Xử lý sẹo do mụn rộp
Mụn rộp là gì?
Mụn rộp hay herpes là bệnh do virus herpes simplex (HSV) gây ra mà cụ thể là hai chủng HSV-1 và HSV-2. HSV-1 thường gây mụn rộp ở quanh hoặc bên trong miệng, được gọi là mụn rộp môi còn HSV-2 chủ yếu gây mụn rộp ở bộ phận sinh dục nên được gọi là mụn rộp sinh dục.
Không phải ai nhiễm HSV cũng đều có triệu chứng. Khi có thì triệu chứng chính là nổi mụn nước và sau đó trở thành vết loét. Những vùng tổn thương do mụn rộp có thể để lại sẹo nhưng đa phần thì sẹo sẽ mờ đi chỉ sau một thời gian ngắn.
Nguyên nhân gây hình thành sẹo
Mụn rộp thường chỉ để lại sẹo nếu bị vỡ do tác động bên ngoài. Sự cọ xát với quần áo, gãi hoặc rửa mạnh ở vùng có các nốt mụn rộp đều có thể gây ra điều này.
Nếu không đụng phải thì mụn nước cũng sẽ tự vỡ ra, hình thành vết loét và đóng vảy rồi lành lại nhưng thường không để lại sẹo. Thời gian từ lúc mụn hình thành cho đến lúc biến mất hoàn toàn thường là khoảng 2 tuần.
Đôi khi mụn rộp còn để lại những thay đổi khác trên da như:
- Đỏ hoặc thay đổi màu da xung quanh mụn rộp
- Xuất hiện đường lõm trên bề mặt da
- Cảm giác da dày hơn hoặc mỏng hơn trước đây
Cách ngăn ngừa sẹo do mụn rộp
Trong hầu hết trường hợp, vết loét do herpes đều không để lại sẹo.
Tuy nhiên, có thể thực hiện những biện pháp sau để giảm nguy cơ hình thành sẹo khi bị nổi mụn rộp:
- Giữ cho da sạch sẽ: Rửa mặt bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ hàng ngày khi có mụn rộp môi. Nếu có mụn rộp sinh dục thì rửa vùng kín bằng nước hai lần mỗi ngày. Lưu ý không chà xát lên mụn rộp.
- Dưỡng ẩm: Da khô sẽ dễ bị sẹo hơn. Nên dùng những sản phẩm dưỡng ẩm dịu nhẹ, dành cho da nhạy cảm và da đang bị tổn thương. Tránh các loại kem dưỡng da có mùi thơm hoặc chứa thành phần gây kích ứng vì những sản phẩm này sẽ khiến cho vùng da vốn đang nhạy cảm xung quanh mụn rộp và vết loét càng bị tổn thương nặng hơn.
- Che phủ vết thương: Sau khi mụn rộp vỡ ra và tạo thành vết thương hở thì nên băng lại để tránh cọ sát và giảm nguy cơ vi khuẩn xâm nhập, dẫn đến nhiễm trùng.
- Không cạy: Khi vết loét đã đóng vảy thì sẽ hơi ngứa nhưng tuyệt đối không được gãi và cạy vảy. Để giảm ngứa thì có thể dùng kem bôi cortisone.
- Sử dụng thuốc không kê đơn: Các loại thuốc trị mụn rộp không kê đơn giúp tăng tốc độ lành vết thương và từ đó giảm nguy cơ hình thành sẹo.
Cách trị sẹo do mụn rộp
Nếu mụn rộp để lại sẹo thì thường vết sẹo sẽ tự mờ dần theo thời gian mà không cần phải điều trị nhưng có thể làm mờ sẹo nhanh hơn bằng một số phương pháp trị sẹo đơn giản, ví dụ như:
- Vitamin E: Có thể dễ dàng mua vitamin E dạng viên nang tại các hiệu thuốc. Dùng kim đâm thủng vỏ viên nang và bóp lấy dung dịch bên trong rồi thoa lên vết sẹo, mát xa nhẹ nhàng trong 3 - 5 phút. Lặp lại như vậy mỗi ngày cho đến khi sẹo mờ tối đa.
- Dầu dừa: Một số nghiên cứu cho rằng dầu dừa có tác dụng giảm sẹo nhanh hơn. Hãy chọn loại dầu dừa nguyên chất, làm ấm lên một chút trong lò vi sóng (nhưng đừng để dầu quá nóng) rồi nhẹ nhàng mát-xa dầu lên vết sẹo và vùng xung quanh. Lặp lại từ 1 đến 2 lần mỗi ngày cho đến khi sẹo mờ đi như mong muốn.
- Lô hội: Chất gel trong suốt bên trong lá lô hội có nhiều công dụng đối với làn da, ví dụ như làm dịu da và còn có thể giảm sẹo. Tách phần thịt trong suốt khỏi phần vỏ xanh bên ngoài (chú ý không để dính nhựa) rồi bôi trực tiếp gel lên vết sẹo. Để nguyên trong 30 phút và sau đó rửa sạch bằng nước ấm.
Những phương pháp này đều chỉ có thể làm mờ sẹo chứ không thể loại bỏ sẹo hoàn toàn.
Nếu mụn rộp môi để lại sẹo quá rõ và gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ thì có thể đến gặp bác sĩ da liễu để được tư vấn về các thủ thuật trị sẹo, chẳng hạn như peel da hoặc liệu pháp laser.
Tóm tắt bài viết
Mụn rộp là một vấn đề khá phổ biến và có thể để lại sẹo.
Tuy nhiên, có nhiều cách để ngăn ngừa sẹo khi nổi mụn rộp và nếu đã bị sẹo thì cũng có nhiều lựa chọn khác nhau để xử lý, gồm có cả các biện pháp tự khắc phục tại nhà cho đến những phương pháp điều trị chuyên sâu như laser.