Uống nước tăng lực có thể gây đau tim?
Nước tăng lực có thể gây ra cơn đau tim không?
Trong những năm gần đây, việc uống quá nhiều nước tăng lực đã được ghi nhận là góp phần dẫn đến việc gia tăng số lượt thăm khám cấp cứu và các biến chứng tim mạch nguy hiểm đến tính mạng, bao gồm cả cơn đau tim.
Nước tăng lực chứa lượng caffeine và đường từ trung bình đến cao, cùng với các thành phần kích thích như guarana, taurine, carnitine và nhân sâm.
Dữ liệu cho thấy lượng caffeine tối đa được khuyến nghị cho thanh thiếu niên là 100 miligam (mg) mỗi ngày và 400 mg mỗi ngày cho người lớn. Tuy nhiên, một số loại nước tăng lực chứa hơn 500 mg caffeine, điều này có thể dẫn đến ngộ độc caffeine. Các thành phần thảo mộc như guarana cũng chứa lượng caffeine cao.
Mặc dù việc tiêu thụ một lượng caffeine thấp đến vừa phải được coi là an toàn, nhưng nếu tiêu thụ lượng caffeine cao có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Các thành phần khác như taurine và nhân sâm có tác dụng kích thích cũng có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nếu được tiêu thụ với liều lượng cao, đặc biệt là khi kết hợp dùng với caffeine. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhiều loại nước tăng lực chứa quá nhiều các thành phần này. Ví dụ, một số nước tăng lực chứa hơn 10 lần lượng taurine được khuyến nghị tiêu thụ hàng ngày.
Một đánh giá vào năm 2017 đã phát hiện rằng uống quá nhiều nước tăng lực có thể dẫn đến nhiều vấn đề tim mạch, bao gồm rối loạn nhịp tim, ngừng tim và nhồi máu cơ tim. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng những trường hợp này thường do uống quá nhiều nước tăng lực trong một thời gian ngắn, thường kết hợp với rượu hoặc các chất kích thích khác.
Tuy nhiên, mặc dù uống quá nhiều nước tăng lực có thể dẫn đến suy tim nhưng vẫn chưa có đủ bằng chứng để xác định rõ mối quan hệ này.
Cần có thêm nghiên cứu về tính an toàn của nước tăng lực và hiệu ứng tương tác của các thành phần kết hợp trong đó.
Nước tăng lực có thể làm tổn thương tim không?
Nghiên cứu cho thấy việc uống quá nhiều nước tăng lực có thể làm tổn thương tim theo nhiều cách khác nhau, dẫn đến các vấn đề tim mạch.
Rung nhĩ
Rung nhĩ là loại rối loạn nhịp tim phổ biến nhất. Nó có thể làm nhịp tim nhanh, đập mạnh hoặc khó thở và là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ.
Một báo cáo vào năm 2011 đã đưa ra trường hợp hai nam thanh niên khỏe mạnh, một người 14 tuổi và người kia 16 tuổi, bị rung nhĩ sau khi uống nước tăng lực. Trong đó, một người đã uống rượu cùng với nước tăng lực.
Huyết áp
Huyết áp cao, hay còn gọi là tăng huyết áp, có thể gây ra các biến chứng như tổn thương mạch máu, đột quỵ và đau tim.
Một nghiên cứu vào năm 2019 đã phát hiện rằng nước tăng lực làm tăng huyết áp, điều này có thể gây ra các vấn đề sức khỏe cho những người bị huyết áp cao.
Rối loạn nhịp tim
Rối loạn nhịp tim do xảy ra các vấn đề trong hệ thống điện tim có vai trò điều chỉnh nhịp tim, khiến tim đập quá nhanh hoặc quá chậm.
Một đánh giá vào năm 2021 đã phát hiện rằng trường hợp uống nước tăng lực cấp tính có thể làm gián đoạn hệ thống điện của tim theo nhiều cách, dẫn đến nhịp tim lúc nghỉ ngơi tăng lên. Các tác giả lưu ý rằng những thay đổi này là đáng lo ngại đối với những người có các yếu tố nguy cơ nhất định như:
- Bị bệnh tiểu đường
- Có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh tim mạch
Suy tim
Suy tim xảy ra khi tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
Trong một báo cáo năm 2021, trường hợp một nam thanh niên 21 tuổi trung bình uống bốn lon nước tăng lực mỗi ngày trong 2 năm đã bị suy tim và suy thận. Các triệu chứng và chức năng tim mạch đã cải thiện đáng kể sau khi điều trị bằngthuốc và ngừng uống nước tăng lực.
Trong một báo cáo khác vào năm 2021, một nam thanh niên 24 tuổi uống từ 8 đến 10 lon nước tăng lực mỗi ngày trong 2 tuần đã có dấu hiệu tổn thương tim, bao gồm giãn tâm thất trái và khả năng bơm máu của tim gặp vấn đề.
Tiêu thụ đường
Tiêu thụ quá nhiều đường có thể dẫn đến tăng cân, tiểu đường loại 2 và các bệnh lý nghiêm trọng.
Một đánh giá hệ thống vào năm 2020 đã phát hiện rằng việc tiêu thụ nhiều đồ uống có đường, bao gồm nước tăng lực, nước ngọt và các loại đồ uống có ga ngọt, dẫn đến tăng huyết áp tâm thu và tăng huyết áp ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Lưu ý: Không phải tất cả các loại nước tăng lực đều chứa lượng đường cao, một số sản phẩm có sử dụng các chất thay thế đường.
Các triệu chứng của cơn đau tim
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), các triệu chứng phổ biến của cơn đau tim bao gồm:
- Đau hoặc khó chịu ở ngực, có thể kéo dài hơn vài phút và cảm thấy ngực như bị áp lực hoặc thắt chặt
- Yếu người hoặc choáng váng
- Ra mồ hôi lạnh
- Đau hoặc khó chịu ở hàm, cổ hoặc lưng
- Đau hoặc khó chịu ở một hoặc cả hai cánh tay hoặc vai
- Khó thở
Các triệu chứng khác của cơn đau tim có thể bao gồm mệt mỏi bất thường, buồn nôn hoặc nôn.
Các câu hỏi thường gặp về nước tăng lực và cơn đau tim
Nước tăng lực có thể gây ra tình trạng tim đập nhanh hồi hộp không?
Nghiên cứu chỉ ra rằng uống quá nhiều nước tăng lực có thể dẫn đến tình trạng tim đập nhanh hồi hộp và rối loạn nhịp tim, chẳng hạn như rung nhĩ. Uống rượu hoặc sử dụng các chất kích thích khác cùng với nước tăng lực có thể làm tăng nguy cơ bị hồi hộp.
Nước tăng lực ảnh hưởng đến nhịp tim như thế nào?
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nước tăng lực có thể làm tăng nhịp tim lên đến 20 nhịp/phút.
Ảnh hưởng đến nhịp tim có thể phụ thuộc vào lượng caffeine và các thành phần kích thích khác trong nước uống, điều này có thể khác nhau đối với các sản phẩm khác nhau.
Uống bao nhiêu lon nước tăng lực có thể gây ra cơn đau tim?
Hiện tại chưa có khẳng định về lượng nước tăng lực có thể gây ra cơn đau tim. Điều này có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm thành phần của sản phẩm, độ tuổi, các bệnh lý khác có thể mắc phải và tiền sử bệnh lý.
Một nghiên cứu năm 2024 đã ghi nhận những trường hợp bị ngừng tim sau khi uống nước tăng lực.
Kết luận
Một lon nước tăng lực có thể không gây ra vấn đề đáng lo sức khỏe. Tuy nhiên, uống quá nhiều nước tăng lực có thể dẫn đến các vấn đề tim mạch, đặc biệt là khi kết hợp với rượu hoặc các chất kích thích khác.
Một số báo cáo đã chứng minh uống nước tăng lực có thể dẫn đến các vấn đề tim mạch như rối loạn nhịp tim và cơn đau tim. Cần có thêm nghiên cứu về tính an toàn của nước tăng lực và tác động của các thành phần khác nhau trong đó.