Ung thư thực quản và trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản sẽ làm tăng nguy cơ bị ung thư thực quản.
Ung thư thực quản và trào ngược dạ dày thực quản Ung thư thực quản và trào ngược dạ dày thực quản

Ung thư thực quản và trào ngược dạ dày thực quản có liên quan gì đến nhau?

Trào ngược axit dạ dày là hiện tượng mà các chất trong dạ dày, bao gồm cả thức ăn và dịch vị trào ngược lên thực quản, gây ra cảm giác nóng rát ở ngực và cổ họng. Hiện tượng này thường xảy ra sau khi ăn một số loại thực phẩm nhất định và nhất là nằm ngay sau khi ăn. Hầu hết mọi người đều đã từng trải qua hiện tượng trào ngược axit ít nhất một lần.

Tuy nhiên, nếu bị trào ngược axit mãn tính (tình trạng xảy ra hai lần trở lên mỗi tuần) hay còn gọi là trào ngược dạ dày thực quản thì rất có thể bạn có nguy cơ bị ung thư thực quản.

Thực quản là ống cơ dài dẫn thức ăn từ miệng xuống dạ dày. Khi tình trạng trào ngược axit tiếp diễn lâu ngày, axit từ dạ dày sẽ liên tục đi lên thực quản, theo thời gian sẽ làm tổn thương mô thực quản và làm tăng nguy cơ phát triển ung thư thực quản.

Có hai loại ung thư thực quản chính là ung thư biểu mô tuyến và ung thư biểu mô tế bào vảy. Chứng trào ngược axit thường làm tăng nguy cơ ung thư biểu mô tuyến.

Trào ngược dạ dày thực quản có gây ung thư thực quản không?

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy, nguy cơ mắc ung thư thực quản tăng cao hơn bình thường một chút ở những người thường xuyên bị trào ngược axit dạ dày.

Khi bị trào ngược axit, dịch vị có chứa axit trong dạ dày trào lên và bám vào phần dưới của thực quản. Niêm mạc dạ dày có một lớp chất nhầy bảo vệ khỏi tác động của axit nhưng thực quản thì lại không có. Do đó mà axit có thể dễ dàng gây tổn thương mô thực quản.

Đôi khi, tình trạng tổn thương mô do trào ngược axit còn dẫn đến một vấn đề gọi là Barrett thực quản. Lúc này, các mô thực quản bị thay thế bằng các mô với đặc tính tương tự như mô niêm mạc ruột hoặc các tế bào thực quản bị đột biến và phát triển thành các tế bào tiền ung thư.

Mặc dù Barrett thực quản làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản nhưng trong số các trường hợp bị Barrett thực quản thì chỉ có một phần rất nhỏ thực sự phát triển thành ung thư.

Tuy nhiên, những người bị cả trào ngược dạ dày thực quản và Barrett thực quản sẽ có nguy cơ mắc ung thư cao hơn so với những người chỉ bị trào ngược dạ dày thực quản.

Các triệu chứng của ung thư thực quản

Triệu chứng phổ biến nhất của ung thư thực quản là khó nuốt khi ăn. Tình trạng này sẽ ngày càng nghiêm trọng khi khối u phát triển và làm tắc nghẽn thực quản.

Ung thư thực quản còn gây cảm giác đau khi nuốt do thức ăn đi qua khối u.

Khó nuốt và đau đớn sẽ gây khó khăn cho việc ăn uống hàng ngày và khiến người bệnh cảm thấy chán ăn. Điều này dần dần sẽ gây sụt cân không chủ đích.

Ngoài ra, các triệu chứng khác của ung thư thực quản còn có:

  • Khản tiếng
  • Ho mãn tính
  • Chảy máu ở thực quản
  • Thường xuyên bị khó tiêu hoặc ợ nóng

Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu thì ung thư thực quản lại thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Đa số người bệnh đều chỉ nhận thấy các dấu hiệu bất thường khi ung thư đã sang đến các giai đoạn sau.

Đó là lý do tại sao việc khám sàng lọc ung thư là điều rất quan trọng, đặc biệt là với những người thuộc nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường.

Các yếu tố nguy cơ

Ngoài trào ngược dạ dày thực quản và Barrett thực quản ra thì còn có một số yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ bị ung thư thực quản.

  • Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản cao gấp ba lần so với phụ nữ.
  • Tuổi tác: Ung thư thực quản thường xảy ra ở những người trên 55 tuổi.
  • Thuốc lá: Việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá, bao gồm cả thuốc lá truyền thống, xì gà hay thuốc lá nhai đều làm tăng nguy cơ ung thư thực quản.
  • Rượu: Việc thường xuyên uống nhiều rượu cũng làm tăng nguy cơ ung thư thực quản, đặc biệt là ở những người vừa hút thuốc vừa nghiện rượu.
  • Béo phì: Những người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn người bình thường, một phần nguyên nhân là do béo phì thường đi kèm với trào ngược axit mãn tính.
  • Chế độ ăn: Chế độ ăn nhiều trái cây và rau xanh đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ ung thư thực quản. Mặt khác, việc ăn nhiều các sản phẩm thịt chế biến sẵn sẽ làm tăng nguy cơ này. Ngoài ra, thường xuyên ăn quá nhiều cũng là một yếu tố nguy cơ.
  • Xạ trị: Việc từng xạ trị trước đây ở vùng ngực hoặc bụng trên có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản.

Chẩn đoán ung thư thực quản bằng cách nào?

Khi đi khám, bạn sẽ được thăm khám lâm sàng để xác định các triệu chứng và lấy bệnh sử. Sau đó sẽ cần tiến hành một số phương pháp xét nghiệm cũng như là chẩn đoán hình ảnh.

Đầu tiên là nội soi. Một ống dài có gắn camera được đưa xuống cổ họng vào thực quản để kiểm tra tình trạng mô. Bác sĩ có thể sẽ lấy mẫu mô (sinh thiết) trong quá trình nội soi để làm xét nghiệm.

Phương pháp chụp X-quang có cản quang cũng được sử dụng để xác định ung thư thực quản. Trong phương pháp này, bạn sẽ uống một loại dung dịch cản quang và sau đó chụp X-quang. Dung dịch cản quang sẽ chảy xuống thực quản và cho thấy những vấn đề bất thường trên ảnh chụp.

Nếu tìm thấy tế bào ung thư thì sẽ cần tiếp tục chụp cắt lớp vi tính (CT scan) để xem ung thư đã lan sang cơ quan nào khác trong cơ thể hay chưa.

Điều trị ung thư thực quản

Phác đồ điều trị sẽ phụ thuộc vào giai đoạn ung thư. Các phương pháp chủ yếu để điều trị ung thư thực quản là phẫu thuật, xạ trị và hóa trị hoặc kết hợp các phương pháp này với nhau.

  • Phẫu thuật: Ở giai đoạn đầu của ung thư, bác sĩ thường chỉ định phẫu thuật để cắt bỏ hoàn toàn khối u. Hiện nay, quy trình phẫu thuật có thể được thực hiện với kỹ thuật nội soi. Tùy thuộc vào mức độ lan của ung thư mà sẽ cần phải cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ thực quản và nối phần còn lại với dạ dày. Trong các trường hợp nghiêm trọng thường phải cắt bỏ cả phần trên của dạ dày và các hạch bạch huyết lân cận.
  • Xạ trị: Xạ trị là phương pháp sử dụng chùm tia phóng xạ năng lượng cao để phá hủy tế bào ung thư. Bức xạ có thể nhắm vào và tiêu diệt ung thư từ bên ngoài cơ thể (xạ trị chùm tia bên ngoài) hoặc nguồn phóng xạ được đưa vào bên trong cơ thể, gần với khối u (xạ trị bên trong). Phương pháp xạ trị có thể được tiến hành trước hoặc sau phẫu thuật và thường được kết hợp với hóa trị cho những trường hợp bị ung thư thực quản.
  • Hóa trị: Hóa trị liệu là phương pháp sử dụng hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp này cũng có thể được thực hiện trước hoặc sau khi phẫu thuật và kết hợp với xạ trị.

Cho dù là phương pháp nào thì cũng cần phải kiểm soát chứng trào ngược axit trong quá trình điều trị bằng các cách như thay đổi thói quen ăn uống và cố gắng đứng thẳng trong khoảng vài giờ sau khi ăn.

Tiên lượng bệnh

Tiên lượng khi mắc ung thư thực quản phụ thuộc nhiều vào giai đoạn tại thời điểm chẩn đoán và bắt đầu điều trị. Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ:

  • Đối với các trường hợp mà ung thư chỉ giới hạn tại thực quản và chưa lan sang các bộ phận khác của cơ thể thì tỉ lệ sống sau 5 năm là 43%.
  • Đối với trường hợp mà ung thư mới lan sang các bộ phận lân cận, chẳng hạn như các hạch bạch huyết thì tỉ lệ sống sau 5 năm là 23%.
  • Đối với trường hợp mà ung thư thực quản đã di căn đến các bộ phận ở xa trong cơ thể thì tỉ lệ sống sau 5 năm là 5%.

Tuy nhiên, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh rằng những con số này chỉ mang ý nghĩa tương đối chứ không thể dự đoán chính xác khả năng sống sót của bất kỳ trường hợp ung thư nào bởi triển vọng sống còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, bao gồm phác đồ điều trị, đáp ứng của bệnh với phương pháp điều trị và tình trạng sức khỏe tổng thể.

Cách ngăn ngừa ung thư thực quản khi bị trào ngược dạ dày thực quản

Kiểm soát tình trạng trào ngược axit là một cách để giảm nguy cơ phát triển ung thư thực quản. Các cách kiểm soát gồm có:

  • Giảm cân nếu thừa cân
  • Tránh nằm ngay sau khi ăn bởi khi nằm xuống, các chất trong dạ dày có thể dễ dàng trào ngược lên thực quản
  • Gối cao đầu khi ngủ để đầu và ngực cao hơn dạ dày
  • Uống thuốc kháng axit
  • Bỏ hút thuốc
  • Chỉ uống rượu ở mức vừa phải
  • Ăn nhiều trái cây và rau củ

Ngoài ra, bạn cũng nên đi khám để bác sĩ kê các thuốc giảm triệu chứng trào ngược. Nếu bạn vừa bị trào ngược dạ dày thực quản và vừa bị Barrett thực quản thì nguy cơ mắc ung thư thực quản sẽ cao hơn so với khi chỉ bị trào ngược và nên đi khám thường xuyên để sàng lọc ung thư.

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây