Hút mỡ đùi
Hình ảnh thực tế (Click xem ảnh to)
Đùi là một trong những bộ phận khiến nhiều chị em đau đầu nhất trên cơ thể, do đó đây cũng là một trong những vùng hay được yêu cầu thực hiện hút mỡ nhất. Trái lại, đàn ông hiếm khi yêu cầu hút mỡ đùi, vì mỡ của nam giới tích lại ở bụng.
Giải phẫu các vùng mỡ đùi
Hút mỡ đùi là phẫu thuật xâm lấn, mang lại hiệu quả cao và cần thời gian hồi phục. Bệnh nhân chỉ có thể hài lòng với kết quả của ca phẫu thuật một khi hiểu rõ những gì hút mỡ có thể và không thể giải quyết.
Yếu tố cơ và mỡ
Mỡ trên cơ thể được chia làm hai lớp, lớp mỡ nông và lớp mỡ sâu, tách nhau bởi mạc cơ. Lớp mỡ nông, tức lớp mỡ mà kỹ thuật hút mỡ có thể tác động, lại được chia làm hai lớp; lớp nông bên dưới và lớp nông gần bề mặt. Ở đùi, mỡ không phân bổ đồng đều. Có những vị trí dễ tích tụ mỡ, tạo thành những ụ mỡ xấu xí.
Ngược lại có những vùng chỉ có lớp mỡ rất mỏng, bao gồm:
- vùng lõm dưới ụ hông
- nếp lằn mông
- nửa dưới má sau đùi
- vùng giữa má trong đùi
- đoạn dưới của dải chậu chày (1/3 má đùi ngoài, gần đầu gối).
Đây là năm vùng gần như không có mỡ sâu, còn lớp mỡ nông và da thì rất mỏng, khiến chúng dễ dàng bị biến dạng hoặc lồi lõm nếu làm hút mỡ. Bác sĩ có thể thao tác ở vùng này, nhưng tránh hút mỡ trực tiếp tại đây. Trong một số trường hợp, mỡ phân bổ ở những vùng này dày hơn bình thường, bác sĩ có thể tiến hành hút mỡ nhưng với lực nhẹ và thật cẩn thận để tránh gây biến chứng về mặt thẩm mỹ.
Vùng thường xuyên được bệnh nhân yêu cầu điều trị hút mỡ là ụ mỡ ở phần trên của má ngoài đùi và nằm ngay sát hông (saddlebag fat). Vùng được yêu cầu điều trị nhiều thứ hai là phần trên của má trong đùi (mỡ ở hai vùng trước và sau đùi cũng góp phần vào vấn đề ở vùng này).
Mặt trước của đùi cũng thường gặp cảnh phình to, nhô về phía trước. Mỡ ở vùng đùi trước lại thường dàn đều thay vì nằm tập trung tại chỗ như những vùng khác. Tuy nhiên có một vùng nhỏ ngay bên trên xương bánh chè (đầu gối) thường xuyên được bệnh nhân nữ yêu cầu điều trị, tách ra so với phần còn lại của cả vùng đùi trước. Da ở vùng đùi trước, đặc biệt vùng bên trên xương bánh chè, không có độ săn chắc tốt và hay gặp tình trạng da gợn sóng, nhăn nheo. Hút mỡ sẽ làm những vấn đề đó trầm trọng hơn, đặc biệt khi mặc quần ngắn hoặc váy có gấu váy cao. Ngoài ra đặc điểm này cũng ảnh hưởng tới kết quả cuối cùng của hút mỡ.
Mặt sau đùi là vùng ít nhận được yêu cầu hút mỡ nhất, với ngoại lệ là vùng nằm ngay bên dưới nếp lằn mông (nửa trên má sau đùi). Trái với phần nửa dưới, vùng nằm ngay dưới nếp mông có thể tích mỡ dày và là vùng rất hay cần hút mỡ.
Nhìn chung, đường nét đùi là kết quả từ cả mỡ lẫn lớp cơ nằm bên dưới. Những ai tập luyện mạnh thường có bắp đùi phát triển, đùi họ to là do cơ và vì thế hút mỡ sẽ không đem lại lợi ích gì. Thêm vào đó, bất kỳ biến dạng nào không phải do mỡ (cong vẹo cột sống, độ dài hai chân không đều...) đều sẽ không chữa được bằng hút mỡ.
Tóm gọn, hút mỡ sẽ xử lý tất cả vấn đề do mỡ gây ra, thường áp dụng nhiều ở bốn vùng là:
- Ụ mỡ nằm ở phần trên má ngoài đùi (mỡ saddlebag)
- Vùng bên trên má trong đùi;
- Vùng nhỏ bên trên xương bánh chè;
- Nửa trên của má sau đùi.
Và tránh thực hiện hút mỡ ở năm vùng có lớp mỡ mỏng như đã nêu bên trên.
Yếu tố về da
Ngoài những biến dạng đường nét không mong muốn do mỡ thừa tích tụ, thì da đùi của phụ nữ cũng rất dễ gặp phải các vấn đề về thẩm mỹ như sần sùi vỏ cam, lồi lõm lượn sóng, da kém săn chắc. Những yếu tố này góp phần hạn chế mức độ cải thiện mà hút mỡ có thể mang lại.
Pitman chia bệnh nhân thành ba nhóm:
- nhóm I – có mỡ thừa tại chỗ và da săn chắc, nhóm này có thể chỉ cần làm riêng hút mỡ là đẹp;
- nhóm II – có mỡ thừa, mức độ săn chắc da đa dạng, nhóm này có thể làm hút mỡ nhưng đôi khi sẽ cần phẫu thuật căng da đùi;
- nhóm III – có ít mỡ thừa, da kém săn chắc, nhóm này buộc phải làm phẫu thuật căng da đùi vì hút mỡ sẽ không giúp gì.
Sần vỏ cam Cellulite cũng là phàn nàn phổ biến của bệnh nhân yêu cầu hút mỡ đùi. Đây là cụm từ chỉ tình trạng da lồi lõm, sần sùi như vỏ cam, chủ yếu ở đùi và vùng mông phụ nữ, hiếm khi bắt gặp ở đàn ông. Mặc dù nguyên nhân của tình trạng này vẫn chưa được hiểu rõ, nhưng một số nhà nghiên cứu cho rằng đây là kết quả do các dải mô xơ dính từ lớp bì xuống lớp mạc cơ, tạo ra hiệu ứng như chỉ khâu kéo vải lõm xuống. Nhiều nhà nghiên cứu khác tin rằng tình trạng này liên quan tới hiện tượng phù dưới da và xơ cứng mỡ. Một nghiên cứu bằng sóng siêu âm cho thấy ít nhất một phần của hiện tượng sần sùi vỏ cam cellulite là kết quả của quá trình sưng viêm liên quan đến lớp bì và mạc cơ nông.
Các phương pháp được gợi ý để chữa da sần vỏ cam là giảm cân, cắt bỏ dải mô xơ, cấy mỡ, dùng thực phẩm chức năng có khoáng/dinh dưỡng bổ sung và mát-xa. Trái với kỳ vọng, hút mỡ không giúp làm giảm sần sùi vỏ cam, thậm chí còn có thể làm tình trạng này tồi tệ hơn.
Bệnh nhân muốn làm hút mỡ cần phải hiểu là mỡ tích tụ và da sần sùi vỏ cam là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau và hút mỡ chỉ có thể giải quyết hiệu quả vấn đề thứ nhất. Thêm vào đó, như đã nói trước đó, độ săn chắc của da – cho dù là do quá trình lão hóa, tình trạng di truyền hay kết quả sau giảm cân – đều làm giảm khả năng đem lại kết quả tối ưu của hút mỡ. Bệnh nhân với các vấn đề về da có thể sẽ phải cân nhắc làm thủ thuật căng da thay vì chỉ làm riêng hút mỡ.
Lựa chọn kỹ thuật hút mỡ
Rõ ràng trên thị trường hiện nay có rất nhiều kỹ thuật hút mỡ được cấp phép:
- Hút mỡ truyền thống tumescent
- Hút mỡ công nghệ sóng siêu âm Vaser
- Hút mỡ công nghệ laser Smartlipo
- Hút mỡ trợ lực
Cho dù quảng cáo thế nào, sự thật là không kỹ thuật nào là hoàn hảo cả. Các phương pháp hút mỡ thành công nhất khi nằm trong tay một bác sĩ giàu kinh nghiệm. Vì vậy lựa chọn kỹ thuật hút mỡ không quan trọng bằng lựa chọn bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ.
Và nguyên tắc chung là thà hút không đủ mỡ rồi quay lại chỉnh sửa, còn hơn là hút quá mức gây ra biến dạng hoặc kết quả thẩm mỹ đáng thất vọng mà có thể không cứu vãn nổi. Vì vậy, khả năng hút mỡ lần hai là có thể xảy ra. Bệnh nhân không nên thấy buồn phiền nếu rơi vào trường hợp của mình, vì đây chỉ là hướng đi cẩn trọng để bệnh nhân có thể có được kết quả đẹp nhất có thể.
Chuẩn bị trước phẫu thuật hút mỡ đùi
Đánh giá tình trạng đùi
Một bước vô cùng quan trọng trước khi làm hút mỡ chính là đánh giá tình trạng thực tế của đùi bệnh nhân. Từ đó đưa ra được những kỳ vọng thực tế cho cả bệnh nhân lẫn bác sĩ.
Khi đánh giá, bệnh nhân sẽ mặc đồ phù hợp sao cho bác sĩ có thể quan sát toàn bộ vùng sẽ hút mỡ từ mọi góc độ. Bác sĩ kiểm tra mỡ bằng cách dùng ngón tay túm nhẹ vùng đó để cảm nhận mức độ dày mỏng, độ đặc của mỡ, vị trí của cấu trúc bên dưới. Tư thế của bệnh nhân có thể ảnh hưởng đến đường nét của vùng cần xử lý, vì vậy lúc kiểm tra bệnh nhân thường được cho đứng thẳng, nhưng cũng có thể được yêu cầu đổi tư thế để đánh giá đúng thực trạng.
Bệnh nhân sẽ được cho biết tất cả những khiếm khuyết, không cân đối, tình trạng da/mỡ... trước phẫu thuật và được tư vấn toàn bộ về kết quả có thể đạt được, thời gian hồi phục sau phẫu thuật (tầm 6 tháng), khả năng cần làm phẫu thuật chỉnh sửa (hút hoặc cấy thêm mỡ...), chi phí (cho ca phẫu thuật chính và phẫu thuật chỉnh sửa nếu có), những điều nên/không nên làm trước và sau phẫu thuật...
Chuẩn bị trước phẫu thuật
Mỗi bác sĩ sẽ có những chỉ định riêng cho bệnh nhân trước phẫu thuật. Nhiều bác sĩ cho bệnh nhân làm xét nghiệm, có thể bao gồm xét nghiệm máu, kiểm tra yếu tố đông máu, viêm gan B, HIV (tùy bác sĩ), kiểm tra chức năng thận...
Bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân dùng xà phòng sát trùng trong ít nhất 5 ngày trước phẫu thuật. Thêm vào đó, bệnh nhân sẽ được cho dùng thuốc kháng sinh một ngày trước phẫu thuật và tiếp tục dùng thêm sau phẫu thuật.
Bệnh nhân cũng sẽ được cho biết về những loại thuốc/sản phẩm cần ngưng sử dụng để đảm bảo an toàn cho ca phẫu thuật, có thể kể đến như các thuốc có tác dụng chống đông máu (aspirin, thuốc chống viêm không steroid...), vitamin E liều cao, ăn tỏi hoặc các sản phẩm chứng năng chứa tỏi...
Ngoài ra, bệnh nhân bắt buộc phải ngừng hút thuốc trước và sau phẫu thuật.
Quá trình hút mỡ đùi
Tất cả các phương pháp hút mỡ hiện nay đều có thể áp dụng cho hút mỡ ở đùi, quyết định này thuộc về bệnh nhân và bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ sau khi đã trao đổi cụ thể về từng kỹ thuật. Tùy từng kỹ thuật sẽ có các bước khác nhau, nhưng quy trình nhìn chung sẽ diễn ra như sau:
Sau khi bệnh nhân đã ký mọi giấy tờ và hoàn thành mọi thủ tục cần thiết, họ sẽ được sát khuẩn và dùng thuốc an thần phù hợp.
Bệnh nhân được đặt lên bàn mổ và bác sĩ sẽ bơm dung dịch tumescent vào vùng mỡ. Dung dịch này có nhiều tác dụng, vừa giúp hút mỡ thuận lợi, làm co mạch để hạn chế chảy máu, lại vừa có tác dụng gây tê tại chỗ. Dung dịch Tumescent được đưa vào bằng máy bơm, ống tiêm... Đầu tiên là ở lớp mỡ nông dưới cùng, rồi đi dần lên đến lớp mỡ gần bề mặt. Tốc độ ban đầu phải bơm chậm để tránh làm căng phồng mô quá mức, gây đau đớn. Sau khi tác dụng gây tê đã phát tác thì tốc độ có thể tăng lên. Dung dịch Tumescent sẽ được đưa vào thông qua tất cả các cổng chính (vết rạch nhỏ trên da được dùng để luồn que hút mỡ vào) nhằm đảm bảo dung dịch trải đều và khắp toàn bộ lớp mỡ dưới da. Thời gian chờ để dung dịch tumescent có tác dụng tối đa là 20-30 phút. Trong quá trình chờ đợi, bác sĩ sẽ dựa vào phản ứng của bệnh nhân là bị đau ở những chỗ không đủ dung dịch để bơm bù lại.
Sau quá trình bơm phồng mô với dung dịch tumescent, nếu làm hút mỡ siêu âm VASER hoặc hút mỡ laser Smartlipo thì bước hóa lỏng mỡ của các công nghệ đó sẽ được thực hiện ngay lúc này. Nếu làm hút mỡ truyền thống thì bác sĩ sẽ trực tiếp hút mỡ thủ công có gắn máy hút.
Hút mỡ là công đoạn chính cuối cùng. Cho dù là làm hút mỡ truyền thống, Vaser hay laser thì cuối cùng mỡ cũng được đưa ra ngoài bằng máy hút, đôi khi có hỗ trợ bằng mát-xa đẩy mỡ hóa lỏng qua các vết rạch luồn ống.Quyết định sử dụng loại ống cannula và điều chỉnh tư thế bệnh nhân trong lúc hút mỡ sẽ ảnh hưởng đến kết quả thẩm mỹ. Mà điều này phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng và kinh nghiệm của bác sĩ, càng cho thấy tầm quan trọng trong việc chọn lựa bác sĩ trước phẫu thuật.
Chăm sóc hậu phẫu
Sau khi kết thúc phẫu thuật, y tá sẽ giúp bệnh nhân làm sạch. Một số bác sĩ dùng chỉ khâu hoặc ghim để đóng vết rạch luồn ống. Đa số sẽ chọn bỏ hở vết rạch để thúc đẩy thoát dịch/máu. Dịch sẽ chảy ra trong 1-2 ngày sau phẫu thuật rồi dừng, tuy nhiên một lượng nhỏ dịch vẫn có thể rỉ ra trong 1 tuần sau đó. Một số bác sĩ sẽ cho bệnh nhân tắm ngay trong 24 giờ sau phẫu thuật, nhưng có những người sẽ yêu cầu đợi 3-4 ngày, thậm chí 1 tuần.
