Mất nước có thể gây mất ngủ
Uống đủ nước hàng ngày là điều rất cần thiết để cơ thể hoạt động bình thường và có sức khỏe tốt. Nếu không uống đủ nước, bạn sẽ gặp các triệu chứng như đau đầu, khô miệng, mệt mỏi và chóng mặt.
Những triệu chứng này sẽ gây cản trở giấc ngủ. Mặc dù mất nước không phải là nguyên nhân trực tiếp gây mất ngủ nhưng có thể góp phần khiến bạn có giấc ngủ kém.
Mất nước ảnh hưởng đến giấc ngủ như thế nào?
Các triệu chứng mất nước có thể xảy ra vào ban đêm và ảnh hưởng đến thời lượng cũng như chất lượng giấc ngủ. Ví dụ, cảm giác khát nước sẽ khiến bạn thức giấc giữa đêm và giấc ngủ bị gián đoạn. Nếu phải thức dậy để uống nước, có thể bạn sẽ khó ngủ lại.
Các triệu chứng khác của tình trạng mất nước – chẳng hạn như đau đầu, chuột rút và co thắt cơ – cũng có thể khiến bạn tỉnh giấc.
Ngoài những triệu chứng này, không có mối liên hệ rõ ràng nào giữa tình trạng mất nước và mất ngủ. Và đến nay mới chỉ có rất ít nghiên cứu về chủ đề này.
Các dấu hiệu mất nước
Các dấu hiệu thường gặp khi bị mất nước gồm có:
- Khô miệng
- Khát nước
- Chóng mặt
- Nước tiểu sẫm màu hoặc có mùi khai nồng
- Đi tiểu ít hơn bình thường
- Mệt mỏi
Vào năm 2018 đã có một nghiên cứu lớn được thực hiện trên 20.000 người trưởng thành về mối liên hệ giữa lượng nước uống và giấc ngủ.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người chỉ ngủ 6 tiếng mỗi đêm có tỷ lệ bị mất nước cao hơn so với những người ngủ 8 tiếng mỗi đêm.
Tương tự, các tác giả của một nghiên cứu rất nhỏ vào năm 2023 đã báo cáo rằng những người uống đủ nước có chất lượng giấc ngủ cao hơn một chút so với những người bị mất nước.
Tuy nhiên, một nghiên cứu nhỏ vào năm 2018 lại cho thấy lượng nước uống không ảnh hưởng gì đến giấc ngủ.
Cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để tìm hiểu về tác động của lượng nước uống hàng ngày đến chất lượng và thời lượng giấc ngủ.
Nguyên nhân gây mất nước vào ban đêm
Có nhiều nguyên nhân gây mất nước vào ban đêm:
- Uống rượu: Rượu có đặc tính lợi tiểu, có nghĩa là gây tiểu nhiều và điều này có thể dẫn đến mất nước.
- Tập thể dục: Khi tập thể dục, cơ thể sẽ mất nước qua mồ hôi.
- Nhiệt độ và độ ẩm không khí: Nhiệt độ cao là nguyên nhân phổ biến gây mất nước, đặc biệt ở người lớn tuổi. Độ ẩm không khí quá thấp cũng có thể gây mất nước và khát nước.
- Vấn đề sức khỏe: Ở người mắc bệnh tiểu đường, lượng đường trong máu cao sẽ gây cảm giác khát nước. Sốt, nôn mửa, tiêu chảy và các vấn đề về thận cũng có thể gây mất nước.
- Thuốc: Một số loại thuốc, ví dụ như thuốc lợi tiểu, khiến bạn đi tiểu nhiều hơn bình thường và dẫn đến mất nước. Ngoài ra, một số loại thuốc có thể gây khô miệng, ví dụ như thuốc trị cảm cúm và thuốc trị cao huyết áp.
- Đổ mồ hôi ban đêm: Đổ mồ hôi ban đêm sẽ khiến cơ thể bị mất nước. Đó có thể là dấu hiệu mãn kinh nhưng cũng có thể chỉ ra một vấn đề về sức khỏe.
Khắc phục mất nước và mất ngủ
Nếu nguyên nhân gây khó ngủ hoặc giấc ngủ gián đoạn là do mất nước thì tăng lượng nước uống trong ngày sẽ giúp giải quyết vấn đề. Bạn có thể thử các cách dưới đây để tăng lượng nước uống và tránh bị mất nước:
- Để bình nước bên cạnh bàn làm việc để uống nước thường xuyên hơn.
- Luôn mang theo nước bên mình khi ra ngoài.
- Sử dụng ứng dụng nhắc uống nước trên điện thoại.
- Chọn loại nước: Mặc dù tốt nhất nên uống nước lọc nhưng nếu cảm thấy chán, bạn có thể đổi sang các loại đồ uống khác như trà thảo mộc hay nước ép trái cây. Nên chọn các loại trà không có caffeine để tránh bị mất ngủ.
- Uống nước trước, trong và sau khi tập thể dục. Cơ thể bị mất nước qua mồ hôi khi hoạt động thể chất. Do đó, cần uống đủ nước cả trước, trong và sau khi tập để bù lại lượng nước bị mất.
- Hạn chế caffeine và rượu: Đồ uống chứa caffeine và cồn đều có đặc tính lợi tiểu và gây mất nước. Do đó, chỉ nên tiêu thụ những đồ uống này ở mức độ vừa phải và nhớ uống kèm nhiều nước.
- Kiểm tra thuốc: Nếu nghi ngờ loại thuốc đang dùng là nguyên nhân gây mất nước, hãy báo cho bác sĩ. Không nên tự ý ngừng dùng thuốc kê đơn.
- Điều trị bệnh lý gây mất nước như tiểu đường, bệnh thận và hội chứng Sjögren.
- Giữ phòng ngủ mát mẻ: Để tránh bị đổ mồ hôi nhiều trong khi ngủ, hãy giữ nhiệt độ phòng ngủ mát mẻ bằng cách bật quạt, điều hòa hoặc mở cửa sổ. Nếu không khí khô, bạn có thể dùng máy tạo độ ẩm.
Câu hỏi về mất nước và mất ngủ
Bù điện giải có giúp ngủ ngon hơn không?
Chất điện giải là những khoáng chất như magie, kali và natri. Cơ thể cần các khoáng chất này để hoạt động bình thường.
Mất cân bằng điện giải có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Ví dụ, nồng độ natri thấp gây bồn chồn và khó ngủ.
Một ví dụ khác là canxi. Khoáng chất này điều hòa giấc ngủ sâu hay giấc ngủ sóng chậm (slow-wave sleep). Một nghiên cứu vào năm 2022 cho thấy mối liên hệ giữa sự thiếu hụt canxi và tình trạng gián đoạn giấc ngủ ở những người làm việc theo ca.
Bạn có thể duy trì sự cân bằng điện giải trong cơ thể bằng cách uống đủ nước và ăn đa dạng các loại thực phẩm.
Tại sao uống rượu gây mất nước?
Mất nước là vấn đề thường gặp sau khi uống rượu. Nguyên nhân là do vì rượu làm giảm sự giải phóng vasopressin, hormone giúp điều hòa việc đi tiểu.
Sau khi uống rượu, bạn sẽ đi tiểu nhiều hơn bình thường và dẫn đến bị mất nước. Uống nhiều rượu trước khi đi ngủ có thể gây các triệu chứng mất nước vào ban đêm như khô miệng, khát nước và đau đầu dữ dội.
Tóm tắt bài viết
Mất nước không trực tiếp gây mất ngủ nhưng các triệu chứng mất nước như khát nước, nhức đầu và khô miệng có thể làm gián đoạn giấc ngủ.
Bạn có thể bị mất nước vào ban đêm nếu không uống đủ nước trong ngày. Những nguyên nhân khác gây mất nước gồm có uống rượu, thời tiết nóng, dùng thuốc và vấn đề về sưc khỏe.
Nếu bạn cho rằng tình trạng mất nước là nguyên nhân cản trở giấc ngủ, hãy thử uống nhiều nước hơn trong ngày.