1

Ợ nóng là do đâu?

Việc thi thoảng bị ợ nóng không phải là một vấn đề đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu triệu chứng này xảy ra thường xuyên thì rất có thể bạn đang gặp phải một vấn đề về sức khỏe cần phải điều trị.
Ợ nóng là do đâu? Ợ nóng là do đâu?

Ợ nóng là gì?

Ợ nóng là hiện tượng cảm thấy nóng rát ở vùng ngực thường đi kèm vị đắng trong cổ họng hoặc miệng. Tình trạng này thường trở nên nghiêm trọng hơn sau khi ăn no hoặc khi nằm, nhất là nằm xuống ngay sau khi ăn. Thực chất ợ nóng không phải là bệnh mà là triệu chứng của các vấn đề về tiêu hóa và thường có thể điều trị khỏi. Tuy nhiên, nếu chứng ợ nóng xảy ra thường xuyên và gây khó khăn cho việc ăn uống thì cũng cần can thiệp kịp thời.

Nguyên nhân gây ợ nóng?

Chứng ợ nóng xảy ra khi chất dịch từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Thực quản là ống mang thức ăn và chất lỏng từ miệng xuống dạ dày. Giữa thực quản và dạ dày có một cơ hình tròn gọi là cơ vòng thực quản dưới với chức năng ngăn không cho thức ăn cùng dịch vị trào ngược từ dạ dày lên trên.

Tuy nhiên, khi cơ vòng thực quản không hoạt động bình thường hoặc bị suy yếu thì sẽ khiến cho chất dịch từ bên trong dạ dày trào ngược trở lại lên thực quản. Axit dạ dày sẽ kích thích thực quản và gây ra triệu chứng ợ nóng. Tình trạng này được gọi là trào ngược axit hay trào ngược dạ dày thực quản.

Chứng ợ nóng có thể là kết quả do thoát vị khe hoành thực quản. Đây là vấn đề xảy ra khi một phần của dạ dày nhô qua khe cơ hoành và vào lồng ngực.

Chứng ợ nóng cũng là một tình trạng phổ biến xảy ra trong thời gian mang thai. Khi phụ nữ mang thai, hormone progesterone có thể khiến cơ vòng thực quản dưới bị giãn ra, khiến cho chất dịch bên trong dạ dày đi lên thực quản và gây các triệu chứng ợ nóng.

Các vấn đề về sức khỏe hoặc thói quen không tốt hàng ngày có thể làm cho chứng ợ nóng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, gồm có:

  • Hút thuốc
  • Thừa cân hoặc béo phì
  • Tiêu thụ quá nhiều caffeine, chocolate hoặc rượu
  • Ăn nhiều đồ ăn cay
  • Nằm ngay sau khi ăn
  • Dùng một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc chống viêm không steroid (aspirin hay ibuprofen)

Khi nào cần đi khám?

Việc thi thoảng bị ợ nóng là điều bình thường nhưng nếu gặp triệu chứng này quá hai lần mỗi tuần hoặc nếu đã dùng thuốc mà không có cải thiện thì nên đi khám bởi đây có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn.

Chứng ợ nóng thường là triệu chứng của các vấn đề về đường tiêu hóa, chẳng hạn như viêm loét dạ dày - thực quản hoặc bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Ngoài ợ nóng, các vấn đề này thường có thêm các triệu chứng khác như:

  • Khó nuốt
  • Đau khi nuốt
  • Phân đen hoặc có lẫn máu
  • Khó thở
  • Cơn đau lan ra sau lưng hoặc lan sang vai
  • Chóng mặt, choáng váng
  • Đổ mồ hôi khi đau ngực

Chứng ợ nóng không liên quan gì đến nhồi máu cơ tim nhưng nhồi máu cơ tim lại dễ bị nhầm lẫn là ợ nóng do hai vấn đề này có nhiều biểu hiện giống nhau. Nếu như bạn còn có các triệu chứng dưới đây thì có khả năng bạn bị nhồi máu cơ tim chứ không còn đơn thuần là ợ nóng:

  • Đau ngực dữ dội
  • Khó thở
  • Đau hàm
  • Đau cánh tay

>>> Phân biệt ợ nóng và triệu chứng nhồi máu cơ tim

Điều trị ợ nóng bằng cách nào?

Nếu bạn chỉ thi thoảng bị ợ nóng thì có một số thay đổi về lối sống và biện pháp khắc phục mà bạn có thể áp dụng tại nhà để giảm bớt các triệu chứng như:

  • Không nằm xuống sau bữa ăn
  • Không hút thuốc và sử dụng các sản phẩm thay thế thuốc lá
  • Ăn chocolate ở mức vừa phải
  • Không uống rượu
  • Hạn chế tiêu thụ các loại đồ uống chứa caffeine

Một số loại thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ bị ợ nóng mà bạn nên tránh:

  • Các loại nước ngọt có ga
  • Các loại trái cây chua như cam, quýt,…
  • Đồ ăn chứa bạc hà
  • Các loại đồ ăn chiên rán

Nếu các những điều chỉnh này đều không cải thiện được các triệu chứng thì nên đi khám bác sĩ. Bác sĩ sẽ đánh giá bệnh sử, các triệu chứng và tiến hành một số phương pháp kiểm tra chẩn đoán để tìm ra nguyên nhân gây chứng ợ nóng. Các phương pháp kiểm tra chẩn đoán thường là:

  • Chụp X-quang dạ dày hoặc ổ bụng
  • Nội soi để phát hiện các vết loét, tình trạng kích thích niêm mạc thực quản hoặc dạ dày.
  • Kiểm tra độ pH để xác định mức độ axit trong thực quản

Tùy thuộc vào chẩn đoán cuối cùng mà bác sĩ sẽ chỉ định phương án điều trị phù hợp để làm giảm hoặc xử lý dứt điểm các triệu chứng. Các loại thuốc thường được dùng để điều trị chứng ợ nóng gồm có thuốc kháng axit, thuốc kháng histamine H2 để giảm sự sản sinh axit dạ dày và các loại thuốc ức chế bơm proton ngăn chặn dạ dày tiết axit ví dụ như:

  • Prilosec
  • Prevacid
  • Protonix
  • Nexium

Mặc dù những loại thuốc này có thể giảm nhẹ hoặc điều trị khỏi triệu chứng ợ nóng nhưng lại đều có đi kèm với một số tác dụng phụ. Ví dụ, thuốc kháng axit thường gây táo bón hoặc tiêu chảy. Ngoài ra, nếu bạn còn đang dùng các loại thuốc khác thì nên nói rõ cho bác sĩ để xem có tương tác thuốc hay không và kê loại thuốc khác nếu cần thiết.

Biến chứng của ợ nóng

Việc thi thoảng bị ợ nóng không phải là một vấn đề đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu triệu chứng này xảy ra thường xuyên thì rất có thể bạn đang gặp phải một vấn đề về sức khỏe cần phải điều trị. Nếu đúng là một vấn đề về đường tiêu hòa gây ra triệu chứng ợ nóng mà không điều trị thì sẽ dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như loét thực quản, Barrett thực quản hoặc thậm chí thủng thực quản. Barrett thực quản sẽ gây ra những biến đổi trong niêm mạc thực quản và làm tăng nguy cơ ung thư thực quản.

Ngoài ra, chứng ợ nóng kéo dài còn ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.

Ngăn ngừa chứng ợ nóng?

Bạn có thể áp dụng những cách như sau để ngăn ngừa chứng ợ nóng:

  • Tránh các loại thực phẩm hoặc các hoạt động gây ra triệu chứng ợ nóng.
  • Dùng một loại thuốc không kê đơn, chẳng hạn thuốc kháng axit dạng viên nhai trước khi ăn để ngăn ngừa ợ nóng.
  • Ăn ô mai gừng hoặc uống trà gừng.
  • Ăn uống lành mạnh, tránh đồ ăn chua cay.
  • Không uống rượu và hút thuốc lá.
  • Tránh ăn vặt vào đêm khuya. Cố gắng ngừng ăn ít nhất 4 tiếng trước khi đi ngủ.
  • Thay vì ăn 2 hoặc 3 bữa ăn lớn thì nên ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để giảm tác động lên đường tiêu hóa.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây