1

Viêm Loét Đại Tràng

Viêm loét đại tràng là gì?

Viêm loét đại tràng (Ulcerative colitis) là một bệnh viêm ruột. Viêm ruột là một nhóm các bệnh với đặc trưng là viêm mãn tính xảy ra ở đường tiêu hóa.

Viêm loét đại tràng là tình trạng viêm ở niêm mạc đại tràng (hay còn gọi là ruột già), trực tràng hoặc cả hai và tạo ra các vết loét nhỏ. Bệnh thường bắt đầu ở trực tràng rồi lan lên trên và có thể lan rộng ra toàn bộ niêm mạc đại tràng.

Tình trạng viêm làm cho đại tràng và trực tràng co thắt nhiều hơn, khiến các sản phẩm còn lại của quá trình tiêu hóa được đẩy đi nhanh hơn và dẫn đến hiện tượng đi ngoài nhiều hơn bình thường. Khi các tế bào trên bề mặt niêm mạc chết đi, các ổ loét sẽ hình thành. Các vết loét này sẽ gây chảy máu, chảy dịch nhầy và mủ.

Mặc dù bệnh viêm loét đại tràng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng hầu hết các trường hợp viêm loét đại tràng đều được chẩn đoán ở độ tuổi từ 15 đến 35.

Các loại viêm loét đại tràng

Có nhiều loại viêm loét đại tràng và được phân loại theo vị trí bị loét như sau:

  • Viêm loét trực tràng: Tình trạng viêm giới hạn ở vùng gần hậu môn (trực tràng) và thường có biểu hiện duy nhất là xuất huyết trực tràng. Đây là dạng viêm loét đại tràng nhẹ nhất.
  • Viêm đại tràng sigma: Tình trạng viêm ở trực tràng và đại tràng sigma (đoạn gần cuối của đại tràng, liền kề trực tràng). Các dấu hiệu thường gặp của viêm đại tràng sigma gồm có tiêu chảy ra máu, chuột rút, đau bụng và buồn đi ngoài nhưng không đi được.
  • Viêm đại tràng bên trái: Tình trạng viêm kéo dài từ trực tràng lên đại tràng sigma và kết tràng xuống. Các dấu hiệu của viêm đại tràng bên trái gồm có tiêu chảy ra máu, đau quặn bụng, đau ở bụng bên trái và sụt cân không rõ lí do.
  • Viêm toàn đại tràng: Viêm toàn đại tràng là tình trạng viêm xảy ra ở toàn chiều dài của đại tràng và thường có triệu chứng là tiêu chảy ra máu nghiêm trọng, co thắt và đau quặn bụng, mệt mỏi và sụt cân đột ngột.
  • Viêm loét đại tràng cấp tính nghiêm trọng: Đây là dạng viêm đại tràng hiếm gặp, xảy ra ở toàn bộ đại tràng và gây đau dữ dội, tiêu chảy, chảy máu, sốt và không thể ăn uống.

Triệu chứng viêm loét đại tràng

Mỗi một người bị viêm loét đại tràng sẽ gặp phải các triệu chứng với mức độ nghiêm trọng khác nhau và các triệu chứng cũng có thể thay đổi theo thời gian.

Những người bị viêm loét đại tràng thường trải qua các giai đoạn mà triệu chứng bệnh chỉ ở mức rất nhẹ hoặc không có triệu chứng nào cả. Các giai đoạn này được gọi là các đợt thuyên giảm. Tuy nhiên, sau đó, các triệu chứng sẽ xuất hiện trở lại và trở nên nghiêm trọng. Đây được gọi là các đợt bùng phát.

Các triệu chứng phổ biến của viêm loét đại tràng gồm có:

  • Đau bụng
  • Thường xuyên bị sôi bụng
  • Phân có máu hoặc dịch nhầy
  • Tiêu chảy
  • Thường xuyên buồn đi ngoài khẩn cấp
  • Buồn đi ngoài nhưng không đi được
  • Sốt
  • Đau vùng trực tràng (bụng dưới)
  • Sụt cân
  • Triệu chứng thiếu hụt dinh dưỡng
  • Buồn nôn và chán ăn

Ngoài các triệu chứng phổ biến này thì viêm loét đại tràng còn có thể gây ra các dấu hiệu bất thường ở những bộ phận khác trong cơ thể như:

  • Đau khớp
  • Sưng khớp
  • Các vấn đề về da
  • Loét miệng
  • Viêm mắt

Nguyên nhân gây viêm loét đại tràng

Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng nguyên nhân gây viêm loét đại tràng là do hệ miễn dịch hoạt động quá mức. Tuy nhiên lại chưa rõ lý do tại sao ở những người bị viêm loét đại tràng, hệ miễn dịch lại chỉ tấn công ruột già mà không ảnh hưởng gì đến các cơ quan khác.

Có một số yếu tố làm tăng nguy cơ viêm loét đại tràng như:

  • Gen di truyền: Việc có cha hoặc mẹ bị viêm loét đại tràng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh
  • Các dạng rối loạn miễn dịch khác: Nếu bạn đã bị một bệnh do rối loạn miễn dịch thì nguy cơ bị thêm một bệnh rối loạn miễn dịch khác như viêm loét đại tràng sẽ cao hơn.
  • Các yếu tố môi trường: Vi khuẩn, virus và kháng nguyên có thể kích hoạt hệ miễn dịch tấn công và gây viêm loét đại tràng.

Ngoài ra, một số nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ giữa việc sử dụng thuốc isotretinoin (Accutane, Amnesteem, Claravis hoặc Sotret) và viêm loét đại tràng. Đây là các loại thuốc được dùng để điều trị mụn trứng cá dạng nang.

Chẩn đoán viêm loét đại tràng

Có nhiều phương pháp khác nhau được sử dụng để chẩn đoán viêm loét đại tràng. Vì viêm loét đại tràng có nhiều biểu hiện giống như các bệnh đường ruột khác như bệnh Crohn nên sẽ phải làm nhiều xét nghiệm cũng như là chẩn đoán hình ảnh để loại trừ các nguyên nhân khác.

Các phương pháp chẩn đoán viêm loét đại tràng gồm có:

Xét nghiệm phân: nhằm tìm tế bào bạch cầu lẫn trong phân, đây có thể là dấu hiệu của viêm loét đại tràng. Phương pháp xét nghiệm phân còn giúp phát hiện sự hiện diện của vi khuẩn, vi-rút hay ký sinh trùng – dấu hiệu cho thấy các bệnh nhiễm trùng khác.

Nội soi đường tiêu hóa trên: ống nội soi được đưa qua miệng hoặc đôi khi là mũi vào dạ dày, thực quản và ruột non để kiểm tra tình trạng bên trong.

Nội soi đại tràng: Phương pháp này cho phép quan sát toàn bộ bên trong đại tràng bằng cách sử dụng một ống mảnh, linh hoạt, có đèn chiều sáng và gắn camera. Trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể lấy mẫu mô (sinh thiết) để phân tích trong phòng thí nghiệm. Điều này giúp xác nhận chẩn đoán ban đầu.

Sinh thiết: lấy mẫu mô từ ruột già để phân tích.

Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) vùng bụng và vùng chậu: Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) ổ bụng hoặc vùng chậu là phương pháp sử dụng tia X để cho thấy hình ảnh các bộ phận trong cơ thể. Phương pháp chẩn đoán hình ảnh được sử dụng khi bác sĩ nghi ngờ đã có biến chứng xảy ra do viêm loét đại tràng và còn cho biết mức độ viêm ở đại tràng.

Xét nghiệm máu: là một phương pháp giúp ích rất lớn trong việc chẩn đoán bệnh. Xét nghiệm công thức máu toàn phần giúp phát hiện thiếu máu (số lượng hồng cầu thấp). Đây là tình trạng mà cơ thể không có đủ tế bào hồng cầu để mang oxy đến các mô và là một biểu hiện của viêm loét đại tràng. Ngoài ra, xét nghiệm màu còn giúp phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng.

Soi đại tràng sigma: cũng sử dụng ống nội soi nhưng chỉ kiểm tra trực tràng và đại tràng sigma – đoạn gần cuối của đại tràng. Nếu đại tràng bị viêm nặng, bác sĩ sẽ dùng phương pháp nội soi này thay cho nội soi toàn bộ đại tràng.

Chụp X-quang: Trong trường hợp có các triệu chứng nghiêm trọng, bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp chụp X-quang vùng bụng tiêu chuẩn để kiểm tra, phát hiện các biến chứng chẳng hạn như thủng đại tràng.

Chụp CT và MRI ruột non: Người bệnh có thể cần chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ (MRI) ruột non nếu phải loại trừ khả năng viêm ruột non. Những phương pháp chẩn đoán hình ảnh này phát hiện viêm chính xác hơn so với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh thông thường. Hơn nữa, chụp MRI còn không sử dụng bức xạ như chụp X-quang.

Ngoài ra còn có các xét nghiệm khác cũng được sử dụng để tìm ra các dấu hiệu của tình trạng viêm như xét nghiệm CRP để kiểm tra nồng độ protein phản ứng C và xét nghiệm EST để đo tốc độ máu lắng. Có thể bác sĩ sẽ còn yêu cầu làm các xét nghiệm kháng thể nhằm xác định sự xâm nhập của vi khuẩn hay virus.

Nội soi đại tràng

Nội soi đại tràng là một phương pháp được sử dụng để chẩn đoán viêm loét đại tràng và xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng như là sàng lọc ung thư đại trực tràng.

Trước khi nội soi đại tràng, bạn nên hạn chế ăn các loại thực phẩm rắn và thay thế bằng các món lỏng như súp, cháo loãng. Ngoài ra, bạn sẽ được hướng dẫn dùng thuốc nhuận tràng vào buổi tối trước khi nội soi để loại bỏ toàn bộ bã thức ăn ra khỏi đại tràng và trực tràng. Khi đại tràng sạch sẽ, bác sĩ sẽ dễ quan sát hơn trong quá trình nội soi.

Trước khi bắt đầu nội soi, bạn sẽ được uống thuốc an thần để thư giãn và không còn cảm thấy khó chịu trong quá trình thực hiện rồi sau đó nằm nghiêng lên bàn nội soi.

Sau khi thuốc an thần phát huy tác dụng, bác sĩ sẽ đưa ống nội soi vào từ hậu môn. Ống nội soi là một ống dài và linh hoạt để có thể di chuyển dễ dàng qua đường tiêu hóa. Ống này có gắn camera để cho thấy hình ảnh bên trong các cơ quan mà nó đi qua.

Trong quá trình nội soi, bác sĩ sẽ tìm các dấu hiệu viêm và các khối polyp (khối tăng trưởng mô tiền ung thư), sau đó lấy một mẫu mô nhỏ và gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích. Đây là kỹ thuật sinh thiết nội soi.

Nếu bạn được kết luận mắc viêm loét đại tràng thì sẽ cần đi nội soi đại tràng định kỳ để theo dõi tình trạng viêm và tốc độ lành lại của những vùng bị tổn thương.

Nội soi đại tràng còn là một công cụ quan trọng trong việc phát hiện ung thư đại trực tràng.

Điều trị viêm loét đại tràng

Viêm loét đại tràng là một bệnh mãn tính và mục tiêu của các phương pháp điều trị đều chỉ nhằm làm giảm tình trạng viêm gây ra các triệu chứng, từ đó ngăn ngừa các đợt bùng phát và kéo dài các đợt bệnh thuyên giảm.

Dùng thuốc

Loại thuốc cần sử dụng sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng và vị trí bị viêm. Các loại thuốc điều trị viêm loét đại tràng gồm có:

5-aminosalicylic acid (5-ASA)

5-aminosalicylic acid (5-ASA) thường là bước đầu tiên trong điều trị viêm loét đại tràng. Một số thuốc trong nhóm này gồm có: sulfasalazine (Azulfidine), mesalamine (Asacol HD, Delzicol,…), balsalazide (Colazal) và olsalazine (Dipentum). Những thuốc này thường có dạng viên uống nhưng cũng có cả dạng thuốc đặt (thuốc đạn). Ngoài ra có cả các dạng không chứa sulfa dành cho những người bị dị ứng với sulfa.

Dạng thuốc được kê sẽ tùy thuộc vào vị trí bị viêm trong đại tràng.

5-aminosalicylic acid thường có một số tác dụng phụ như: buồn nôn, phát ban da, đau đầu, tiêu chảy.

Steroid

Nếu các triệu chứng viêm loét đại tràng trở nên nghiêm trọng hoặc không đáp ứng với 5-aminosalicylic acid thì bác sĩ sẽ kê steroid hay corticoid. Loại thuốc này cũng có tác dụng giảm viêm.

Tuy nhiên, loại thuốc này thường chỉ được dùng trong thời gian ngắn. Người bệnh cần ngừng thuốc ngay khi tình trạng bệnh thuyên giảm. Việc sử dụng steroid kéo dài, đặc biệt là steroid đường uống, sẽ gây các tác dụng phụ như:

  • Nổi mụn trứng cá và các vấn đề về da khác
  • Thay đổi tâm trạng
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Sưng phù
  • Khó tiêu

Steroid còn có tác dụng phụ lâu dài là làm tăng nguy cơ:

  • Bầm tím
  • Đục thủy tinh thể
  • Tiểu đường
  • Tăng nhãn áp
  • Cao huyết áp
  • Yếu cơ
  • Loãng xương
  • Mỏng da
  • Tăng cân
  • Gây suy giảm miễn dịch

Thuốc ức chế miễn dịch

Khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả hoặc khi phải ngừng sử dụng steroid thì có thể người bệnh cần chuyển sang dùng thuốc ức chế miễn dịch để làm giảm các triệu chứng viêm loét đại tràng. Loại thuốc này có tác dụng làm giảm hoạt động của hệ miễn dịch và làm dịu tình trạng viêm ở đại tràng và trực tràng. Một số thuốc ức chế miễn dịch:

  • Azathioprine (Azasan, Imuran) và mercaptopurine (Purinethol, Purixan): Các loại thuốc này đòi hỏi người dùng phải theo dõi chặt chẽ và xét nghiệm máu thường xuyên để phát hiện tác dụng phụ, ví dụ như các vấn đề ở gan.
  • Cyclosporine (Gengraf, Neoral, Sandimmune): Thuốc này được sử dụng cho những người không đáp ứng với các loại thuốc khác nhưng không được sử dụng lâu dài.
  • Tofacitinib (Xeljanz): Đây là thuốc này gần đây mới được phê duyệt để điều trị các vấn đề như viêm loét đại tràng, viêm khớp dạng thấp hoặc viêm khớp vẩy nến.

Các tác dụng phụ của thuốc ức chế miễn dịch thường gồm có:

  • Buồn nôn
  • Tiêu chảy
  • Tổn thương gan
  • Thiếu máu
  • Bầm tím
  • Nhiễm trùng

Thuốc sinh học

Các loại thuốc sinh học được sử dụng để điều trị viêm loét đại tràng gồm có:

  • Infliximab (Remicade), adalimumab (Humira) và golimumab (Simponi): Những thuốc này được gọi là thuốc ức chế yếu tố hoại tử khối u (TNF) và có cơ chế hoạt động là trung hòa một loại protein được hệ miễn dịch tạo ra.
  • Vedolizumab (Entyvio): Đây là thuốc đặc trị đường ruột, hoạt động với cơ chế ngăn cản các tế bào gây viêm di chuyển đến vị trí bị viêm.

Thuốc ức chế Janus kinase (JAK)

Thuốc ức chế enzyme janus kinase (JAK) như xeljanz cũng là thuốc được dùng trong điều trị viêm loét đại tràng. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thuốc này có thể cho hiệu quả làm giảm triệu chứng viêm loét đại tràng cao hơn so với corticosteroid.

Năm 2018, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt liều xeljanz 5mg và 10mg hai lần mỗi ngày để điều trị viêm loét đại tràng.

Các tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng xeljanz là tiêu chảy, cholesterol tăng cao và bệnh zona.

Các loại thuốc khác

Ngoài các thuốc trên, người bệnh viêm loét đại tràng có thể cần dùng thêm một số loại thuốc khác để kiểm soát các triệu chứng bệnh. Ví dụ, nếu như bị tiêu chảy nặng thì sẽ cần dùng thuốc trị tiêu chảy như loperamid (Imodium AD). Tuy nhiên, cần hết sức thận trọng khi dùng thuốc chống tiêu chảy và phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Vào năm 2018, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cho phép sử dụng tofacitinib (Xeljanz) để điều trị viêm loét đại tràng. Loại thuốc này ban đầu được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp với cơ chế hoạt động là nhắm mục tiêu đến các tế bào gây viêm. Đây là loại thuốc uống đầu tiên được chính thức phê chuẩn để điều trị viêm loét đại tràng lâu dài.

Nhập viện

Nếu gặp phải triệu chứng viêm loét đại tràng nghiêm trọng ví dụ như tiêu chảy, bạn sẽ cần phải nhập viện để điều trị các hậu quả như mất nước và rối loạn điện giải. Có những trường hợp còn cần phải thay máu và điều trị các biến chứng.

Phẫu thuật viêm loét đại tràng

Phẫu thuật là lựa chọn cần thiết trong những trường hợp bị mất một lượng máu lớn do xuất huyết tiêu hóa, các triệu chứng mãn tính, suy nhược cơ thể, thủng đại tràng hoặc tắc nghẽn nghiêm trọng. Những vấn đề này sẽ được phát hiện bằng cách chụp cắt lớp vi tính hoặc nội soi.

Phương pháp phẫu thuật phổ biến để điều trị viêm loét đại tràng là cắt bỏ toàn bộ đại tràng và tạo ra một con đường mới để loại bỏ chất thải. Con đường này có thể được tạo ra qua một lỗ mở nhỏ trên thành bụng hoặc qua trực tràng.

Nếu đưa chất thải qua thành bụng, bác sĩ sẽ tạo một lỗ nhỏ trên thành bụng và sau đó, hồi tràng (phần cuối của ruột non) được nối với lỗ mở này. Chất thải sẽ thoát qua ra ngoài ra lỗ và được chứa trong một chiếc túi. Đây được gọi là thủ thuật mở hồi tràng ra da.

Trong trường hợp chuyển hướng chất thải qua trực tràng, bác sĩ sẽ cắt bỏ phần bị bệnh của đại tràng và trực tràng nhưng vẫn giữ lại các cơ bên ngoài của trực tràng. Sau đó, ruột non được nối với trực tràng để tạo thành một túi nhỏ. Sau ca phẫu thuật này, cơ thể sẽ đào thải phân qua trực tràng. Bạn sẽ đi ngoài thường xuyên hơn và phân cũng sẽ lỏng hơn bình thường.

Cứ 5 người bị viêm loét đại tràng thì sẽ có 1 người cần phải phẫu thuật để điều trị.

Đọc thêm về từng lựa chọn phẫu thuật và các tác động về lâu dài

Phương pháp điều trị tự nhiên

Một số loại thuốc được sử dụng trong điều trị viêm loét đại tràng có đi kèm với các tác dụng phụ nghiêm trọng nên không phải ai cũng có thể dùng được. Trong một số trường hợp, khi người bệnh không thể chịu được các loại thuốc truyền thống thì có thể chuyển sang các biện pháp điều trị tự nhiên để kiểm soát tình trạng viêm loét đại tràng.

Các biện pháp tự nhiên này gồm có:

  • Nhũ hương (Boswellia): hay còn được gọi là trầm hương Ấn Độ, được lấy từ vỏ cây nhũ hương. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy loại thảo dược này có công dụng ngăn chặn một số phản ứng hóa học gây viêm trong cơ thể.
  • Bromelain: Đây là một loại enzyme có tự nhiên trong dứa và được chiết xuất, điều chế dưới dạng viên uống bổ sung. Bromelain có công dụng làm giảm các triệu chứng viêm loét đại tràng và giảm các đợt bùng phát.
  • Probiotic hay men vi sinh: Dạ dày và ruột là nơi cư trú của hàng tỷ vi khuẩn. Khi hệ vi sinh vật trong đường ruột ở trạng thái cân bằng và đủ số lượng vi khuẩn có lợi thì cơ thể sẽ có khả năng kháng viêm và chống lại các triệu chứng viêm loét đại tràng. Ăn các loại thực phẩm có chứa lợi khuẩn như sữa chua hoặc uống men vi sinh sẽ giúp tăng cường hệ vi sinh vật trong đường ruột và cải thiện tình trạng viêm loét đại tràng
  • Psyllium: đây là một loại thực phẩm chức năng được chiết xuất từ hạt mã đề, giúp bổ sung chất xơ và duy trì nhu động ruột bình thường. Điều này làm giảm bớt các triệu chứng của viêm loét đại tràng, ngăn ngừa táo bón và hỗ trợ cơ thể loại bỏ chất thải dễ dàng hơn.
  • Củ nghệ: Loại gia vị này có chứa nhiều curcumin - một chất chống oxy hóa đã được chứng minh là có khả năng giảm viêm.

biện pháp tự nhiên có thể được sử dụng kết hợp với các phương pháp điều trị viêm loét đại tràng khác nhưng vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ để đảm bảo không tương tác với các loại thuốc đang dùng.

Chế độ ăn

Không có quy định cụ thể nào về chế độ ăn uống dành cho người bị viêm loét đại tràng vì mỗi người sẽ có những phản ứng khác nhau với các loại đồ ăn và thức uống. Tuy nhiên, dưới đây là một số lưu ý chung cho người mắc bệnh này để tránh các triệu chứng bùng phát:

  • Ăn ít chất béo: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc giảm hàm lượng chất béo trong chế độ ăn có thể làm giảm các đợt bùng phát triệu chứng viêm loét đại tràng. Nên chọn các loại thực phẩm có chứa chất béo tốt như dầu ô-liu, các loại hạt hay quả bơ và thực phẩm giàu axit béo omega-3 như cá thu, cá hồi và tránh những nguồn thực phẩm chứa chất béo xấu như mỡ động vật, bơ, đồ chiên rán…
  • Bổ sung nhiều vitamin C: Vitamin C có tác dụng bảo vệ đường ruột và giúp kéo dài giai đoạn bệnh thuyên giảm. Một số loại thực phẩm giàu vitamin C gồm có ổi, ớt chuông, bông cải xanh,…
  • Không ăn thực phẩm giàu chất xơ: Bình thường, một chế độ ăn nhiều chất xơ giúp sẽ duy trì thói quen đại tiện bình thường, đào thải phân ra ngoài dễ dàng hơn và ngăn ngừa táo bón. Nhưng khi bị viêm loét đại tràng, đặc biệt là vào những lúc mà triệu chứng bùng phát thì việc ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ sẽ gây đầy bụng, khó tiêu, đau bụng và đi ngoài thường xuyên.

Theo dõi chế độ ăn

Nên có thói quen theo dõi chế độ ăn uống hàng ngày và tình trạng sức khỏe trong khoảng vài tiếng sau ăn cũng như là thói quen đại tiện để biết được mỗi loại thực phẩm có ảnh hưởng thế nào đến tình trạng bệnh.

Sau khi xác định được các loại thực phẩm gây khó chịu, đau bụng và các triệu chứng khác thì hãy cố gắng loại bỏ hẳn hoặc hạn chế những thực phẩm đó khỏi chế độ ăn và xem các triệu chứng có cải thiện hay không.

Thông thường, chỉ cần tránh các loại thực phẩm gây kích thích đường tiêu hóa là đủ để kiểm soát các triệu chứng nhẹ của viêm loét đại tràng.

Đọc thêm: Những thực phẩm cần tránh bị viêm loét đại tràng

Viêm loét đại tràng và bệnh Crohn

Viêm loét đại tràng và bệnh Crohn là hai dạng phổ biến nhất của bệnh viêm ruột. Cả hai bệnh này đều được cho là do hệ miễn dịch hoạt động quá mức gây nên.

Ngoài ra, cả hai còn có nhiều triệu chứng tương tự nhau như:

  • Chuột rút bụng
  • Đau bụng
  • Tiêu chảy
  • Người mệt mỏi

Tuy nhiên, viêm loét đại tràng và bệnh Crohn lại vẫn có một số điểm khác biệt.

Vị trí bị ảnh hưởng

Hai bệnh này xảy ra ở các bộ phận, vị trí khác nhau của hệ tiêu hóa.

Bệnh Crohn có thể xảy ra ở bất kỳ đâu trong hệ tiêu hóa, từ miệng cho đến hậu môn nhưng phổ biến nhất là ở ruột non. Trong khi đó, viêm loét đại tràng lại thường tác động đến đại tràng và trực tràng.

Đáp ứng với điều trị

Cả viêm loét đại tràng và bệnh Crohn thường được điều trị bằng các loại thuốc và phương pháp tương tự nhau, bao gồm cả phẫu thuật. Tuy nhiên, ở những người mắc bệnh Crohn thì tỉ lệ không đáp ứng hoặc giảm đáp ứng với các phương pháp điều trị không xâm lấn thường cao hơn nên số ca phải phẫu thuật cũng nhiều hơn so với những trường hợp bị viêm loét đại tràng.

Viêm loét đại tràng có chữa khỏi được không?

Hiện tại, chưa có loại thuốc nào có thể chữa khỏi bệnh viêm loét đại tràng. Tất cả các loại thuốc điều trị bệnh này hiện nay đều chỉ nhằm mục đích giảm nhẹ và hạn chế các đợt bùng phát triệu chứng.

Cách duy nhất để trị khỏi viêm loét đại tràng là cắt bỏ toàn bộ đại tràng và trực tràng. Tuy nhiên, phương pháp phẫu thuật này lại đòi hỏi phải tạo lỗ mở qua da và gắn một túi ở bên ngoài cơ thể để chứa chất thải. Lỗ mở này có thể bị viêm và gây ra các vấn đề không mong muốn. Do đó, đa phần thì bác sĩ đều chỉ định bắt đầu điều trị bằng thuốc và chỉ phẫu thuật khi xảy ra các biến chứng nghiêm trọng. Nếu có thì trước tiên chỉ cắt đi một phần bị viêm của ruột già.

Không phải ai bị viêm loét đại tràng cũng phải phẫu thuật, có những người có thể kiểm soát tốt các triệu chứng bệnh chỉ bằng cách dùng thuốc và điều chỉnh lối sống.

Nếu bạn bị viêm loét đại tràng thì cũng đừng lo lắng vì chỉ cần tuân thủ cẩn thận theo kế hoạch điều trị và đi khám định kỳ để theo dõi thì bạn vẫn có thể chung sống bình thường với bệnh và có khả năng không cần làm phẫu thuật.

Viêm loét đại tràng có lây không?

Mặc dù một số tác nhân gây viêm đại tràng ví dụ như vi khuẩn và virus có thể lây truyền nhưng bản thận bệnh viêm loét đại tràng lại không phải là bệnh truyền nhiễm và không lây khi dùng chung đồ dùng với người khác.

Viêm loét đại tràng ở trẻ em

Theo Tổ chức nghiên cứu về bệnh Crohn và Viêm đại tràng Hoa Kỳ, cứ 10 người dưới 18 tuổi thì lại có 1 người bị viêm loét đại tràng. Hầu hết các ca được chẩn đoán mắc bệnh đều dưới 30 tuổi. Ở trẻ em thì bệnh viêm loét đại tràng thường được chẩn đoán sau 10 tuổi.

Các triệu chứng ở trẻ em cũng tương tự như các triệu chứng ở người trưởng thành như tiêu chảy ra máu, đau bụng, cảm giác chuột rút ở bụng và mệt mỏi.

Ngoài ra, trẻ em còn có thể gặp phải các triệu chứng khác như:

  • Thiếu máu do xuất huyết tiêu hóa
  • Thiếu hụt dinh dưỡng do ăn uống kém
  • Sụt cân mà không rõ nguyên do

Viêm loét đại tràng gây ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống của trẻ, đặc biệt là khi vấn đề không được điều trị và kiểm soát kịp thời, đúng cách. Ở trẻ em thì các phương pháp điều trị sẽ hạn chế hơn vì một số phương pháp dành cho người lớn có thể gây ra nhiều vấn đề không mong muốn cho trẻ.

Trẻ em bị viêm loét đại tràng thường được kê các loại thuốc có tác dụng giảm viêm và ngăn chặn hệ miễn dịch tấn công ruột già. Cũng có trường hợp mà trẻ cần phẫu thuật để kiểm soát các triệu chứng.

Nếu con bạn có các triệu chứng viêm loét đại tràng thì cần đưa đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm bằng các phương pháp thích hợp.

Đọc thêm: Lời khuyên dành cho phụ huynh có con bị viêm loét đại tràng

Biến chứng viêm loét đại tràng

Viêm loét đại tràng làm tăng nguy cơ ung thư ruột già. Càng bị bệnh lâu thì nguy cơ này sẽ càng cao.

Do vậy nên bác sĩ thường yêu cầu nội soi và sàng lọc ung thư thường xuyên hơn trong các trường hợp được chẩn đoán viêm loét đại tràng.

Nếu được kết luận mắc bệnh, bạn nên đi khám sàng lọc định kỳ để phát hiện sớm ung thư.

Các biến chứng khác của viêm loét đại tràng còn có:

  • Dày thành ruột
  • Nhiễm trùng huyết
  • Mất nước nghiêm trọng
  • Phình đại tràng nhiễm độc
  • Bệnh gan
  • Xuất huyết tiêu hóa
  • Sỏi thận
  • Viêm da, khớp và mắt
  • Vỡ ruột già
  • Viêm cột sống dính khớp – tình trạng viêm nghiêm trọng ở các khớp cột sống, khiến cho các đốt xương dính liền

Biến chứng viêm loét đại tràng sẽ càng nặng hơn nếu vấn đề không được điều trị đúng cách.

Đọc thêm: 6 biến chứng phổ biến của viêm loét đại tràng

Ngăn ngừa viêm loét đại tràng bùng phát

Mặc dù đồ ăn thức uống không phải là nguyên nhân gây viêm loét đại tràng nhưng một số loại thực phẩm nhất định như đồ uống có cồn, caffeine, các loại đồ khô, cứng hay sản phẩm từ sữa… có thể làm tăng nặng các triệu chứng và khiến các đợt bùng phát xảy ra thường xuyên hơn. Do đó, bạn nên cố gắng tránh các loại thực phẩm này để giảm tần suất các đợt bùng phát.

Ngoài ra, bạn cũng nên :

  • Uống đủ nước, chia làm nhiều lần trong suốt cả ngày
  • Ăn nhiều bữa nhỏ thay vì ba bữa như bình thường
  • Hạn chế ăn các loại thực phẩm nhiều chất xơ
  • Tránh đồ dầu mỡ
  • Giảm lượng sữa nếu bị chứng không dung nạp lactose

Ngoài ra, có thể hỏi bác sĩ về việc dùng vitamin tổng hợp để cải thiến triệu chứng.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 35 trong 8 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Video Viêm Loét Đại Tràng

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây