc dù nữ giới cũng có hormone này nhưng nồng độ chỉ ở mức rất thấp. Ở nam giới, testosterone được sản xuất chủ yếu trong tinh hoàn và giúp phát triển các cơ quan sinh dục, sản xuất tinh trùng và quyết định đến ham muốn tình dục.
Hormone này còn giúp duy trì các đặc điểm của nam giới như sức mạnh và khối cơ, mọc râu/ria và lông trên cơ thể cũng như là giọng nói trầm. Nồng độ testosterone thường đạt đỉnh vào khoảng đầu độ tuổi trưởng thành (khoảng 20 tuổi) và sau đó giảm dần theo tuổi tác.
Testosterone dạng bôi là loại thuốc kê đơn dùng trực tiếp ngoài da, được sử dụng để điều trị chứng suy sinh dục – tình trạng mà nồng độ testosterone trong cơ thể giảm xuống mức quá thấp.
Mặc dù hiện nay testosterone còn có dạng kem nhưng cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) mới cho phép sử dụng dạng gel bôi ngoài da. Dạng kem thường dễ sử dụng và ít bị dính sang người khác hơn nhưng hiệu quả của hai dạng testosterone cũng không khác nhau nhiều.
Testosterone dạng bôi có thể điều trị hiệu quả chứng suy sinh dục ở nam giới nhưng lại đi kèm với nhiều tác dụng phụ không mong muốn.
1. Vấn đề về da
Các tác dụng phụ phổ biến nhất của testosterone dạng bôi là phản ứng da. Vì testosterone được bôi trực tiếp lên da nên phản ứng chỉ xảy ra ngay tại vị trí bôi. Các hiện tượng có thể gặp phải gồm có:
- Nóng rát
- Phồng rộp
- Ngứa
- Đau nhức
- Sưng
- Đỏ
- Phát ban
- Khô da
- Nổi mụn
Lưu ý phải luôn làm sạch da trước khi bôi và không bôi lên vết thương hở. Thực hiện đúng theo các chỉ dẫn sử dụng trên bao bì và báo cáo ngay cho bác sĩ nếu có bất kỳ phản ứng da bất thường nào.
2. Thay đổi thói quen đi tiểu
Testosterone dạng bôi cũng có thể ảnh hưởng đến hệ tiết niệu. Một số người khi dùng testosterone dạng bôi bị đi tiểu nhiều hơn bình thường, kể cả vào ban đêm. Bạn có thể sẽ cảm thấy buồn tiểu gấp, ngay cả khi bàng quang không đầy.
Một số triệu chứng khác ở hệ tiết niệu còn có khó tiểu và lẫn máu trong nước tiểu. Nếu bạn đang sử dụng testosterone dạng bôi và gặp những vấn đề này thì cần nói chuyện với bác sĩ.
3. Thay đổi ở ngực
Tình trạng thiếu hụt testosterone hay suy sinh dục có thể khiến cho mô vú phát triển bất thường và gây ra chứng vú to ở nam giới (gynecomastia). Tuy nhiên, việc sử dụng testosterone dạng bôi để điều trị thiếu hụt testosterone cũng có thể gây ra những thay đổi không mong muốn ở ngực. Nguyên nhân là do cơ thể biến đổi một phần testosterone thành một dạng hormone estrogen, dẫn đến phất triển nhiều mô vú hơn. Những thay đổi ở ngực có thể xảy ra khi dùng testosterone dạng bôi gồm có:
- Ngực tăng nhạy cảm
- Căng tức
- Sưng, đau
Nếu nhận thấy bộ ngực có sự thay đổi bất thường trong thời gian sử dụng testosterone dạng bôi thì cần đến gặp bác sĩ ngay.
4. Mệt mỏi, khó chịu
Testosterone dạng bôi có thể gây cảm giác mệt mỏi, khó chịu. Các triệu chứng có thể gặp phải gồm có cảm giác chóng mặt, lâng lâng hoặc thậm chí ngất xỉu. Đôi khi sử dụng testosterone dạng bôi còn có thể gây ra các cơn bốc hỏa hoặc có tiếng lục bục trong tai.
Những triệu chứng này thường chỉ thoáng qua và tự biến mất. Nhưng nếu tiếp diễn trong một thời gian dài thì lại là điều bất thường và cần thông báo cho bác sĩ.
5. Thay đổi cảm xúc
Không chỉ có những tác dụng phụ về thể chất mà testosterone dạng bôi còn có thể gây nên những thay đổi về cảm xúc, tinh thần do sự thay đổi nội tiết tố. Những thay đổi này gồm có:
- Thay đổi tâm trạng thất thường trong thời gian ngắn
- Nhạy cảm quá mức, phản ứng thái quá với các điều bình thường hàng ngày
- Hồi hộp, lo âu
- Dễ xúc động
- Hoang tưởng
- Phiền muộn
Mặc dù các tác dụng phụ về cảm xúc rất hiếm khi xảy ra nhưng có thể khá nghiêm trọng. Nếu thấy tâm trạng đột nhiêm thay đổi thì cần báo với bác sĩ.
6. Rối loạn chức năng tình dục
Testosterone là loại hormone đóng vai trò lớn đối với ham muốn tình dục của nam giới. Mặc dù được sử dụng để cải thiện tình trạng suy tuyến sinh dục nhưng trong một số trường hợp, liệu pháp testosterone, bao gồm cả testosterone dạng bôi lại có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng tình dục. Các sản phẩm này có thể gây ra các vấn đề như:
- Giảm ham muốn
- Khó đạt được hoặc duy trì trạng thái cương cứng
- Hiện tượng cương cứng diễn ra quá thường xuyên và kéo dài quá lâu
Gọi ngay cho bác sĩ nếu bạn có bất kỳ triệu chứng bất thường nào.
7. Dính sang người khác
Testosterone dạng bôi có một điểm hạn chế so với các dạng testosterone khác là có thể dính từ da người dùng sang những người khác qua tiếp xúc da hoặc quần áo và có thể gây ra tác dụng phụ, đặc biệt là ở phụ nữ và trẻ em.
Khi bị nhiễm testosterone, trẻ em có thể trở nên hung hăng, bạo lực, bộ phận sinh dục to lên và mọc lông mu. Phụ nữ có thể bị mọc lông không mong muốn hoặc nổi mụn trứng cá. Tác dụng phụ của testosterone đặc biệt nguy hiểm cho phụ nữ mang thai vì có thể gây dị tật bẩm sinh.
Phụ nữ và trẻ em khi vô tình tiếp xúc với các sản phẩm testosterone cần gọi cho bác sĩ ngay lập tức để kịp thời xử lý.
Để ngăn ngừa những vấn đề này thì cần che kín vùng vừa bôi testosterone, không để vùng da đó chạm vào người khác hoặc cần rửa sạch trước khi tiếp xúc. Ngoài ra, cũng không được để người khác chạm vào chăn ga trải giường và quần áo có thể đã dính testosterone.
8. Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch
FDA đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ xảy ra các vấn đề về tim mạch ở nam giới khi sử dụng các sản phẩm testosterone. Do đó, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi điều trị bằng liệu pháp testosterone.
Cân nhắc trước khi dùng
Testosterone dạng bôi là một loại thuốc kê đơn chỉ được sử dụng khi có chỉ định và dưới sự giám sát của bác sĩ.
Ngoài 8 tác dụng phụ kể trên thì liệu pháp testosterone còn có thể gây ra các tác dụng phụ khác. Một số tác dụng phụ có thể tự hết nhưng một số sẽ cần có biện pháp can thiệp. Vì vậy cần nói chuyện với bác sĩ nếu bạn gặp phải hiện tượng bất thường trong thời gian điều trị.
Trước khi điều trị bằng liệu pháp testosterone thì cần thông báo cho bác sĩ nếu bạn có bất kỳ vấn đề nào về sức khỏe như:
- Bệnh tiểu đường
- Dị ứng
- Ung thư tuyến tiền liệt
- Bệnh tim mạch
Ngoài ra cũng cần thông báo cho bác sĩ về tất cả các loại thuốc kê đơn, không kê đơn và thực phẩm chức năng mà bạn đang sử dụng để tránh xảy ra tương tác thuốc không mong muốn.
Testosterone là một hormone quan trọng đảm nhận trách nhiệm phát triển và duy trì các đặc điểm nam tính. Cơ thể phụ nữ cũng có testosterone nhưng nồng độ thấp hơn nhiều so với nam giới.
Kể từ khi 30 tuổi, sau mỗi một năm thì lượng testosterone ở nam giới sẽ giảm dần ở mức khoảng 1%/năm
Thủ dâm có làm giảm nồng độ testosterone trong cơ thể không?
Nồng độ testosterone thấp thường bị nhầm với các vấn đề như căng thẳng, lo âu hay những thay đổi do mãn kinh ở phụ nữ
Ở người trưởng thành, mức testosterone khỏe mạnh là điều rất quan trọng đối với tình trạng sức khỏe nói chung, giúp giảm nguy cơ mắc một số bệnh, duy trì chức năng tình dục và nhiều yếu tố khác.