Bệnh nhân được cho mặc đồ gen nịt/băng ép kèm đệm mút hoặc băng gạc để thấm dịch, bệnh nhân có thể tự thay đồ nịt/đệm mút, nếu không biết cách có thể trao đổi trực tiếp với bác sĩ hoặc y tá. Hãy đảm bảo đồ nịt ôm sát nhưng không bó quá chặt ở đùi. Đôi khi bạn có thể bị dị ứng với chất liệu của đồ nịt/đệm mút/băng gạc hoặc chúng cọ xát khiến da phồng rộp ở mép, giữ da khô thoáng sẽ giúp hạn chế tình trạng này. Có điều nếu xảy ra thì bạn cần trao đổi với bác sĩ để tìm nguyên nhân và giải pháp thích hợp, không nên chủ quan tự xử lý ở nhà.
Thuốc giảm đau sẽ được cung cấp sau phẫu thuật. Hiếm khi bệnh nhân bị đau đến mức thuốc giảm đau không có tác dụng.
Lịch tái khám sẽ được đưa ra cho bệnh nhân, ngày 1-2-7 bệnh nhân sẽ quay lại để được hỗ trợ tháo và thay thế đồ nịt/gen nịt và băng gạc nếu có. Đồng thời bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng vùng làm phẫu thuật. Những hiện tượng bình thường (bầm tím, phù nề...) và bất thường (đau đớn mạnh, sưng viêm, phồng rộp...) sẽ được phát hiện, đánh giá và điều trị. Chính vì vậy, bạn nên đi tái khám đầy đủ và đúng lịch.
Bệnh nhân thường được khuyến khích vận động nhẹ nhàng. Có bác sĩ khuyên nên đi lại 1-2 km (đi xung quanh nhà, lúc đi lúc nghỉ) trong ngày đầu sau phẫu thuật. Nếu giữ một tư thế quá lâu sẽ khiến bệnh nhân gặp nhiều khó chịu, cũng như gia tăng nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch sâu – một biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của hút mỡ. Đa số bệnh nhân cũng nói rằng họ thấy thoải mái hơn khi di chuyển.
Biến chứng sau hút mỡ đùi có thể gặp phải
Tác dụng phụ phổ biến sau hút mỡ bao gồm phù nề, đau, tăng cảm giác. Đa số đều có tính chất tạm thời, thường không kéo dài quá 6 tháng, phần lớn các hiện tượng này sẽ biến mất hết trong vòng 2-3 tháng. Cảm giác vùng hút mỡ bị cứng cũng có thể xảy ra, nhưng vùng này sẽ mềm dần và tự khỏi.
Các biến chứng ở đùi cũng tương tự như các biến chứng khi hút mỡ ở các vùng khác trên cơ thể. Chúng có thể là biến chứng phẫu thuật hoặc biến chứng thẩm mỹ. Biến chứng phẫu thuật hiếm khi xảy ra với hút mỡ dùng tumescent, bao gồm nhiễm trùng, hoại tử da diện rộng, xuất huyết không kiểm soát. Huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc phổi cũng đã từng xảy ra. Các biến dạng về thẩm mỹ thường có thể sửa được thông qua phẫu thuật lần hai, phẫu thuật chỉnh sửa hoặc cấy mỡ.
Nếu bệnh nhân làm hút mỡ công nghệ laser, hoặc hút mỡ Vaser, thì cũng nên chú ý đến khả năng bị bỏng do nhiệt. Ban đầu da sẽ xuất hiện những mảng sẫm màu, dễ bị nhầm thành bầm tím, nhưng không tan đi mà có thể tiến triển thành phồng rộp/hoại tử da.
Hãy theo dõi các triệu chứng cẩn thận, tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ và thông báo ngay cho bác sĩ khi có nghi ngờ để được khám và điều trị.