1

Ung Thư Thực Quản

Ung thư thực quản là gì?

Thực quản là một ống cơ rỗng có nhiệm vụ đưa thức ăn từ miệng xuống dạ dày để tiêu hóa. Ung thư thực quản xảy ra khi có khối u ác tính hình thành trong niêm mạc thực quản.

Ung thư thực quản thường bắt đầu phát triển trong các tế bào niêm mạc (lớp bao phủ bề mặt bên trong thực quản) nhưng có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào dọc theo thực quản, thậm chí ở cả vị trí sát với dạ dày.

Khi khối u phát triển, nó sẽ ảnh hưởng đến các mô sâu bên dưới và cơ của thực quản. Ung thư thực quản là nguyên nhân phổ biến đứng thứ 6 trong số các ca tử vong do ung thư trên toàn thế giới. Tỉ lệ mắc bệnh ở mỗi một quốc gia là khác nhau nhưng thường tăng cao ở những người hút thuốc lá và uống nhiều rượu bia, có thói quen ăn uống kém và đặc biệt là béo phì. Tỉ lệ nam giới mắc ung thư thực quản cũng cao hơn nữ giới.

Các loại ung thư thực quản

Có hai loại ung thư thực quản phổ biến là:

  • Ung thư biểu mô tế bào vảy (Squamous cell carcinoma): bắt đầu hình thành trong các tế bào phẳng, mỏng tạo nên lớp niêm mạc thực quản, gọi là tế bào vảy. Loại ung thư này có thể xuất hiện ở bất cứ đâu nhưng thường là ở phần đầu hoặc giữa thực quản. Ung thư biểu mô tế bào vảy là loại ung thư thực quản phổ biến nhất trên thế giới.
  • Ung thư biểu mô tuyến (Adenocarcinoma): bắt đầu phát sinh trong các tế bào có nhiệm vụ sản sinh dịch nhầy trong thực quản, được gọi là các tế bào tuyến. Ung thư biểu mô tuyến đa phần xảy ra ở phần dưới của thực quản.

Ngoài ra còn có các loại ung thư thực quản hiếm gặp hơn là ung thư tế bào nhỏ, sarcoma, ung thư hắc tố và ung thư nguyên bào.

Các dấu hiệu của ung thư thực quản

Trong giai đoạn đầu của ung thư thực quản, người bệnh thường không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng bất thường nào. Chỉ khi ung thư tiến triển sang giai đoạn sau thì mới bộc lộ các triệu chứng như:

  • Sụt cân không chủ đích
  • Khó tiêu
  • Ợ nóng (cảm giác đau hoặc nóng rát từ dạ dày lan đến trên ngực và cổ)
  • Đau và khó khăn khi nuốt
  • Thường xuyên bị hóc trong khi ăn
  • Nôn thường xuyên
  • Thức ăn trào ngược trở lại thực quản
  • Đau ngực
  • Người mệt mỏi
  • Ho kéo dài dai dẳng
  • Hay bị nấc

Nguyên nhân gây ung thư thực quản

Giống như hầu hết các loại bệnh ung thư khác, nguyên nhân chính xác gây ung thư thực quản đến nay vẫn chưa được tìm ra nhưng đa số nghiên cứu đều cho là do sự bất thường (đột biến) trong DNA của các tế bào, mà ở đây là tế bào thực quản. Những đột biến này khiến cho các tế bào nhân lên với tốc độ nhanh hơn các tế bào bình thường.

Những đột biến này còn làm gián đoạn tín hiệu báo cho các tế bào tự chết khi bị hư hại hoặc già đi. Điều này khiến các tế bào vẫn tiếp tục phát triển, tích tụ và tạo thành khối u.

Ai có nguy cơ bị ung thư thực quản?

Có một số yếu tố kích thích các tế bào thực quản và góp phần phát triển ung thư. Các yếu tố này bao gồm cả các thói quen thường ngày cũng như là một số bệnh lý hay vấn đề về sức khỏe như:

  • Uống nhiều rượu
  • Hút thuốc
  • Bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
  • Bị bệnh Barrett thực quản, một tình trạng mà niêm mạc thực quản bị tổn thương do trào ngược dạ dày thực quản
  • Thừa cân, béo phì
  • Bị trào ngược dịch mật
  • Có thói quen uống đồ quá nóng
  • Không ăn trái cây và rau xanh
  • Bị co thắt tâm vị (achalasia), một tình trạng mà cơ nằm bên dưới thực quản (cơ vòng thực quản dưới) không thể giãn ra một cách bình thường
  • Từng xạ trị ở vùng ngực và bụng trên

Ngoài ra, theo nghiên cứu, nam giới có nguy cơ bị ung thư thực quản cao gấp ba lần so với phụ nữ và nguy cơ còn tăng dần theo tuổi tác. Những người trên 45 tuổi có khả năng mắc bệnh cao hơn nhưng người dưới 45 tuổi và tuổi càng cao thì nguy cơ này lại càng tăng.

Chẩn đoán ung thư thực quản

Các phương pháp chẩn đoán ung thư thực quản:

  • Nội soi: một ống dài, linh hoạt có gắn camera được đưa xuống cổ họng để quan sát bề mặt thành bên trong của thực quản và phát hiện những dấu hiệu bất thường.
  • X-quang thực quản có cản quang: đây là một phương pháp chụp X-quang cũng giúp quan sát niêm mạc thực quản. Trước khi chụp X-quang, bạn sẽ uống dung dịch cản quang barium sulfate và dung dịch này sẽ cho thấy những vị trí có vấn đề trên ảnh thu được.
  • Sinh thiết: là thủ thuật lấy một mẫu mô nhỏ tại vùng nghi ngờ bị ung thư bằng dụng cụ nội soi và đem mẫu mô đến phòng thí nghiệm để xét nghiệm.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan), chụp cắt lớp phát xạ positron (PET scan) hoặc cộng hưởng từ (MRI) để xem ung thư đã di căn sang các bộ phận khác của cơ thể hay chưa.

Điều trị ung thư thực quản

Phẫu thuật là giải pháp phổ biến cho các trường hợp ung thư chưa di căn sang các bộ phận khác trong cơ thể.

Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chỉ định hóa trị hoặc xạ trị. Những phương pháp này đôi khi cũng được thực hiện trước khi phẫu thuật nhằm thu nhỏ khối u trong thực quản để sau đó chúng có thể được cắt bỏ dễ dàng hơn.

Phẫu thuật

Nếu khối u nhỏ và tế bào ung thư chưa lây lan thì có thể loại bỏ khối u bằng phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, sử dụng kỹ thuật nội soi và thực hiện qua một vài vết mổ nhỏ.

Trong trường hợp khối u đã phát triển lớn hơn và nằm ở phần dưới của thực quản (gần dạ dày) hoặc ở vị trí thực quản và dạ dày gặp nhau thì sẽ phải phẫu thuật qua vết mổ dài hơn để cắt đi một phần dạ dày, phần thực quản có khối u và khoảng 7 – 10cm thực quản bình thường bên trên. Sau đó, dạ dày được nối với phần thực quản còn lại. Nếu khối u nằm ở phần trên hoặc giữa của thực quản thì sẽ phải cắt đi gần như toàn bộ thực quản để đảm bảo loại bỏ hết tế bào ung thư. Tiếp theo dạ dày được kéo lên cao và nối với phần thực quản còn lại ở vị trí trên cổ. Nếu như đoạn thực quản bị cắt quá dài và không thể kéo dạ dày lên thì sẽ phải sử dụng một đoạn ruột non để làm cầu nối giữa dạ dày và thực quản. Trong những trường hợp nghiêm trọng thì có thể phải cắt bỏ cả các hạch bạch huyết và cấu trúc xung quanh.

Phẫu thuật thường có một số rủi ro như đau đớn, chảy máu, rò rỉ ở vị trí mà thực quản được tái tạo và nối với dạ dày, các vấn đề về phổi, khó nuốt, buồn nôn, ợ nóng và nhiễm trùng.

Hóa trị

Hóa trị liệu là phương pháp sử dụng một số loại thuốc để tấn công các tế bào ung thư. Phương pháp này có thể được thực hiện trước hoặc sau phẫu thuật và thường được kết hợp với xạ trị.

Một bệnh nhân có thể điều trị bằng 1 loại thuốc hóa trị hoặc kết hợp nhiều loại thuốc khác nhau cùng một lúc..

Hóa trị cũng có đi kèm với một số tác dụng phụ và hầu hết đều xảy ra do thuốc hóa trị tiêu diệt cả các tế bào khỏe mạnh. Tùy vào loại thuốc được sử dụng mà sẽ xảy ra các vấn đề không mong muốn khác nhau nhưng một số tác dụng phụ thường gặp của phương pháp hóa trị gồm có:

  • Rụng tóc
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Nhiễm trùng
  • Rụng tóc
  • Chán ăn
  • Người mệt mỏi
  • Đau đớn
  • Tiêu chảy
  • Bệnh về thần kinh

Xạ trị

Xạ trị là phương pháp sử dụng chùm tia phóng xạ để tiêu diệt tế bào ung thư. Có hai loại xạ trị là xạ trị chùm tia bên ngoài (sử dụng thiết bị truyền bức xạ từ bên ngoài vào cơ thể) và xạ trị bên trong (đưa nguồn phóng xạ vào gần khối u trong cơ thể), còn được gọi là cận xạ trị hay xạ trị áp sát.

Xạ trị thường được kết hợp cùng với hóa trị và liệu pháp điều trị kết hợp này gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn so với khi thực hiện tách biệt hai phương pháp. Các tác dụng phụ của xạ trị thường là:

  • Các biểu hiện trên da giống như bị cháy nắng như sạm, khô, đỏ, phồng rộp, nứt nẻ…
  • Đau hoặc khó khăn khi nuốt
  • Mệt mỏi
  • Xuất hiện các ổ loét gây đau ở niêm mạc thực quản
  • Đau dạ dày
  • Buồn nôn
  • Đi ngoài phân nhão

Đôi khi, quá trình xạ trị kết thúc được một thời gian dài thì các tác dụng phụ mới xuất hiện. Các tác dụng phụ này có thể bao gồm cả hẹp thực quản – tình trạng mà mô trở nên kém linh hoạt và khiến thực quản bị thu hẹp lại, gây đau đớn và khó nuốt.

Liệu pháp nhắm trúng đích

Liệu pháp nhắm trúng đích là phương pháp sử dụng các loại thuốc có tác dụng nhắm mục tiêu và phá hủy các gen hoặc protein cụ thể trên các tế bào ung thư, từ đó ngăn chặn sự phát triển của bệnh. Một ví dụ về thuốc nhắm trúng đích để điều trị ung thư thực quản là Trastuzumab, có tác dụng nhắm vào protein HER2 trên bề mặt tế bào ung thư, đây là loại protein giúp các tế bào ung thư phát triển.

Các tế bào ung thư còn có thể phát triển và lan rộng bằng cách tạo ra các mạch máu mới. Ramucirumab cũng là một loại thuốc được dùng trong liệu pháp nhắm trúng đích và là một kháng thể đơn dòng, có khả năng gây ức chế yếu tố phát triển nội mô mạch máu (Vascular endothelial growth factor – VGEF) – một protein giúp tế bào ung thư tạo ra các mạch máu mới.

Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp này sử dụng các chất được tạo ra bởi cơ thể hoặc tạo ra trong phòng thí nghiệm để cải thiện và khôi phục chức năng của hệ miễn dịch.
Pembrolizumab (Keytruda) là một loại thuốc được dùng trong liệu pháp miễn dịch có tác dụng nhắm đến điểm kiểm soát miễn dịch PD-L1. Thuốc này được sử dụng cho những trường hợp hóa trị không còn hiệu quả và ung thư dương tính với PD-L1.
Mỗi loại thuốc miễn dịch lại gây ra tác dụng phụ khác nhau.

Phương pháp điều trị biến chứng

Các biến chứng thường gặp nhất của ung thư thực quản là tắc nghẽn thực quản và khó nuốt. Các phương pháp để điều trị hai biến chứng này gồm có:

  • Đặt stent giảm tắc nghẽn: Nếu thực quản bị thu hẹp lại do ung thư thực quản, bác sĩ sẽ dùng ống nội soi và các dụng cụ chuyên dụng khác để đặt stent (một ống kim loại rỗng) giúp giữ thực quản mở rộng và không tắc nghẽn. Các lựa chọn điều trị khác gồm có phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, trị liệu bằng laser và liệu pháp quang động.
  • Đặt ống thông: Người bệnh ung thư thực quản có thể cần đặt ống thông (ống xông) nếu như gặp vấn đề khó nuốt hoặc mới phẫu thuật thực quản. Ống thông đưa chất dinh dưỡng trực tiếp từ miệng xuống dạ dày hoặc ruột non để thực quản có thời gian để lành sau khi điều trị ung thư.

Bên cạnh đó, một phương pháp khác để điều trị ung thư thực quản là liệu pháp quang động, trong đó khối u được tiêm một chất cảm quang và chất này sẽ phá hủy khối u khi tiếp xúc với ánh sáng.

Ung thư thực quản có chữa khỏi được không?

Ung thư càng được phát hiện sớm thì tiên lượng càng khả quan. Ung thư thực quản là dạng ung thư thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn và khi đã sang đến giai đoạn cuối thì sẽ chỉ có thể điều trị để giảm các triệu chứng, làm chậm tốc độ phát triển của bệnh và kéo dài tuổi thọ chứ không thể chữa khỏi được nữa.

Tuy nhiên, nếu ung thư chưa di căn ra ngoài thực quản thì cơ hội sống sót vẫn có thể được cải thiện bằng biện pháp phẫu thuật.

Ngăn ngừa ung thư thực quản

Mặc dù không có cách nào có thể ngăn chặn được hoàn toàn ung thư thực quản nhưng có một số biện pháp để giảm nguy cơ mắc bệnh như sau:

  • Không hút thuốc lá cũng như là sử dụng các sản phẩm thay thế thuốc lá
  • Hạn chế uống rượu
  • Ăn nhiều trái cây, rau xanh và duy trì cân nặng khỏe mạnh
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh

Tổng số điểm của bài viết là: 35 trong 8 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây