Mất ngủ nghịch lý (paradoxical insomnia) là gì?

Đã bao giờ bạn thức dậy và có cảm giác như mình đã thức cả đêm trong khi ngưởi ngủ cùng lại nói rằng bạn ngủ bình thường? Nếu có thì rất có thể bạn bị chứng mất ngủ nghịch lý.
Mất ngủ nghịch lý (paradoxical insomnia) là gì? Mất ngủ nghịch lý (paradoxical insomnia) là gì?

Trái ngược với chứng mất ngủ thông thường - tình trạng khó hoặc không thể ngủ được hoặc thức giấc nhiều lần giữa đêm, mất ngủ nghịch lý là khi bạn thức dậy với cảm giác mệt mỏi giống như đêm qua không ngủ được hoặc ngủ không đủ trong khi thực ra vẫn ngủ bình thường.

Tình trạng này gây khó chịu và ảnh hưởng đến tinh thần nhưng có thể điều trị được.

Mất ngủ nghịch lý là gì?

Mất ngủ nghịch lý (paradoxical insomnia) là một dạng mất ngủ mạn tính, có biểu hiện là cảm giác giống như thể không hề ngủ hoặc ngủ không đủ giấc sau khi thức dậy mặc dù vẫn ngủ bình thường, thậm chí ngủ rất sâu và không hề bị gián đoạn. Tình trạng này có thể kéo dài nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm.

Mất ngủ thông thường có biểu hiện là khó hoặc không thể đi vào giấc ngủ, thức giấc giữa đêm hoặc thức giấc quá sớm vào buổi sáng và khó ngủ lại. Điều này dẫn đến thiếu ngủ, buồn ngủ và mệt mỏi vào ban ngày. Mất ngủ thông thường gây mệt mỏi và buồn ngủ nhiều hơn so với mất ngủ nghịch lý vì bạn thực sự bị thiếu ngủ.

Triệu chứng mất ngủ nghịch lý

Các triệu chứng mà bạn có thể gặp phải khi mắc chứng mất ngủ nghịch lý gồm có:

  • Không cảm thấy sảng khoái sau khi thức dậy
  • Cảm giác giống như đã thức suốt cả đêm
  • Suy nghĩ nhiều trong khi cố gắng ngủ
  • Buồn ngủ vào ban ngày
  • Để ý nhiều đến môi trường xung quanh trong khi cố gắng ngủ
  • Gặp rắc rối trong công việc, học tập hoặc quan hệ xã hội

Tác hại của chứng mất ngủ nghịch lý

Mặc dù bạn có giấc ngủ bình thường nhưng thức dậy lại không hề cảm thấy sảng khoái và tỉnh táo. Bên cạnh cảm giác uể oải và buồn ngủ, tình trạng này còn gây khó chịu và bực bội.

Chứng mất ngủ nghịch lý gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần, đặc biệt là ở những người đang mắc chứng rối loạn lo âu. Việc cho rằng mình bị thiếu ngủ hàng đêm sẽ làm gia tăng cảm giác lo âu và cuối cùng điều này có thể dẫn đến mất ngủ thực sự.

Nguyên nhân gây ra chứng mất ngủ nghịch lý

Nguyên nhân gây ra chứng mất ngủ nghịch lý hiện vẫn chưa được xác định. Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa mất ngủ nghịch lý với các bệnh tâm thần và những thay đổi trong chức năng não.

Một nghiên cứu nhỏ vào năm 2021 đã kiểm tra cấu trúc não của những người mắc chứng mất ngủ nghịch lý. Các nhà nghiên cứu đã nhận thấy những thay đổi ở các khu vực não bộ có vai trò điều phối chu kỳ ngủ - thức.

Theo một nghiên cứu vào năm 2020,chứng mất ngủ nghịch lý có liên quan đến trạng thái tâm lý. Những người dễ bị lo âu hoặc trầm cảm cũng sẽ có nguy cơ mắc chứng mất ngủ nghịch lý cao hơn.

Một nghiên cứu vào năm 2021 chỉ ra rằng chứng mất ngủ nghịch lý thường xảy ra cùng với các rối loạn tâm thần như:

  • Tâm thần phân liệt
  • Rối loạn lưỡng cực
  • Nghiện rượu

Mặc dù cần nghiên cứu thêm để tìm ra nguyên nhân thực sự nhưng có vẻ như chứng mất ngủ nghịch lý có liên quan nhiều đến yếu tố tâm lý.

Điều trị chứng mất ngủ nghịch lý

Hiện tại chưa có hướng dẫn điều trị cụ thể cho chứng mất ngủ nghịch lý. Tuy nhiên, theo lý thuyết thì dạng mất ngủ này có thể điều trị bằng các phương pháp sau đây:

  • Dùng thuốc
  • Trị liệu tâm lý
  • Vệ sinh giấc ngủ

Các loại thuốc thường được dùng để điều trị mất ngủ gồm có thuốc bình thần và thuốc gây ngủ. Các loại thuốc này giúp đi vào giấc ngủ dễ hơn và ngủ sâu giấc hơn. Tuy nhiên, các loại thuốc này có thể gây lệ thuộc. Đó là một lý do tại sao không nên sử dụng thuốc ngủ trong thời gian dài.

Các loại thuốc trị mất ngủ phổ biến gồm có:

  • melatonin
  • eszopiclone
  • zaleplon
  • zolpidem
  • ramelteon
  • mirtazapin

Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) là một giải pháp hiệu quả để điều trị chứng mất ngủ thông thường nhưng cũng có thể được dùng cho chứng mất ngủ nghịch lý. Hiện chưa có nhiều nghiên cứu chứng minh hiệu quả của CBT đối với chứng mất ngủ nghịch lý nhưng liệu pháp này có thể giúp loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực về giấc ngủ.

Vệ sinh giấc ngủ cũng là một điều quan trọng để điều trị mất ngủ nghịch lý. Bạn cần thay đổi các thói quen vào buổi tối đang gây ảnh hưởng đến giấc ngủ và tạo các thói quen hỗ trợ giấc ngủ, ví dụ như thư giãn.

Tóm tắt bài viết

Mặc dù chưa được nghiên cứu nhiều nhưng mất ngủ nghịch lý cũng là một dạng rối loạn giấc ngủ, cũng gây mệt mỏi, buồn ngủ và ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng cũng như các hoạt động trong ngày giống như mất ngủ thông thường.

Chưa rõ nguyên nhân gây ra chứng mất ngủ nghịch lý nhưng tình trạng này có thể được điều trị bằng thuốc, liệu pháp nhận thức hành vi và tạo các thói quen có lợi cho giấc ngủ vào buổi tối.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây