1

Khi nào cần chụp HSG?

Bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện phương pháp chẩn đoán hình ảnh này trong những trường hợp khó thụ thai hoặc có vấn đề khi mang thai, chẳng hạn như sảy thai nhiều lần.
Khi nào cần chụp HSG? Khi nào cần chụp HSG?

Chụp HSG là gì?

Chụp HSG (hysterosalpingography) hay chụp X-quang buồng tử cung và vòi trứng là phương pháp chẩn đoán hình ảnh sử dụng tia X để kiểm tra tử cung (dạ con) và ống dẫn trứng (bộ phận đưa trứng từ buồng trứng tới tử cung). Phương pháp chẩn đoán hình ảnh này sử dụng thuốc cản quang để tử cung và ống dẫn trứng hiển thị rõ ràng trên hình ảnh X-quang. Phương pháp này sử dụng công nghệ X-quang tăng sáng truyền hình, tạo ra hình ảnh video thay vì hình ảnh tĩnh.

Thuốc cản quang hiển thị trên hình ảnh X-quang và khi di chuyển qua hệ sinh dục thì bác sĩ sẽ có thể quan sát và phát hiện những điểm bất thường, ví dụ như ống dẫn trứng bị tắc nghẽn hoặc những dị tật trong cấu trúc của tử cung.

Chỉ định chụp HSG

Bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện phương pháp chẩn đoán hình ảnh này trong những trường hợp khó thụ thai hoặc có vấn đề khi mang thai, chẳng hạn như sảy thai nhiều lần. Chụp X–quang buồng trứng và vòi trứng là một trong những công cụ giúp chẩn đoán nguyên nhân gây vô sinh.

Vô sinh có thể là do:

  • Bất thường trong cấu trúc của tử cung, có thể là bẩm sinh (di truyền) hoặc mắc phải (xảy ra sau khi sinh)
  • Tắc nghẽn ống dẫn trứng
  • Mô sẹo trong tử cung
  • U xơ tử cung
  • Khối u hoặc polyp tử cung

Nếu đã từng phẫu thuật ống dẫn trứng thì sẽ cần chụp HSG để kiểm tra xem ca phẫu thuật có thành công hay không. Ở những phụ nữ đã phẫu thuật thắt ống dẫn trứng (thủ thuật triệt sản ở nữ giới) thì cũng sẽ cần thực hiện phương pháp chẩn đoán hình ảnh này để đảm bảo rằng ống dẫn trứng đã được đóng lại hoàn toàn và tinh trùng không thể gặp được trứng. Sau đó, khi nối ống dẫn trứng để khôi phục khả năng sinh sản thì sẽ lại cần chụp HSG để kiểm tra.

Cần chuẩn bị những gì?

Quá trình chụp X-quang buồng trứng và vòi trứng có thể gây đau đớn nên bệnh nhân sẽ được dùng trước thuốc giảm đau do bác sĩ kê đơn hoặc tự uống thuốc giảm đau không kê đơn. Nên uống thuốc khoảng một tiếng trước khi bắt đầu chụp X-quang. Bác sĩ có thể sẽ còn kê thuốc an thần để giúp bệnh nhân thư giãn nếu cảm thấy lo lắng, căng thẳng. Ngoài ra sẽ cần uống thuốc kháng sinh trước và sau khi chụp HSG để ngăn ngừa nhiễm trùng.

Chụp HSG thường được thực hiện sau khi sạch kinh từ vài ngày đến một tuần. Lý do là để đảm bảo bệnh nhân không mang thai và giảm nguy cơ nhiễm trùng. Cần phải cho bác sĩ biết nếu đang hoặc nghi ngờ đang mang thai vì phương pháp chẩn đoán hình ảnh này có thể gây nguy hiểm cho thai nhi. Ngoài ra, không nên chụp HSG nếu bị bệnh viêm vùng chậu hoặc chảy máu âm đạo bất thường mà không rõ nguyên nhân.

Phương pháp chụp X-quang này sử dụng thuốc cản quang. Thuốc cản quang được đưa vào cơ thể qua đường miệng hoặc tiêm và sẽ làm nổi bật các cơ quan hoặc mô xung quanh trên hình ảnh X-quang. Thuốc cản quang không ngấm vào các cơ quan và sẽ tan ra hoặc bị đào thải ra khỏi cơ thể khi đi tiểu. Cần cho bác sĩ biết nếu có tiền sử dị ứng với bari hoặc thuốc cản quang khi chụp X-quang trước đây.

Kim loại sẽ gây cản trở tia X đi xuyên qua cơ thể nên phải tháo hết tất cả các món đồ kim loại như trang sức, đồng hồ trước khi chụp X-quang. Tốt nhất nên để những món đồ này ở nhà hoặc nếu đã lỡ mang đi thì hãy cho vào một chiếc túi và để ở ngoài.

Quy trình thực hiện

Bệnh nhân sẽ cần cởi đồ ở thân dưới và quấn một chiếc khăn choàng. Sau đó nằm ngửa lên bàn khám, co đầu gối, mở rộng hai chân và đặt ở hai bên như khi khám phụ khoa thông thường. Sau đó, bác sĩ sẽ đưa dụng cụ mỏ vịt vào âm đạo để giữ cho thành âm đạo mở rộng và có thể nhìn thấy cổ tử cung, nằm ở phía sau của âm đạo. Lúc này, bệnh nhân sẽ cảm thấy hơi khó chịu.

Sau đó, bác sĩ sẽ làm sạch cổ tử cung và tiêm thuốc gây tê tại chỗ để giảm bớt đau đớn. Khi tiêm, bệnh nhân sẽ chỉ thấy hơi nhói giống như bị kim châm. Tiếp theo, mỏ vịt được lấy ra và một ống thông nhỏ được đưa vào cổ tử cung. Qua ống thông này, thuốc cản quang sẽ được bơm vào, sau đó chảy vào tử cung và ống dẫn trứng.

Sau đó, bệnh nhân sẽ được đưa đến dưới máy chụp X-quang và bác sĩ sẽ bắt đầu chụp. Có thể sẽ cần thay đổi tư thế nhiều lần để bác sĩ có thể chụp ở các góc khác nhau. Khi thuốc cản quang di chuyển qua ống dẫn trứng thì sẽ gây cảm thấy hơi đau và co thắt ở bụng dưới. Sau khi chụp xong, ống thông sẽ được lấy ra. Sau đó, bác sĩ sẽ kê thuốc giảm đau hoặc thuốc kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng và bệnh nhân có thể ra về.

Rủi ro

Chụp X-quang buồng tử cung và vòi trứng rất an toàn nhưng đôi khi vẫn có thể gây ra một số vấn đề không mong muốn như:

  • Phản ứng dị ứng với thuốc cản quang
  • Nhiễm trùng nội mạc tử cung (niêm mạc tử cung) hoặc ống dẫn trứng
  • Tổn thương tử cung, ví dụ như thủng, rách

Tuy nhiên, những rủi ro này đều rất hiếm khi xảy ra.

Quá trình phục hồi

Sau khi chụp HSG, thường sẽ có hiện tượng đau bụng dưới tương tự cảm giác đau trong kỳ kinh nguyệt. Ngoài ra còn có hiện tượng tiết dịch âm đạo hoặc ra máu nhẹ. Chỉ được sử dụng băng vệ sinh, không được dùng tampon hay cốc nguyệt san để tránh nhiễm trùng trong thời gian này.

Một số phụ nữ cũng còn bị chóng mặt và buồn nôn sau khi chụp HSG. Những tác dụng phụ này là bình thường và sẽ tự hết dần. Tuy nhiên, cần báo cho bác sĩ nếu gặp các dấu hiệu nhiễm trùng như:

  • Sốt
  • Đau dữ dội ở bụng dưới
  • Dịch tiết âm đạo có mùi hôi
  • Choáng váng, ngất xỉu
  • Chảy máu âm đạo nhiều
  • Nôn mửa

Sau khi chụp HSG, bác sĩ sẽ giải thích kết quả. Tùy thuộc vào kết quả mà sẽ cần thực hiện các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hoặc xét nghiệm khác để xác nhận.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: khi nào
Tin liên quan

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây