Tại sao lại bị tiêu chảy khi đến kỳ?
Nội dung chính của bài viết:
- Các chuyên gia cho rằng hiện tượng một số người bị tiêu chảy mỗi khi đến kỳ là do sự gia tăng nồng độ prostaglandin – một loại hormone được giải phóng ra trước khi có kinh nguyệt.
- Điều trị tiêu chảy khi đến kỳ cũng giống như phương pháp điều trị tiêu chảy thông thường, đó là: uống nhiều nước, tránh thực phẩm chứa chất tạo ngọt nhân tạo, cafeine, sữa,.. hay dùng thuốc không kê đơn và hạn chế căng thẳng.
- Nếu bạn thường xuyên bị tiêu chảy mỗi khi đến ngày đèn đỏ thì có thể áp dụng một số biện pháp trong việc thay đổi lối sống và thói quen ăn uống để ngăn ngừa.
- Nếu tình trạng tiêu chảy quá nghiêm trọng, gây cản trở các hoạt động hàng ngày và ảnh hưởng đến sức khỏe thì rất có thể là đang có vấn đề bất thường xảy ra trong cơ thể.
Mặc dù đây là hiện tượng bình thường và không có gì phải lo lắng cả nhưng vẫn có những biện pháp mà bạn có thể thực hiện để khắc phục và ngăn ngừa tình trạng tiêu chảy mỗi khi đến ngày đèn đỏ.
Nguyên nhân
Các chuyên gia cho rằng hiện tượng một số người bị tiêu chảy mỗi khi đến kỳ là do sự gia tăng nồng độ prostaglandin – một loại hormone được giải phóng ra trước khi có kinh nguyệt.
Trong chu kỳ kinh nguyệt lớp niêm mạc tử cung dày lên để chuẩn bị cho trứng sau thụ tinh sẽ làm tổ nhưng khi không diễn ra sự thụ tinh thì nồng độ prostaglandin sẽ tăng lên và gây ra các cơn co thắt giúp tử cung bong lớp niêm mạc bên trong. Đôi khi, hormone này còn gây ra các cơn co thắt trong ruột và gây ra một loạt các triệu chứng về tiêu hóa, bao gồm cả tiêu chảy.
Prostaglandin làm giảm tốc độ hấp thụ thức ăn của ruột, điều này khiến thức ăn đi qua ruột già nhanh hơn. Bên cạnh đó, prostaglandin còn làm tăng mức độ bài tiết chất điện giải và điều này cũng dẫn đến tiêu chảy.
Đây là một vấn đề rất phổ biến. Một khảo sát được tiến hành vào năm 2014 với 156 phụ nữ tham gia đã cho thấy rằng đau bụng và tiêu chảy là hai triệu chứng về tiêu hóa phổ biến nhất xảy ra khi đến kỳ.
Trong số những phụ nữ tham gia khảo sát, 24% bị tiêu chảy trước khi bắt đầu có kinh nguyệt và 28% gặp triệu chứng tiêu chảy trong thời gian hành kinh. Những người gặp phải các vấn đề về tâm lý như chán nản, lo âu có tỷ lệ bị vấn đề về tiêu hóa cao hơn trong khoảng thời gian này.
Cách khắc phục
Phương pháp điều trị triệu chứng tiêu chảy liên quan đến kinh nguyệt cũng giống như phương pháp điều trị tiêu chảy thông thường.
Trước tiên, cần uống nhiều nước để bù lại lượng nước bị mất đi do tiêu chảy. Cần phải uống đủ lượng nước cho đến khi nước tiểu có màu vàng nhạt.
Ngoài ra, nên tránh các loại thực phẩm có thể làm tình trạng tiêu chảy thêm nặng hơn, ví dụ như:
- Những thực phẩm chứa chất tạo ngọt nhân tạo
- Caffeine
- Sữa và các sản phẩm từ sữa
- Thức ăn cay
- Đồ ăn chứa nhiều đường
Ngoài ra có thể dùng các loại thuốc trị tiêu chảy không kê đơn, ví dụ như loperamide (Imodium và thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen (Advil) để làm dịu các cơn đau bụng.
Thuốc tránh thai
Ngoài tác dụng ngừa thai không mong muốn, thuốc tránh thai còn có tác dụng điều hòa chu kỳ kinh nguyệt và giảm các triệu chứng như đau bụng hay tiêu chảy. Một số người thậm chí còn bỏ qua tuần uống thuốc giả dược để không có kinh nguyệt. Điều này sẽ giúp làm giảm số lần bị tiêu chảy.
Nên nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn về loại thuốc tránh thai phù hợp nhất.
Giảm căng thẳng
Ngoài các biện pháp nêu trên, một điều quan trọng nữa là phải hạn chế căng thẳng. Căng thẳng và lo lắng quá độ có thể làm cho các triệu chứng xảy ra trong kỳ kinh nguyệt, bao gồm cả đau bụng và tiêu chảy, trở nên trầm trọng hơn.
Dưới đây là một số biện pháp giảm căng thẳng mà bạn có thể thử:
- Thiền: Dành 10 – 15 phút mỗi ngày để ngồi thiền. Điều này sẽ giúp bạn tập trung tâm trí và giảm căng thẳng.
- Đi ngủ sớm: Hãy đi ngủ sớm vào một thời điểm cố định mỗi ngày. Cần rèn cho bản thân thói quen sau thời điểm này thì phải dừng làm việc, xem TV hay lướt điện thoại mà phải lên giường đi ngủ ngay. Điều này sẽ giúp làm dịu tâm trí và giảm căng thẳng.
- Tập thể dục: Tập thể dục là một cách hữu hiệu để làm giảm căng thẳng, ngay cả khi chỉ đi bộ 15 phút mỗi ngày.
Nếu bạn nhận thấy không thể tự mình vượt qua tình trạng căng thẳng thì có thể cân nhắc đi gặp chuyên gia trị liệu tâm lý để được tư vấn giải quyết nguyên nhân gốc rễ gây ra vấn đề và có biện pháp khắc phục.
Ngăn ngừa tiêu chảy khi đến kỳ
Nếu bạn thường xuyên bị tiêu chảy mỗi khi đến ngày đèn đỏ thì có thể áp dụng một số cách ngăn ngừa dưới đây.
Một vài ngày trước khi bắt đầu có kinh, hãy bổ sung thêm các loại thực phẩm nhiều chất xơ vào chế độ ăn. Điều này sẽ làm cho phân cứng lại và tránh bị tiêu chảy. Một số loại thực phẩm giàu chất xơ gồm có bánh mì nguyên cám, trái cây và rau củ, các loại đậu, các loại hạt…
Ngoài ra, nên ăn thêm các loại thực phẩm chứa probiotic, chẳng hạn như dưa muối, sữa chua hay uống men vi sinh. Những sản phẩm này sẽ làm tăng lượng vi khuẩn có lợi trong đường ruột, từ đó giúp ngăn ngừa hoặc làm giảm triệu chứng tiêu chảy.
Cuối cùng, có thể cân nhắc uống thuốc ibuprofen một hoặc hai ngày trước kỳ kinh. Ibuprofen là một loại thuốc chống viêm không steroid có thể giúp làm giảm tác động của prostaglandin lên cơ thể.
Các vấn đề tiêu hóa khác liên quan đến kinh nguyệt
Ngoài tiêu chảy, một số vấn đề về tiêu hóa khác cũng có thể xảy ra trước và trong thời gian có kinh nguyệt còn có:
- Chướng bụng, đầy hơi
- Táo bón
- Đi ngoài thường xuyên hơn
Các triệu chứng có thể thay đổi theo từng tháng. Ví dụ, vào kỳ kinh tháng này bạn có thể bị tiêu chảy nhưng khi sang tháng sau lại có thể bị táo bón.
Những thay đổi này đều có liên quan đến cùng một thủ phạm, đó là prostaglandin. Tuy nhiên, những thay đổi trong chế độ ăn uống do tình trạng thèm ăn khi sắp đến kỳ cũng có thể là nguyên nhân.
Tìm hiểu thêm về những thay đổi trong thói quen đại tiện khi đến kỳ kinh nguyệt
Khi nào cần đi khám?
Tiêu chảy ngay trước hoặc trong thời gian có kinh nguyệt là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu tình trạng quá nghiêm trọng, gây cản trở các hoạt động hàng ngày và ảnh hưởng đến sức khỏe thì rất có thể là đang có vấn đề bất thường xảy ra trong cơ thể.
Cần đi khám nếu bạn gặp các triệu chứng sau:
- Tiêu chảy hoặc các triệu chứng tiêu hóa khác kéo dài quá hai ngày
- Tình trạng tiêu chảy xảy ra cả khi không có kinh nguyệt
- Đau bụng hoặc đau ở vùng chậu, đã uống thuốc giảm đau mà không có tác dụng
- Phân có lẫn chất nhầy và/hoặc máu
Đây có thể là triệu chứng của các vấn đề về đường tiêu hóa và trở nên nghiêm trọng hơn do những thay đổi khi sắp đến kỳ kinh nguyệt. Khi có những triệu chứng này thì nên đi khám để bác sĩ tìm ra nguyên nhân và có giải pháp điều trị kịp thời.