1

Vi khuẩn HP là gì? Gây hại thế nào?

Ngoài căng thẳng và thói quen ăn nhiều thực phẩm có tính axit cao, vi khuẩn HP cũng là một nguyên nhân gây loét dạ dày.
Vi khuẩn HP là gì? Gây hại thế nào? Vi khuẩn HP là gì? Gây hại thế nào?

Vi khuẩn HP là gì?

HP (Helicobacter pylori hay H. pylori) là một loại vi khuẩn có hình xoắn ốc tồn tại trong đường tiêu hóa và thường tấn công niêm mạc dạ dày. Theo số liệu thống kê, khoảng 60% dân số ở tuổi trưởng thành trên thế giới bị nhiễm loại vi khuẩn này trong dạ dày. Vi khuẩn HP thường vô hại, phần lớn các trường hợp nhiễm khuẩn đều không gặp bất cứ triệu chứng nào nhưng đôi khi chúng lại gây ra vấn đề.

Ngoài căng thẳng và thói quen ăn nhiều thực phẩm có tính axit cao, vi khuẩn HP cũng là một nguyên nhân gây loét dạ dày. Theo thống kê, khoảng 10% những người nhiễm HP bị loét dạ dày. Sử dụng các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) trong thời gian dài cũng làm tăng nguy cơ gặp phải vấn đề này.

Đa số mọi người thường bị nhiễm vi khuẩn HP vào dạ dày khi còn nhỏ. Vi khuẩn HP có thể thích nghi và tồn tại ở môi trường có tính axit cao bên trong dạ dày nhờ khả năng làm giảm độ axit của môi trường xung quanh để chúng có thể sống sót. Hình dạng xoắn ốc của vi khuẩn H. pylori cho phép chúng xâm nhập vào niêm mạc dạ dày, tại đây chúng được bảo vệ bởi dịch nhầy nên các tế bào miễn dịch của cơ thể không thể tiếp cận đến được. Loại vi khuẩn này còn có thể can thiệp vào đáp ứng miễn dịch để ngăn hệ miễn dịch tiêu diệt chúng. Điều này dẫn đến các vấn đề về dạ dày.

Con đường lây nhiễm vi khuẩn HP

Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được chính xác con đường lây nhiễm vi khuẩn HP dù vi khuẩn này đã tồn tại với con người trong suốt hàng ngàn năm nay. Tuy nhiên, vi khuẩn HP được cho là có thể lây lan từ người này sang người khác qua đường miệng, ví dụ như tiếp xúc với nước bọt của người mắc bệnh. Loại vi khuẩn này được đào thải ra ngoài qua phân và người bị nhiễm có thể lây cho người khác nếu như không rửa tay kỹ sau khi đi vệ sinh hoặc lây lan qua các loại thực phẩm hay nguồn nước bẩn, đặc biệt là ở những người có thói quen ăn đồ sống. H. pylori còn có thể lây lan qua việc dùng chung đồ với người nhiễm bệnh như bàn chải đánh răng hay các dụng cụ y tế như nội soi dạ dày, dụng cụ nha khoa.

Vi khuẩn này bắt đầu gây ra các vấn đề cho dạ dày khi chúng xâm nhập vào niêm mạc dạ dày và tạo ra các chất trung hòa axit dạ dày. Điều này làm cho các tế bào dạ dày dễ bị tổn thương bởi axit hơn. Axit dạ dày và H. pylori cùng kích thích niêm mạc dạ dày và gây ra các vết loét ở dạ dày hoặc tá tràng - phần đầu của ruột non.

Các triệu chứng khi bị nhiễm vi khuẩn HP

Hầu hết những người bị nhiễm vi khuẩn HP đều không có bất kỳ triệu chứng nào. Nhưng khi nhiễm trùng gây loét thì sẽ có các triệu chứng như đau bụng, đặc biệt là khi dạ dày không còn thức ăn vào ban đêm hoặc một vài giờ sau khi ăn. Các cơn đau thường được người bệnh mô tả là đau âm ỉ và xảy đến trong một thời gian ngắn. Cơn đau thường dịu bớt sau khi ăn hoặc uống thuốc kháng axit.

Nếu bạn thường xuyên bị đau bụng âm ỉ bất thường hoặc đau dữ dội, kéo dài dai dẳng không đỡ thì nên đi khám.

Một số triệu chứng khác có thể gặp phải khi bị nhiễm vi khuẩn HP còn có:

  • Ợ nhiều
  • Cảm giác đầy hơi, trướng bụng
  • Buồn nôn
  • Ợ nóng
  • Sốt
  • Chán ăn
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân

Cần đi khám ngay nếu có triệu chứng:

  • Nghẹn họng, khó nuốt
  • Các triệu chứng của thiếu máu
  • Phân có lẫn máu hoặc có màu đen
  • Nôn ra máu

Tuy nhiên, đây là những triệu chứng thường gặp ở cả các bệnh lý, vấn đề khác về sức khỏe và một số triệu chứng của nhiễm khuẩn HP cũng xảy ra ở cả những người khỏe mạnh bình thường. Do đó, nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số này và bạn cảm thấy lo lắng thì tốt nhất là đi khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác vấn đề.

Ai có nguy cơ bị nhiễm H. pylori?

Trẻ em dễ bị nhiễm vi khuẩn HP hơn người lớn do thói quen đưa đồ lên miệng và chưa thể tự giữ vệ sinh.

Nguy cơ nhiễm vi khuẩn còn phụ thuộc một phần vào môi trường và điều kiện sống. Bạn sẽ có nguy cơ nhiễm khuẩn HP cao hơn nếu như:

  • Sống ở những nơi có điều kiện vệ sinh không sạch sẽ
  • Sống cùng nhà ở với những người đã bị nhiễm vi khuẩn HP
  • Ở tập thể ở những nơi quá đông đúc

Phát hiện vi khuẩn HP bằng cách nào?

Khi đến khám, bác sĩ sẽ lấy bệnh sử cá nhân và tiền sử gia đình mắc bệnh cũng như là các loại thuốc mà bạn đang dùng, bao gồm cả thuốc kê đơn, không kê đơn, vitamin và thực phẩm chức năng. Nếu bạn đang gặp phải các triệu chứng loét dạ dày, bác sĩ sẽ hỏi cụ thể hơn về việc sử dụng thuốc kháng viêm không steroid, chẳng hạn như ibuprofen.

Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm và quy trình kiểm tra khác để xác nhận chẩn đoán ban đầu:

Khám lâm sàng

Trong quá trình khám lâm sàng, bác sĩ sẽ kiểm tra vùng bụng để xem có các dấu hiệu như đầy hơi, cứng bụng hoặc đau hay không và nghe để phát hiện các âm thanh bất thường trong khoang bụng.

Xét nghiệm máu

Cần làm xét nghiệm máu để tìm kháng thể chống lại vi khuẩn HP. Để xét nghiệm máu, bác sĩ hay nhân viên y tế sẽ lấy một lượng máu nhỏ từ tĩnh mạch ở gần nếp gấp khuỷu tay hoặc mu bàn tay. Mẫu máu này sau đó sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích. Phương pháp xét nghiệm máu này chỉ có ích nếu trước đây bạn chưa bao giờ điều trị vi khuẩn HP.

Xét nghiệm phân

Ngoài xét nghiệm máu, xét nghiệm phân cũng là công cụ cần thiết để kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn HP trong phân. Bạn sẽ được phát một hộp đựng để mang về nhà và lấy mẫu phân. Sau khi mang nộp, mẫu phân sẽ gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích giống như mẫu máu. Trước khi làm xét nghiệm phân và xét nghiệm hơi thở, bạn sẽ được hướng dẫn dừng các loại thuốc như kháng sinh và thuốc ức chế bơm proton để đảm bảo kết quả chính xác.

Xét nghiệm hơi thở

Nếu bác sĩ chỉ định xét ngiệm hơi thở, bạn sẽ cần uống một loại thuốc hoặc dung dịch có chứa ure gắn phân tử carbon đồng bị C13 hoặc C14. Nếu có vi khuẩn H. pylori, chúng sẽ giải phóng một loại enzyme phá vỡ sự liên kết này và giải phóng carbon dioxide, lúc này thiết bị sẽ phát hiện ra.

Nội soi

Nội soi là kỹ thuật mà bác sĩ đưa một ống nội soi dài, mảnh vào miệng hoặc mũi rồi xuống dạ dày và tá tràng. Camera gắn ở đầu ống nội soi sẽ ghi lại và hiển thị hình ảnh trên màn hình để bác sĩ có thể quan sát bên trong và phát hiện những vị trí bất thường. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ dùng các công cụ đặc biệt cùng với ống nội soi để lấy mẫu mô từ các vị trí này và đem đi phân tích (sinh thiết).

Vi khuẩn HP gây hại thế nào?

Vi khuẩn HP có thể gây loét dạ dày và bên cạnh đó còn có các biến chứng nghiêm trọng hơn như:

  • Chảy máu trong, đây là tình trạng xảy ra khi các ổ loét dạ dày ăn vào mạch máu và thường đi kèm với thiếu máu thiếu sắt.
  • Tắc ruột, xảy ra khi một vật cản ví dụ như khối u ngăn cản thức ăn được đẩy khỏi dạ dày đến tá tràng
  • Thủng dạ dày, xảy ra khi ổ loét ăn xuyên qua thành dạ dày
  • Viêm phúc mạc, tình trạng phúc mạc (lớp màng bao phủ mặt trong của khoang bụng) bị viêm

Ngoài ra, những người bị nhiễm vi khuẩn HP còn có nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày.

Phương pháp điều trị

Nếu bị nhiễm vi khuẩn HP nhưng chưa xảy ra bất cứ vấn đề bất thường hay triệu chứng nào thì có thể chưa cần điều trị. Việc điều trị thường được chỉ định cho những trường hợp bị viêm loét dạ dày tá tràng hoặc trường hợp mà trong gia đình có người bị ung thư dạ dày hay một vấn đề về đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày tá tràng. Các phương pháp điều trị sẽ làm hồi phục các vết loét và giảm nguy cơ phát triển ung thư dạ dày. Nhiễm vi khuẩn HP thường được điều trị bằng cách phương pháp sau đây:

Dùng thuốc

Thông thường bác sĩ sẽ chỉ định dùng kết hợp hai loại kháng sinh khác nhau cùng với một loại thuốc giảm axit dạ dày. Đây là pháp đồ điều trị kết hợp 3 loại thuốc, trong đó thuốc giảm axit có tác dụng gây ức chế sự tiết axit trong dạ dày để kháng sinh phát huy tác dụng hiệu quả hơn.

Một số loại thuốc thường được sử dụng trong liệu pháp điều trị kết hợp này gồm có:

  • clarithromycin
  • Thuốc ức chế bơm proton (PPI), ví dụ như lansoprazole (Prevacid), esomeprazole (Nexium), pantoprazole (Protonix) hay rabeprazole (AcipHex)
  • metronidazole (dùng trong 7 đến 14 ngày)
  • amoxicillin (dùng trong 7 đến 14 ngày)

Đơn thuốc sẽ được kê tùy theo tiền sử mắc bệnh và phản ứng dị ứng với một số loại thuốc nhất định.

Sau khi điều trị, bạn sẽ cần tái khám để kiểm tra vi khuẩn HP. Trong hầu hết các trường hợp thì chỉ cần một đợt kháng sinh là đủ để loại bỏ vi khuẩn nhưng đôi khi sẽ cần dùng lâu hơn và kết hợp các loại thuốc khác nhau.

Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống

Mặc dù chế độ ăn và việc thay đổi lối sống không thể điều trị tình trạng nhiễm khuẩn nhưng vẫn cần tránh các loại thực phẩm chua, cay, hạn chế rượu và không hút thuốc để tránh làm cho các tình trạng viêm loét do nhiễm khuẩn HP thêm nghiêm trọng hơn.
Đọc về các phương pháp điều trị nhiễm khuẩn H. pylori tự nhiên

Nhiễm vi khuẩn HP có khỏi được không?

Nhiều người bị nhiễm vi khuẩn H. pylori không hề gặp phải bất cứ vấn đề hay phiền toái nào. Nếu có các triệu chứng thì chỉ cần điều trị kịp thời là có thể ngăn chặn các vấn đề nghiêm trọng xảy ra trong tương lai. Khoảng 4 tuần sau khi kết thúc phác đồ điều trị, bạn cần đến tái khám để bác sĩ đánh giá hiệu quả điều trị bằng các phương pháp như xét nghiệm ure hơi thở hoặc xét nghiệm phân.

Nếu vẫn còn sót lại vi khuẩn sau một đợt điều trị đầu thì viêm loét dạ dày có thể sẽ tái phát hoặc phát triển thành các bệnh đường tiêu hóa khác như ung thư dạ dày. Lúc này, khả năng khỏi bệnh sẽ phụ thuộc vào bệnh cụ thể, thời gian chẩn đoán và phương pháp điều trị. Do đó, có thể bạn sẽ cần phải điều trị nhiều đợt để loại bỏ hết vi khuẩn.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: vi khuẩn, Vi khuẩn HP

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây